GIÀ & TRẺ
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
WGPMT (24.07.2023) – Chúa nhật 23/7/2023 là Ngày thế giới người cao tuổi lần thứ ba. Sau đó một tuần là Đại hội giới trẻ thế giới, tổ chức tại Lisbon, Bồ Đào Nha, từ 1 – 6/8. Hai ngày lễ sát gần nhau, một cho già, một cho trẻ.
Chủ đề hai ngày lễ cũng gần nhau, đều được rút ra từ câu chuyện Đức Maria đi thăm bà Elisabeth trong Tin Mừng Luca 1,39-56. Chủ đề của Ngày người cao tuổi là “Lòng thương xót trải từ đời nọ đến đời kia” (Lc 1,50), và chủ đề của Đại hội giới trẻ là “Đức Maria vội vã lên đường” (Lc 1,39). Chiêm ngắm cuộc gặp gỡ của hai phụ nữ này là dịp suy nghĩ về tương quan giữa người già và người trẻ.
Đức Mẹ thăm bà Elisabeth
Cô Maria lúc ấy còn trẻ lắm và bà Elisabeth đã già nên cuộc gặp gỡ giữa hai người là sự gặp gỡ giữa hai thế hệ. Ở Việt Nam trước kia trong thời nông nghiệp, thời tứ đại đồng đường, người trẻ thường xuyên gặp gỡ người già là ông bà nội ngoại, cũng như trong làng xóm. Ngày nay trong thời đại công nghiệp hóa, các gia đình trẻ ngày càng sống độc lập và riêng tư hơn, nhất là trong các thành phố lớn, nên người trẻ ít có dịp gặp gỡ người già. Hơn thế nữa, trong thời đại đề cao hiệu năng sản xuất, người ta dễ có ý nghĩ cho rằng người già đã lỗi thời và không còn hữu dụng nên không còn quan tâm đến họ nữa!
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elisabeth lại cho thấy sự gặp gỡ giữa người già và người trẻ là cuộc gặp gỡ làm phong phú sự sống. Cả hai người phụ nữ lúc ấy đều mang thai, sự sống mới đang phát triển, và gắn với sự sống là niềm vui. Cũng thế, sự gặp gỡ giữa người già và người trẻ làm phong phú sự sống cho cả hai bên.
Phong phú cho người già như Đức giáo hoàng Phanxicô nói: “Chúa muốn người trẻ mang niềm vui đến cho tâm hồn người già, như Đức Maria đem niềm vui tới cho bà Elisabeth… nhất là Chúa muốn chúng ta đừng bỏ rơi người già và đẩy họ ra bên lề cuộc sống như rất thường xảy ra trong thời đại chúng ta”. Qua sự gặp gỡ người trẻ, người già “hi vọng rằng kinh nghiệm của họ không bị mất đi và những ước mơ của họ có thể được hoàn thành” (Sứ điệp Ngày thế giới người cao tuổi 2023).
Phong phú cho người trẻ vì qua sự gặp gỡ này, người trẻ “học được sự khôn ngoan từ kinh nghiệm của người già”; “biết nhìn cuộc đời không chỉ trong hiện tại mà thôi, đồng thời nhận ra rằng không phải mọi sự tùy thuộc vào mình và khả năng của mình” (Ibid).
Sở dĩ cuộc gặp gỡ ấy làm phong phú sự sống vì đó là sự gặp gỡ của tình yêu và lòng thương xót. Đức Maria cảm nhận sâu xa lòng Chúa thương xót nên Mẹ hát lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi…Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,47.50). Còn bà Elisabeth nhất định đặt tên cho con là Gioan, nghĩa là “Chúa dủ lòng thương”. Từ cảm nhận về lòng Chúa thương xót, cô Maria “vội vã lên đường” đem tình thương đến cho người bà con đang cần giúp đỡ, và người bà con ấy vui mừng đón nhận vì nhìn thấy ở đó dấu chỉ của lòng Chúa xót thương.
Cuộc gặp gỡ của tình thương ấy mời gọi người trẻ ngày nay chống lại thứ văn hóa vứt bỏ: vứt bỏ thai nhi, vứt bỏ người già, vứt bỏ người nghèo và người khuyết tật. Đồng thời người trẻ được mời gọi xây đắp nền văn minh tình thương: “Ngày nay chúng ta thấy thế giới đang tự tàn phá bằng chiến tranh, vì họ không thể ngồi lại để đàm phán. Các con phải là những người có khả năng tạo ra tình bằng hữu trong xã hội” (Christus vivit, số 169).
Trong video chuẩn bị cho Đại hội giới trẻ, Đức giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các bạn trẻ đi thăm ông bà nội ngoại trước khi đi dự Đại hội: “Nhiều người trong các con có ông bà nội ngoại, hãy đến thăm họ và hỏi họ xem thời của họ có Ngày Giới trẻ không. Chắc chắn là không. Vậy ông bà nghĩ cháu phải làm gì? Các con hãy nói chuyện với ông bà mình và họ sẽ cho các con lời khuyên khôn ngoan”. Ngài cũng kêu gọi người cao tuổi cầu nguyện cho Đại hội giới trẻ thế giới. Thiết nghĩ đây đâu chỉ là lời khuyên cho dịp đại hội giới trẻ nhưng còn là thái độ thường xuyên nên có trong đời sống chúng ta, người già cũng như người trẻ.
Nguồn: giaophanmytho.net