Sáng thứ Tư, 13/5/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến trực tuyến thứ mười, từ thư viện Giáo hoàng trong dinh Tông tòa. Như thường lệ, không có tín hữu tham dự, ngoài tám linh mục thuộc Phủ Quốc vụ khanh đảm nhận việc thông dịch bài huấn giáo và những lời chào của Đức Thánh cha ra các sinh ngữ chính, hai giám chức phụ giúp ngài, cũng như một vài nhân viên kỹ thuật thu hình.
Tuy có sự giảm bớt tại một số nơi, nhưng nói chung đại dịch Covid-19 tiếp tục lan tràn trên thế giới. Trong một tuần qua, có thêm 614.000 người bị nhiễm coronavirus và hiện có 4 triệu 342.000 bệnh nhân. Có thêm 44.600 người thiệt mạng, nâng tổng số nạn nhân lên gần 293.000, tính đến chiều ngày 12/5 vừa qua.
Trong phần tôn vinh Lời Chúa mở đầu, tám linh mục thông dịch đã lần lượt đọc đoạn thánh vịnh thứ 63 (2,5-9):
Lạy Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa con thờ,
ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.
Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện,
để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.
Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống,
miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.
Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng,
và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Trong phần huấn dụ tiếp đó, Đức Thánh cha trình bày bài giáo lý thứ hai về sự cầu nguyện. Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, chúng ta thực hiện bước tiến thứ hai trong hành trình giáo lý về sự cầu nguyện, bắt đầu hồi tuần trước.
Kinh nguyện thuộc về tất cả mọi người: những người thuộc mỗi tôn giáo và có lẽ, cả những người không tuyên xưng tôn giáo nào. Kinh nguyện nảy sinh từ thâm tâm chúng ta, tại nơi sâu thẳm mà các tác giả tu đức gọi là “con tim”, hay tâm hồn (Xc SGLCG 2562-2563). Vì thế, cầu nguyện nơi chúng ta, không phải là cái gì ở ngoài lề, không phải là khả năng phụ thuộc và bên lề của chúng ta, nhưng là mầu nhiệm sâu thẳm nhất của chính chúng ta. Những cảm xúc lúc cầu nguyện, nhưng ta không thể nói rằng cầu nguyện chỉ là cảm xúc. Trí tuệ cầu nguyện, nhưng cầu nguyện không phải chỉ là một hành vi của trí tuệ. Thân xác cầu nguyện, nhưng ta có thể nói với Thiên Chúa cả trong tình trạng tàn tật nặng nhất. Vì thế, trọn con người cầu nguyện, nếu ta cầu nguyện bằng “con tim” của mình.
Cầu nguyện là gì?
“Cầu nguyện là một đà tiến, một sự kêu cầu đi xa hơn chính chúng ta: là cái gì nảy sinh từ thẳm sâu con người chúng ta và lan tỏa, vì ta cảm thấy nhớ nhung một cuộc gặp gỡ. Cầu nguyện là tiếng nói của một “cái tôi” lảo đảo, chập chững bước đi, tìm kiếm một nhân vật ở ngôi thứ hai, mà ta ngỏ lời.
Cầu nguyện của Kitô hữu nảy sinh từ một mạc khải: nhân vật ở ngôi thứ hai ấy không tiếp tục bị bao phủ trong mầu nhiệm, nhưng đi vào trong tương quan với chúng ta. Kitô giáo là tôn giáo liên tục cử hành sự biểu hiện của Thiên Chúa, sự hiển dương của Ngài. Những lễ đầu tiên của năm phụng vụ là sự cử hành, vì Thiên Chúa không ẩn nấp đối với chúng ta, nhưng Ngài trao tặng cho con người tình bạn. Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Ngài trong cảnh nghèo ở Bethlehem, trong sự chiêm ngắn của các đạo sĩ, trong phép rửa ở sông Giordan, trong phép lạ tiệc cưới Cana. Tin mừng theo thánh Gioan kết thúc Lời tựa như một thánh ca tuyệt vời với lời quả quyết cô đọng: “Thiên Chúa Đấng mà không có ai thấy: chính Con duy nhất của Ngài ở nơi cung lòng Chúa Cha, đã biểu lộ Người cho chúng ta” (1,18)/.
Cầu nguyện là đi vào tương quan với Thiên Chúa
Kinh nguyện của Kitô hữu đi vào trong tương quan với Thiên Chúa, Đấng có tôn nhan rất dịu dàng, không muốn gây sợ hãi cho loài người. Đây là đặc tính đầu tiên của kinh nguyện Kitô giáo. Nếu con người, từ muôn thủa vẫn quen đến gần Thiên Chúa trong thái độ có phần sợ hãi, kinh khiếp vì mầu nhiệm có sức thu hút và kinh khủng, họ quen tôn kính Thiên Chúa trong thái độ của người nô lệ, giống như một thần dân không muốn coi thường chúa công của mình, thì trái lại, các tín hữu Kitô ngỏ lời với Thiên Chúa, dám gọi Ngài một cách tin tưởng là “Cha”.
Kitô giáo đã loại trừ khỏi liên hệ với Thiên Chúa mọi thứ tương quan “chư hầu”. Trong gia sản đức tin của chúng ta không có những kiểu nói như “khuất phục”, “nô lệ”, “chư hầu”; nhưng có những từ như “giao ước”, “tình bạn”, “hiệp thông”. Trong lời từ biệt dài với các môn đệ, Chúa Giêsu nói: “Các con không còn là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biệt việc chủ làm, nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe từ Cha, Thầy cũng tỏ cho chúng con biết”. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con và định liệu để các con ra đi và mang lại hoa trái và hoa trái của các con tồn tại; vì tất cả những gì các con xin với Cha nhân danh Thầy, Ngài sẽ ban cho các con” (Ga 15,15-16).
Cầu xin trong tinh thần tín thác
Thiên Chúa là người bạn, là đồng minh, là hôn phu. Trong kinh nguyện, chúng ta có thể thiết lập một tương quan tín nhiệm với Chúa, đến độ trong kinh “Lạy Cha”, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta thân thưa với Ngài một loạt những lời xin. Chúng ta có thể xin Thiên Chúa mọi sự, giải thích mọi sự, kể lại mọi sự. Bất luận trong tương quan với Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy thiếu sót thế nào: chúng ta không phải là những người bạn tốt, không phải là những người con hiếu thảo biết ơn, không phải là những người phối ngẫu trung thành. Chúa tiếp tục yêu thương chúng ta. Và đó là điều Chúa Giêsu chứng tỏ chung kết trong Bữa tiệc ly, khi Ngài nói: “Chén này là giao ước mới trong máu Thầy, đổ ra vì các con” (Lc 22,20). Trong cử chỉ ấy, Chúa Giêsu diễn trước mầu nhiệm thánh giá trong nhà tiệc ly. Thiên Chúa là đồng minh trung tín: nếu con người ngưng yêu mến, thì Chúa vẫn tiếp tục yêu thương, cho dù tình thương ấy dẫn Ngài đến Canvê”.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Tất cả chúng ta hãy thử cầu nguyện như thế, đi vào mầu nhiệm giao ước. Đặt mình trong kinh nguyện giữa vòng tay thương xót của Thiên Chúa, cảm thấy mình được bao phủ bằng mầu nhiệm hạnh phúc và cuộc sống của Chúa Ba Ngôi, cảm thấy mình như những người được mời, không đáng được bao nhiêu vinh dự như thế. Và lập lại với Thiên Chúa, trong sự kinh ngạc của lời cầu: Chúa chỉ biết tình thương sao? Đó là cốt tủy sinh động của mọi kinh nguyện Kitô giáo.”
Chào thăm các tín hữu
Sau bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha, qua các sinh ngữ khác nhau.
Đặc biệt trong lời chào các tín hữu bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: “Hôm nay, chúng ta cử hành lễ kính nhớ Đức Mẹ Fatima. Chúng ta hãy nghĩ đến các cuộc hiện ra và sứ điệp của Đức Mẹ được thông truyền cho thế giới, cũng như nhớ lại cuộc mưu sát thánh Gioan Phaolô II. Thánh nhân coi sự kiện sở dĩ ngài được cứu thoát, đó chính là nhờ sự can thiện từ mẫu của Đức Mẹ. Trong kinh nguyện, chúng ta hãy cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của khiết tâm Đức Mẹ Maria, ban an bình cho thế giới, cho đại dịch chấm dứt, cầu xin tinh thần thống hối và ơn hoán cải cho chúng ta.”
Đức Thánh cha cũng thông báo sáng thứ Hai, 18/5 ngài sẽ cử hành thánh lễ trực tuyến lúc 7 giờ sáng, cạnh mộ thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng và sẽ được truyền đi qua hệ thống Mondovisione. Ngài nói: “Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta vị thánh Giám mục giáo phận Roma này và cầu xin thánh nhân giúp đỡ chúng ta: xin cho Giáo hội tại Roma đây hoán cải và tiếp tục tiến bước”.
Khi chào các tín hữu bằng tiếng Arập, Đức Thánh cha khuyến khích tất cả các tín hữu ngày 14/5/2020 này, hiệp ý cầu nguyện với tín đồ các tôn giáo, như anh chị em với nhau, để cầu xin Chúa cứu vớt nhân loại khỏi đại dịch, và soi sáng cho các nhà khoa học tìm được các phương dược chữa lành các bệnh nhân. Đề nghị cùng cầu nguyện một ngày theo ý hướng trên đây, đã được Ủy ban cấp cao về tình huynh đệ nhân loại đề xướng và cũng được Đức Thánh cha cùng với nhiều vị lãnh đạo Công giáo ủng hộ.
Sau cùng, khi chào các tín hữu bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha cũng nói rằng: “Trong ngày kỷ niệm cuộc hiện ra đầu tiên với các mục đồng ở Fatima, tôi mời gọi anh chị em hãy cầu khẩn Đức Trinh Nữ Maria; xin Mẹ làm cho mỗi người được kiên trì trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.”
“Tôi đặc biệt nghĩ đến các bạn trẻ, người già, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Anh chị em hãy kiên trì cầu xin ơn phù trợ của Đức Mẹ; nơi Mẹ, chúng ta tìm được một người mẹ ân cần và dịu dàng, nơi nương náu an toàn trong mọi nghịch cảnh. Tôi ban phép lành cho tất cả anh chị em!”
Buổi tiếp kiến trực tuyến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh cha cho mọi người.
Đài Chân Lý Á Châu