ĐTC Phanxicô gặp giới trẻ Papua New Guinea

Thứ Hai ngày 09/9/2024, ngày thứ tư trong chuyến tông du tại Papua New Guinea của Đức Thánh Cha. Sau khi dâng Thánh lễ riêng tại Toà Sứ thần và dùng điểm tâm, và chào tạm biệt nhân viên và ân nhân của Toà Sứ thần, vào lúc 9 giờ, Đức Thánh Cha đi xe đến sân vận động “Sir John Guise” để gặp gỡ khoảng 10.000 tín hữu, đa số là những người trẻ.
 

Vatican News

Buổi gặp gỡ của Đức Thánh Cha được đan xen bằng những điệu múa, những màn trình diễn kể lại vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước, lời chào mừng của Giám mục giáo phận Kimbe, đứng đầu Uỷ ban Giám mục về Giới trẻ, và chứng tá của hai bạn trẻ.

Lời chào mừng của Giám mục đặc trách về Giới trẻ

Sau bài nhảy múa của khoảng 20 bạn trẻ, trong trang phục truyền thống đầy màu sắc, Đức cha John Bosco Auram, Giám mục Kimbe, đặc trách về giới trẻ, có lời chào mừng Đức Thánh Cha. Đức cha nhắc lại rằng thách đố lớn nhất đối với giới trẻ Papua là “khám phá Chúa Kitô bên trong và giữa thực tế” khi họ phải đối diện với những thách thức sâu sắc, như “việc sống các giá trị Kitô giáo trong gia đình và xã hội, những cơ hội tăng trưởng và phát triển hạn chế, những thất vọng xuất phát từ những mong đợi không được đáp ứng từ phía xã hội, chính phủ và thậm chí cả Giáo hội”.

Vở diễn “Quần đảo hy vọng”

Buổi gặp gỡ trở nên sống động với màn trình diễn “Quần đảo hy vọng”, với sự góp mặt của bốn bạn trẻ của Papua New Guinea và quần đảo Solomon, cam kết xây dựng một tương lai “với những nụ cười hy vọng”. Những cam kết này đầu tiên bắt đầu từ gia đình, thứ hai từ việc bảo vệ môi trường, thứ ba coi trọng văn hóa địa phương và cuối cùng là hỗ trợ giáo dục. Ở phần cuối, người kể chuyện mời gọi tất cả nhớ rằng “những người trẻ không chỉ là những nhà lãnh đạo của ngày mai nhưng còn là những người tạo ra sự thay đổi của ngày hôm nay. Chúng tôi ủng hộ hành trình của họ và tôn vinh những đóng góp của họ cho thế giới của chúng ta”.

Các chứng từ

Chứng từ đầu tiên trước Đức Thánh Cha đến từ bạn trẻ Patricia Harricknen-Korpok, một thiếu nữ thuộc Hiệp hội các chuyên gia Công giáo. Cô nói về những khó khăn khi làm chứng cho đức tin và luân lý Công giáo trong một xã hội chịu ảnh hưởng tiêu cực “của các ngành thể thao và giải trí, truyền thông xã hội và công nghệ”, rất hấp dẫn và do sự cạnh tranh của nhiều giá trị tôn giáo và tín ngưỡng. Mặc dù vậy, Patricia đảm bảo rằng các chuyên gia trẻ của Papua New Guinea đang đấu tranh “vì công ích và vì hạnh phúc của người dân, đặc biệt vì những người không có tiếng nói hoặc sống bên lề xã hội”.

Chứng từ tiếp theo là Ryan Vulum. Người trẻ này nói về tuổi thơ khó khăn của anh trong một gia đình chia rẽ, và Giáo hội “trở thành nơi ẩn náu của tôi”. Việc gia đình chia rẽ hay kỳ vọng quá cao vào giới trẻ là khó khăn mà, theo Ryan, “đa số giới trẻ” ở quần đảo này đều trải qua. Người trẻ cảm thấy “rất khó giao tiếp với cha mẹ vì không ở cùng nhau hoặc xa nhau”, và nhiều người trong số họ “sử dụng chất độc hại, tham gia vào các hoạt động phi pháp và mất hy vọng vào cuộc sống”. Vì lý do này, anh mong muốn các gia đình Công giáo ở Papua New Guinea đón nhận và trung thành với bí tích hôn nhân, “để trở thành những gia đình bền chặt và để những người trẻ cảm thấy an toàn và có thể sống tốt hơn”. Ryan ước mong các thành viên của Giáo hội “tiếp tục chào đón những người trẻ với vòng tay rộng mở và mời họ chia sẻ ý tưởng và tham gia vào các quyết định của cộng đoàn Giáo hội địa phương”, để xây dựng một Giáo hội tốt đẹp hơn.

Chứng từ cuối cùng là của Bernadette Turmoni, con gái út trong gia đình có bốn người con, thành viên trẻ của Hội con Đức Mẹ. Cô kể về thảm kịch lạm dụng trong gia đình, hủy hoại cuộc sống của những thanh niên nam nữ. Cô tố cáo: “Những nạn nhân cảm thấy không được yêu thương và không được tôn trọng. Họ mất hy vọng và có thể tự tử hoặc rời bỏ gia đình mình”. Cô còn nói đến tình trạng nghèo đói đang gia tăng mặc dù Papua New Guinea rất giàu khoáng sản. Đây là một trong những nguyên nhân khiến “người trẻ không hoàn thành việc học hoặc theo đuổi ước mơ, mong muốn của mình”. Và điều này thúc đẩy họ “tìm cách kiếm tiền bằng cách bán ma túy, trộm cắp” hoặc ăn xin. Và cô cho biết để giải quyết vấn đề này, cô đã tìm câu trả lời trong Tông huấn Christus Vivit: “Thiên Chúa hằng sống và do đó chúng ta cũng sống”. Bernadette kết luận: “Là người trẻ, con sống cuộc sống của mình, bất chấp mọi khó khăn mà con phải đối diện. Con chẳng có gì cả: Chúa là tất cả”.

Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha

Trả lời các câu hỏi và những vấn đề của ba bạn trẻ đại diện của giới trẻ Papua New Guinea, đầu tiên Đức Thánh Cha nói: “Cha rất vui được trải qua những ngày qua ở đất nước các con, nơi biển, núi và rừng nhiệt đới cùng tồn tại. Nhưng trên hết là một đất nước trẻ có nhiều người trẻ sinh sống! Và tất cả chúng ta đều có thể chiêm ngưỡng khuôn mặt trẻ trung của đất nước, đặc biệt qua màn trình diễn tuyệt vời mà chúng ta vừa xem. Cám ơn vì niềm vui của các con, vì cách các con đã thuật lại vẻ đẹp của Papua ‘nơi đại dương gặp bầu trời, nơi những giấc mơ được sinh ra và những thách đố nảy sinh’. Và trên hết, cám ơn vì các con đã đặt trước tất cả chúng ta ước muốn đầy hy vọng: ‘đối diện tương lai với những nụ cười hy vọng!’”.

Đức Thánh Cha thú nhận rằng ngài không muốn rời khỏi đây mà không gặp các bạn trẻ, bởi vì họ là niềm hy vọng cho tương lai. Và ngài đặt câu hỏi: “Chúng ta xây dựng tương lai như thế nào? Chúng ta muốn mang lại ý nghĩa gì cho cuộc sống?”. Và ngài nói: “Cha muốn trả lời những câu hỏi này bằng cách bắt đầu với một tường thuật ở phần đầu Kinh Thánh, câu chuyện về Tháp Babel. Ở đó chúng ta thấy hai mô hình xung đột, hai cách sống và xây dựng xã hội đối lập: một dẫn đến sự lộn xộn và phân tán, mô hình kia dẫn đến sự hòa hợp của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và anh chị em. Một mặt là lộn xộn và mặt khác là sự hoà hợp. Điều này rất quan trọng”.

Ngài hỏi tiếp: “Các con chọn mô hình nào? Phân tán hay hòa hợp?”. Và giải thích, Kinh Thánh cho chúng ta biết, sau trận lụt, con cháu Nôê đã phân tán đến các hòn đảo khác nhau, mỗi người “có ngôn ngữ riêng, tuỳ theo gia đình của họ” (St 10, 5). Không loại bỏ sự khác biệt, Thiên Chúa đã ban cho họ một cách để giao tiếp với nhau và do đó tìm thấy sự hiệp nhất. Thật vậy, “mọi người đều nói một thứ tiếng và dùng những từ ngữ như nhau” (St 11,1). Điều này có nghĩa là Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng chúng ta để có mối quan hệ tốt với người khác. Các con hãy cẩn thận: Người không tạo dựng chúng ta để gây lộn xộn, nhưng để có một tương quan tốt. Và điều này rất quan trọng.  Và trước những khác biệt về ngôn ngữ gây chia rẽ, phân tán, chúng ta cần một ngôn ngữ duy nhất giúp chúng ta được hiệp nhất.

Đức Thánh Cha hỏi: “Ngôn ngữ nào thúc đẩy tình bạn, phá vỡ các bức tường chia rẽ và mở đường cho tất cả chúng ta bước vào vòng tay huynh đệ? Đó là ngôn ngữ gì?”.

Và ngài nói: “Ngôn ngữ tình yêu. Các con có xác tín điều này không? Và điều gì đối lập với tình yêu? Hận thù. Nhưng có một điều còn xấu hơn sự thù ghét: sự dửng dưng với người khác. Các con có hiểu hận thù và dửng dưng là gì không? Dửng dưng là một điều rất xấu vì các con bỏ mặc người khác trên đường, không quan tâm giúp đỡ người khác. Dửng dưng xuất phát từ tính ích kỷ. Các con, những người trẻ phải có một sự bồn chồn trong tâm hồn hướng về người khác, quan tâm, kết bạn. Và cha sẽ nói với các con về một sự quan tâm có vẻ hơi lạ, nhưng rất quan trọng. Đó là sự gần gũi với ông bà”.

Trở lại câu chuyện Kinh Thánh về gia đình Nôê, Đức Thánh Cha nhận xét,  mỗi người nói một ngôn ngữ khác nhau, thậm chí nhiều phương ngữ. Ở đây đây cũng vậy có nhiều ngôn ngữ. Nhưng cần có một ngôn ngữ chung đó là ngôn ngữ của trái tim! Ngôn ngữ của tình yêu! Ngôn ngữ của sự gần gũi! Và cả ngôn ngữ của sự phục vụ.

Đức Thánh Cha cám ơn các bạn trẻ vì sự hiện diện ở đây, và hy vọng tất cả họ nói ngôn ngữ sâu sắc nhất: tất cả đều sử dụng thuật ngữ “wantok” yêu thương.

Cuộc đối thoại được tiếp tục về chủ đề sai lầm. Ngài hỏi: “Một người trẻ có thể phạm sai lầm không?” Các bạn trẻ trả lời: có!. Và ngài hỏi tiếp: “Một người lớn có thể phạm sai lầm không?” Các bạn trẻ trả lời: có!. Và ngài tiếp tục: “Một ông già như cha có thể phạm sai lầm không?” Các bạn trẻ trả lời: có!. Đức Thánh Cha kết luận: “Tất cả chúng ta đều có thể phạm sai lầm. Nhưng điều quan trọng là nhận ra sai lầm. Điều này rất quan trọng. Chúng ta không phải là siêu nhân. Chúng ta có thể phạm sai lầm. Và điều này cũng cho chúng ta một sự chắc chắn: chúng ta phải luôn luôn sửa lỗi lầm. Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều có thể vấp ngã. Có một bài hát rất hay; Cha muốn các con biết bài hát này. Những người trẻ hát bài này khi leo lên dãy Alps, những ngọn núi. Bài hát như thế này: ‘Trong nghệ thuật leo núi, điều quan trọng không phải là không ngã, nhưng là không ở mãi trong tình trạng đó’”. Và ngài nhấn mạnh: “Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải là không vấp ngã, nhưng là không ở mãi trong tình trạng đó”.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các bạn trẻ kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và phép lành. Sau đó ngài còn nhắc lại với các bạn trẻ về tầm quan trọng của việc đứng lên khi vấp ngã, và việc giúp người khác đứng lên. Ngài cũng mời gọi mọi người nhớ đến những người đã tổ chức cho buổi gặp gỡ này.