Đức Thánh Cha kêu gọi các quốc gia phát triển có trách nhiệm “nợ sinh thái”

Tham dự Hội nghị COP 29 của Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, tại ở Baku, Azerbaijan, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, đọc sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi tới sự kiện, trong đó nhắc lại lời kêu gọi cho Năm Thánh 2025: các quốc gia giàu có xoá nợ cho các quốc gia sẽ không bao giờ có khả năng trả nợ được. Bởi vì, hơn cả vấn đề quảng đại, đây là vấn đề của công lý, đó là “nợ sinh thái” của các quốc gia phát triển.
 

Vatican News

Đức Thánh Cha nhận xét, COP 29 diễn ra trong bối cảnh xu hướng xây các bức tường giữa các quốc gia ngày càng tăng. Kinh tế thế giới phát triển không làm sự bất bình đẳng giảm, ngược lại tạo ưu tiên lợi nhuận và góp phần làm xấu đi các vấn đề môi trường.

Đức Thánh Cha nói: “Để đảo ngược xu hướng này và tạo ra một nền văn hóa tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, cần phải hiểu rằng những hậu quả có hại của lối sống ảnh hưởng đến tất cả mọi người và cùng nhau định hình tương lai, để đảm bảo rằng các giải pháp được đề xuất từ góc độ toàn cầu, chứ không chỉ đơn thuần là bảo vệ lợi ích của một số ít quốc gia”.

Theo ngài, cần nỗ lực tìm ra những giải pháp không làm suy yếu thêm sự phát triển và khả năng thích ứng của nhiều quốc gia đang phải chịu gánh nặng của nợ kinh tế. Khi thảo luận về tài chính khí hậu, điều quan trọng cần nhớ là nợ sinh thái và nợ nước ngoài là hai mặt của một đồng tiền, thế chấp tương lai.

Trong cái nhìn này, Đức Thánh Cha nhắc lại lời kêu gọi cho Năm Thánh 2025: các quốc gia giàu có xoá nợ cho các quốc gia sẽ không bao giờ có khả năng trả nợ được. Bởi vì, hơn cả vấn đề quảng đại, đây là vấn đề của công lý, đó là “nợ sinh thái” của các quốc gia phát triển.

Đức Thánh Cha kêu gọi các nguyên thủ quốc gia cùng nhau làm việc để đảm bảo rằng COP 29 củng cố ý chí chính trị để hướng các nguồn nhân lực và công nghệ cho công ích. Hy vọng vào khả năng luôn có một lối thoát, luôn có hướng để giải quyết các vấn đề.

Về phần Giáo hội Công giáo, Đức Thánh Cha nhắc lại Toà Thánh luôn hỗ trợ các nỗ lực trong lĩnh vực giáo dục sinh thái toàn diện, và trong việc nâng cao nhận thức về môi trường như là một vấn đề của con người và xã hội ở nhiều cấp độ. Điều này đòi hỏi trước hết sự cam kết rõ ràng, trong đó trách nhiệm, việc tiếp thu kiến thức và sự tham gia của mỗi người là cơ bản.

Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh trách nhiệm của mọi người, không thể dửng dưng, vì dửng dưng là đồng loã với bất công. Phải luôn đặt ra câu hỏi “Tôi có thể làm gì cho môi trường? Tôi có thể đóng góp gì?”. Ngày nay không còn thời gian cho sự dửng dưng nữa. Đây là thách đố của thế kỷ chúng ta.