Giáo huấn của các Giáo hoàng về việc bảo vệ ngôi nhà chung: từ Phaolô VI đến Phanxicô

Nếu Laudato si’ và tông huấn gần đây của Đức Thánh Cha Laudate Deum góp phần vào việc truyền bá học thuyết sinh thái của Giáo hội, thì giáo huấn của Giáo hội về sinh thái học đã được bắt đầu từ trước đó nhiều năm. Từ lần đầu tiên một Giáo hoàng đề cập đến nguy cơ xảy ra “thảm họa sinh thái”, Đức Phaolô VI, đến Sứ điệp của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, tiếp tục với Đức Biển Đức XVI, vị Giáo hoàng “xanh”, và nổi bật với giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô.
 

Marine Henriot – Vatican 

Với việc tham dự COP28 ở Dubai, Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện một hành động lịch sử: đây là lần đầu tiên một Giáo hoàng tham dự một hội nghị của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu. Và đó là cao điểm của hàng chục năm bảo vệ ngôi nhà chung của Tòa Thánh trong thời kỳ đương đại.

Kể từ khi được bầu làm Giáo hoàng vào tháng 3 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến việc bảo vệ Công trình Sáng tạo và bảo vệ người nghèo và người yếu thế. Việc ban hành thông điệp Laudato si’ vào tháng 6 năm 2015 là bằng chứng cho điều này: một tài liệu nói về các vấn đề môi trường và xã hội, gợi lên một trong những chủ đề chủ đạo của triều đại Giáo hoàng của ngài: “Mọi thứ đều được kết nối… tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo không thể chờ đợi thêm nữa”. Tuy nhiên, nếu Laudato si’ và tông huấn gần đây Laudate Deum góp phần vào việc truyền bá học thuyết sinh thái của Giáo hội, thì giáo huấn của Giáo hội về sinh thái học đã được bắt đầu từ trước đó nhiều năm. Điều này đã được nhấn mạnh bởi Cha Thomas Michelet, một tu sĩ Đa Minh người Pháp và là giáo sư tại Đại học Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas (Angelicum) ở Roma, tác giả cuốn sách “Các Giáo hoàng và hệ Sinh thái”. Nói về chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha tại Du bai, Cha Michelet chia sẻ với Vatican News: “Thông điệp Laudato si’ phát triển một giáo huấn được trình bày qua nhiều thập kỷ”.

Những lời kêu gọi của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI

Lần đầu tiên một Giáo hoàng đề cập đến nguy cơ xảy ra “thảm họa sinh thái” là trong tuyên bố của Đức Phaolô VI trong bài phát biểu của ngài trước FAO (Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp quốc) vào năm 1970. Cha Michelet nhận xét: “Bài phát biểu này đánh dấu một bước ngoặt trong giáo huấn của các Giáo hoàng, từ một góc độ mà chúng ta có thể thực sự định nghĩa là sinh thái theo nghĩa mà chúng ta hiểu ngày nay”. Một trong những thông điệp quan trọng nhất của Đức Phaolô VI chắc chắn là thông điệp gửi đến những người tham gia Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường ở Stockholm vào tháng 6 năm 1972, trong đó, như Cha Michelet phân tích trong cuốn sách của ngài, Thánh Giáo hoàng sử dụng các khái niệm sinh thái điển hình và hiện đại đối với thời gian đó, chẳng hạn như sự nối kết không thể xóa bỏ của con người với môi trường của mình.

Đức Phaolô VI viết: “Thực vậy, ngày nay đang nổi lên ý thức rằng con người và môi trường của nó hơn bao giờ hết không thể tách rời: môi trường về cơ bản quyết định sự sống và sự phát triển của con người; còn con người lại hoàn thiện và nâng tầm quan trọng và ý nghĩa của môi trường bằng sự hiện diện, bằng công việc và sự chiêm niệm của mình. Nhưng khả năng sáng tạo của con người sẽ chỉ mang lại kết quả thực sự và lâu dài trong chừng mực con người tôn trọng các quy luật điều chỉnh động lực sống còn và khả năng tái sinh của thiên nhiên: cả hai đều liên đới và chia sẻ một tương lai trần thế chung. Do đó, nhân loại được cảnh báo phải thay thế động lực, thường là mù quáng và tàn bạo, của một sự tiến bộ vật chất chỉ dành cho sự năng động của nó, bằng sự tôn trọng hệ sinh quyển trong tầm nhìn tổng thể về sự thống trị của nó, trở thành ‘một Trái đất duy nhất’”…

Sứ điệp của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

Sau hai thập kỷ, sinh thái học trở lại là trọng tâm giáo huấn của Giáo hoàng trong thông điệp của Đức Gioan Phaolô II nhân Ngày Hòa bình Thế giới vào ngày 1 tháng 1 năm 1990. Tài liệu này ngày nay được coi là tài liệu đầu tiên của một Giáo hoàng nói về sinh thái học trên toàn cầu. Đức Gioan Phaolô II viết: “Xã hội ngày nay sẽ không tìm ra giải pháp cho vấn đề sinh thái trừ khi nghiêm túc xem xét lại lối sống của mình. Ở nhiều nơi trên thế giới, xã hội có khuynh hướng theo chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa tiêu dùng và vẫn thờ ơ trước những thiệt hại do họ gây ra. Như tôi đã quan sát, sự nghiêm trọng của tình hình sinh thái cho thấy cuộc khủng hoảng đạo đức của con người sâu sắc đến mức nào”.

Sau đó, trong triều Giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, nhiều tuyên bố về môi trường đã được ký kết và chiều kích đại kết trong lĩnh vực sinh thái này cũng được khẳng định. Đức Gioan Phaolô II, Giáo hoàng đến từ một Đông Âu hoàn toàn công nghiệp hóa, đã tận mắt chứng kiến ​​những đau khổ gây ra cho thiên nhiên. Cha Michelet nhấn mạnh: “Thực sự đã có một thảm họa sinh thái ở các quốc gia Đông Âu này và tôi nghĩ rằng Đức Gioan Phaolô II đã nhận thức được điều đó, và ví dụ như trong một số đoạn trong thông điệp về lao động của ngài (Laborem exercens), chúng ta thấy nổi lên vấn đề này”.

Đức Biển Đức XVI, Giáo hoàng “xanh”

Về phần mình, Đức Biển Đức XVI có mục tiêu biến Thành Vatican trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có lượng carbon cân bằng, tức là bù đắp lượng khí thải nhà kính. Vị Giáo hoàng người Đức đã khuyến khích việc trồng cây, lắp đặt các tấm quang điện trên mái Hội trường Phaolô VI, việc từ bỏ thuốc trừ sâu vô cơ ở Castel Gandolfo, nơi nghỉ mùa hè của các Giáo hoàng. Ngoài những hành động mang tính biểu tượng này, mối quan tâm của Đức Biển Đức XVI đối với sinh thái còn được tìm thấy trong thông điệp Caritas in veritate (Bác ái trong Chân lý), được ban hành vào tháng 6 năm 2009, trong đó viết: “Các vấn đề liên quan đến việc chăm sóc và bảo vệ môi trường ngày nay phải xem xét thích đáng các vấn đề năng lượng. Trên thực tế, việc tích trữ các nguồn năng lượng không thể tái tạo của một số quốc gia, tập đoàn điện lực và doanh nghiệp tạo thành một trở ngại nghiêm trọng cho sự phát triển của các nước nghèo. Những nước này không có phương tiện kinh tế để tiếp cận các nguồn năng lượng không thể tái tạo hiện có hoặc để tài trợ cho việc nghiên cứu các nguồn mới và thay thế”.

Tính mới mẻ trong giáo huấn về sinh thái của Đức Thánh Cha Phanxicô

Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đang theo bước các vị tiền nhiệm bằng cách dựa trên nền tảng chung của tư tưởng Kitô giáo, dựa trên việc bảo vệ Công trình Sáng tạo. Theo Cha Thomas Michelet, “Nhận thức mới của Đức Phanxicô, rất mạnh mẽ trong thông điệp Laudato si’, là nhận thức rằng hành tinh này đã trở thành một sinh vật nhỏ bé, mỏng manh”. Và Cha Michelet kết luận: “Bản thân hành tinh này đã trở thành một thứ nhỏ bé tội nghiệp trong tay con người, con người đã trở thành siêu quyền lực nhờ công nghệ của mình, điều mà trước đây tất nhiên là con người không có được. Trên thực tế, con người giờ đây đã có các phương tiện kỹ thuật để hủy diệt hành tinh Trái đất, điều rõ ràng là cách tiếp cận của chúng ta với thế giới đang thay đổi rất nhiều”.

Vatican ngày càng “xanh”

Vào ngày 6 tháng 7 năm 2022, Vatican chính thức tham gia Công ước khung của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu, cam kết đạt được mức trung hòa carbon, một dự án do Đức Biển Đức XVI khởi xướng. Trên cơ sở này, vào tháng 11 năm ngoái, Phủ Thống đốc Thành Vatican đã thông báo rằng họ đã triển khai một chương trình phát triển di chuyển bền vững mang tên “Hoán cải sinh thái 2030”, cũng nhằm mục đích giảm lượng khí thải CO2 từ đội xe của mình. Các xe ô tô của Thành Vatican sẽ dần được thay thế bằng xe điện.