Nhiều nỗ lực tạo điều kiện cho Đức Giáo Hoàng thăm Triều Tiên đang được tiến hành
Sau khi Tổng thống Hàn Quốc Văn Tại Dần mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm bán đảo Triều Tiên vào tuần trước, một tổng giám mục nổi tiếng đã chỉ ra rằng Vatican đang nỗ lực thúc đẩy các điều kiện để Đức Giáo Hoàng có thể thăm quốc gia Á Châu này.
Đức Tổng Giám Mục Lagiarô Du Huỳnh Trị (유흥식, You Heung-sik), tổng trưởng Bộ Giáo sĩ Vatican và là người gốc Đại Điền (Daejeon, 대전시), Hàn Quốc, nói với các phóng viên rằng “cùng với chính phủ Hàn Quốc, Vatican cũng nỗ lực tạo điều kiện cho Đức Thánh Cha đến thăm Bắc Triều Tiên thông qua nhiều kênh khác nhau”.
Lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài sẵn sàng đến thăm nếu ngài nhận được lời mời chính thức từ Triều Tiên, Đức Tổng Giám Mục cho biết nhận xét của Đức Thánh Cha “nên được hiểu đúng như nó vốn có,” và ngài sẽ không nói rõ thêm về vấn đề này, “vì những suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng đã quá rõ”.
Ngài nói, một chuyến thăm phụ thuộc vào phản ứng của Triều Tiên và nhấn mạnh rằng khi nói đến quan hệ quốc tế, cả hai bên phải tôn trọng lẫn nhau theo cách tiếp cận “cho và nhận”.
Đức Tổng Giám Mục nói, Vatican có thể đóng vai trò trung gian đàm phán giữa hai miền nếu được yêu cầu, và lưu ý rằng Giáo Hội Công Giáo đã có dấu chân ở Triều Tiên thông qua các tổ chức như Cộng đồng Thánh Egidio chuyên về các hoạt động bác ái và xã hội, đồng thời cũng đang giúp đàm phán tiến trình hòa bình ở Nam Sudan.
Một phái đoàn từ Cộng đồng Thánh Egidio đã đến thăm Triều Tiên vào năm 2018 để thúc đẩy các hoạt động nhân đạo tại nước này, cung cấp thực phẩm, thuốc men và thiết bị y tế cho Bệnh viện Nhi Nguyên Sơn (Wonsan, 원산) cùng nhiều hoạt động khác. Họ cũng đã gặp gỡ các nhà chức trách cấp cao trong chuyến viếng thăm.
Lời mời đến thăm Triều Tiên được đưa ra trong cuộc gặp riêng vào ngày 29 tháng 10 giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và tổng thống Văn trong khi ông đang ở Rôma để tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20.
Nhân dịp đó, tổng thống Văn hỏi Đức Giáo Hoàng liệu ngài có cân nhắc việc thăm Triều Tiên để giúp thúc đẩy hòa bình giữa hai quốc gia hay không, và cho rằng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Bình Nhưỡng sẽ tạo động lực cho toàn bộ tiến trình hòa bình.
Đáp lại, Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã đến thăm Hàn Quốc vào năm 2014, cho biết ngài sẽ đi nếu nhận được lời mời từ chính quyền Triều Tiên.
Đây là lần thứ hai tổng thống Văn đề nghị Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Triều Tiên, quốc gia vẫn chưa nhận được chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng.
Người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Lý Vịnh Chu (Lee Jong Joo, 이종주) bày tỏ hy vọng với các nhà báo trong cuộc họp báo ngày 1 tháng 11 rằng Triều Tiên sẽ xem xét chuyến thăm, nói rằng, “chúng tôi hy vọng sẽ thấy Triều Tiên phản ứng và bảo đảm cơ hội này để thúc đẩy hòa bình trên Triều Tiên Bán đảo. “
“Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Triều Tiên có thể là một cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy hòa bình và hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên”, ông nói và nhận xét thêm rằng, “Nếu các cuộc thảo luận liên quan giữa Vatican và Triều Tiên có tiến triển, Bộ sẽ nỗ lực để bảo đảm rằng Chuyến thăm của giáo hoàng có thể là cơ hội để đạt được sự đồng thuận quốc tế và thực sự thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”.
Hôm thứ Ba, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, Phác Quý Mỹ (Park Kyung-mee, 박경미) nói với đài phát thanh KBS của Hàn Quốc rằng “nhiều nỗ lực khác nhau đang được tiến hành” để có thể thực hiện chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Triều Tiên, “nhưng rất khó để dự đoán thời gian.”
Trả lời câu hỏi về việc khi nào một chuyến đi có thể xảy ra, Cô Phác nói rằng nó có khả năng sẽ không xảy ra trong mùa đông – kéo dài từ khoảng cuối tháng 11 đến cuối tháng 2 – bởi vì “Đức Giáo Hoàng đến từ Á Căn Đình, một đất nước ấm áp, vì vậy tôi hiểu rằng rất khó cho ngài khi phải đi du lịch vào mùa đông”.
Yêu cầu về một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Văn đang tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế cho một tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-53, vốn kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, thay vì một hiệp ước hòa bình, có nghĩa là về mặt kỹ thuật, hai quốc gia vẫn còn đang trong tình trạng chiến tranh.
Tổng thống Văn chỉ còn sáu tháng tại vị nữa trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, tin rằng cần phải có một “tuyên bố chấm dứt chiến tranh” để thiết lập lòng tin, bắt đầu các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa và bảo đảm một thỏa thuận hòa bình lâu dài.
Tuy nhiên, những người chỉ trích đề xuất này đã lên tiếng lo ngại rằng một tuyên bố có thể làm suy yếu mối quan hệ Mỹ-Hàn và có khả năng làm suy yếu áp lực quốc tế đối với Triều Tiên về các chương trình vũ khí của nước này, với nhiều nhà quan sát lưu ý rằng cả hai miền Nam Bắc Triều Tiên trong quá khứ đã không tuân theo những điều thỏa thuận trước đó trong nỗ lực chấm dứt chiến tranh.
“Chuyến thăm Triều Tiên của Đức Giáo Hoàng, người không ngừng cầu nguyện cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, không phải là một sự kiện công cộng mà là một hành động cao cả theo đúng nghĩa của nó,” Cô Phác nói.
Đề cập đến đồn đoán rằng chính phủ đang tìm cách sử dụng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng để lôi kéo các nhà lãnh đạo Triều Tiên đến bàn thương thảo trong thượng đỉnh liên Triều bên lề Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vào tháng Hai, Cô Phác nói, “Chúng tôi muốn vấn đề phải được tách biệt, thay vì cứ gắn với tuyên bố kết thúc chiến tranh hoặc Thế vận hội Bắc Kinh”.
Khi ở Rome tham dự G20, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lý Vịnh Chủ đã gặp các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc và Vatican để thảo luận về các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.
Trong các cuộc họp – được tổ chức với Giám đốc Điều hành Cơ quan Lương thực Liên hợp quốc David Beasley và Đức Hồng Y Peter Turkson, tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện của Vatican –Tình hình lương thực của Triều Tiên đã được đánh giá, và các bên đã thảo luận về cách giải quyết các mối quan tâm nhân đạo tại miền Bắc
Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện cho biết cuộc họp này bao gồm cả những thảo luận về vai trò của Vatican trên cả mặt trận nhân đạo và tiến trình hòa bình.
Source:Crux: Efforts being made to create conditions for papal visit to N. Korea