Vào lúc gần 5 giờ chiều thứ Hai, 13/9/2021, Đức Thánh Cha đã đến Quảng trường Rybné námestie (Quảng trường Cá) ở thủ đô Bratislava để gặp gỡ cộng đoàn Do Thái Slovakia.
Quảng trường Cá
Quảng trường nằm ở trung tâm thành phố cổ, gần nhà thờ Chính toà thánh Martino. Trước đây tại đây có hội đường Do Thái Neolog, được xây dựng năm 1893, nhưng bị chính quyền cộng sản tàn phá vào năm 1969, cùng với toàn bộ khu Do Thái, để xây dựng Cầu Mới. Hiện nay tại Quảng trường có Đài Tưởng niệm cuộc Diệt chủng, được xem nơi tưởng niệm công cộng, nơi tưởng niệm cuộc diệt chủng 105 ngàn người Do Thái ở Slovakia bị giết, và cũng là nơi ghi nhớ hội đường Neolog.
Vào năm 1940, tại Bratislava có hơn 15 ngàn người Do Thái sinh sống, nhưng chỉ còn khoảng 3.500 người sống sót sau cuộc Diệt chủng. Sau chiến tranh Thế giới thứ hai, phần lớn di sản kiến trúc của người Do Thái bị tàn phá, còn người Do Thái thì lại gặp phải sự dửng dưng và thù địch. Chỉ sau khi chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1989, đời sống của người Do Thái tại Slovakia mới tái sinh và ngày nay cộng đồng Do Thái này rất tích cực thúc đẩy các hoạt động tôn giáo, văn hóa, giáo dục và xã hội.
Khi đến quảng trường, Đức Thánh Cha được Giáo sư Richard Duda, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương của các cộng đoàn Do Thái ở Slovakia, đón tiếp.
Diễn văn của ông Chủ tịch Uỷ ban Trung ương của các cộng đoàn Do Thái
Cuộc gặp gỡ bắt đầu với diễn văn ngắn của ông Duda. Ông nói rằng đối với cộng đoàn Do Thái ở Slovakia, “ngày hôm nay là một bước ngoặt, một giây phút lịch sử, bởi vì những bước chân của Đức Giáo hoàng đã đưa ngài đến nơi tưởng nhớ sự sống bị cướp mất của hàng ngàn thành viên của cộng đoàn. Chúng tôi cảm kích cử chỉ này”. Ông kêu gọi: “Không được quên những kinh hoàng của quá khứ để đừng bao giờ lặp lại chúng”. Ông hy vọng nơi này sẽ chuyển trao sứ điệp về sự cộng tác giữa Kitô hữu và người Do Thái.
Ông chia sẻ về tình yêu kéo dài hơn 30 năm giữa vợ chồng ông: một người Do Thái và một Kitô hữu. Ông nói: “Mối quan hệ của chúng tôi là một vũ trụ nhỏ được điều chỉnh bởi sự kính trọng và hiểu biết lẫn nhau. Tôi tin rằng các mối quan hệ gia đình hòa hợp có khả năng đảm bảo sự ổn định trong xã hội trên toàn thế giới. Trong các xã hội, các nhóm tôn giáo hoặc sắc tộc sẽ chỉ là cơ hội để làm phong phú cho nhau và chung sống hòa bình.
Chứng từ của một nạn nhân của cuộc Diệt chủng
Tiếp đến, giáo sư Lang, một nạn nhân sống sót của cuộc diệt chủng Do Thái, đã trình bày chứng từ của mình. Ông cho biết mình sống sót nhờ những người đã can đảm không đầu hàng sự ác, liều nguy hiểm che dấu ông và những người Do Thái khác.
Ông sinh năm 1942. Khi ông được 3 tháng, cha ông được đưa ra mặt trận phía đông và mất tích từ đó. 50 năm sau, qua văn khố ông mới biết cha mình chết tại Ucraina. Năm 1944, mẹ ông bị đưa đi khỏi Budapest; sau đó ông được biết bà đã chết trong một cuộc hành quân của quân Đức. Khi ông bị bệnh và được đưa đến bệnh viện, để bảo vệ mạng sống cho những người Do Thái, các y tá đã ghi trên cửa khoa bệnh tên các bệnh nhân bệnh truyền nhiễm, để quân lính không vào. Trong những năm này ông dành thời gian nghiên cứu lịch sử cuộc diệt chủng để quá khứ không còn lặp lại. Ông cảm ơn Đức Thánh Cha về các hoạt động quảng đại, sự đóng góp của cá nhân ngài và việc loan báo về tình nhân loại, huynh đệ và bao dung.
Chứng từ của một nữ tu về sự giúp đỡ người Do Thái
Trong phần trình bày chứng từ, một nữ tu dòng Ursuline cũng đã cho thấy các nữ tu, cảm nhận được sự thánh thiêng của mỗi sự sống con người, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, đã có cơ hội làm điều gì đó để cứu sự sống của người Do Thái. Các nữ tu đã chăm sóc những trẻ em người Do Thái trong cuộc diệt chủng. Sơ kể về hai phụ nữ Do Thái, từng là học sinh trong trường của dòng Ursuline ở Bratislava. Họ đã được các nữ tu che dấu cùng với các thiếu nữ Do Thái khác. Toà Sứ thần hiện nay từng là nơi các nữ tu che dấu các trẻ em Do Thái và gia đình các em. Những điều này đã diễn ra cách nay 80 năm.
Ngày nay sơ vui mừng vì sự cộng tác giữa Kitô hữu và người Do Thái thuộc mọi tầng lớp ở Slovakia. Đặc biệt là các dự án về giáo dục, thông qua các giáo viên của các trường của dòng, tìm cách nâng cao nhận thức của thế hệ hiện tại về gia sản văn hoá Do Thái ở Slovakia. Các dự án cũng nhắm chuyển trao cho người trẻ một đức tin sống động vào Thiên Chúa, được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày bằng tình yêu tha nhân. Sơ nói: “Những người đã sống ở đây trước chúng ta làm chứng rằng tình yêu này là có thể”.
Diễn văn của Đức Thánh Cha
Nơi hiệp nhất của Ki-tô giáo và Do Thái giáo
Trong bài diễn văn ngỏ lời với cộng đoàn Do Thái, Đức Thánh Cha nói rằng “như một người hành hương, tôi đến để thăm viếng nơi này và để được nó đánh động”. Ngài nhận xét rằng một hội đường Do Thái bên cạnh Nhà thờ chính toà ở Quảng trường này là “một biểu hiện của sự chung sống hòa bình của hai cộng đồng, một biểu tượng hiếm có và có sức khơi dậy, và một dấu hiệu nổi bật của sự hiệp nhất nhân danh Thiên Chúa của các tổ phụ của chúng ta”.
Danh Thiên Chúa bị sỉ nhục vì sự ngu xuẩn điên cuồng
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha than phiền, “Danh Thiên Chúa đã bị sỉ nhục: trong cơn giận dữ điên cuồng, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hơn một trăm ngàn người Do Thái Slovakia đã bị giết. Trong nỗ lực xóa bỏ mọi dấu vết của cộng đồng, hội đường Do Thái đã bị tàn phá”. Nhắc lại lời Kinh Thánh: “Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi một cách bất xứng” (Xh 20, 7), Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Danh Thiên Chúa, Đức Chúa, bị phỉ báng bất cứ khi nào phẩm giá độc đáo và đặc biệt của con người, được tạo ra theo hình ảnh của Chúa, bị xúc phạm. Ở đây, tại nơi này, Danh của Thiên Chúa đã bị sỉ nhục, bởi vì hình thức phạm thượng tồi tệ nhất chính là lợi dụng nó cho mục đích riêng của chúng ta, từ chối tôn trọng và yêu thương người khác. Ở đây, khi suy tư về lịch sử của dân tộc Do Thái được đánh dấu bằng sự thảm thương và không thể diễn tả được này, chúng ta xấu hổ thừa nhận rằng biết bao lần Danh cao cả của Đấng Tối Cao đã được sử dụng cho những hành vi phi nhân tính khôn lường! Biết bao nhiêu kẻ áp bức đã nói: ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta’; nhưng chính họ không ở với Thiên Chúa!”.
Hiệp nhất lên án bạo lực
Đức Thánh Cha khích lệ: “Bây giờ là lúc mà hình ảnh của Thiên Chúa rực sáng nơi con người không còn bị che lấp nữa. Chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau trong nỗ lực này. Vì trong thời đại của chúng ta cũng có rất nhiều thần tượng trống rỗng và giả dối làm ô danh Danh của Đấng Tối Cao. Đó là các thần tượng của quyền lực và tiền bạc, những thứ được đặt cao hơn phẩm giá con người; của thái độ thờ ơ ngoảnh mặt đi; và của các hình thức thao túng lợi dụng tôn giáo để phục vụ quyền lực hoặc biến nó thành điều không quan trọng. Tôi nhắc lại: chúng ta hãy hiệp nhất lên án mọi bạo lực và mọi hình thức bài Do Thái, và hiệp nhất làm việc để đảm bảo rằng hình ảnh của Thiên Chúa, hiện diện nơi con người mà Người đã tạo dựng, sẽ không bao giờ bị xúc phạm”.
Giáo huấn trong bộ Talmud của Do Thái giáo
Trong bài diễn văn Đức Thánh Cha cũng cho biết ngài có những kỷ niệm của ngài về cuộc gặp gỡ với đại diện của các cộng đồng Do Thái và Kitô giáo ở Roma vào năm 2017. Ngài chia sẻ: “Tôi vui mừng rằng sau đó một Ủy ban đối thoại với Giáo hội Công giáo đã được thành lập và anh chị em đã cùng nhau xuất bản một số tài liệu quan trọng. Thật tốt khi chia sẻ và quảng bá những điều gắn kết chúng ta. Và thật tốt khi tiến bước, trong sự thật và sự trung thực, theo con đường huynh đệ của việc thanh tẩy ký ức, để chữa lành những vết thương trong quá khứ và ghi nhớ những gì tốt đẹp đã nhận và đã trao tặng. Theo Talmud, bất cứ ai tiêu diệt một cá nhân thì hủy diệt cả thế giới, trong khi bất cứ ai cứu một cá nhân sẽ cứu cả thế giới. Mọi cá nhân đều quan trọng và những gì anh chị em đang làm thông qua các chia sẻ quan trọng của mình đều rất quan trọng. Tôi cảm ơn anh chị em đã mở những cánh cửa ở cả hai phía.
Nhắc lại lời Thiên Chúa phán cùng Tổ phụ Ápraham: “Nhờ ngươi mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12, 3), Đức Thánh Cha cầu chúc rằng người Do Thái tại Slovakia tiếp tục nuôi dưỡng ơn gọi, lời kêu gọi trở thành dấu hiệu của phúc lành cho tất cả các gia đình trên trái đất. Đức Thánh Cha nói: “Phúc lành của Đấng Tối Cao được tuôn đổ trên chúng ta, bất cứ khi nào Người thấy một gia đình các anh chị em tôn trọng, yêu thương nhau và cùng nhau làm việc. Cầu xin Đấng Toàn năng chúc lành cho anh chị em, để giữa tất cả những bất hòa đang làm ô nhiễm thế giới của chúng ta, anh chị em luôn luôn có thể cùng nhau là chứng nhân của hòa bình. Shalom! Chúc anh chị em bình an!”.
Đốt nến và cầu nguyện chung
Buổi gặp gỡ kết thúc với việc thắp sáng một số ngọn nến để tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc Diệt chủng và lời nguyện Kaddish, một trong những lời cầu nguyện cổ nhất của người Do Thái được xướng lên.
Sau đó, Đức Thánh Cha đã tặng một đĩa sứ vẽ hình thánh Phê-rô cho cộng đồng Do Thái và chào hai người đã trình bày chứng từ.
Kết thúc cuộc gặp gỡ tại Quảng trường Rybné námestie, Đức Thánh Cha đi xe về Toà Sứ thần cách đó 4km để có cuộc gặp riêng, trước tiên với Chủ tịch Quốc hội, Boris Kollár, và sau đó với Thủ tướng Eduard Heger.