Hôm nay cộng đoàn giáo xứ Thiên Ân hòa cùng Giáo Hội Hoàn Vũ long trọng mừng đại lễ Chúa Phục Sinh. Bắt đầu từ đoàn rước, các ban ngành đoàn thể cung nghinh Chúa Phục Sinh qua các con đường dẫn vào nhà thờ với sự nghiêm trang hân hoan mừng Chúa sống lại. Khi đoàn rước tiến vào nhà thờ Ca Đoàn Thánh Phanxico Xavie hát ca nhập lễ và thánh lễ bắt đầu. Lm chủ tế gởi ý hôm nay chúng ta cùng Giáo Hội mừng lễ Phục Sinh.
Cùng dâng thánh lễ với Lm Phero chánh xứ Thiên Ân là thầy Phó Tế Giuse Phạm Văn Nam.
Thầy Giuse chia sẻ trong thánh lễ.
Xem toàn bộ ảnh tại đây.
https://flic.kr/s/aHBqjBjrqv
Link Facbook
LỄ PHỤC SINH NĂM B
Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
Kergyma và niềm vui phục sinh.
“Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường […] chúng tôi rao giảng và long trọng làm chứng để những ai tin vào Người thì được hưởng ơn cứu độ.” (x. Cv 10,39-43).
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Những lời mà con vừa đọc cho quý ông bà anh chị em nghe đó, anh chị em nghe có quen không? Rất quen phải không ạ, bởi vì những lời này là lời rao giảng của thánh Phêrô, vị Giáo hoàng đầu tiên được trích trong bài đọc 1 sách Tông Đồ Công vụ quý ông bà anh chị em vừa nghe. Thuật ngữ chuyên môn gọi là “Kergyma” – lời rao giảng tiên khởi. Lời rao giảng này không chỉ được thánh Phêrô vị tông đồ trưởng rao giảng mà còn trở thành lời rao giảng tuyên xưng của Giáo Hội suốt hơn 2000 năm qua. Nội dung: Đức Giêsu Kitô, người Nazareth đã bị đóng đinh vào thập giá vì tội lỗi của con người, sau 3 ngày Thiên Chúa đã cho Người sống lại, Ngài đã hiện ra với chúng tôi là những chứng nhân được tuyển chọn, nay chúng tôi xin làm chứng và rao giảng cho anh em, để nhờ tin vào Người, anh em ăn năn thống hối để được ơn cứu độ. Những điều này cũng được chúng ta tuyên xưng cách trọng thể trong Kinh Tin Kính mỗi Chúa nhật.
Như thế, đức tin của con cũng như quý ông bà anh chị em chúng ta đang hiện diện ở đây được đặt nền tảng dựa theo lời chứng của các tông đồ. Nhưng đức tin của chúng ta cần được kiểm chứng dựa trên lý trí, chứ không phải dựa trên cảm tính chủ quan. Sự kiện phục sinh có một không hai này theo lý trí tự nhiên của con người không phải dễ tin, chẳng thế Tin Mừng thánh Maccô kết thúc ở chỗ: “Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói với ai vì sợ hãi.” (Mc 16,8). Con và quý ông bà anh chị em cũng có thể đặt câu hỏi rằng: điều gì, biến cố nào đã xảy với thánh Phêrô, thánh Phaolô hay với các môn đệ của Chúa Giêsu, đã làm biến đổi những con người này nhanh như thế. Vừa mới thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta còn chứng kiến một Phêrô kiêu hãnh, tự tin thái quá về mình “Dù mọi người có bỏ Thầy, con cũng không bỏ Thầy; đứa nào đụng đến Thầy là chết với con, con sẽ thí mạng vì Thầy”, thế nhưng thực tế thì gà chưa kịp gáy hai lần có đứa tớ gái khoảng 15, 16 tuổi, nó hỏi có chút xíu thôi là chối bay chối biến không biết thì một thời gian sau cũng Phêrô đó lại dõng dạc đứng lên làm chứng: Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thập giá nay đã phục sinh. Anh em hãy thống hối tin vào Ngài để được cứu độ. Và cuối cùng thí mạng vì niềm tin vào Thầy mình, thánh Phêrô được ơn đóng đinh giống Thầy mình, nhưng vì khiêm tốn cảm thấy không xứng đáng khi chịu giống Thầy nên đã xin đóng đinh ngược trên đồi Vatican.
Hay điều gì đã xảy ra với thánh Phaolô, một Pharisêu nhiệt thành với truyền thống Do Thái của cha ông đến nỗi sốt sắng bách hại đạo Thánh Chúa, tìm giết các Kitô hữu. Chính thánh Phaolô đã kể lại kinh nghiệm được Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra, quật ngã ông, rồi kéo ông “trỗi dậy” để ông trở nên “lợi khí” của Chúa, từ nay cuộc sống và cùng đích của Thánh Phaolô là ở nơi Chúa: “Đối với tôi sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi; Tôi tin chắc rằng sự sống hay sự chết, dù thiên thần thiên phủ, dù hiện tại tương lai, […] không có gì và không có ai có thể tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô; Tôi quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước nơi có Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi.” Một kinh nghiệm đức tin sâu sắc, một lời tuyên xưng tuyệt vời.
Còn các môn đệ khi chưa gặp được Đấng Phục Sinh “các cửa nhà đóng kín vì sợ”, sau khi được gặp Đấng Phục sinh, các ông can đảm mở tung cửa bước ra loan báo Tin Mừng Phục Sinh, loan báo đến độ dùng cả mạng sống của mình để minh chứng về sự phục sinh của Chúa. Ngay ở quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta, cha ông chúng ta là các Thánh Tử vì đạo cũng đã đổ máu đào ra để tỏ lòng trung tín và minh chứng cho Đức Kitô phục sinh mà nay đang sống.
Nhìn vào thực tại đời sống đức tin của con và quý ông bà anh chị em cũng thế, ngoài nền tảng vững chắc nơi niềm tin của các tông đồ, của các vị tiền nhân để lại, mỗi người chúng ta còn có những kinh nghiệm đức tin cá nhân sống động trong việc gặp gỡ với chính Đấng phục sinh. Cảm nghiệm được sự hiện diện đầy yêu thương của Đấng phục sinh luôn ở bên, đồng hành với mình, đời sống của con cũng như của quý ông bà anh chị em chắc chắn sẽ có niềm vui và niềm vui này thế gian không lấy mất được. Cùng đi với Đấng Phục sinh, chúng ta được mời gọi can đảm tiến bước “Trong thế gian, anh em sẽ gặp gian nan khốn khó nhưng can đảm lên Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33). Mừng đại lễ Chúa Phục sinh trong giây phút này với niềm vui, chúng ta cùng nhau hát lên: “Alleluia”.
Bài: Thầy Phó Tế Giuse Phạm Văn Nam. ( Giáo Xứ Thiên Ân ).
Ảnh: Cây Viết Chì Nhỏ.