Đức Giêsu Kitô – ĐƯỜNG TÌNH YÊU

MỤC VỤ GIỚI TRẺ

Chương trình mục vụ giới trẻ 2020-2022
Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su Ki-tô


Đức Giêsu Kitô – ĐƯỜNG TÌNH YÊU
Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 4 năm 2020

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Viên

Các bạn trẻ thân mến,

Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của Mùa Chay Thánh, đặc biệt là chuẩn bị bước vào Tam Nhật Vượt Qua, tưởng niệm việc Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể, sự đau khổ, sự chết và Phục Sinh của Người, đỉnh cao của Năm Phụng Vụ. Trong tháng Ba vừa qua, cùng nhau chúng ta suy niệm chủ đề ‘Đức Giê-su – Đường Thập Giá’. Tháng Tư này, chúng ta suy niệm chủ đề ‘Đức Giê-su – Đường Tình Yêu’. Người đã đi Đường Tình Yêu để đến với con người và muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo, hầu thông phần, biến đổi và dẫn đưa tất cả về với Thiên Chúa.

Tình yêu Thiên Chúa là khởi nguyên, là đỉnh cao và là trung tâm của đời sống con người. Trong thông điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người (Redemptor Hominis, 1979), thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nhấn mạnh: “Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người vẫn là hữu thể mà chính mình không thể hiểu được, cuộc sống con người vô nghĩa, nếu tình yêu không được biểu lộ, nếu con người không gặp gỡ tình yêu, nếu con người không kinh nghiệm tình yêu và làm cho tình yêu ở lại nơi mình, nếu con người không tham dự vào tình yêu cách mật thiết” (Redemptor Hominis 10). Tình yêu chính là mối dây liên kết con người với Thiên Chúa và với nhau. Do đó, giới răn cao cả nhất của Thiên Chúa là ‘giới răn tình yêu’, yêu Chúa và yêu người.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã chọn Dân Do Thái làm Dân Riêng và đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập (Đnl 7,6-11), nên hằng ngày họ lặp đi lặp lại Lời Thiên Chúa: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5). Người cũng nói với họ: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18). Điều này có nghĩa rằng ai yêu Chúa, thì cũng yêu người và ngược lại. Để có thể thực thi giới răn tình yêu, Thiên Chúa luôn mời gọi Dân Do-thái hãy đi theo đường lối của Người. Do đó, lịch sử tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Do-thái cũng là lịch sử của việc Thiên Chúa mời gọi họ đi theo đường lối của Người. Trong sách Đệ Nhị Luật, Mô-sê nói với Dân Do-thái: “Anh em hãy lo thực hành như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã truyền cho anh em, không đi trệch bên phải bên trái. Anh em hãy đi đúng con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã truyền cho anh em” (Đnl 5,32-33). Tác giả Thánh Vịnh 27 cầu cùng Thiên Chúa: “Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy Chúa, dẫn con đi trên lối phẳng phiu” (Tv 27,11).

Dưới nhãn quan Kinh Thánh Cựu Ước, Thiên Chúa không chỉ là Chủ của muôn vật muôn loài, mà còn là người Cha hằng quan tâm con cái mình: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3). Hơn thế nữa, chúng ta cũng gặp được hình ảnh Thiên Chúa như Người mẹ tận tình chăm sóc những đứa con thơ: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu vô điều kiện. Chúng ta có thể nhận ra ‘bóng dáng tình yêu vô điều’ kiện trong gia đình nhân loại. Chẳng hạn, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái: Cho dù con cái mình ngoan ngoãn hay ngỗ nghịch, lành lặn hay khiếm khuyết, giỏi giang hay kém cỏi, trung thành hay bất tín… cha mẹ luôn yêu thương. Tuy nhiên, tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người trong gia đình nhân loại còn lớn lao hơn thế nữa, lớn đến mức không ai có thể cảm nghiệm hết được.

Theo quan điểm thần học của Trường Phái Tư Tế, Thiên Chúa của Cựu Ước là Thiên Chúa vô hình, Người ‘tiếp cận’ Dân Do-thái qua ‘cột mây’, ‘cột lửa’, hay qua trung gian các ngôn sứ và những vị lãnh đạo của Dân. Người cũng không cho họ biết Tên của Người. Sách Xuất Hành tường thuật: “Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao? Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: Ta là Đấng Hiện Hữu” [có nghĩa rằng Ta là Ta] (Xh 3,13-14). Trong Tân Ước, “Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,2). Người là Đức Giê-su Ki-tô. Trong Bữa Tiệc Ly, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, thánh Tô-ma hỏi Đức Giê-su “thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?“. Đức Giê-su trả lời: ‘Thầy là Đường’ (Ga 14,6). Đức Giê-su là Thiên Chúa. Tuy nhiên, Người không trả lời như trong Cựu Ước ‘Thầy là Thầy’, mà là ‘Thầy là Đường’. Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su minh chứng rằng Người là Đường, và Đường đó chính là Đường Tình Yêu.

Mặc khải Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta biết rằng từ đời đời, Đức Giê-su là Thiên Chúa, nên một với Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa (Ga 1,1). Trong môi trường không gian, thời gian, Đức Giê-su chính là tình yêu Thiên Chúa nhập thể. Nhờ Người, tình yêu Thiên Chúa không còn là điều gì trừu tượng nữa, mà ‘có hình’, ‘có dạng’, mang thân xác loài người và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14). Nhờ Người, ‘Thiên Chúa vô thủy vô chung, phép tắc vô cùng, thông minh vô cùng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi’ trở thành Đấng mà con người có thể gặp gỡ, đụng chạm và đi vào mối tương giao thân mật (1 Ga 1,1). Nhờ Người, tình yêu cứu độ được thực hiện, Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3,16). Nhờ Người, tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ cách rõ nét và viên mãn.

Lịch sử nhân loại cho chúng ta biết không ai, không vị sáng lập tôn giáo hay tư tưởng gia lỗi lạc nào khẳng định mình là đường cho tất cả mọi người. Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm nhờ người khác chỉ đường để tới chỗ này chỗ kia. Không những thế, có những người còn nhiệt tình dẫn chúng ta tới nơi chúng ta muốn đến nữa. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa người chỉ đường hay người dẫn đường với chính con đường. Còn Đức Giê-su, Người không những là người chỉ đường hay người dẫn đường, mà Người là Đường. Như vậy, Đường là một Nhân Vị, là Ngôi Hai, Con Thiên Chúa làm người ở giữa gia đình nhân loại.

Đường Tình Yêu của Đức Giê-su in dấu trên mặt địa cầu, nơi mảnh đất Pa-lét-tin và những vùng phụ cận. Trong hành trình dương thế, Đức Giê-su đã đến với tất cả mọi người, chứ không chỉ những người Do-thái. Tuổi thơ ấu, Người đã đến Ai Cập vì sự truy lùng của vua Hê-rô-đê (Mt 2,13-14). Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Người đã gặp gỡ những người thuộc dân ngoại, chẳng hạn như Người gặp gỡ những người ở Sa-ma-ri, những người ở thành Tia và thành Xi-đon hay miền Thập Tỉnh. Các dấu lạ Người thực hiện, như chữa bệnh, trừ quỉ không chỉ dành riêng cho người Do-thái thuộc dân tộc, máu mủ của Người, mà cho tất cả mọi người. Trong khi đó, sự quan tâm của những người lãnh đạo tôn giáo hay dân sự Do-thái chỉ dành riêng cho người cùng chủng tộc mà thôi. Điều đó nói lên rằng chương trình của Đức Giê-su là chương trình hoàn vũ.

Chúng ta có thể nhận thức rằng Đức Giê-su, Đường Tình Yêu, là Đường của Thiên Chúa, Đường của con người, và là Đường nối kết giữa Thiên Chúa và con người. Nhờ Đường Tình Yêu cùng với Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa tạo dựng con người và muôn vật muôn loài. Nhờ Đường Tình Yêu cùng với Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa cứu độ con người và muôn vật muôn loài. Nhờ Đường Tình Yêu cùng với Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa thánh hóa con người và muôn vật muôn loài. Như vậy, Đường Tình Yêu của Đức Giê-su là Đường nối kết giữa Đấng Sáng Tạo với thế giới thụ tạo, giữa Đấng thánh thiện và con người tội lỗi, giữa Đấng toàn năng và con người yếu đuối, giữa Đấng hằng sống và con người hay chết.

Toàn bộ Cựu Ước quy về giới răn yêu thương, với rất nhiều chi tiết quy định để hành động. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Đức Giê-su gọi đây là ‘giới răn mới’. Điểm đặc biệt của ‘giới răn mới’ không phải là ‘yêu’ theo nghĩa của Cựu Ước, không chú trọng đến những gì phải làm theo quy định của Lề Luật (what) chú tâm đến cách thế yêu (how), đó là ‘yêu như Đức Giê-su đã yêu’. Cũng trong bối cảnh đó, Đức Giê-su giải thích thêm, “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,13-14). Đức Giê-su yêu các môn đệ như thế đó, yêu đến nỗi gọi các môn đệ là bạn và chết vì họ. Ở đây, chúng ta thấy được khoảng cách lớn lao giữa ‘yêu người khác như chính mình’ của Cựu Ước và ‘yêu như Đức Giê-su đã yêu’ của Tân Ước (Lv 19,18; Ga 15,13-14).

Đường Tình Yêu của Đức Giê-su được diễn tả cách đặc biệt trong Biến Cố Vượt Qua (Passio/Passion), tức là sự đau khổ, sự chết và sự sống lại của Người. Chúng ta có thể khẳng định rằng Biến Cố Vượt Qua chính là biến cố trong đó Đường Tình Yêu của Đức Giê-su đạt đỉnh điểm. Khi đau khổ của Người đến tận cùng, cũng là khi tình yêu của Người trở nên trọn vẹn. Nhờ tình yêu đó, Đức Giê-su đã giải thoát tất cả mọi người khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Do đó, Biến Cố Vượt Qua mãi mãi là Biến Cố cao trọng nhất trong mặc khải của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người trong gia đình nhân loại, từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế.

Tình yêu Đức Giê-su (cũng là tình yêu Thiên Chúa) rất mạnh, mạnh đến nỗi thế giới thụ tạo được dựng nên. Tình yêu Đức Giê-su rất mạnh, mạnh đến nỗi tha thứ mọi tội lỗi cho con người. Tình yêu Đức Giê-su rất mạnh, mạnh đến nỗi con người được thánh hóa và trở thành con Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì tham dự thân phận con người, Đức Giê-su trở nên yếu đuối. Người trở nên yếu đuối đến nỗi ai cũng có thể từ chối Người. Người trở nên yếu đuối đến nỗi ai cũng có thể nhạo báng, nhục mạ Người. Người trở nên yếu đuối đến nỗi bị các môn đệ, kẻ thì từ chối Người, kẻ thì bán Người, kẻ khác thì bỏ chạy khi Người lâm nguy. Người trở nên yếu đuối đến nỗi chịu chết, chết trên cây thập tự. Đường Tình Yêu của Đức Giê-su thật là Đường nghịch lý (1 Cr 1,22-25). Nhờ Đường nghịch lý đó, bản tính yếu đuối của con người được biến đổi, tội lỗi của con người được xóa bỏ và sự chết của con người bị tiêu diệt. Như vậy, Đường nghịch lý nhất lại trở thành Đường hữu lý nhất, bởi vì, nhờ Đường này, con người và muôn vật muôn loài được biến đổi và kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa Tình Yêu.

Là Ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi theo Đức Giê-su, Đường Tình Yêu. Chúng ta được mời gọi theo các dấu chân Người trong hành trình trần thế. Người xuống sông Gio-đan để chịu Phép Rửa bởi Gio-an Tẩy Giả. Người tới sa mạc vùng Giu-đê-a để chịu cám dỗ 40 đêm ngày. Người rảo bước khắp miền Pa-lét-tin và các vùng phụ cận để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Người đến với những người nghèo khó để an ủi họ. Người tới nhiều vùng đất thuộc dân ngoại để thông truyền chân lý của Thiên Chúa. Sau cùng, Người vác thập giá tới đồi Can-vê, và từ đây người không thể tiến bước nữa, vì Người đã bị đóng đinh vào thập giá. Tuy nhiên, sau khi sống lại và trong Chúa Thánh Thần, Đường Tình Yêu của Đức Giê-su vươn rộng đến tận cùng trái đất nhờ sự cộng tác trung tín của các môn đệ Người.

Trong hành trình rao giảng, Đức Giê-su dùng nhiều dụ ngôn để diễn tả Đường Tình Yêu của Người. Chẳng hạn, dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành cho chúng ta biết ai là người đi Đường Tình Yêu, ai là người đi ‘đường duy truyền thống’, ‘đường duy tập quán’, ‘đường lãnh đạm’ (Lc 10,29-37). Trớ trêu thay, người Sa-ma-ri, người ngoại giáo lại đi Đường Tình Yêu, còn thầy tư tế, thầy Lê-vi là những người có ‘Đạo’, những người ở trong ‘truyền thống tình yêu Thiên Chúa’ lại không đi Đường Tình Yêu; những người nhân danh Luật Tình Yêu giữ rất ngặt các quy định về luật ô uế của Đền Thờ lại bỏ qua việc thể hiện tình yêu đối với tha nhân sắp chết nằm bên vệ đường. Điều đó cho chúng ta nhận thức rằng, những ai đi Đường Tình Yêu không cần quan tâm lắm đến tước hiệu, tên gọi hay bất cứ hình thức phân chia nào mang tính văn hóa, truyền thống, xã hội. Điều quan trọng đối với những người đi Đường Tình Yêu là nồng độ tình yêu mình diễn tả qua các tương quan trong cuộc sống hằng ngày.

Hôm nay, Đức Giê-su vẫn đang nói với mỗi người chúng ta: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9,23-25). Trong tương quan với những người khác, Đức Giê-su mời gọi chúng ta: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44). Còn thánh Gio-an, người môn đệ Chúa yêu, thì khẳng định: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).

Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta nhận thức rằng con người ham sống sợ chết, ham khen sợ chê, ham khỏe sợ mệt, ham sướng sợ khổ, ham giàu sợ nghèo, ham vui sợ buồn. Đức Giê-su đã đi ngược đường của ‘con cháu A-đam và E-và’. Đường Tình Yêu của Đức Giê-su là Đường hẹp. Người nói: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14). Trái lại, ma quỉ, thế gian, xác thịt luôn mời gọi chúng ta đi đường rộng và thưởng thức những gì dễ dãi, đỡ tốn công, không vất vả. Đức Giê-su luôn mời gọi chúng ta hãy đi đường chật và qua cửa hẹp trong hành trình trần thế. Người môn đệ Đức Giê-su là người biết hy sinh, biết quên mình, biết từ bỏ. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta thấy rằng những gì chúng ta có được nhờ hy sinh, quên mình, từ bỏ, thì quí giá và đáng trân trọng hơn những gì chúng ta có được mà không cần phải nỗ lực, không cần cố gắng, không đổ mồ hôi.

Đức Giê-su mời gọi chúng ta đi Đường Tình Yêu của Người. Tuy nhiên, chúng ta thường thay Đường Tình Yêu của Đức Giê-su bằng đường của chúng ta. Đây không phải là câu chuyện cá biệt, mà là câu chuyện phổ biến trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Chẳng hạn, trong cuộc Xuất Hành về Đất Hứa, có lúc Dân Do-thái không còn thờ phượng Thiên Chúa, Đấng dẫn họ ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, lại thờ bò vàng do mình làm nên (Xh 32,1-6). Trong Tân Ước, khi Đức Giê-su loan báo Người lên Giê-ru-sa-lem chịu đau khổ và chịu chết thì Phê-rô đã can ngăn Người (Mt 16,21-23). Hôm nay cũng vậy, chúng ta thường cầu nguyện cho ý chúng ta được thể hiện hơn là ý Thiên Chúa được thể hiện. Chúng ta than trách A-đam và E-và, chúng ta than trách Dân Do-thái trong Cựu Ước, chúng ta than trách những người Pha-ri-sêu, kinh sư, luật sĩ Do-thái khi đối xử bất công với Đức Giê-su. Thế nhưng, nhiều người trong chúng ta cũng đang đi theo đường của mình với các hình thức khác tinh vi hơn.

Chúng ta không thể đi Đường Tình Yêu, nếu chúng ta không thành tâm học hỏi, suy niệm giáo huấn Đức Giê-su và cộng tác với Thiên Chúa trong việc biến đổi bản thân mình. Các môn đệ Đức Giê-su, trong hành trình theo Người, đã chứng kiến nhiều điềm thiêng, dấu lạ Đức Giê-su thực hiện, nhưng họ cũng luôn tối tăm, yếu đuối và lầm lạc như bao người khác. Họ theo Đức Giê-su với hy vọng Người sẽ nâng cấp thân phận mình so với những người khác trong xã hội Do-thái, cũng như làm cho dân tộc mình được nở mặt nở mày so với các dân tộc khác trên trần gian này. Tuy nhiên, với Biến Cố Vượt Qua của Đức Giê-su, họ hoàn toàn biến đổi, họ hiểu được bản chất của Đường Tình Yêu và trung thành đi Đường Tình Yêu cho đến hơi thở cuối cùng. Chúng ta cần học Đường Tình Yêu suốt đời, với hy vọng rằng nhờ ơn Thiên Chúa trợ lực, chúng ta mới có thể theo Đường Tình Yêu đến cùng.

Đức Giê-su không bắt buộc ai cũng phải đi Đường của Người. Tuy nhiên, Người luôn mời gọi tất cả mọi người ‘hãy đến mà xem’ (Ga 1,39). Thánh Mát-thêu trình thuật: “Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? Đức Giê-su trả lời: Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,2-5). Người luôn kiên nhẫn chờ đợi mọi người đến gặp gỡ, để có thể hoán cải và biến đổi cuộc sống mình. Những dụ ngôn trong Tân Ước cho phép chúng ta hiểu điều đó, chẳng hạn như dụ ngôn lúa và cỏ lùng, cả hai cùng tồn tại cho đến mùa gặt (Mt 13,24-30) hay khi thánh Gio-an nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta. Đức Giê-su bảo: Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,38-40). Điều này dẫn chúng ta tới nhận thức rằng Đường Tình Yêu của Đức Giê-su không phải là ‘Đường loại trừ’ (the exclusive Way), mà là ‘Đường bao gồm’ (the inclusive Way), bao gồm tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.

Với bản tính và khả năng mình, không ai trong gia đình nhân loại có thể đến với Thiên Chúa. Đó là lý do giải thích tại sao Thiên Chúa đã gửi Con Yêu Dấu của Người là Đức Giê-su đến trần gian để con người ‘tập làm quen với Người’ và đi Đường Tình Yêu của Người mà đến với anh chị em mình, đến với thế giới thụ tạo và đến với Thiên Chúa. Đức Giê-su cho chúng ta biết Người là Đường Duy Nhất: “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Các môn đệ của Đức Giê-su, qua thời gian được ở với Người, được thấm nhập những tư tưởng và hành vi của Người, nhờ đó các ngài đã nhận ra Người là Đường Tình Yêu, Đường Sự Thật và là Đường Duy Nhất. Các ngài đã trở nên những mẫu gương xán lạn cho tất cả chúng ta. Thánh Phao-lô cũng đã nhận ra những sai lầm của mình trong giai đoạn trước khi gặp Đức Giê-su Phục Sinh tại Đa-mát. Từ đó, thánh nhân đã hy sinh tất cả để theo Người: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,7-9). Hơn thế nữa, thánh nhân đã trở nên khí cụ hữu hiệu của Đức Giê-su, trong hành trình trần thế và minh chứng cho Người bằng cái chết của mình.

Chúng ta tin tưởng rằng khi tất cả mọi người trong gia đình nhân loại cùng đi Đường Tình Yêu, cũng là khi bóng tối ma quỉ, thế gian, xác thịt sẽ bị đẩy lui. Khi tất cả mọi người trong gia đình nhân loại cùng đi Đường Tình Yêu, cũng là khi hận thù không có chỗ đứng, chiến tranh không còn leo thang, hòa bình, công lý được thiết lập. Khi tất cả mọi người trong gia đình nhân loại cùng đi Đường Tình Yêu, cũng là khi không có vực thẳm nào mà con người không thể bắc cầu, không có núi cao nào mà con người không thể san bằng, không có khoảng cách nào mà con người không thể vượt qua. Khi tất cả mọi người trong gia đình nhân loại cùng đi Đường Tình Yêu, cũng là khi mọi người được bình an và ngày càng sống xứng đáng hơn với phẩm giá của mình là con cái của Thiên Chúa Tình Yêu Vĩnh Cửu.

Nguồn: Truyền thông HĐGMVN