ĐTC gửi sứ điệp đến Diễn đàn Paris vì Hoà bình lần thứ 4

  Trong sứ điệp gửi đến các tham dự viên tại Diễn đàn Paris vì Hoà bình lần thứ 4, từ ngày 11 đến 13/11, Đức Thánh Cha viết: “Không thể có sự hợp tác tạo ra hòa bình nếu không có cam kết chung cụ thể về việc giải trừ quân bị toàn diện”. Và ngài kêu gọi “hy vọng có trách nhiệm” để cải thiện thế giới và thoát khỏi đại dịch.

Đức Thánh Cha đề cập đến sự chọn lựa mà mọi người phải cùng quyết định. Hiện nay, “trở lại sự bình thường” là câu nói được nhắc đến nhiều và đó là khả năng chọn lựa đầu tiên, nhưng theo Đức Thánh Cha “trở lại bình thường” như trước có nghĩa gì khi thực tế trước đại dịch, sự giàu có và tăng trưởng kinh tế chỉ dành cho thiểu số trong khi hàng triệu người không có được những nhu cầu cơ bản nhất, không có một cuộc sống xứng nhân phẩm; rồi trước đại dịch nhân loại có một thế giới, trong đó Trái đất bị cướp phá do khai thác tài nguyên, ô nhiễm, do thái độ tiêu dùng “một lần rồi bỏ” và bị thương do chiến tranh và thử nghiệm vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Ngài đặt câu hỏi: “Trở lại bình thường cũng có nghĩa là quay trở lại cấu trúc xã hội cũ, lấy cảm hứng từ chủ nghĩa tự cung tự cấp, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa cá nhân và sự cô lập, và loại trừ anh chị em nghèo nhất của chúng ta. Đây có phải là một tương lai mà chúng ta có thể chọn lựa không?”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng trong một thế giới toàn cầu hóa nhưng đang rạn nứt này, những quyết định mà chúng ta thực hiện hôm nay để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng sẽ xác định “lộ trình” cho các thế hệ sau. Và để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn, chúng ta cần một lối thoát mới, phải làm việc cùng nhau.

Ngoài ra, không thể có hòa bình nếu không có cam kết chung cụ thể về việc giải trừ quân bị toàn diện. Các chính phủ biện minh cho việc tái vũ trang này bằng cách đề cập đến một ý tưởng răn đe bị lạm dụng dựa trên sự cân bằng của vũ khí. Nhưng ý tưởng răn đe, trên thực tế, trong nhiều trường hợp đã sai lầm, dẫn đến những thảm kịch nhân đạo lớn.

Theo Đức Thánh Cha đại dịch cho thấy những hạn chế và thiếu sót của xã hội và lối sống của chúng ta. Tuy nhiên, giữa thực tế mờ mịt này, chúng ta cần phải hy vọng. Ở điểm này, truyền thống Kitô giáo, đặc biệt học thuyết xã hội của Giáo hội, cũng như các truyền thống tôn giáo khác, có thể giúp mang lại hy vọng đáng tin cậy rằng bất công và bạo lực không phải là không thể tránh khỏi, không phải là số phận của chúng ta.

Đối mặt với một đại dịch đã “làm rung chuyển thế giới”, Đức Thánh Cha nói rằng lương tâm kêu gọi chúng ta đến một con đường hy vọng có trách nhiệm, và không trở lại với con đường thoải mái của “sự bình thường” được đánh dấu bởi sự bất công, nhưng phải chấp nhận thách đố của khủng hoảng như một cơ hội cụ thể để hoán cải, chuyển đổi, suy nghĩ lại về cách sống cũng như các hệ thống kinh tế và xã hội của chúng ta. Ngài viết “niềm hy vọng có trách nhiệm này giúp chúng ta từ chối cám dỗ của những giải pháp dễ dàng và cho chúng ta can đảm để tiến theo con đường công ích, quan tâm đến người nghèo và ngôi nhà chung của chúng ta”. (CSR_7375_2021)

Ngọc Yến – Vatican News