Vài nét về Papua New Guinea
Papua New Guinea có diện tích gần 463.000 cây số vuông, tức lớn hơn Việt Nam khoảng 40%, nhưng chỉ có gần 12 triệu dân với 840 thổ ngữ khác nhau. Vì thế, Anh ngữ là tiếng nói chính tại đây, cùng với tiếng Pidgin. Trước kia, lãnh thổ này là thuộc địa của Hòa Lan, Anh, Đức, rồi tới Australia, cho đến khi được độc lập vào năm 1975 và thuộc khối Thịnh vượng chung. Tuy độc lập, nhưng Papua New Guinea vẫn còn là nước nghèo nhất ở châu Đại Dương và lệ thuộc nhiều vào Australia về mặt tài chính. Các công ty nước ngoài kiểm soát tới 80% tư bản ở địa phương. Nông nghiệp tại đây vẫn còn ở tình trạng sơ khai và chỉ có 1% đất đai được canh tác.
Tỷ lệ đô thị hóa của nước này mới được 2,51%. Phần lớn các nơi chính chỉ có thể tới bằng máy bay và rất ít người có khả năng di chuyển như vậy, 80% dân chúng sống tại những vùng sâu vùng xa. Trong trường hợp thiên tai như vụ đất lở mới đây vì mưa lũ ở tỉnh Engal hoặc nạn ô nhiễm do việc khai thác khoáng sản, nhiều người dân có nguy cơ chết đói.
Trong những tuần lễ trước đây, Đức Cha Daru-Kiunga, ở tỉnh miền Tây Papua New Guinea, nơi các công ty khoáng sản đã đổ trầm tích (sedimenti) từ các cuộc khai thác mỏ quặng của họ xuống sông Ok Tede làm ngập lụt mùa màng, cho biết người dân đói và không có nước uống.
Khủng hoảng khí hậu, hoạt động khai thác mỏ bừa bãi, nạn phá rừng không kiểm soát, hạ tầng cơ sở lạc hậu cùng với nạn tham nhũng lan tràn, khiến Papua New Guinea trở thành quốc gia ngày càng mong manh hơn và dễ bị tổn thương.
Thủ đô Port Moresby là một thành phố tân tiến với nửa triệu dân cư: đường rộng, các cao ốc, trung tâm thương mại và nhiều công trình xây cất đang được tiến hành. Đó là thành thị duy nhất cỡ lớn của Papua New Guinea, một trục thu hút rất nhiều người di dân nội địa, nhất là những người trẻ. 40% dân Papua New Guinea dưới 15 tuổi. Họ đến thủ đô tìm kiếm điều kiện sống tốt đẹp và tự do hơn so với các làng mạc của họ. Nhưng nhiều khi những hy vọng và mong đợi ấy không được đáp ứng, vì họ không được huấn luyện, đa số còn mù chữ, hoặc không đủ khả năng.
Giáo Hội tại Papua New Guinea
Lịch sử truyền giáo thực sự bắt đầu tại Papua New Guinea cách đây hơn 200 năm, với các thừa sai Tin Lành và Công Giáo. Ngày nay, các hệ phái Tin Lành chiếm khoảng 60% dân số và 26% là tín hữu Công Giáo, thuộc 19 giáo phận chia làm 4 giáo tỉnh.
Vấn đề hội nhập văn hóa tại Papua New Guinea cũng là một đề tài khó khăn. Các linh mục nhiều khi gặp những trường hợp cả những gia đình lớn còn theo chế độ đa thê xin trở lại Công Giáo, và họ tiếp tục sống như vậy mà không cảm thấy trái ngược với luân lý Công Giáo.
Đức Hồng Y John Ribat, Tổng Giám Mục thủ đô Port Moresby, cho biết: Thách đố chính của chúng tôi là huấn luyện con người, đặc biệt là những người trẻ. Ngày nay chúng tôi quản trị khoảng 25% các trường học, nhất là ở những vùng xa, cộng tác với chính phủ, nhưng vẫn không đủ; cũng vậy trong lãnh vực y tế. Lẽ ra nhà nước phải đảm bảo việc bảo trì trường học và trả lương cho các giáo chức, các trung tâm y tế do Giáo Hội giúp đảm trách, nhưng trong thực tế việc bảo trì trường thì không có, và đồng lương cho giáo chức thì thường đến chậm.
Chuẩn bị đón Đức Thánh Cha
Ngay từ khi được thông báo về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, các giáo xứ và cộng đoàn ở Papua New Guinea đã tổ chức các buổi cầu nguyện và gặp gỡ, học hỏi giáo lý và thông tin giúp các tín hữu hiểu ý nghĩa cuộc viếng thăm của vị chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ.
Cha Victor Roche, người Ấn độ, thuộc dòng Ngôi Lời và hiện là Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo ở Papua New Guinea, cho biết để giúp các tín hữu chuẩn bị, các linh mục cần gặp nhau, suy tư, chuẩn bị tinh thần. Vì thế dịp tĩnh tâm của hàng giáo sĩ ở Port Moresby, dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng Y John Ribat, thuộc dòng Thừa Sai Thánh Tâm (MSC), Tổng Giám Mục sở tại, và được Đức Cha Dariusz Kaluza, Giám Mục giáo phận Bougainville, giảng thuyết, đã trở thành cơ hội giúp chuẩn bị, trao đổi và cầu nguyện về bao nhiêu sáng kiến liên quan đến cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha.
Chương trình viếng thăm
Theo chương trình do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố ngày 5 tháng 7 vừa qua, sáng ngày 6/9, Đức Thánh Cha sẽ kết thúc thuộc viếng thăm tại Indonesia và ngài sẽ bay tới Port Moresby lúc 18:50 phút chiều, sau gần 11 giờ bay.
Sáng hôm sau thứ Bảy 7/9, lúc 9:45 Đức Thánh Cha thăm vị Toàn quyền, tương đương với tổng thống, của Papua New Guinea, trước khi gặp gỡ chính quyền, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.
Ban chiều lúc 5 giờ ngài gặp gỡ các trẻ em bụi đời tại trung tâm do Caritas đảm trách, trước khi gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh, giáo lý viên tại đền thánh Đức Mẹ Phù Hộ.
Chúa nhật 8/9, Đức Thánh Cha gặp thủ tướng rồi cử hành thánh lễ lúc gần 9 giờ sáng tại Sân vận động Sir John Guise. Sau đó ngài ra phi trường lúc 1 giờ trưa để bay đến thị trấn Vanimo cách đó 1 ngàn cây số về hướng Tây bắc lúc 3 giờ 15 chiều, sau 2 giờ 15 phút bay.
Giáo phận Vanimo
Vanimo, giáp giới với Indonesia, một thị trấn có 11.200 ngàn dân cư, thủ phủ của tỉnh cùng tên, một tỉnh rộng 22 ngàn cây số vuông nhưng dân số chỉ có 124 ngàn người, trong đó 41 ngàn là tín hữu Công Giáo, thuộc 23 giáo xứ và 85 giáo họ. Cả giáo phận chỉ có 6 linh mục giáo phận và 17 linh mục dòng với 24 nữ tu.
Đức Cha Meli, Giám Mục sở tại, cho biết cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là một niềm vui lớn cho toàn dân Papua New Guinea. Vanimo chỉ là một nơi rất nhỏ và xa xăm, một giáo phận rất xa thủ đô Port Moresby, thiếu nhiều dịch vụ, cơ cấu hạ tầng rất yếu, đường xấu và không có cầu cống, khiến cho việc vượt qua các sông ngòi khó khăn, nhất là khi trời mưa lớn. Đức Cha nói: “Phần lớn người dân của chúng tôi sống ở vùng sâu vùng xa, vì thế thật là một điều rất ý nghĩa Đức Thánh Cha đến nơi hẻo lánh này để thấy thực sự dân Papua New Guinea như thế nào, cách họ làm việc, nơi họ sống và lối sống của họ”.
Phần lớn dân chúng theo Kitô giáo, Công Giáo và Tin Lành và có 10% còn theo các tôn giáo bộ lạc. Các thừa sai Công Giáo đây đến từ hơn 10 quốc gia, trong đó có các nữ tu người Argentina và một nhóm linh mục thuộc dòng Ngôi Lời Nhập Thể cũng từ Argentina. Họ sẽ được gặp riêng Đức Thánh Cha trong cuộc viếng thăm. Đức Cha cho biết một trong những dự án quan trọng nhất của giáo phận Vanimo là lập một trung tâm giúp đỡ các phụ nữ và thiếu nữ bị lạm dụng: đó là Trung Tâm Lujan dành cho các thiếu nữ và cũng có những nhà cho các phụ nữ. Họ là nạn nhân bị lạm dụng đủ loại: tâm lý, thể lý, cảm xúc và tình dục. Các nữ tu săn sóc các trẻ nữ ấy như thể con cái của mình.
Vừa khi đến Vanimo, Đức Thánh Cha gặp các tín hữu tại quảng trường trước Nhà thờ chính tòa vào lúc 3 giờ rưỡi. Sau đó ngài gặp riêng 1 nhóm thừa sai tại trường Chúa Ba ngôi, trước khi bay trở lại thủ đô vào lúc 8 giờ tối.
Sáng hôm sau, 9/9, Đức Thánh Cha còn gặp gỡ giới trẻ tại sân vận động Sir John Guise lúc 10 giờ, rồi giã từ Papua New Guinea để bay tới thủ đô Dili của Đông Timor lúc hơn 2 giờ chiều.