Sáng thứ Tư, 20/1/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến chung trực tuyến từ thư viện trong dinh Giáo hoàng, lúc 9 giờ 15 phút. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ hai trong năm 2021 này. Như thường lệ, tại thư viện, ngoài Đức Thánh cha chỉ có hai giám chức thuộc Phủ Giáo hoàng, là Đức ông Sapienza người Ý, Rodrigo Ewart người Argentina, và tám linh mục thông dịch cùng một vài nhân viên thu hình.
Tôn vinh Lời Chúa
Mở đầu, mọi người đã nghe đọc đoạn Tin mừng theo thánh Gioan (17,1.0.20-21) bằng năm thứ tiếng, ghi lại lời nguyện của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc ly: “… Lạy Cha, con cầu nguyện [..] cho những người Cha đã ban cho con, vì họ thuộc về Cha […]. Con không những cầu nguyện cho họ, nhưng cho cả những người sẽ tin nơi con nhờ lời của họ: để tất cả họ được nên một; như Cha ở trong con và con ở trong Cha, cả họ cũng ở trong chúng ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai con”.
Bài huấn dụ
Trong phần huấn dụ tiếp đó, nhân tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, Đức Thánh cha đã tạm gác loạt bài giáo lý về sự cầu nguyện để trình bày về đề tài tuần hiệp nhất.
Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Di chúc tinh thần của Chúa Giêsu
“Trong bài giáo lý hôm nay, tôi nói về việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Thực vậy, tuần lễ từ ngày 18 đến 25/1 được đặc biệt dành cho việc khẩn cầu Thiên Chúa ban hồng ân hiệp nhất để vượt thắng gương xấu chia rẽ giữa các tín hữu của Chúa Giêsu. Trong bữa Tiệc ly, Chúa đã cầu nguyện cho các môn đệ, “xin cho chúng được nên một” (Ga 17,21). Đó là kinh nguyện của Ngài trước cuộc Khổ nạn, chúng ta có thể nói đó là di chúc tinh thần của Chúa. Nhưng chúng ta nhận thấy rằng Chúa không truyền các tín hữu phải hiệp nhất. Ngài cũng chẳng trình bày cho họ một diễn văn để nêu lý do đòi hỏi hiệp nhất như thế. Không phải vậy, Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha cho chúng ta, để chúng ta được nên một. Điều này có nghĩa là không phải chỉ cần sức riêng của chúng ta để thực hiện sự hiệp nhất. Hiệp nhất trước tiên là một hồng ân, một ân sủng cần phải cầu xin với kinh nguyện.”
Nhu cầu hiệp nhất
Đức Thánh cha giải thích rằng: “Mỗi người trong chúng ta đều cần sự hiệp nhất. Thực vậy, chúng ta nhận thấy chúng ta không có khả năng bảo tồn sự hiệp nhất, ngay cả trong chúng ta. Cả thánh Phaolô tông đồ cũng cảm thấy trong nội tâm xu hướng về sự ác (xc. Rm 7,19). Thánh nhân nhận thấy rằng căn cội của bao nhiêu chia rẽ quanh chúng ta – giữa con người với nhau, trong gia đình, ngoài xã hội, giữa các dân tộc và cả giữa các tín hữu – căn cội ấy ở trong nội tâm chúng ta. Công đồng chung Vatican II khẳng định rằng: “Những sự thiếu quân bình mà thế giới đang chịu có liên hệ tới sự thiếu quân bình sâu xa trong tâm hồn con người. Chính vì nó ở trong nội tâm con người mà nhiều yếu tố giao tranh với nhau […]. Vì thế, con người đau khổ trong nội tâm vì chia rẽ, từ đó nảy sinh bao nhiêu những bất hòa trầm trọng trong xã hội” (GS 10). Do đó, giải pháp cho những chia rẽ không phải là chống đối nhau, vì sự bất hòa sinh ra bất thuận. Phương dược đích thực bắt đầu bằng sự cầu xin Chúa ban ơn an bình, hòa giải, hiệp nhất.
Nhu cầu hiệp nhất của Kitô hữu
“Điều này có giá trị trước tiên đối với các tín hữu Kitô: ta chỉ có thể đạt tới hiệp nhất như thành quả của sự cầu nguyện. Những nỗ lực ngoại giao và đối thoại về phương diện trí thức không đủ. Chúa Giêsu biết điều đó và Ngài đã mở cho chúng ta con đường, qua việc cầu nguyện. Vì vậy, việc chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất là một sự tham gia khiêm tốn nhưng tín thác vào kinh nguyện của Chúa, Đấng đã hứa rằng mỗi kinh nguyện được làm nhân danh Ngài thì sẽ được Chúa Cha lắng nghe (xc. Ga 15,7). Về điểm này, chúng ta có thể tự hỏi: “Tôi cầu nguyện cho sự hiệp nhất sao?” Đó là thánh ý của Chúa Giêsu, nhưng nếu chúng ta điểm qua những ý nguyện mà chúng ta cầu, có lẽ chúng ta sẽ nhận thấy rằng chúng ta ít cầu nguyện hoặc không bao giờ cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Vậy mà niềm tin trên thế giới tùy thuộc sự hiệp nhất của các tín hữu Kitô; thực vậy Chúa đã yêu cầu chúng ta hiệp nhất “để thế gian tin” (Ga 17,21). Thế giới sẽ không tin vì chúng ta thuyết phục thế giới bằng những lý luận tốt, trái lại nếu chúng ta làm chứng về tình yêu liên kết chúng ta thì tình yêu ấy sẽ làm cho chúng ta gần gũi tất cả mọi người.
Kinh nguyện thời đại dịch
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Trong thời kỳ khó khăn trầm trọng hiện nay càng cần cầu nguyện cho sự hiệp nhất, vượt thắng những xung đột. Cần cấp thiết vượt qua những thái độ cục bộ để thăng tiến công ích, và vì thế, điều rất quan trọng là gương lành của chúng ta: điều thiết yếu là các tín hữu Kitô tiếp tục hành trình tiến về sự hiệp nhất trọn vẹn, hữu hình. Trong những thập niên gần đây, nhờ ơn Chúa, đã có nhiều tiến bộ, nhưng cần phải kiên trì trong tình yêu và trong kinh nguyện, không mất tin tưởng và không mệt mỏi. Đó là con đường mà Chúa Thánh Linh khơi lên và từ đó chúng ta không trở lại đàng sau.
Chiến đấu cho hiệp nhất, chống chia rẽ
Cầu nguyện có nghĩa là chiến đấu cho sự hiệp nhất. Đúng vậy, đó là chiến đấu, vì kẻ thù của chúng ta là ma quỉ, như chính ý nghĩa của từ này, nó là tên chia rẽ. Hắn gieo rắc chia rẽ ở mọi nơi và bằng mọi cách, trong khi Chúa Thánh Linh luôn liên kết trong sự hiệp nhất. Ma quỉ, nói chung, không cám dỗ chúng ta về thần học cao siêu, nhưng về những yếu đuối của các anh chị em. Hắn tinh quái: nó phóng đại những sai lầm và khuyết điểm của người khác, gieo rắc bất thuận, tạo nên sự phê bình và bè phái. Con đường của Thiên Chúa thì khác: Ngài đón nhận như thực tại của chúng ta, khác biệt nhau, là những người tội lỗi, và thúc đẩy chúng ta hiệp nhất. Chúng ta có thể kiểm chứng nơi chính mình và tự hỏi xem, tại những nơi chúng ta sống, phải chăng chúng ta nuôi dưỡng sự xung đột hoặc chiến đấu để làm gia tăng sự hiệp nhất bằng những phương thế mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, là cầu nguyện và yêu thương? Hay chúng ta nuôi dưỡng xung đột bằng những lời nói hành nói xấu người khác. Nói xấu người khác là khí giới mà ma quỉ dùng để chia rẽ cộng đoàn Kitô, chia rẽ gia đình, bạn hữu. Chúa Thánh Linh luôn soi sáng cho chúng ta sự hiệp nhất.
Đề tài tuần hiệp nhất
Đề tài tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất năm nay nói về tình thương yêu: “Các con hãy ở lại trong tình thương của Thầy: các con sẽ sinh nhiều hoa trái” (xc. Ga 15,5-9). Căn cội của hiệp thông là tình yêu Chúa Kitô, Đấng làm cho chúng ta vượt lên trên những thành kiến để nhìn tha nhân như một người anh em, chị em, cần luôn luôn yêu mến. Khi ấy, chúng ta sẽ khám phá thấy rằng các Kitô hữu, thuộc các hệ phái khác, với những truyền thống, lịch sử của họ, là những hồng ân của Chúa, những hồng ân hiện diện trong các lãnh thổ, các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ. Chúng ta hãy bắt đầu cầu nguyện cho họ, và khi có thể, cầu nguyện với họ. Như thế, chúng ta sẽ học cách yêu thương và quí chuộng họ. Công đồng Vatican II nhắc nhở rằng kinh nguyện là linh hồn của mọi phong trào đại kết (xc. UR 8). Ước gì đó là điểm khởi hành để giúp Chúa Giêsu thực hiện giấc mơ của Ngài là: Ước gì tất cả chúng được nên một”.
Chào thăm các tín hữu
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ chính.
Đặc biệt, bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Anh chị em thân mến, trong tuần đại kết này, tôi muốn nhắc nhở anh chị em lời mà thánh Gioan Phaolô II đã nói trong cuộc viếng thăm Ba Lan, năm 1997: “Cầu nguyện để tìm lại sự hiệp nhất hoàn toàn là một nghĩa vụ đặc biệt của chúng ta. Nghĩa vụ phải nồng nhiệt hướng đến sự tái lập tình hiệp nhất mà Chúa Kitô đã muốn, và cần cầu nguyện cho sự hiệp nhất như thế: Thực vậy, hiệp nhất là một hồng ân của Ba Ngôi Chí Thánh” (Wroclaw, 31.5.1997). Tôi cũng mời gọi anh chị em: hãy cầu nguyện, và ước gì kinh nguyện chung là một sự gợi hứng cho anh chị em trong việc đào sâu tình huynh đệ với nhau.”
Bằng tiếng Ý, nhân dịp Hiệp ước quốc tế cấm võ khí hạt nhân bắt đầu có hiệu lực, từ ngày 22/1/2021 này, Đức Thánh cha kêu gọi mọi người tạo điều kiện để thế giới không còn võ khí hạt nhân.
Và ngài nói thêm rằng: “Tôi nhắn nhủ các tín hữu nói tiếng Ý hãy luôn theo Chúa Kitô với lòng khiêm tốn và ngoan ngoãn để làm chứng nhân cho sự thật và tình bác ái.
“Sau cùng, như mọi khi, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Trong tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu này, tôi mời gọi anh chị em hãy đảm trách vấn đề đó, cầu nguyện để tất cả các tín hữu Kitô đón nhận lời mời của Chúa hiệp nhất đức tin trong một Giáo hội duy nhất, do Chúa thành lập.”
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.