Giới trẻ trưởng thành trong tình yêu (phần II)

GIỚI TRẺ TRƯỞNG THÀNH TRONG TÌNH YÊU (Phần II)

Sr. Maria Lê Kim Yến, Dòng MTG Hà Nội

Giới trẻ trưởng thành trong tình yêu – phần I

I. ĐỊNH NGHĨA TÌNH YÊU

Có nhiều cách để định nghĩa tình yêu, tuỳ theo văn hoá và cái nhìn của mỗi người và mỗi môi trường. Tình yêu là ngôn ngữ được dùng nhiều nhất và cũng là ngôn từ bị lạm dụng nhiều nhất. Tình yêu là đề tài muôn thuở. Văn thơ và ca dao Việt Nam diễn tả đa dạng về tình yêu nam nữ.

Trong tình yêu chân chính luôn có cảm nghiệm hy sinh và đau đớn vì người mình yêu. Chẳng hạn như Xuân Diệu định nghĩa yêu “là chết ở trong lòng một ít.” Trong cuốn sách Dâng Hiến Tất Cả (Total Surrender), Mẹ thánh Têrêsa thành Calcutta từng nói rằng: “Tôi tìm ra một nghịch lý, rằng nếu bạn yêu sâu sắc tới mức đau đớn, sẽ chẳng thể có thêm đau đớn nữa, chỉ có thêm tình yêu.”

Cùng với những thay đổi và chuyển biến về tâm sinh lý, các bạn trẻ luôn khát khao yêu và được yêu. Yêu là nguồn sinh lực sống của con người. Tình yêu mang lại cho con người sức mạnh để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc đời. Nhà thơ Xuân Diệu đã nói:

Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ, không thương một kẻ nào? (Bài ca tuổi nhỏ)

Khi hai người yêu nhau, họ sẵn sàng bỏ qua mọi sự khó khăn để có thể làm cho người mình yêu được hạnh phúc. Ở trong tình yêu, mọi sự đều trở nên đẹp đẽ và nên thơ.

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua.

Người thời nay còn hài hước cho thêm:

Yêu nhau mấy núi cũng trèo.
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.
Ngại gì cái chuyện đường xa.
Không đi xe buýt thì ta đi tàu.

Trong Kinh Thánh, tình yêu cũng được nói đến rất nhiều. Điểm cốt lõi của lề luật Kitô giáo là: Yêu Chúa và Yêu Người. Hai điều này luôn đi liền và không thể tách rời nhau, cùng tác động lên nhau để giúp con người tồn tại và phát triển một cách viên mãn trong tình Chúa và tình người. Đức Giêsu truyền dạy các môn đệ giới luật yêu thương duy nhất: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 37 – 40). Tình yêu chân chính là tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4, 16).

II. CÁC THỂ LOẠI TÌNH YÊU

Tình yêu là ngôn từ được sử dụng rất đa dạng trong nhiều mối quan hệ khác nhau. Có nhiều thể loại tình yêu như tình yêu bố mẹ và gia đình, tình bạn bè, tình đồng chí, tình đồng nghiệp, tình yêu nghề nghiệp, tình yêu tổ quốc, tình yêu tha nhân và tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu mà được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là “tình yêu giữa người nam và người nữ, trong đó hồn xác kết hợp bất khả phân ly và mở ra cho con người một lời hứa hạnh phúc dường như không cưỡng lại được” (Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 2).

1. Tình yêu gia đình và xã hội:

Tình yêu gia đình là tình yêu được xem là thiêng liêng nhất mà mỗi người cần có. Đó là tình cảm giữa bố mẹ và con cái, giữa ông bà và cháu chắt. Tình yêu này còn được mở rộng hơn giữa bản thân với những người trong xã hội mà mình đang sống và làm việc. Trong tương quan tình yêu gia đình, bố mẹ và con cái luôn thấu hiểu và thông cảm cho nhau cũng như hi sinh tất cả vì nhau. Khả năng yêu thương của con người được lớn dần lên từ tình yêu gia đình. Chúng ta không thể đón nhận tình yêu mãi, cũng không thể cho đi mãi. Khi chúng ta đã được đón nhận tình yêu từ gia đình, chúng ta cũng được mời gọi trao tặng tình yêu cho những người thân yêu của mình. Vì “Ai muốn ban tặng tình yêu thì chính họ cũng được lãnh nhận tình yêu” (Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 7). Tình yêu gia đình thể hiện qua lòng hiếu thảo, kính trọng và biết ơn mà con cái dành cho cha mẹ vì công đức sinh thành, dưỡng dục, cũng như bao hy sinh của cha mẹ dành cho con cái. Điều này được thể hiện nhiều trong ca dao, tục ngữ Việt Nam:

Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Đi khắp thế gian, không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng cha.
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.

2. Tình yêu bạn bè

Đây là kiểu tình yêu phát triển từ từ qua tình bạn, dựa trên những sở thích tương đồng và cam kết giống nhau, hơn là dựa trên sự đam mê xác thịt. Tình bằng hữu cũng được hiểu là tình cảm giữa anh chị em cùng chí hướng (những người đi tu, những người cùng hoạt động trong nhóm, hội đoàn, quân đội, tình đồng chí) hoặc giữa những người bạn thân thiết hay bạn tri kỷ. Mức độ quan tâm hay hạnh phúc mà kiểu tình yêu này mang lại ở mức độ trung bình. Tình yêu bạn bè thể hiện qua sự tôn trọng, cởi mở chia sẻ, nâng đỡ nhau, coi nhau như người thân trong nhà.

Trong Tin Mừng Thánh Gioan, tình bạn được diễn tả nổi bật trong mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ (Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 3). Đức Kitô nói với các môn đệ: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ mình làm. Nhưng thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe nơi Cha thầy, thì thầy đã cho anh em biết” (Gioan 15:14-15). Quan trọng cho chúng ta biết là chính Đức Kitô đã mời và đề nghị tình bạn này với chúng ta: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng thầy đã chọn anh em” (Gioan 15:16). Do đó, chúng ta cần thiết lập và duy trì tình bạn thân mật với Đức Kitô để trong mọi biến cố của cuộc đời, chúng ta luôn có Ngài đồng hành và chia sẻ những thăng trầm của cuộc sống.

3. Tình ái (Eros)

Tình ái (Eros) thể hiện trạng thái say đắm, một tình trạng được điều khiển bởi một sức thu hút huyền bí, đưa con người ra khỏi giới hạn của mình và cho họ nhanh chóng cảm nghiệm tình yêu và niềm hạnh phúc ở mức cao độ. Tình yêu thể hiện dưới dạng ước muốn đam mê nhục dục giữa hai người yêu nhau, còn gọi là tình yêu ham muốn hay hưởng thụ. Tình ái là tình yêu vị kỷ và là khởi đầu của tình yêu.

Ví dụ “tình yêu sét đánh” là tình yêu hai người cảm được ngay lần đầu gặp gỡ. Họ yêu nhau qua cái nhìn bề ngoài hay qua cách trò chuyện lần đầu tiên. Họ có cảm giác tim đập thình thịch khi gặp đối tượng là người khác phái cũng có cùng tần số xao động. Điều này ảnh hưởng đến sự nhận thức và hoá chất trong não khiến hai người có cảm giác sảng khoái và muốn thuộc về nhau. Kiểu tình yêu này là một trong những tình yêu phổ biến nhất trong phim Hollywood. Hai người cảm thấy được sức hút mạnh mẽ cả về thể xác và tình cảm. Họ cảm nghiệm rõ qua phản ứng hoá học diễn ra trong cơ thể hai người. Eros là kiểu tình yêu mà nhiều người trải qua ít là một lần trong đời vì Eros được thể hiện trực tiếp qua sự tiếp xúc mạnh mẽ của thể xác. Nhà thơ Vũ Quần Phương trong bài thơ Áo Đỏ đã diễn tả tình yêu này rất rõ nét và sống động:

Áo đỏ em đi giữa phố đông
Cây xanh như cũng ánh theo hồng.
Em đi lửa cháy trong bao mắt
Anh đứng thành tro em biết không?

Con người là một nhân vị có hồn và có xác. Tình yêu đạt tới sự cao cả thực sự khi con người yêu nhau trọn cả hồn lẫn xác, chứ không tách rời xác riêng và hồn riêng (Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 4). Tình ái chỉ bền vững khi con người cảm thấy có sự kết hợp của cả thể xác và linh hồn, giúp con người hướng đến Thiên Chúa, một trạng thái “ngất trí,” vượt lên chính bản thân. Eros cần được thanh luyện và kết hợp cả thể xác và tinh thần; cả ý chí và lý trí sẽ giúp con người tiến xa hơn trong tình yêu đôi lứa, tình yêu nhân loại, và tình yêu Thiên Chúa,.

Tuy nhiên, nếu tình yêu chỉ dừng lại ở tình ái, tìm kiếm khoái lạc, thoả mãn thân xác và bản năng thú tính của con người thì tình ái sẽ chỉ đơn thuần dừng lại ở tình dục. Con người chỉ đến với nhau để thoả mãn xác thịt. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói: “Eros vô luân và điên đảo không phải là sự vươn lên, “ngất trí đến với thần linh”, nhưng là sự sa đọa của con người. Rõ ràng, eros cần sự thanh luyện, để nó không chỉ đem lại cho con người chút khoái lạc chóng qua, nhưng là một sự nếm trước đỉnh cao của cuộc sống – một thứ diễm phúc mà cuộc đời chúng ta hướng đến (Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 4). Như vậy, khi tình yêu chỉ dừng lại ở giới hạn thoả mãn thể lý, con người sẽ cảm thấy nhân phẩm của họ bị hạ thấp hay coi thường. Thân thể của họ được coi như là thứ hàng hoá trao đổi hay như thứ đồ chơi. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nóiEros (tình ái) bị hạ giá xuống thành sex (tình dục), trở thành hàng hoá, thành “vật phẩm” ; người ta có thể mua hay bán nó, thật vậy, chính con người cũng trở thành hàng hoá” (Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 5)Tính dục là món quà Thiên Chúa trao tặng cho con người để gia tăng tình yêu. Thiên Chúa ban cho con người có khả năng sinh sản và có thể tham gia vào công trình sáng tạo. Con người không sử dụng đúng vai trò của tình dục khi nó trở thành thứ hàng hoá để mua bán trao đổi, để thuận mua vừa bán. Đó là khi con người sử dụng thân xác và tình dục để hưởng thụ và thoả mãn xác thịt, để khai thác nhau.

Đây là thứ tình yêu mà chúng ta thấy nhiều bạn trẻ nếu không có sự học hỏi và hướng dẫn đúng sẽ dẫn đến chuyện không làm chủ được bản thân như sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân để tìm kiếm thoả mãn xác thịt và kết quả phải ân hận cả đời.

4. Tình yêu bác ái hay tình yêu ban tặng (Agapé):

Nếu Eros được xem là tình yêu đi xuống, tình yêu ham muốn, tình yêu hưởng thụ, thì Agapé là tình yêu đi lên, tình yêu ban tặng, tình yêu dâng hiến (Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 7)Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khẳng định tình yêu chân thật luôn có sự kết hợp của tình yêu eros và agapé vì hai loại tình yêu này không bao giờ tách biệt nhau, mà luôn gắn kết trong tình yêu duy nhất khiến hai người yêu nhau cảm nghiệm rõ ràng hơn bản chất chân thật tình yêu của mình. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói: “Cho dù khởi đầu eros còn mang tính chất khả giác và vươn lên – hấp dẫn vì hứa hẹn hạnh phúc – nhưng khi đến với người khác, con người sẽ không luôn hướng về mình, mà luôn ước muốn đem lại hạnh phúc cho người khác, luôn chăm sóc đến họ, tự hiến chính mình và muốn hiện diện cho họ. Đó là lúc agapé xen vào trong họ, nếu không như thế, con người sẽ bị hụt hẫng và đánh mất chính bản chất của mình” (Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 7). Như vậy, agapé là tình yêu mà con người sẵn sàng hy sinh tất cả cho người bạn đời của họ. Tình yêu agapé dựa trên mối tương quan không thể phá vỡ. Đó là tình yêu vô vị lợi, vô điều kiện vì người mình yêu.

Tình yêu agapé là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu agapé được đặt nền tảng trên đức tin Kitô giáo. Tình yêu của Đức Kitô là tình yêu cao cả nhất. Đó là tình yêu của người dám thí mạng sống của mình vì bạn hữu (Gioan 15:13). Tình yêu bác ái luôn đi đôi với tình yêu vị tha và lòng khoan dung tha thứ. Tình yêu bác ái là tình yêu được thanh lọc mỗi ngày để con người không chỉ dừng lại ở khoái lạc tình ái nhất thời chóng qua, mà luôn đưa con người đến hạnh phúc đích thực.

Tình yêu này cũng được dùng để chỉ tương quan tình yêu giữa con người với nhau: tình yêu nam nữ, tình yêu vợ chồng, tình huynh đệ. Agapé diễn tả tình yêu mong muốn điều tốt đẹp đến với người mình yêu; nghĩa là nghĩ tốt, nói tốt và làm những việc tốt cho người mình yêu cho dù người đó chưa làm điều tốt cho mình. Yêu là nhìn nhận những điều tốt đẹp của người khác, là vui khi thấy người yêu của mình làm được những điều tốt lành. Yêu là phải biết sống hy sinh vì người mình yêu, hết mình dấn thân và tận hiến vì người mình yêu. Tình yêu là động lực và là sức mạnh giúp con người vượt lên trên giới hạn và sự ích kỷ của bản thân mình để dám sống cho nhau và vì nhau.

III. MỘT VÀI GỢI Ý GIÚP PHÂN ĐỊNH TRONG TÌNH YÊU

Trong cuộc sống thường ngày, mỗi người chúng ta đều có những tương quan tình yêu khác nhau. Trong mỗi mối tương quan ấy, chúng ta được mời gọi sống với một tình yêu tương ứng và phù hợp. Chúng ta có thể tự hỏi mình đang yêu như thế nào trong các mối tương quan khác nhau đó? Chúng ta đang yêu bằng loại tình yêu nào? Chúng ta cần phải làm gì để trưởng thành trong tình yêu? Câu chuyện dưới đây có thể gợi mở cho các bạn trẻ có một số ý tưởng giúp phân định trong tình yêu.

Câu chuyện: Cuộc chiến của hai con sói trong bạn

Một cụ già người Cherokee đang dạy cháu trai của mình về cuộc sống. Ông nói với cháu: “Có một cuộc chiến đang diễn ra trong ông. Đây là một cuộc chiến khủng khiếp và nó nằm giữa hai con chó sói. Một bên là con ác, tức là con này luôn giận dữ, ghen tị, buồn bã, hối hận, tham lam, kiêu ngạo, tự than thân trách phận mình, tội lỗi, oán giận, tự ti, dối trá, tự hào hão, tự cho mình hơn người khác và trọng cái tôi bản ngã của mình.”

Cụ già tiếp tục kể cho cháu trai: “con bên kia thì tốt – luôn thể hiện niềm vui, hòa bình, tình yêu, hy vọng, thanh thản, khiêm tốn, nhân hậu, nhân từ, đồng cảm, rộng lượng, chân lý, từ bi và đức tin.” Và cuộc chiến tương tự đang diễn ra bên trong cháu, và bên trong mỗi người khác nữa.

Cháu trai nghĩ về điều đó trong phút chốc, rồi hỏi ông nội: Con sói nào sẽ thắng hả ông?

Ông cụ người Cherokee trả lời cháu một cách đơn giản: đó là con mà mình cho nó ăn.

Bài học qua câu chuyện:

Cuộc chiến giữa thiện và ác là mãi mãi, không bao giờ ngừng. Chúng ta không bao giờ thoát khỏi con sói ác trong mình một cách tuyệt đối. Con sói ác đó luôn ở trong chúng ta và cuộc chiến giữa hai con sói luôn âm ỉ, không bao giờ ngừng. Nếu chúng ta không làm gì và chiều theo những hướng dẫn tiêu cực của con sói ác, thì đó là cách chúng ta nuôi dưỡng con sói độc ác lớn lên từng ngày.

Hai con sói thể hiện cho sự thiện và ác luôn ở trong chúng ta. Sự thiện và ác đó biểu hiện trong cảm xúc, hành vi, thói quen và mọi khía cạnh khác trong cuộc sống của chúng ta. Dù có niềm tin tưởng mạnh mẽ vào Thiên Chúa, Thánh Phaolô cũng đã than phiền và tự nhận sự yếu đuối của mình: “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Roma 7, 19). Chúng ta thường có khuynh hướng muốn loại bỏ phần tiêu cực của bản thân ra khỏi mình. Chúng ta muốn sống một cách thánh thiện và cố gắng sống để loại bỏ các suy nghĩ và hành vi tiêu cực ra khỏi đầu chúng ta. Chúng ta ép mình ép xác, than thân trách phận, không để cho mình thanh thản, thư giãn vì những phần xấu luôn tồn tại trong mình.

Tuy nhiên, tình yêu rất phức tạp. Việc phân định trong tình yêu không thể đơn giản hoá qua việc phân định giữa sự thiện và sự ác vì tình yêu rất khó để nói đúng hay sai. Câu chuyện trên như là lời mời gọi giúp các bạn trẻ biết cách phân định điều thiện và điều ác và nuôi dưỡng những giá trị đạo đức làm nền tảng cho những suy nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta. Bên cạnh đó, nhận biết những xung đột nội tâm và làm thế nào để quân bình những mâu thuẫn, những xung đột nội tâm là điều quan trọng để các bạn trẻ có thể nuôi dưỡng tình yêu chân thành và sự lương thiện trong con người của mình. Quan trọng là chúng ta phải biết lắng nghe những chuyển động của Chúa Thánh Thần hoạt động trong mình và đáp trả tiếng mời gọi đó với những khao khát thánh thiện và việc làm ý nghĩa. Khi đó, chúng ta sẽ thực sự cảm thấy bình an và sự hiện diện của Chúa trong tình yêu và cuộc sống của mình.

Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên hoàn thiện mỗi ngày: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Sự thật là không ai trong chúng ta được sống trong hạnh phúc và thánh thiện một cách thuần khiết. Đó là bản chất của con người. Khi mang thân phận làm người, chúng ta luôn phải chiến đấu và quyết định để cố gắng sống trong sự thật của lòng mình. Chúng ta cần phải vượt qua chính mình và những cảm giác tiêu cực như nỗi sợ hãi, lo lắng và nghi ngờ của con sói ác để tiến về phía trước. Đó là cách chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện trong con người chúng ta và trưởng thành trong tình yêu của mình.

 

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org