Gia đình trong ánh sáng của chương 1-3 sách Sáng Thế

GIA ĐÌNH TRONG ÁNH SÁNG CỦA CHƯƠNG 1-3 SÁCH SÁNG THẾ

Lm. Inhaxiô Hồ Thông

WHĐ (24.10.2020) – Mới đọc thoáng qua ba chương đầu của sách Sáng Thế, chúng ta dễ dàng nhận ra hai bản văn khác nhau. Sự khác nhau này đập vào mắt chúng ta trước hết là danh xưng thần linh: trong bản văn St 1,1–2.4a, danh xưng thần linh là “Êlôhim” (Thiên Chúa), còn trong bản văn St 2,4b–3.24, danh xưng thần linh là “Giavê” (Đức Chúa); thứ nữa, bản văn thứ nhất thuộc thể loại văn xuôi có vần có điệu, cân đối nhịp nhàng; còn bản văn thứ hai thuộc thể loại thuật chuyện rất sinh động. Điều đó cho thấy có hai nguồn tư liệu khác nhau, một thuộc truyền thống tư tế vì bận lòng đến phụng tự, và một khác thuộc truyền thống Giavít do danh xưng thần linh là Giavê.

Tuy nhiên, người đọc nhận ra một trình tự thống nhất giữa hai bản văn này. Bản văn thứ nhất bắt đầu với St 1,1:“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất”, qua thành ngữ “trời đất” cho thấy Thiên Chúa sáng tạo toàn thể vũ trụ, trong đó con người có nam có nữ là tuyệt đỉnh công trình sáng tạo của Người. Bản văn thứ hai bắt đầu với St 2,4b:“Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất với trời”, qua kiểu nói: “đất và trời” cho thấy Đức Chúa thực hiện công trình sáng tạo của Người nơi mặt đất trong đó đôi vợ chồng đầu tiên là tuyệt đỉnh công trình của Người. Bản văn thứ hai không dừng lại ở đây, nhưng tiếp tục kể cho chúng ta chuyện tích về sự sa ngã của đôi vợ chồng đầu tiên mà hậu quả là làm tổn hại đến tình nghĩa mật thiết của đôi vợ chồng đầu tiên, cũng như làm rạn nứt mối quan hệ thân cận với Đấng Tạo Hóa của mình (ch. 3). Sự kiện nhà biên soạn sau cùng hiệp nhất hai bản văn khác nhau này vào với nhau để tạo thành một câu chuyện thống nhất mà không tìm cách tẩy xóa những dị biệt giữa chúng, ảnh hưởng đến cách đọc chúng và cách giải thích chúng trong toàn bộ câu chuyện.

Nếu đọc cách chăm chú, người đọc dễ dàng nhận dạng nhà biên soạn sau cùng này qua cách thức ông sử dụng mười “biểu thức gia phả” (“Đây là tô-lơ-đốt của X”) để kết nối hai truyền thống khác nhau này thành một câu chuyện mạch lạc, chạy xuyên suốt từ đầu cho đến cuối sách Sáng Thế: mười biểu thức gia phả được phân phối rất cân đối, trong đó năm biểu thức gia phả đầu tiên (St 2,4; 5,1; 6,9; 10,1; 11,10) hình thành nên chuyện dài nhiều tập về nguồn gốc nhân loại (St 1,1–11.26) và năm biểu thức gia phả còn lại (St 11,27; 25,12; 25,19; 36,1; 37,2) hình thành nên chuyện dài nhiều tập về nguồn gốc dân Ít-ra-en qua các tổ phụ (St 11,27–50;36).

Trong phần trình bày này, để dễ nắm bắt tư tưởng rất phong phú của tác giả, chúng ta chia ba chương đầu tiên của sách Sáng Thế thành ba phần:

1. Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ theo hình ảnh của Người (St 1,1–2;4a).

2. Thiên Chúa xây dựng gia đình cho người nam và người nữ đầu tiên (St 2, 4b–25)

3. Tấn thảm kịch đôi vợ chồng đầu tiên đã gây ra cho nhân loại (ch. 3)

I. “THIÊN CHÚA TẠO DỰNG CON NGƯỜI CÓ NAM CÓ NỮ THEO HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI” (St 1,1–2.4a)

Chúng ta nhận ra bản văn này là một đơn vị văn chương do thể loại đóng khung của nó, bắt đầu với St 1,1:“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” và kết thúc với St 2,4a:“Đó là gốc tích trời đất khi được tạo dựng”. Bản văn này được cấu trúc như sau: trước hết, dẫn nhập (St 1,1–2); tiếp đó, Thiên Chúa thực hiện công trình sáng tạo trong sáu ngày (St 1,3–31); và sau cùng, ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi (St 2,1–4a).

A. DẪN NHẬP (St 1,1–2)

Trong câu đầu tiên: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1), động từ “bara’” (sáng tạo) được dùng để diễn tả hành động của Thiên Chúa khi Người làm ra mọi sự từ hư vô (ex nihilo: x. 2Mcb 7,28), và diễn ngữ:“lúc khởi đầu” đi liền với động từ này nhằm diễn tả khởi điểm của thời gian, thời điểm khởi sự công trình sáng tạo. Nói cách khác, ngoại trừ một mình Thiên Chúa vô thủy vô chung, muôn loài thụ tạo đều có khởi thủy, đều bắt đầu hiện hữu vào một thời điểm nhất định.

Khi Thiên Chúa khởi sự công trình sáng tạo của mình, mặt đất vẫn còn trong tình trạng hỗn mang vô định, trống rỗng, vô hình dạng, tối tăm bao trùm vực thẳm, vào lúc đó “Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” để ban sự sống cho toàn thể vũ trụ. Trong Kinh Thánh, Thần khí Thiên Chúa là “sinh khí” hay là “hơi thở” của Thiên Chúa tác sinh con người (St 6,3) và muôn vật như Tv 104 công bố:

“Sinh khí của Ngài, Ngài gởi tới,
là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104,30).

Trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, Thần khí Thiên Chúa cùng với Lời Thiên Chúa (“Thiên Chúa phán”) làm thành quyền năng sáng tạo.

B. CÔNG TRÌNH SÁNG TẠO TRONG SÁU NGÀY (St 1,3–31)

Công trình sáng tạo của Thiên Chúa được trình bày trong sáu ngày, trong đó Thiên Chúa thực hiện tám công việc được phân phối rất cân đối: bốn công việc cho ba ngày đầu, mỗi ngày mỗi công việc, riêng ngày thứ ba có đến hai công việc: đất và biển; và bốn công việc còn lại cho ba ngày sau, mỗi ngày mỗi công việc, riêng ngày thứ sáu đối xứng với ngày thứ ba, có đến hai công việc: muôn thú và con người.

a. Ba ngày đầu, Thiên Chúa phân rẽ (St 1,3–13)

Ba ngày đầu, Thiên Chúa thực hiện công trình phân rẽ để tạo nên những khu vực riêng biệt:

– Ngày thứ nhất, Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng khỏi bóng tối để phân định “ngày và đêm” (St 1,3–5). Theo quan niệm người xưa, “ánh sáng” là một thực thể riêng biệt, chứ không do mặt trời phát ra. Ánh sáng cần cho sự sống và mọi sinh hoạt. Thiên Chúa muốn làm việc thì cũng cần có ánh sáng, vì thế tiên vàn phải tạo nên ánh sáng. Ngoài ra, ánh sáng còn biểu dương vinh quang hiển lộ của Thiên Chúa. Khi tạo dựng là lúc Thiên Chúa bộc lộ ra bên ngoài vinh quang nội tại của bản tính Người.

– Ngày thứ hai, Thiên Chúa phân rẽ nước phía trên khỏi nước phía dưới bằng một bầu trời (1, 6–8). Theo quan niệm bình dân thời xưa, bầu trời là cái vung khổng lồ úp trên mặt đất để chia nước làm hai: một phần ở phía trên bầu trời (tạo ra mưa) và một phần ở phía dưới bầu trời (tạo ra biển, sông, hồ…)

– Ngày thứ ba, Thiên Chúa phân rẽ đất khỏi biển (St 1,9–10) và cho thảo mộc phát sinh từ đất và sống trên đất (St 1,11–13). Người Do Thái quan niệm thảo mộc không có sự sống vì không có hơi thở và tự nhiên từ đất mọc lên.

b. Ba ngày sau, Thiên Chúa trang trí (St 1,14–25)

Ba ngày sau (St 1,14–25), Thiên Chúa thực hiện công trình trang trí cho ba khu vực bằng cách sáng tạo những vật chuyển động.

– Ngày thứ tư liên quan đến ngày thứ nhất: trên bầu trời, Thiên Chúa làm nên hai vầng sáng: “một vầng sáng lớn hơn” “một vầng sáng nhỏ hơn”, cùng các tinh tú (St 1,14–19). Tác giả không nêu tên “hai vầng sáng”, có lẽ để tránh không gọi tên Mặt Trời và Mặt Trăng là tên hai vị thần được dân ngoại Cận Đông thời xưa thờ kính. Ở đây, tác giả ngầm phê phán lối thờ ngẫu tượng của các dân tộc chung quanh. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, ngoài Người ra không có vị thần minh nào khác. Mặt trời, mặt trăng và các tinh tú chỉ là các loài thụ tạo mà Thiên Chúa làm ra và treo trên bầu trời như những ngọn đèn có bổn phận phục vụ con người: soi sáng và ấn định ngày tháng năm cùng các đại lễ.

– Ngày thứ năm liên quan đến ngày thứ hai: Thiên Chúa sáng tạo chim trời bay lượn trên nước và cá biển bơi lội dưới nước (St 1,20–23).

– Ngày thứ sáu liên quan đến ngày thứ ba: trên mặt đất Thiên Chúa làm ra muôn thú (gia súc, loài bò sát, dã thú (1,24–25) và con người (St 1,26–31).

c. Con người là tuyệt đỉnh của công trình sáng tạo (St 1,26–31)

Dù công trình tạo dựng con người được đặt vào ngày thứ sáu cùng với muôn thú trên mặt đất, tuy nhiên khác với các công trình tạo dựng khác do bởi hình thức và nội dung. Về hình thức, mỗi công trình tạo dựng đều tuân theo một lược đồ đều đặn gồm năm điểm:

1) Biểu thức dẫn nhập: “Thiên Chúa phán”.

2) Thiên Chúa truyền lệnh: “Phải có…”.

3) Lệnh truyền được thực hiện: “Và có…”, “Và đã xảy ra như vậy”.

4) Thiên Chúa thẩm định: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”.

5) Biểu thức kết luận: “Qua một buổi chiều và một buổi sáng; ấy là ngày X”.

Tuy nhiên, công trình tạo dựng con người không tuân theo cùng một lược đồ như thế, nhưng được diễn tả bằng hai câu 26 và 27 để bày tỏ sự cao trọng của con người trên mọi loại thụ tạo.

Về nội dung, trước khi sáng tạo con người,“Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26). Trong câu này, chúng ta lưu ý rằng trước hết từ Ađam có mạo từ (ha’adam), vì thế đây không là tên riêng của một người mà là một danh từ tập hợp để chỉ chung “con người”, thế nên động từ Hípri “làm bá chủ” ở số nhiều; thứ nữa, danh xưng ở ngôi thứ nhất số nhiều: “Chúng ta hãy làm ra”, không đơn giản là một lệnh truyền, nhưng còn là một sự bàn bạc: Thiên Chúa như nói với chính mình vào giây phút quan trọng khi chuẩn bị làm một công trình lớn lao nhất (x. St 11,7; Is 6,8). Vì thế, danh xưng ngôi thứ nhất số nhiều này nói lên uy quyền và sự sung mãn nội tại của Thiên Chúa. Các giáo phụ, thấm nhuần Mặc Khải của Chúa Giêsu, cho rằng ngôi thứ nhất số nhiều này ám chỉ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ngoài ra, kiểu nói: “Theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta”, nghĩa là gì? Câu nói này được gặp thấy trong một câu khắc dưới bệ bức tượng của một vị vua ở Tell Fakhriyah (Xyri) để nói rằng ai thấy bức tượng này là thấy chính vị vua. Như vậy, “con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa” ngụ ý rằng con người đại diện Thiên Chúa trên mặt đất này. Ý tưởng này được sáng tỏ ở vế tiếp theo sau để con người làm bá chủ muôn loài muôn vật trên toàn cõi mặt đất. Với tư cách đại diện Thiên Chúa, con người được dự phần vào quyền tối thượng của Thiên Chúa. Con người thực thi quyền bá chủ của mình trên vạn vật với tinh thần trách nhiệm, bằng cách tuân theo các chuẩn mực như Thiên Chúa thực hiện quyền tối thượng của Người: luôn luôn tỏ ra biết tôn trọng, không bao giờ là kẻ độc đoán. Thêm nữa, trong các loài thụ tạo, chỉ duy con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Vì là hình ảnh Thiên Chúa, nên con người phải quay hướng về Đấng mà nó phản ảnh các đường nét.

Lời văn của câu 27 trở nên trang trọng khác thường khi Thiên Chúa khởi sự tạo dựng con người:

“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27).

Đây là một câu thơ gồm ba vế; mỗi vế đều có “Thiên Chúa” làm chủ từ và hành động của Thiên Chúa được diễn tả bằng động từ “sáng tạo” (bara’). Con người được sáng tạo “có nam có nữ”. Giới nam và giới nữ đều bình đẳng, vì cả hai đều được sáng tạo đồng lúc và được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa. Hơn nữa, khi chúc phúc cho cho loài người, Thiên Chúa truyền lệnh: “Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1,28) để gia tăng hình ảnh của Người và để làm bá chủ vạn vật. Như thế, qua hôn nhân con người trực tiếp cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Sự kiện con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa được Đức Thánh Cha giải thích như sau: “Với cái nhìn đức tin và tình yêu, ân sủng và trung tín, chúng ta đã chiêm ngưỡng mối quan hệ giữa những gia đình nhân loại với Ba Ngôi Thiên Chúa. Lời Chúa nói với chúng ta rằng gia đình được ủy thác cho một người nam và một người nữ và con cái của họ, để họ có thể trở thành mối hiệp thông của các ngôi vị theo hình ảnh của sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Rồi đến việc truyền sinh và giáo dục con cái, đó là tấm gương phản chiếu công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Gia đình được mời gọi cùng nhau cầu nguyện hằng ngày, đọc Lời Chúa và hiệp thông Thánh Thể, và quả thật lớn lên trong tình yêu và mỗi ngày mỗi trở nên trọn vẹn là đền thờ nơi Chúa Thánh Thần ngự” (“Niềm Vui Chan Chứa Yêu Thương”, số 29).[1]

Theo tác giả tư tế, thuở ban đầu, Thiên Chúa ban cho con người rau cỏ và hoa trái làm lương thực (St 1,29). Vì chưa ăn thịt thú vật nên người và vật sống trong khung cảnh thanh bình, đó là thời hoàng kim nguyên thủy. Chỉ mãi sau thời Hồng Thủy, vì cuộc sống sa đọa vô phương cứu chữa của con người, Thiên Chúa đành ban cho con người được ăn thịt thú vật (St 9,3–4), Khung cảnh địa đàng này chỉ được phục hồi vào thời cánh chung được ngôn sứ Isaia họa nên bằng một bức tranh rất thi vị:

“Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ,
bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau,
một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.
Bò cái kết thân cùng gấu cái,
con của chúng nằm chung một chỗ,
sư tử cũng ăn rơm như bò.
Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục,
trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.
Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta,
vì sự hiểu biết Đức Chúa tràn ngập đất này,
cũng như nước lấp đầy lòng biển”(Is 11,6–9).

Trong suốt công trình sáng tạo, tác giả lặp đi lặp lại như một điệp khúc: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1,10.13.18.21.25), nghĩa là phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, thích hợp với mục tiêu Người nhắm đến, nhưng sau khi tạo dựng con người, tác giả kết luận: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31). Vì thế, con người được Thiên Chúa ưu ái đặt vào địa vị cao trọng nhất trong các loài thụ tạo.

Như chúng ta biết, bài thánh thi này là tác phẩm của truyền thống tư tế được sáng tác trong thời lưu đày tại Babylon thuộc thế kỷ V trước Công nguyên. Chúng ta có thể hình dung bối cảnh sáng tác bài thánh thi độc đáo này như sau. Vào lúc tác giả tư tế viết bài thánh thi này thì số phận dân Ísraen đang trong cảnh truân chuyên: thành thánh Giêrusalem bị tàn phá thành bình địa, Đền Thờ bị thiêu hủy, nền quân chủ không còn nữa, đất nước mất chủ quyền, phần lớn dân chúng bị lưu đày sang Babylon, sống ở đất khách quê người, xa đất hứa. Một phần không nhỏ bị khủng hoảng đức tin vào Thiên Chúa, và bị cám dỗ tôn thờ thần Mácđúc, thần bảo hộ kinh thành Babylon, mà các kỳ tích của thần được tán dương trong các thần thoại về công trình sáng tạo thế giới. Để phản ứng lại các thần thoại này, đồng thời để nâng đỡ đức tin của đồng bào mình, cũng như chuẩn bị cho cuộc phục hưng đang mong đợi, một tác giả tư tế được ơn linh hứng sáng tác bài thánh thi này. Ông biết rõ chuyện tích của tác giả Giavít, nên ông muốn viết về hành vi sáng tạo của Thiên Chúa một cách khác, theo lối bản văn phụng vụ, giữ vai trò tương tự như thần thoại của dân Babylon về cuộc sáng tạo được đọc trong phụng tự thờ thần Mácđúc, được cử hành vào ngày lễ Tân niên.

Tác giả có một nhãn quang đầy lạc quan về công trình sáng tạo của Thiên Chúa trái nghịch với thần thoại Babylon về công trình tạo dựng của thần Mácđúc. Công trình sáng tạo của Thiên Chúa tự nó không được trình bày như một bãi chiến trường mà các nguyên lý đối nghịch: tốt và xấu, thiện và ác, đối đầu với nhau. Mọi thần thoại nhị nguyên đều bị loại trừ, vì Thiên Chúa chỉ làm ra những điều tốt lành. Chúng ta nhớ rằng truyền thống tư tế viết lịch sử thánh trong thời kỳ người Do Thái bị lưu đày tại Babylon, nhằm phản ứng lại môi trường ngoại giáo chung quanh. Giải pháp cho vấn đề sự Dữ, một vấn đề khó hiểu đối với tâm trí con người, phải được tìm kiếm theo một hướng khác.

C. THIÊN CHÚA THÁNH HÓA NGÀY THỨ BẢY (ST 2,1–3)

Ngày thứ bảy khác với những ngày khác, vì đây là ngày Thiên Chúa thánh hóa qua việc Người nghỉ ngơi. Tuần lễ đầu tiên của cuộc tạo dựng phóng chiếu thời gian nguyên thủy của một tuần lễ gồm sáu ngày làm việc và một ngày nghỉ ngơi.

Bản văn này bày tỏ dấu ấn của truyền thống tư tế rất rõ nét.

– Trước hết, tác giả cân nhắc rất cẩn trọng khi mô tả công trình sáng tạo của Thiên Chúa vào trong một cái khung của một tuần lễ: sáu ngày Thiên Chúa hoạt động và ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi. Chúng ta gặp thấy lệnh truyền tuân giữ ngày sabát như vậy trong bản văn Thập Giới của sách Xuất Hành thuộc truyền thống tư tế: “Ngươi hãy nhớ ngày sabát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sabát và coi đó là ngày thánh” (Xh 20,8–11).

– Ngoài ra, trong lược đồ bảy ngày, ngày thứ tư chiếm chỗ trung tâm. “Hai vầng sáng trên vòm trời” không chỉ được dùng để phân định ngày và đêm, nhưng còn để làm “dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm” (St 1,14), một dữ kiện căn bản để quy định phụng tự và ấn định lịch phụng vụ.Ngày thứ tư và ngày thứ bảy nêu bật thần học tư tế, bận lòng về phụng tự: các đại lễ trong năm nói chung và phụng vụ ngày sabát nói riêng. Đối với truyền thống tư tế, thời gian thánh thiêng cho phép thiết lập mối quan hệ với không gian thánh thiêng. Ngoài ra, từ Hípri mà chúng ta dịch “các đại lễ” còn có nghĩa “những cuộc gặp gỡ”. Theo quan niệm tư tế, các đại lễ trong năm là những cuộc hẹn hò gặp gỡ giữa Thiên Chúa với dân Ngài.

– Sau cùng, trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa là nhân vật chính diện vĩ đại, Người can thiệp liên tục bằng lời sáng tạo của Người qua biểu thức: “Và Thiên Chúa phán”. Biểu thức này được lặp đi lặp lại như một điệp khúc đến 10 lần (St 1,2.6.9.11.14.20.24.26.28.29) – con số trọn vẹn và hoàn hảo– để nhấn mạnh lời quyền năng và hữu hiệu của Thiên Chúa, như Thánh vịnh 33 chứng thực:

“Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện,
Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 33,9).

Lời ban sự sống và lời chúc phúc mà công trình tạo dựng của Thiên Chúa được tiếp tục qua việc truyền sinh (St 1,22.28). Vì thế, còn hơn cả việc sắp xếp cho vũ trụ được ngăn nắp, trật tự này tiêu biểu một trật tự tôn giáo và có tính cách luân lý vì nó được lời Thiên Chúa thấm nhuần và được xác định phẩm chất là tốt đẹp, nhất là đối với con người có nam có nữ được xác định phẩm chất là “rất tốt đẹp”.

Chính từ bản văn thứ nhất này mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định: Đôi vợ chồng yêu thương nhau và truyền sinh là hình tượng chân thật và sống động có khả năng mặc khải Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và là Đấng Cứu Độ, chứ không là một ngẫu tượng như những ngẫu tượng bằng đá hay bằng vàng mà Thập Giới cấm. Vì lý do này, tình yêu sinh hoa kết trái trở thành biểu tượng cuộc sống nội tại của Thiên Chúa (x. St 1,28; 9,7; 17,2–5,16; 28,3; 35,11; 48,3–4). Đó là lý do tại sao bài trình thuật của sách Sáng Thế, theo ‘truyền thống tư tế’, được đan xen với những bài trình thuật gia phả muôn hình vạn trạng (x. St 4,17–22,25– 26; 5,10; 11,10–32; 25,1–4.12–17.19–26; 36). Việc đôi vợ chồng nhân loại có khả năng truyền sinh là lộ trình theo đó lịch sử cứu độ phát triển. Dưới nhãn quang này, mối liên hệ sinh con đẻ cái của đôi vợ chồng trở nên một hình ảnh giúp hiểu và mô tả mầu nhiệm của chính Thiên Chúa, vì trong viễn kiến Kitô giáo về Ba Ngôi, Thiên Chúa được chiêm ngắm là Cha, Con và Thánh Thần tình yêu. Thiên Chúa Ba Ngôi Vị là sự hiệp thông tình yêu, và gia đình là phản ảnh sống động mầu nhiệm hiệp thông này” (Niềm Vui Chan Chứa Yêu Thương, số 11).

II. “THIÊN CHÚA XÂY DỰNG GIA ĐÌNH CHO NGƯỜI NAM VÀ NGƯỜI NỮ ĐẦU TIÊN” (St 2,4B–25)

Dù hai bản văn khác nhau về danh xưng thần linh và về văn phong, nhà biên soạn sau cùng đã nối kết chúng lại với nhau cách khéo léo: bài thánh thi kết thúc với biểu thức gia phả: “Đó là gốc tích trời đất khi được sáng tạo” (St 2,4a)để đóng lại toàn bộ công trình sáng tạo toàn thể vũ trụ tốt đẹp, trong đó con người có nam có nữ là tuyệt đỉnh công trình tạo dựng rất tốt đẹp của Thiên Chúa; trong khi chuyện tích tiếp theo sau bắt đầu với câu đầu tiên: “Ngày Đức Chúa làm ra đất và trời” (2,4b) để mở ra công trình sáng tạo của Thiên Chúa trên mặt đất, trong đó đôi vợ chồng đầu tiên là tuyệt tác của Người.

A. DẪN NHẬP (St 2,4B–6)

Với câu đầu tiên của chuyện tích này: “Ngày Đức Chúa làm ra đất và trời” (St 2,4b), tác giả hướng sự chú ý của người đọc đến công trình sáng tạo của Thiên Chúa trên mặt đất. Vì thế, ngay từ đầu chuyện tích, tác giả mô tả khung cảnh mặt đất còn hoang vu nguyên thủy: “chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có cỏ ngoài đồng nào mọc lên” và cho chúng ta biết lý do: “Vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống và không có người để canh tác đất đai” (St 2,5). Như vậy, ngay từ đầu chuyện tích của mình, tác giả đánh giá cách tích cực sức lao động của con người là cộng tác vào công trình sáng tạo của Đức Chúa.

B. CÔNG TRÌNH SÁNG TẠO CỦA ĐỨC CHÚA TRÊN MẶT ĐẤT (St 2,7–24)

a. Thiên Chúa tạo nên con người (St 2,7)

– Trong bản văn thứ nhất, Thiên Chúa sáng tạo con người sau cùng như tuyệt đỉnh công trình sáng tạo của Thiên Chúa và Thiên Chúa tạo nên người nam và người nữ đồng một lúc theo hình ảnh của Thiên Chúa để bày tỏ sự bình đẳng giữa giới nam và giới nữ, cũng như địa vị cao trọng của con người trên muôn loài muôn vật, nghĩa là không chỉ người nam mà cả người nữ mới phản ảnh Thiên Chúa. Trái lại, trong bản văn thứ hai, con người được sáng tạo đầu tiên trước muôn thú, và được sáng tạo một mình mà không có người nữ; người nữ sẽ xuất hiện sau cùng. Đây là cách thức tác giả Giavít sử dụng để nhấn mạnh quyền tối thượng của con người. Đấng Sáng Tạo sắp biểu lộ tất cả niềm ưu ái của mình đối với con người. Dù hai bản văn trình bày cuộc tạo dựng con người khác nhau, nhưng đều nhấn mạnh địa vị ưu đẳng của con người trên muôn loài thụ tạo, như Thánh vịnh 8 công bố:

“Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,6–7).

– Trong bản văn thứ nhất, Thiên Chúa là Đấng siêu việt, Người sáng tạo muôn loài muôn vật, kể cả con người, bằng lời quyền năng của Người: “Thiên Chúa phán”. Trái lại trong bản văn thứ hai, Đấng Tạo Hóa được mô tả như nhân, nghĩa là Thiên Chúa hành động như một con người. Đây không phải là thủ thuật ngô nghê, nhưng nhằm nhấn mạnh tính ngôi vị của Thiên Chúa. Hành động sáng tạo của Thiên Chúa được mô tả như người thợ gốm, Người “lấy bụi từ đất (’adamah) nặn ra con người (ha’adam), thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Như ở St 1,26, ở đây từ Ađam có mạo từ (ha’adam) là một danh từ tập hợp có nghĩa là loài người, từ này sẽ trở nên tên riêng của một con người tiên khởi là Ađam không có mạo từ ở St 4,25. Tác giả đã sử dụng lối chơi chữ rất tinh tế qua sự trùng âm của ngôn ngữ Hípri giữa ’adam ’adamah để diễn tả sự liên đới khởi thủy giữa con người và đất, vì thế chẳng có gì ngạc nhiên sau này khi con người sa ngã, Thiên Chúa nhắc cho con người nhớ thân phận yếu hèn của mình: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19).

Hình ảnh Đấng Tạo Hóa như một người thợ gốm nhào đất sét mà nặn nên con người thuộc di sản chung của nhiều dân tộc cổ xưa. Ở Ai Cập, chính thần Knoum sáng tạo nên con người bằng cách nặn nên họ hàng loạt trên bàn xoay của người thợ gốm; ở Sume, chính mẫu thần Nammu nặn nên con người đầu tiên; ở Babylon, thần Ea “với đôi tay của mình đã sáng tạo nên con người”; ở Hy Lạp, thần Démiurge nhân ái đã nặn ra con người bằng đất sét thấm đẫm nước mắt của thần. Con người sinh ra từ đất, đó là niềm tin tưởng khá phổ biến vào thời đó. Nhưng, về cơ bản, chuyện tích Kinh Thánh khác biệt với các thần thoại này, đó là Thiên Chúa không chỉ nặn nên hình tượng người từ đất, nhưng còn làm sinh động hình tượng người ấy bằng “sinh khí của chính Người” (St 2,7).

b. Thiết lập môi trường sống cho con người (St 2,8–17)

Sau đó, Đức Chúa chuẩn bị cho con người một môi trường sống đặc biệt, một nơi cư ngụ linh thánh ở đó Thiên Chúa giao hảo thân tình với con người: Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày(St 3,8). Ở giữa khung cảnh mặt đất còn trơ trọi nguyên sơ, Đức Chúa làm nẩy sinh một óc đảo kỳ diệu tên là “Êđen”, nghĩa là khu vườn xinh đẹp, và “về phía Đông”, nghĩa là ở phía mặt trời mọc, dấu chỉ ánh sáng và sự sống. Trong khu vườn ấy, Thiên Chúa cho mọc lên đủ mọi loại cây đơm bông kết trái nhờ con sông chảy ra từ vườn địa đàng và chia thành bốn nhánh tưới nước khắp khu vườn (“bốn nhánh”: con số bốn chỉ bốn phương trời, toàn thể trái đất). Trong khu vườn kỳ diệu này, cũng có hai loại cây không thuộc vào bất cứ loại thảo mộc nào, đó là“cây trường sinh” “cây biết điều thiện điều ác” (St 2,9). “Cây trường sinh” là hình tượng cổ điển trong vùng Cận Đông xưa, đó là cây bất tử. Tính cách biểu tượng của nó được hỗ trợ do bóng dáng tự nhiên: cây cao bóng cả cành lá xum xuê bốn mùa, và do chiều kích phụng vụ: trong những thánh điện, các thần linh được cho là nhờ ăn trái cây này mà bất tử. Điều này được phản ảnh ở nơi St 3,22: sau khi con người đã ăn trái cây này, Thiên Chúa nói: “Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi”.

Còn “Cây biết điều thiện điều ác” là dụng ngữ sáng tạo của truyền thống Giavít. Có thể tác giả đã được gợi hứng, ít nhiều, từ vị tiền nhiệm Babylon, theo đó ở lối vào nơi cư ngụ của các vị thần, có hai cây: cây trường sinh và “cây chân lý”. Chúng ta cũng gặp một cặp đối lập nổi tiếng khác: thi hào Homère nói với chúng ta rằng trước đền thờ của các thần linh trên đỉnh núi Olympic, có hai chậu được chôn sâu dưới đất; một chậu chứa đựng những điều thiện, chậu kia chứa đựng những điều ác. Ở nơi diễn ngữ “biết điều thiện điều ác”, từ “biết” chỉ sự hiểu biết do từ kinh nghiệm. Khác ngôn ngữ của những triết gia, ngôn ngữ Hípri thích liên kết những mâu thuẫn để nói lên cái toàn thể, ví dụ như trời và đất, sáng và tối, ngày và đêm, nam và nữ…, vì thế, đây cốt là một sự khôn ngoan siêu phàm, một phẩm chất đặc biệt mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể sở hữu tròn đầy.

Đoạn, Đức Chúa đặt con người vào đó để giữ vườn và canh tác đất (St 2,8.15). Như thế, sự kiện con người lao động trên thiên nhiên được đánh giá cao: lao động không là hình phạt do tội lỗi, nhưng là một thành tố bao hàm trong ơn gọi làm người. Thiên Chúa cho phép con người được ăn hết mọi trái cây trong vườn (St 2,16) chỉ trừ “trái cây biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,17). Ý nghĩa cuộc sống địa đàng không hệ tại ở nơi việc vui hưởng mà ở nơi việc vâng phục lệnh truyền của Thiên Chúa. Bao lâu con người tuân phục lệnh truyền của Thiên Chúa, nó được thụ hưởng đủ mọi thứ hoa thơm quả ngọt trong khu vườn; bằng không hoàn cảnh của con người thay đổi triệt để. Thiên Chúa đặt ra cho con người một giới hạn bất khả vượt qua; tuy nhiên, Người không rào cây biết điều thiện điều ác như trong các chuyện thần thoại vào thời đó, nhưng trao phó cho lương tri của con người.

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô: “Từ những trang đầu tiên, Kinh Thánh cho thấy rõ công việc là một phần cốt yếu làm nên phẩm giá của con người; ở đó chúng ta đọc thấy rằng ‘Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất’ (St 2,15). Con người được trình bày là một người lao động canh tác đất đai, chế ngự những sức mạnh thiên nhiên và sản xuất “bánh do công lao khó nhọc” (Tv 127,2), ngoài ra còn trau dồi những tài năng thiên phú của mình. Lao động cũng giúp phát triển xã hội và đảm bảo cuộc sống gia đình ổn định và phồn vinh: ‘Ước chi trong suốt cả cuộc đời, bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu’ (Tv 128,5–6). Sách Châm Ngôn cũng trình bày công việc của người mẹ trong gia đình; công việc thường ngày của bà được mô tả nhiều chi tiết, như được chồng con hết lòng tán dương (x. Cn 3,10–31). Thánh Phaolô tông đồ tự hào là mình không trở thành gánh nặng cho những người khác, vì thánh nhân làm việc bằng đôi tay của mình và tự bảo đảm kế sinh nhai của mình (x. Cv 18,3; 1Cr 4,12; 9,12). Thánh Phaolô xác tín về nhu cầu phải làm việc đến mức thánh nhân đã ra chỉ thị nghiêm nhặt cho các cộng đoàn của mình: ‘Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!’ (2Tx 3,10; x. 1Tx 4,11)” (“Niềm Vui Chan Chứa Yêu Thương”, số 23–24).

c. Thiên Chúa tạo nên người nữ (St 2,18–24)

Theo trật tự hợp lý, việc tạo dựng người nữ phải đi liền sau việc tạo dựng con người ở sau câu 7 mới đúng. Với kỹ thuật kể chuyện bậc thầy, tác giả có chủ ý dời công trình tạo dựng người nữ đến chỗ này, vì một đàng qua cách thức mô tả hành động Thiên Chúa tạo nên người nữ, tác giả truyền đạt cho người đọc vị thế ưu đẳng của người nữ ngang bằng với người nam, đàng khác để chuẩn bị cho chuyện tích sa ngã ở chương 3, trong đó người nữ đóng vai chính.

Trước khi tạo nên người nữ, Thiên Chúa nhận định rằng “con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18), vì thế Người “lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời” (St 2,19). Điều này cho thấy rằng con người và sinh vật có chung một xác thể, tuy nhiên tác giả ghi nhận cách tinh tế ba điều khác biệt đặt con người cao trọng hơn mọi loài thụ tạo khác: trước hết, Thiên Chúa ban cho con người quyền đặt tên cho muôn thú, qua đó con người thực thi quyền thống trị của mình trên mọi loài thụ tạo (St 2,19); thứ nữa, chỉ duy một mình con người mới được Thiên Chúa “thổi sinh khí vào lỗ mũi” (St 2,7). Chính sinh khí này tăng cường những mối liên hệ giữa con người với Đấng Tạo Hóa của mình. Vì thế, chỉ duy con người là “một ngôi vị sống động có khả năng quan hệ với Thiên Chúa”. Loài vật cũng là những thụ tạo có hơi thở nên cũng được gọi là “sinh vật” (St 2,19), tuy nhiên chỉ có loài người mới là sinh linh có thể “đối thoại với Thiên Chúa”. Thứ ba, trong muôn loài sinh vật ấy, “con người không tìm thấy được cho mình một trợ tá tương xứng” (St 2,20) cho đến khi gặp gỡ người nữ mà Thiên Chúa sẽ tạo nên, qua đó tác giả ngầm cho hiểu tính ưu đẳng của người nữ: chỉ người nữ mới thật sự là người bạn đời tương xứng với người nam, có thể thông chia những tâm tư tình cảm, những lo âu về đời sống vật chất và tinh thần với người nam.

Bằng nghệ thuật kể chuyện bậc thầy với nhiều chi tiết sinh động, tác giả mô tả cách thức Thiên Chúa tạo nên người nữ như nhà phẫu thuật: trước tiên, Thiên Chúa “cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi” (St 2,21). Theo quan niệm Kinh Thánh, công việc của Thiên Chúa là một hành vi cao cả và huyền bí, vì thế con người không được phép chứng kiến, như “một giấc ngủ mê ấp xuống” trên tổ phụ Ápraham khi Thiên Chúa lập giao ước với ông (St 15,12). Đoạn, Thiên Chúa rút cái xương sườn từ con người mà làm nên người nữ (St 2,22). Như vậy, cuộc tạo dựng người nữ là một hành động thần linh thuộc lãnh vực huyền nhiệm.

Việc Thiên Chúa dẫn người đàn bà đến với con người (St 2,22) tương tự như hành vi của ông tơ bà nguyệt xe duyên thắm chỉ hồng cho người nam và người nữ đầu tiên, và cũng chính Thiên Chúa làm chủ hôn tác thành đôi vợ chồng đầu tiên trong hôn lễ tiên khởi. Trong bầu khí tràn ngập niềm hân hoan phấn khởi, con người xướng lên bài tình ca đầu tiên bằng một câu thơ gồm hai vế với từ “nàng” được lặp đi lặp lại nhiều lần:

“Phen này, nàng là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!
Nàng được gọi là đàn bà, vì nàng được rút từ đàn ông ra” (St 2,23).

Trong bản tình ca này, chàng thổ lộ tình yêu nồng thắm của mình dành cho nàng được diễn tả bởi thành ngữ Do Thái: “xương bởi xương, thịt bởi thịt” trong vế thứ nhất và bởi lối chơi chữ trùng âm ’ish/ ’ishah (“đàn ông”/ “đàn bà”) của ngôn ngữ Hípri trong vế thứ hai, như vợ chồng người Việt Nam thường gọi nhau cách trìu mến: “mình ơi!”. Như thế, sự khác biệt giữa nam và nữ cốt yếu là tạo nên sức hấp dẫn lôi cuốn đến với nhau, gắn bó với nhau và bổ túc cho nhau để trở thành một thực thể chan chứa yêu thương, như hai câu thơ của thi sĩ Tú Xương:

“Mình với ta tuy hai mà một.
Ta với mình dẫu một mà hai.”

Trong Tông huấn “Niềm Vui Chan Chứa Yêu Thương”, số 12, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích cuộc gặp gỡ đầu tiên của đôi nam nữ này như sau: “Nguyên ngữ Hípri gợi lên một cuộc gặp gỡ trực diện, mặt giáp mặt, ánh mắt trao nhau, trong một loại đối thoại không lời, vì ở đâu tình yêu được nói đến, sự thinh lặng thường là hùng hồn hơn lời nói. Chính là một cuộc gặp gỡ với một diện mạo, một ‘ngôi thứ hai’, phản ảnh tình yêu của chính Thiên Chúa và là một sở hữu đẹp nhất của chàng, ‘một trợ lực tương xứng và một cột trụ để tựa nương’ theo ngôn từ của hiền nhân Kinh Thánh (Hc 36,24). Hay còn như người nữ của Diễm Ca sẽ xướng lên lời thổ lộ tuyệt vời về tình yêu hiến thân trọn vẹn cho nhau: ‘Người tôi yêu thuộc trọn về tôi và tôi thuộc trọn về chàng… Tôi thuộc trọn về người tôi yêu, người tôi yêu thuộc trọn về tôi!’ (Dc 2,16; 6,3).

Câu chuyện tình Kinh Thánh tuyệt đẹp này kết thúc với lời khẳng định của người kể chuyện mang tính tầm nguyên, vì đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi muôn thuở: tại sao người nam người nữ lại có chiều hướng hấp dẫn tự nhiên đến với nhau? Tại sao tình yêu lứa đôi lại mãnh liệt hơn cả mối quan hệ sinh thành của cha mẹ với con cái? Bởi vì, theo tác giả, sức hấp dẫn lẫn nhau này bắt nguồn từ tình yêu được Đức Chúa phú bẩm ngay trong cơ cấu của người nam và người nữ, với mục đích thiết lập hôn nhân, như mối dây kết hiệp bền chặt với nhau: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Theo Đức Thánh Cha Phanxicô,“động từ ‘gắn bó’, theo nguyên ngữ Hípri, chỉ ra một sự hòa hợp sâu xa, tâm đầu ý hợp với nhau về cả thân xác lẫn tâm hồn, đến mức từ ngữ này được dùng để mô tả sự kết hiệp của chúng ta với Thiên Chúa: ‘Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó’ (Tv 63,9). Quả thật, sự kết hiệp hôn nhân gợi lên không chỉ trong chiều kích thân xác và tính dục của nó, nhưng cũng trong tình yêu tự nguyện hiến thân cho nhau. Kết quả của sự kết hiệp này chính là cả hai ‘trở thành một xương một thịt’, cả về thể lý lẫn trong sự hiệp nhất trái tim và cuộc sống của nhau, cuối cùng ở nơi đứa con, có chung ‘cốt nhục’ của cả cha lẫn mẹ, không chỉ về di truyền nhưng cũng về tâm linh nữa” (“Niềm Vui Chan Chứa Yêu Thương”, số 13).

C. KẾT THÚC (St 2,25)

Tác giả mô tả tình trạng của hai con người đầu tiên là trong trắng, ngây thơ và vô tội bằng hình ảnh lấy từ kinh nghiệm nhân sinh: “Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau”.

III. TẤN THẢM KỊCH ĐÔI VỢ CHỒNG ĐẦU TIÊN GÂY RA CHO NHÂN LOẠI (Ch. 3)

Chuyện tích: “Đức Chúa xây dựng gia đình cho người nam và người nữ đầu tiên” (St 2,4b–25), được tiếp liền ngay với chuyện tích: “Tấn thảm kịch đôi vợ chồng đầu tiên gây ra cho nhân loại” (ch. 3). Quả thật, trong cả hai chuyện tích này đôi vợ chồng đầu tiên là nhân vật chính của câu chuyện. Ngoài ra, tác giả sử dụng lối chơi chữ tinh tế của hai từ Hípri đồng âm dị nghĩa: ‘arumming (trần truồng) trong câu cuối của chuyện tích thứ nhất (St 2,25) và ‘arum (xảo quyệt) trong câu đầu tiên của chuyện tích thứ hai (St 3,1) để liên kết chúng lại thành một câu chuyện mạch lạc từ đầu đến cuối.

Trong chuyện tích “Tấm thảm kịch”, khi nào Thiên Chúa không xuất hiện, Người hiện diện trên môi miệng của các nhân vật khác (x. St 3,1–5 và 3,6–8), thậm chí trong tiếng lương tâm của con người. “Người kể chuyện thông biết mọi sự” luôn luôn chăm chú vào sự hiện diện của Thiên Chúa. Ở đây, nhân học và thần học kết hợp với nhau bất khả phân ly. St 2,4b–3.24 là một chuyện tích về “nhân học mang chiều kích thần học”.

Chuyện tích này được chia thành ba phân đoạn:

3.1– Thử thách và sa ngã (St 3,1–7)

3.2– Hậu quả của tội nguyên tổ (St 3,8–19)

3.3– Con người bị trục xuất khỏi vườn Địa Đàng (St 3,20–24)

3.1. Thử thách và sa ngã (St 3,1–7)

Phần đầu của chương 3 sách Sáng Thế giới thiệu chuyện tích về cuộc thử thách và tội nguyên tổ. Đây là một đề tài rất phổ biến hay ít ra rất gần với đề tài thuộc thể loại anh hùng ca: một vị anh hùng tìm cách lấy cắp một trong những đặc quyền của các vị thần, như ở Lưỡng Hà Địa, nhân vật Gilgamesh ra đi tìm kiếm cây trường sinh; ở Hy Lạp, Prométhée ăn cắp lửa thiêng, hoặc Héraclès đoạt lấy những trái táo trường sinh. Tuy nhiên, tác giả Kinh Thánh biến đổi sâu xa hành động này khi định vị nó vào trong văn mạch thần học độc đáo của mình. Ông biến đổi tham vọng của con người thành nguyên mẫu của tội cũng như tiền lịch sử của sự Ác. Mặt khác, ông chủ ý mô tả biến cố nội tâm hơn là biến cố bên ngoài. Chuyện tích về cuộc thử thách là một tiểu phẩm kiệt tác về sự phân tích tâm lý.

Trong phân đoạn thứ nhất này, hai nhân vật chính là con rắn là kẻ cám dỗ và người nữ là người bị cám dỗ kéo theo người nam. Thiên Chúa không thấy xuất hiện, tuy nhiên Người hiện diện ở nơi cuộc đối thoại giữa con rắn và người nữ. Phân đoạn thứ nhất này được phân định nhờ kỹ thuật đóng khung cũng bởi hai từ Hípri đồng âm dị nghĩa: ‘arum (xảo quyệt) nói về túc trí đa mưu của con rắn (St 3,1) và ‘arumming (trần truồng) nói về cảnh ngộ của đôi vợ chồng sau khi sa ngã (St 3, 7).

A– Con rắn, tên cám dỗ (St 3,1a)

Ngay từ đầu chuyện tích, tác giả giới thiệu nhân vật chính gây nên tấm thảm kịch: “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng”, nhưng ngay liền sau đó, ông giảm thiểu tối đa thần Ác này: Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra nó(St 3,1). Kẻ sắp tỏ mình ra là đối thủ của Thiên Chúa không gì khác hơn chỉ là một con vật trong số những vật nơi hoang dã, chỉ là một loài thụ tạo giữa muôn loài thụ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên, chứ không là thần Ác đối trọng với Thiên Chúa là thần Thiện, như một đối thủ phản diện của Thiên Chúa tốt lành. Ngay từ những trang Kinh Thánh đầu tiên, Cựu Ước loại bỏ lối giải thích cuộc xung đột giữa thần Thiện và thần Ác theo nhị nguyên.

Tại sao tác giả chọn lựa con rắn? Trước hết, trong hầu hết những chuyện tích thần thoại, “cây trường sinh” mà các thần linh giữ cho riêng mình để hưởng dùng, chung chung được một mãng xà, một con rồng hay một ác thú, đôi khi quái vật, canh giữ. Truyền thống Giavít đã hướng sự chú ý đến “cây biết điều thiện điều ác”, chính điều ác mà ông liên kết với con rắn. Nhưng thay vì để cho con rắn làm kẻ canh giữ không cho con người đến gần cây biết điều thiện điều ác, thì lại mở lối cho người nữ đến gần và khơi dậy lòng ham muốn của bà là được ăn trái cây mà Thiên Chúa cấm. Con rắn hành xử như một kẻ gian ác. Chính ở nơi nét bút đặc thù này mà chúng ta đánh giá sự tự do của tác giả Kinh Thánh khi sử dụng các hình tượng ngoại giáo.

Vả lại, nhiều dân tộc thời xưa đã nêu bật một cách nào đó hình tượng con rắn. Họ liệt con rắn vào số những biểu tượng của sự sống và sự tái sinh: việc rắn thay da theo định kỳ xem ra nó sở hữu những bí quyết đem lại nguồn thanh xuân vĩnh hằng. Vì thế, bộ ba: người phụ nữ – cây – con rắn, thuộc vào hình tượng của những việc thờ cúng cầu xin sự phong nhiêu và phồn sinh. Khoa ảnh tượng tôn giáo của thiên niên kỷ thứ hai trước Công Nguyên cung cấp nhiều ví dụ về đề tài này. Chúng ta không loại trừ rằng khoa ảnh tượng này đã là nguồn gợi hứng cho tác giả Kinh Thánh phác họa bức tranh này, nhưng ông đã tách nó ra khỏi ý nghĩa duy nhiên.

Mặt khác, con rắn, con vật ở trong hang sâu dưới lòng đất, gợi lên mối giao du thân cận với địa giới, âm phủ, nơi ở của những vong hồn và những quỷ thần đáng sợ. Do đó, con rắn được xem như biết được những bí ẩn sinh tử mà địa giới nắm giữ. Cuộc đối thoại giữa con rắn với người nữ diễn ra theo chiều hướng này, con rắn tự phụ là mình biết thiên cơ hậu vận như Thiên Chúa.

Cuối cùng, việc con rắn bị nguyền rủa không phải là không có hậu ý bút chiến. Vào thời truyền thống Giavít soạn thảo câu chuyện này, trong đền thờ dân chúng vẫn còn thờ lạy con rắn đồng được đồng hóa với con rắn đồng mà ông Môsê giương cao trong sa mạc. Phải đợi đến vua Khítkigia, vào thế kỷ VIII trCN, mới phá bỏ việc thờ cúng ngẫu tượng này: “Chính vua đã dẹp các tế đàn ở nơi cao, đập bể các trụ đá, bổ các bàn thờ và đập tan con rắn đồng ông Môsê đã làm, vì cho đến thời đó, con cái Israel vẫn đốt hương kính nó; người ta gọi nó là Nơkhúttan.” (2V18, 4).

Nhưng làm thế nào sự Dữ đã len lỏi vào trong công trình tạo dựng mà Thiên Chúa thẩm định là “tốt đẹp” và còn “rất tốt đẹp”? Chúng ta không gặp thấy câu trả lời rõ ràng ở đây, vì sự Dữ là một thực tại hoàn toàn bí hiểm mà con người vấp phải nhưng không hiểu thấu sự huyền bí của nó. Tác giả không đưa ra lời giải thích nào về nguồn gốc hiện hữu của chính sự Dữ, ông chỉ ghi nhận sự Dữ như một sự kiện có đó. Khi Thiên Chúa đặt con người vào trong vườn, con rắn cũng có mặt ở đó.

B– Lời dụ dỗ dối trá (St 3,1b–5)

Chuyện tích “thử thách” bắt đầu với câu then chốt gây sửng sốt này: con rắn “nói với người đàn bà” (St 3,1b). Như vậy trong tấn thảm kịch sắp diễn ra, tác giả giới thiệu một nhân vật kỳ lạ, một con rắn biết nói, biểu tượng sự Ác, mà sau này tác giả sách Khôn Ngoan đã vạch mặt chỉ tên: “Nhưng chính vì Quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2,24). Chính Đức Giêsu cũng khẳng định như vậy: “Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8,44).

Tại sao con rắn bắt chuyện với chỉ một mình người nữ? Bởi vì bà đã không trực tiếp nghe lời cảnh báo của Thiên Chúa như người nam (St 2,17). Ngoài ra, về mặt tâm lý, chắc hẳn nó nghĩ rằng người nữ dễ xiêu lòng trước lời dụ dỗ ngon ngọt của nó hơn người nam. Mặt khác, đề tài về người nữ đầu tiên phạm tội gây nên thảm họa cho nhân loại được gặp thấy ở những nơi khác, như ở Hy Lạp với thần thoại Pandore, trong đó người nữ đầu tiên mở cái chậu chứa đựng những điều xấu không phải lúc; vì thế, những điều xấu này tràn lan khắp mặt đất, chấm dứt hạnh phúc nguyên thủy của nhân loại.

Sự xảo trá của con rắn bộc lộ ra ngay trong lời bắt chuyện. Để có thể gieo nghi ngờ vào lòng người nữ, con rắn khôn khéo giả vờ ngây thơ hỏi người nữ: “Có thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây ở giữa vườn không?’” (St 3,1). Theo cấu trúc câu của ngôn ngữ Hípri, đây không phải là một câu hỏi trực tiếp, nhưng là một câu nghi vấn, có tính khích bác và nhất là xuyên tạc trắng trợn lời cảnh báo của Thiên Chúa. Người kể chuyện đã khéo léo để cho lời của con rắn ở cái thế lơ lửng.

Như bị kích thích, người nữ phản ứng ngay tức khắc khi đính chính rằng: “Trái các cây trong vườn thì chúng tôi được ăn. Chỉ có một cây mà Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn, không được động tới, nếu không, sẽ phải chết” (St 3,2–3). Câu trả lời của bà cho thấy, dù không trực tiếp nghe lời cảnh báo của Thiên Chúa như chồng bà, nhưng bà ý thức rất rõ lệnh cấm của Thiên Chúa nghiêm trọng như thế nào.

Lúc đó, tên cám dỗ tìm cách tẩy xoá ý tưởng về Thiên Chúa tốt lành và thiện hảo trong tâm trí của người phụ nữ; nó trình bày Thiên Chúa như kẻ ghen tuông và lừa dối bằng cách trả lời một cách khôn khéo: “Chẳng chết chóc gì đâu!” (St 3,4) để phi bác lời cảnh báo của Thiên Chúa: “Vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn phải chết” (St 2,17). Con rắn cáo buộc Thiên Chúa là kẻ nói dối, muốn giữ độc quyền “biết điều thiện điều ác” cho riêng mình, chứ chẳng thương yêu gì con người: “Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,5). Kiểu nói Do Thái: “biết điều thiện điều ác” muốn nói rằng con người biết hết mọi sự để tự mình điều hành cuộc sống của mình, không cần phải lệ thuộc vào Thiên Chúa nữa. Đó là hình thức cơ bản của tội kiêu ngạo, con người muốn tự sức mình quyết định mọi sự mà không cần Thiên Chúa. Một quyết định như như thế gây nên một hậu quả nghiêm trọng. Con rắn khôn khéo tìm cách gieo vào lòng người phụ nữ sự ngờ vực về tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa. Một khi con người hoài nghi về ý định yêu thương của Thiên Chúa, thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.

C– Tấn bi kịch của sự tự do (St 3,6–7)

Lúc đó, tác giả mô tả cuộc độc thoại đang diễn ra trong lương tri của người nữ: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn ngon miệng, nhìn sướng mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn” (St 3,6a). Ông mô tả nó như cuộc đấu tranh của một người có tự do và trách nhiệm, hoàn toàn sáng suốt. Vì thế, hành vi cử chỉ của người nữ diễn tả ý muốn tự mình hoàn toàn có quyền quyết định điều thiện và điều ác mà không cần thông qua luật Thiên Chúa, một sự tự mãn cao ngạo bất cần Thiên Chúa. Đây thực sự là một trình thuật tinh tế điển hình của sự thử thách, của cơn cám dỗ. Tội lỗi xem ra luôn luôn có sức quyến rũ đối với con người. “Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở với mình, ông cũng ăn” (St 3,6b). Sự kiện “cùng ăn một trái cây” liên kết hai người thành một cộng đồng cùng chung một trách nhiệm và một vận mệnh: “đồng hội đồng thuyền, đồng sinh đồng tử”.

Trong thần thoại cũng như trong thực tế, những hành vi này – dù là những nghi thức kết giao đính ước nên vợ nên chồng hay kết nghĩa huynh đệ đồng sinh đồng tử – đều có một điểm chung nhất đó là giới thiệu một tình huống bất khả đảo ngược. Vậy nên, trong những nghi thức kết giao, ai chấp nhận thức ăn mà người khác dâng hiến, dù khác nhau về bản tính hay môi trường, người đó dứt khoát trở nên “sống chết có nhau, có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu” với người kết giao với mình. Như vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng chính con rắn (Xatan) dâng hiến trái cây, nó buộc chặt con người vào với nó vô phương cứu vãn, bởi vì con người, mà hai ông bà nguyên tổ đại diện, đã chấp nhận quà tặng của nó. Theo cách này, chắc hẳn tác giả của chuyện tích này muốn diễn tả con người đồng lõa với tội lỗi. Vào thời tác giả, những người đương thời không phải là không biết tính chất nghiêm trọng của biểu tượng này.

Mặt khác, thật là ý nghĩa biết bao khi truyền thống Giavít, vốn ý thức sâu sắc về hậu quả của tội (như phần tiếp theo của chuyện tích này cho thấy điều đó), đã chọn mô tả tội đầu tiên bằng một hành vi cử chỉ bên ngoài xem ra vô hại như việc hái và ăn một trái cây, một trái duy nhất, từ cây mà người chủ vườn đã dành riêng cho mình, thay vì miêu tả một tội ác tày trời (ví dụ như tội Cain giết em mình là Aben). Vì lẽ, ông đã không muốn chúng ta bị nhầm lẫn về bản chất của tội: tội trước hết là một sự xúc phạm trực tiếp đến Thiên Chúa, tác động đến mối tương giao theo chiều dọc giữa Thiên Chúa với con người.

Ngay liền sau đó, tác giả ghi nhận rằng “Bấy giờ mắt hai người mở ra”, nhưng thật mỉa mai, thay vì nên những vị thần biết điều thiện điều ác, thì “họ thấy mình trần truồng” (St 3,7), nghĩa là mất hết chẳng còn gì cả. Trước khi sa ngã, người kể chuyện đã ghi nhận rằng “Cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau” (St 2,25), như vậy cả hai con người đầu tiên sống trong tình trạng trong trắng, thơ ngây vô tội, vì sống hòa hợp với Thiên Chúa, với bản thân và với tha nhân. Sau khi sa ngã, người kể chuyện nhận xét rằng “Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá và làm khố che thân” (St 3,7). Theo Cựu Ước, sự trần truồng có nghĩa tình trạng yếu đuối, bơ vơ lạc lõng, không nơi nương tựa, bảo vệ và che chở. Vì tội, hai ông bà đã đánh mất nơi nương tựa vững chắc của mình là Thiên Chúa và những ân phúc mà vườn địa đàng là biểu tượng. Như vậy, tác giả ghi nhận việc mất thăng bằng đầu tiên, đó là sự xấu hổ giữa vợ chồng với nhau như hậu quả của sự sa ngã. Đây là ý nghĩa sâu xa của tội lỗi mà con người nghiệm thấy nơi chính bản thân mình.

3.2. Hậu quả tác hại của tội nguyên tổ (St 3,8–19)

Trong phân đoạn thứ hai này, Thiên Chúa xuất hiện. Người là nhân vật chính trong cuộc đối thoại với đôi vợ chồng và cũng chính Người đưa ra những phán quyết cho con rắn và đôi vợ chồng.

A– Cuộc đối thoại của Đức Chúa với con người (St 3,8–19)

Trong cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với đôi vợ chồng nhân loại đầu tiên, chúng ta nhận ra tội lỗi đã gây nên những mất thăng bằng khác nữa giữa đôi vợ chồng đầu tiên. Tác giả phân tích cách tinh tế tội lỗi gây tác hại như thế nào cho mỗi phạm nhân và sử dụng những dấu chỉ để diễn đạt tầm mức thần học.

a– Tội phá vỡ mối giao hảo của con người với Đấng Tạo Hóa (St 3,8–11)

Thuở ban đầu, vào lúc gió chiều hiu hiu thổi, Thiên Chúa thường đến dạo chơi trong vườn với hai ông bà và trò chuyện thân mật với hai ông bà. Nhưng kể từ nay khi nghe tiếng bước chân của Thiên Chúa, hai ông bà, thay vì mừng rỡ chạy ra nghênh đón Người, lại ẩn mình vào giữa lùm cây trong vườn, vì sợ giáp mặt với Thiên Chúa. Hình ảnh hai ông bà trốn vào lùm cây diễn tả phản ứng quen thuộc của những kẻ phạm tội; tội lỗi khiến con người tránh xa Thiên Chúa. Chính tội lỗi đã khiến cho kẻ phạm tội sợ phải diện đối diện với Thiên Chúa, tìm mọi cách xa lánh vị Thiên Chúa tốt lành của mình. Tội lỗi phá vỡ mối thân tình ban đầu giữa loài thụ tạo với Đấng Tạo Hóa của mình.

b– Tội làm rạn nứt tình chồng nghĩa vợ (St 3,12–13)

Thuở ban đầu, khi mới gặp người nữ Thiên Chúa giới thiệu cho mình, con người đã thốt lên: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23); ấy vậy giờ đây người chồng đổ hết trách nhiệm cho vợ mình: “Người đàn bà Ngài đã cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn” (St 3,12). Còn người nữ cũng thoái thác trách nhiệm của mình bằng cách đổ lỗi cho con rắn: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3,13). Lời của người nữ là thực, nhưng bà quên rằng mình đã để cho con Rắn xảo trá lừa dối đến mức hiểu sai ý định tốt lành của Thiên Chúa. Tội đã làm rạn nứt mối tình nghĩa keo sơn bền chặt “nên một xương một thịt” giữa chồng và vợ, mỗi người tìm cách chối quanh co những lỗi lầm của mình, không ai dám nhận phần trách nhiệm của mình.

B– Thiên Chúa phân xử (St 3,14–19)

Tác giả hình dung một phiên tòa trong đó Thiên Chúa triệu tập các phạm nhân, buộc họ phải thú tội, quy trách nhiệm, và sau cùng công bố những bản án. Tuy nhiên, con người không hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc sự Ác xâm nhập thế gian, còn có tên cám dỗ, đây là một tình tiết giảm tội. Đó là lý do vì sao đã có sự chuộc tội cho con người, nhưng không có sự chuộc tội nào cho Xatan.

a– Bản án dành cho con rắn (St 3,14–15)

Thiên Chúa phán xử con rắn qua hai câu: câu thứ nhất là án phạt dành cho con rắn, câu thứ hai báo trước sự chiến thắng của loài người trên tên cám dỗ. Trước hết, Thiên Chúa luận tội con rắn, kẻ cám dỗ:

“Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.
Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi” (St 3,14).

Lời luận tội này mang tính tầm nguyên về loài rắn, nhằm để trả lời cho những câu hỏi như: tại sao con rắn lại bò sát đất, lại ăn đất? Tại sao nó khác biệt với các loài khác? Tại sao lại có mối thù giữa loài người và loài rắn? Thực ra, bản án không gì khác chỉ như một lời chứng nhận: con rắn không có chân nên phải “bò bằng bụng”, nhưng tác giả đã nối kết nét đặc trưng này với hình tượng kinh điển về sự thất bại, bị hạ nhục và khinh dể: “Phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi” (x. Is 49,23; Mk 7,17; Tv 72,9; v.v.). Ở đây, tác giả một lần nữa phản bác việc phụng thờ thần rắn để cầu xin cho được phong nhiêu và phồn sinh thường thấy tại Lưỡng Hà Địa, Ai Cập, Palestin… Trong các đền thờ, thần rắn được tạc tượng giống như con rồng có chân đứng thẳng để nhận những hành vi thờ bái của các tín hữu; thần rắn cũng được cho rằng có thể ăn lễ vật do các tín đồ sốt sắng dâng lên, nhưng từ nay “phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi”.

Tiếp đó, Thiên Chúa tiên báo dòng giống người nữ sẽ chiến thắng trên dòng giống con rắn:

“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy;
dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15).

Lời tiên báo này có thể được giải thích cách rộng lớn hơn khi hiểu toàn thể nhân loại qua kiểu nói: “dòng giống của người đàn bà”, và tất cả những quyền lực của sự Ác qua kiểu nói: “dòng giống của con rắn”. Qua lời tiên báo này, Thiên Chúa hứa rằng Người sẽ can thiệp để phục hồi nguyên trạng cho con người. Lời hứa này mở ra cho nhân loại một niềm hy vọng là một ngày kia nhân loại sẽ chiến thắng trên những quyền lực của Ác thần.

Tuy nhiên, bản dịch Hy ngữ (bản Bảy Mươi) đặt chủ từ ở số ít giống đực: “Chính người con trai đó sẽ đạp dẹp đầu người”. Theo cách hiểu của bản dịch này, lịch sử sẽ là một cuộc chiến đấu dài lâu giữa nhân loại và các quyền lực của sự Dữ; nhưng nếu cuộc chiến thắng sau cùng được đảm bảo cho nhân loại, thì cuộc chiến thắng này hàm chứa một vị lãnh tụ có khả năng chiến thắng sự Dữ, tức là Đấng Cứu Thế. Còn các giáo phụ thì đọc thấy lời hứa này là lời tiên báo theo đó ở giữa lòng nhân loại sẽ sinh hạ một người nữ, bà này sẽ đạp dập đầu Quỷ dữ, người đàn bà đó là Mẹ của Đấng Cứu Thế; vì thế bản dịch La ngữ (bản phổ thông) của thánh Giêrônimô đặt chủ từ ở số ít giống cái: “Chính người đàn bà đó sẽ đạp dập đầu ngươi”, để áp dụng vào Đức Trinh Nữ Maria.

Dù thế nào, cách hiểu của hai bản dịch này không loại trừ nhau nhưng bổ túc cho nhau. Người Đàn Bà chiến thắng sự Dữ chỉ bởi và nhờ Người Con của Bà. Thật đáng lưu ý rằng khi tạc tượng vẽ hình về Đức Trinh Nữ Maria đạp dẹp đầu con rắn, các nghệ sĩ luôn luôn trình bày hài nhi Giêsu trong vòng tay của Mẹ mình. Chúng ta biết rằng sách Khải Huyền của thánh Gioan âm vang bản văn Sáng Thế này trong một thị kiến về Người Phụ Nữ đối lập với con rồng, “con rắn xưa”, nhưng trong đó Đức Maria đã không được trực tiếp chỉ ra (Kh 12). Vì thế, lời tiên báo này được truyền thống Kitô giáo giải thích là “tiền tin mừng”, nghĩa là tin mừng “đầu tiên” loan báo hừng đông ơn cứu độ, như Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: “Với một thoáng điểm qua, chúng ta có thể thấy rằng Lời Chúa không là một chuỗi đan kết những tư tưởng trừu tượng, nhưng đúng hơn là nguồn an ủi và là người bạn đồng hành với mỗi gia đình kinh qua những khó khăn hay đau khổ. Vì Lời Chúa chỉ cho họ thấy mục đích cuộc hành trình của họ, khi mà Thiên Chúa ‘sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa’ (Kh 21,4)” (“Niềm Vui Chan Chứa Tình Yêu”, số 22).

b– Bản án dành cho người nữ (St 3,16)

Thuở ban đầu, việc sinh con đẻ cái là lời chúc phúc của Thiên Chúa: “Hãy sinh sôi nay nở thật nhiều cho đầy mặt đất” (St 1,28), từ nay đặc ân này không mất đi, nhưng tội lỗi sẽ tác hại trên việc sinh sản:

“Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thai nghén;
ngươi sẽ phải cực nhọc sinh con”.

Thuở ban đầu, mối quan hệ giữa nam và nữ là mật thiết và bình đẳng ((’ish / ’ishah), từ nay tội lỗi đã gây nên sự thèm muốn và sự thống trị: “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi”. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: “Một bức tranh bình dị được trình bày trong Tv 128 không phủ nhận sự thật đắng cay được gặp thấy xuyên suốt Kinh Thánh, tức là, sự hiện diện của đau khổ, sự Dữ và bạo lực có sức phá vỡ gia đình và mối hiệp thông sự sống và tình yêu trong gia đình… Lời Chúa thường hằng chứng thực chiều kích tăm tối hiện diện rồi ngay từ ban đầu, khi, do tội lỗi, mối quan hệ tình yêu thuần khiết giữa người nam và người nữ biến thành sự thống trị: ‘Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi’(St 3,16)” (“Niềm Vui Chan Chứa Yêu Thương”, số 19).

c– Bản án dành người nam (St 3,17–19)

Thuở ban đầu, người và đất (“’adam và ’adamah”) có mối liên hệ mật thiết, nhưng từ nay tội lỗi phá đổ mối tương quan tốt đẹp giữa người và đất. Cũng như thuở ban đầu, lao động làm nên ơn gọi của con người, nhưng từ nay con người phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có mà ăn:

“Đất đai bị nguyền rủa vì ngươi;
ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi,
mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra.
Đất sẽ trổ sinh gai góc cho người, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng.
Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có mà ăn cho đến khi trở về với đất”(St 3,17–19).

Đức Thánh Cha Phanxicô hiện tại hóa sự thật này vào trong hoàn cảnh hiện nay của con người: “Nói như thế, chúng ta có thể lượng giá nỗi đau khổ do nạn thất nghiệp và việc thiếu công việc ổn định gây ra, như phản ảnh trong sách bà Rút. Chính dụ ngôn của Đức Giêsu về những người lao động buộc phải đứng chầu chực chờ người thuê kẻ mướn nơi quảng trường (x. Mt 20,1–16), và kinh nghiệm của chính Người khi gặp gỡ những người đau khổ vì nghèo đói. Thật đáng buồn, những thực tại này vẫn còn hiện diện trong nhiều quốc gia ngày nay, ở đó vì thiếu công ăn việc làm, cuộc sống của gia đình bị tổn thương nghiêm trọng. Chúng ta không thể bỏ qua sự suy thoái xã hội do tội lỗi gây nên, chẳng hạn khi con người khai thác thiên nhiên cách thô bạo, phá hoại thiên nhiên cách ích kỷ và thậm chí tàn nhẫn. Điều này dẫn đến sa mạc hóa trái đất (x. St 3,17–19) và tình trạng mất bình đẳng về kinh tế và xã hội mà các ngôn sứ đã tố cáo, bắt đầu với ngôn sứ Êlia (x. 1V 21) và đạt đến tột đỉnh ở nơi chính những lời của Đức Giêsu chống lại sự bất công (x. Lc 12,13; 16,1–31)”(“Niềm Vui Chan Chứa Yêu Thương”, số 25–26).

3.3. Con người bị trục xuất khỏi vườn Địa đàng (st 3,20–24)

Vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa làm xáo trộn tất cả kế hoạch của Thiên Chúa đối với con người. Điều này được diễn tả qua việc con người bị trục xuất ra khỏi vườn đia đàng và bất khả đạt đến cây trường sinh (so sánh 3,24 với 2,9.16). Mặc dầu thế, lòng xót thương của Thiên Chúa đối với con người được ghi nhận qua việc “Đức Chúa là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ” (St 3,21). Hành động này cho thấy Thiên Chúa không bỏ mặc con người trong cảnh ngộ của con người.

Tội nguyên tổ cho thấy sự Dữ đột nhập vào trong thế gian càng lúc càng tăng lên mà tác giả sẽ minh chứng ngay liền sau đó ở nơi chuyện tích huynh đệ tương tàn (ch. 4). Như vết dầu loang, tội càng ngày càng lan rộng và ngấm sâu vào mối quan hệ giữa người với người. Con người càng xa lìa Thiên Chúa, thì càng lún sâu xuống vực thẳm của ích kỷ và thù hận.

IV. KẾT LUẬN TOÀN BỘ CHƯƠNG 1–3 CỦA SÁCH SÁNG THẾ

Để đánh giá đúng những bài học rất phong phú mà ba chương đầu tiên sách Sáng Thế đưa ra, chúng ta sẽ đề cập đến những điểm chính yếu như sau:

1– THẦN THOẠI DIỄN TẢ LỊCH SỬ CỦA TỘI

Chuyện tích thứ nhất (St 1,1–2.4a) không là một bài trình thuật lịch sử, nhưng là một bài thánh thi bằng văn xuôi có vần có điệu và rất cân đối cả trong hình thức lẫn trong nội dung được dùng trong phụng vụ. Như vậy, tác giả không là sử gia hay là nhà khoa học nhưng là một thi sĩ, hay đúng hơn là một nhà thần học: điều ông muốn truyền đạt qua bài thánh thi phụng vụ này là những chân lý tôn giáo.

Còn chuyện tích thứ hai (St 2,4b–25) và thứ ba (ch. 3), tác giả tác giả sử dụng văn phong trực tiếp và cụ thể: ông trình bày Thiên Chúa theo lối như nhân, nghĩa là Thiên Chúa hành xử như một con người.Và ông cũng không ngần ngại sử dụng ngôn ngữ thần thoại. Chữ thần thoại được hiểu ở đây theo nghĩa đầu tiên của nó, tức là chuyện kể liên quan đến đấng siêu việt. Tác giả tận dụng những hình tượng từ kho tàng bao la của những chuyện tích thần thoại cổ xưa rất phổ biến vào thời tác giả; nhưng tác giả ban cho chúng một tầm mức mới.

Xét toàn bộ chuyện tích thứ hai và thứ ba, chúng ta có thể rút ra một bài học như sau: Thiên Chúa đã xây dựng mái ấm gia đình cho người nam và người nữ đầu tiên, nhưng tội lỗi đã nhận chìm nhân loại, trong đó không chỉ con người chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình, nhưng còn cả tên cám dỗ nữa, vì thế Thiên Chúa tiên báo một cuộc phục hồi nguyên trạng cho con người. Như vậy, tác giả vận dụng hình ảnh và biểu tượng thần thoại để chuyển tải những suy tư nghiêm trọng nhất về nhân loại, như lời nhận định của Đức Gioan Phaolô II: “Đối với chuyện tích thứ hai về Cuộc Sáng Tạo, cách thức diễn đạt phù hợp với cách suy nghĩ của thời đại… Người ta có thể nói rằng cốt là ngôn ngữ thần thoại. Quả thật, trong trường hợp này, thuật ngữ thần thoại không chỉ ra một nội dung huyền thoại, nhưng một cách thức cổ xưa để diễn tả một nội dung sâu xa hơn… Nội dung này đáng khâm phục ở nơi những điều liên quan đến những phẩm chất và độ đậm đặc của các chân lý mà nó chứa đựng”.[2]

Dù chuyện tích của sách Sáng Thế không có tính lịch sử, nhưng sứ điệp mà nó trao gởi cho chúng ta mặc khải thân phận tội lỗi của con người là một sự kiện không “thuộc về bản tính”, nhưng “thuộc về lịch sử”. Thiên Chúa đã không tạo dựng con người gian ác; Người đã tạo dựng nên họ rất tốt lành và tự do, như chuyện tích thứ nhất xác định: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của Ngài” (St 1,27). Thiên Chúa vốn rất mực tốt lành đã không thể tạo ra sự Ác, nhưng chính sự tự do của con người đã là mầm móng của mọi điều gian ác làm tổn hại đến mối duyên tình nồng thắm giữa đôi vợ chồng, cũng như phá vỡ mối quan hệ thân tình giữa Thiên Chúa và con người như chuyện tích thứ hai cho thấy.

Biết bao lần con người cảm nghiệm nỗi nhớ khôn nguôi về một “địa đàng đã mất”. Nỗi hoài niệm da diết này diễn tả cảm thức bí hiểm cho thấy con người đã không được tạo dựng để mà chịu cảnh đời bất hạnh và đau khổ, nhưng có một mầu nhiệm của sự Dữ. Nhiều dân tộc đã có những thần thoại về vườn địa đàng của mình, trong đó người ta kể rằng con người đã đánh mất hạnh phúc, hay đã không đạt được hạnh phúc, vì do một lỗi phạm, một tai nạn, hay vì quên một mật hiệu, mà nguyên nhân được gán cho Ông Tổ, đôi khi cho một Ác thần quỷ quyệt, đối thủ của Đấng Tối Cao. Nhưng chỉ ở nơi Israel mà chúng ta mới gặp thấy hậu quả này được truy nguyên lên đến tận nơi việc con người xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa tốt lành và thánh thiện. Chính mầu nhiệm này mà tác giả linh hứng toan tính minh giải.

2– KINH NGHIỆM LỊCH SỬ

Chúng ta có thể nghĩ rằng để xây dựng câu chuyện của mình, nhà biên soạn Kinh Thánh đã nhận nguồn cảm hứng từ chính lịch sử của dân tộc ông. Dân Chúa chọn đã được “lấy” từ hoang địa mà đưa vào Đất Hứa “chảy sữa và mật”, cũng như con người đã được “lấy” từ đất hoang dã mà đặt vào trong vườn Địa Đàng. Đối với Israel, ngoài Đất Hứa ra còn có ân ban Lề Luật; cũng như đối với con người, ngoài vườn Địa Đàng ra còn có lệnh truyền của Thiên Chúa. Chúng ta gặp thấy ở nơi sách Đệ Nhị Luật cũng một cách nói: “Nếu anh em nghe huấn lệnh của Thiên Chúa, Chúa của anh em, anh em sẽ được sống… Nhưng nếu anh em thay lòng đổi dạ…thì hôm nay tôi báo cho anh em biết: chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong… Tôi đưa ra cho anh em chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa.” (Đnl 30,15–20).

Đối với các ngôn sứ, mối tương quan giữa Thiên Chúa với dân Ngài không đơn giản được xây dựng trên giao ước luật pháp, nhưng trên hôn ước tình yêu: Thiên Chúa là chồng và Israel là vợ. Vì thế, việc dân Israel bất tín với Thiên Chúa không đơn thuần chỉ là vi phạm Luật Thiên Chúa, nhưng còn là tội ngoại tình, tội bỏ người chồng tốt lành của mình mà chạy theo thờ các thần linh ngoại bang. Hậu quả là dân mất tất cả, phải chịu cảnh lưu đày ở đất khách quê người. Nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc dân Người trong tình cảnh khốn cùng khi hứa với họ là Người sẽ đích thân can thiệp để đưa họ trở về quê cha đất tổ, phục hồi những gì họ đã đánh mất do tội bất phục tùng.

3– NHỮNG KHÍA CẠNH NGÔN SỨ

Những khía cạnh ngôn sứ của chuyện tích thì rất nhiều và sâu sắc. Trong một linh cảm đáng ngạc nhiên, tác giả linh hứng đã định vị tấm thảm kịch nguyên thủy vào trong một cuộc chạm trán giữa người nữ với Tên Cám Dỗ ở giữa lòng thiên nhiên còn nguyên sơ. Tin Mừng cũng trình bày một cuộc chạm trán trực diện giữa Đức Giêsu với Xatan ở giữa lòng hoang địa. Người nữ đã vấp ngã trong khi Đức Giêsu lại chiến thắng tên Xảo Trá. Rõ ràng, bài trình thuật Sáng Thế này là khúc dạo đầu bài ca khải hoàn vĩnh viễn của Chúa Giêsu. Ngoài ra, bản văn linh hứng này làm cho chúng ta xúc động sâu xa khi gợi ra một cách nào đó “việc ăn sinh nên tội chết” của hai ông bà nguyên tổ đối lại với bàn tiệc Thánh Thể, ở đó “việc ăn mang lại ơn cứu độ”; và lời dụ dỗ dối trá của Tên Cám Dỗ: “Nếu ông bà ăn trái này, ông bà sẽ không phải chết” đối lại với lời hứa ban sự sống của Ngôi Lời nhập thể: “Tôi là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51) .

Khi cho nhân vật phụ nữ một vai trò ưu thế, tác giả vén mở cho chúng ta thoáng thấy một dung mạo nữ giới khác, Đức Maria, một tạo vật duy nhất thuộc dòng giống loài người chúng ta, đã hưởng được tình trạng vô tội trước khi nguyên tổ phạm tội, tức là tình trạng “tiền ađam” như cách nói của các nhà thần học. Đối lại với tiếng “ưng thuận” của bà tổ Eva trước lời dụ dỗ ngon ngọt của Xatan, sẽ là lời đáp trả “xin vâng” của Đức Maria với Thiên Chúa qua sứ thần. Bà Eva ở nơi nguyên khởi của tội, Đức Maria ở nơi nguyên khởi của Ơn Cứu Độ. Vì thế, khi kết thúc chương 1 Tông huấn “Niềm Vui Chan Chứa Yêu Thương”, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên các gia đình: “Như Đức Maria, các gia đình được khuyên nhủ hãy can đảm và thanh thản đối mặt với những thách đố của gia đình mình, vào những lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện, và gẫm suy trong lòng những việc lớn lao Thiên Chúa đã thực hiện (x. Lc 2,19.51). Trong kho tàng trái tim của mình, Đức Maria cũng chất chứa những kinh nghiệm của mỗi gia đình, mà Mẹ yêu quý. Vì thế, Mẹ có thể giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của những kinh nghiệm này và nghe được sứ điệp Thiên Chúa mong ước thông truyền qua cuộc sống của các gia đình chúng ta” (số 30).

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 100 (Tháng 5 & 6 năm 2017)

 



[1] Tông huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô về Gia Đình có tựa đề là “Amoris Laetitia”, trong tựa đề này từ “Amoris” không là génitif chỉ “sở hữu” như được dịch “Niềm Vui của Tình Yêu”, nhưng là génitif chỉ “nguồn gốc”, nghĩa là “Niềm Vui bắt nguồn từ, hay phát xuất từ Tình Yêu”, hơn nữa, từ “Amoris” còn đóng chức năng bổ nghĩa cho từ “Laetitia”, vì thế có thể dịch là “Niềm Vui Chan Chứa Yêu Thương”. Như vậy tựa đề “Niềm Vui Chan Chứa Yêu Thương” mới diễn tả đúng nội dung của Tông huấn này.

[2] Jean Paul II, Audience générale du mercredi 7 novembre 1979.