Đức Thánh Cha nói rằng: “‘một hệ sinh thái của truyền thông’ thực sự cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Sự tàn phá đa dạng sinh học, việc gia tăng đáng sợ các thảm họa khí hậu, tác động của dịch bệnh mà trên hết đối với những người nghèo và yếu nhất, là những dấu hiệu nguy hiểm cần phải được phân tích và đào sâu. Chúng ta không thể phớt lờ được nữa”.
Do đó, Đức Thánh Cha khuyến khích các chuyên gia thông tin “giải thích và làm nổi bật các mối liên hệ giữa số phận con người và môi trường thiên nhiên”; đồng thời, “góp phần thúc đẩy trách nhiệm của công dân, các nhà lãnh đạo của các quốc gia, những người hướng dẫn các hoạt động xã hội, các doanh nhân và các nhân vật làm chủ nền kinh tế và tài chính, nhằm tạo nên cuộc hoán cải sinh thái một cách cấp bách và dứt khoát để sống còn”.
Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng “nền báo chí có chất lượng luôn tôn trọng phẩm giá của con người, khởi đi từ những người chịu nhiều đau khổ nhất”. Trong bối cảnh đại dịch, các chuyên gia truyền thông “cần nắm lấy cơ hội lớn để tìm kiếm lợi ích chung, dựa trên tình liên đới.” Ngược lại, “nếu chúng ta tiếp tục theo đuổi các giải pháp mang tính ích kỷ và chạy theo quyền lực, thì mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn”. Do đó, “chỉ cùng nhau, chúng ta mới có thể thực sự vươn lên từ thảm hoạ của hành tinh”. (CSR_7156_2020)