WGPSG / Aleteia — Lời khuyên của ông bà phải đúng nơi và đúng lúc. Bài dưới đây đề cập đến cách làm cho lời khuyên ấy trở nên hữu ích mà vẫn giữ được mối quan hệ tốt.
Thật may mắn cho những đứa cháu có thể thường xuyên gặp được ông bà! Nhưng nhiều ông bà và những đứa cháu đã không có được cơ hội đó, có lẽ vì họ sống xa nhau, hoặc vì bố mẹ của chúng không ưu tiên để con mình gặp được ông bà.
Mặc dù có thể có những thách đố khi ông bà đóng vai trò lớn và trở thành hạt nhân trong cuộc sống gia đình, nhưng điều này cũng có nhiều lợi ích. Ông bà có thể là nguồn trợ giúp lớn cả về thực tiễn lẫn tình cảm. Họ cũng có thể làm được những điều đặc biệt cho con trẻ mà cha mẹ chúng thường không thể làm được.
Tuy nhiên, ngay cả khi ông bà được coi như là mối phúc lợi cho các cháu, thì ông bà vẫn phải luôn tự hỏi: Đâu là cách tốt nhất để nuôi dạy và giáo dục các cháu của mình. Điều này chỉ có thể truyền đạt được trên tinh thần chăm sóc và hỗ trợ, khi có mối quan hệ tốt giữa ông bà với cha mẹ.
Tránh những nhận xét nhỏ có thể làm hư hỏng mối quan hệ
Khi mối quan hệ giữa ông bà và cha mẹ tốt đẹp, cha mẹ có thể ngỏ lời xin ông bà giúp đỡ hoặc có ý kiến. Khi ấy, ông bà mới có thể có lời khuyên cho cha mẹ về cách nuôi dạy con cái.
Nên đưa ra lời khuyên cách tự nhiên, không phán xét và nên có chút hài hước. Lời khuyên như vậy sẽ không bị coi là xâm phạm, nếu ngay từ lúc cuộc sống hôn nhân của con mình bắt đầu, người làm ông bà trong tương lai đã nói rõ với các con rằng, họ không có ý định can thiệp vào cuộc sống của cặp vợ chồng mới cưới. Trong những trường hợp như vậy, cặp vợ chồng sẽ cảm thấy được tôn trọng và sẽ xin lời khuyên cho mình.
Nhưng nếu mối quan hệ đang gặp vấn đề, những lời nhận xét sẽ trở nên vô nghĩa, được đón nhận trong sự thù nghịch và chẳng đem lại lợi ích gì.
Do đó, ông bà chỉ nên đưa ra lời khuyên khi được thỉnh cầu cách rõ ràng hoặc trong tình huống đặc biệt (chẳng hạn như nguy hiểm về thể chất hoặc đạo đức cho các cháu).
Dù thế nào đi nữa, điều quan trọng là phải tránh những lời nhận xét gây đau đớn, làm hại cho mối quan hệ, chẳng hạn như: “Đứa trẻ này không biết cách cư xử!” hoặc “Con đã quá chiều chuộng bọn trẻ thì đừng hỏi tại sao chúng không nghe lời!”
Điều này không giúp ích gì cho mối quan hệ và khiến cha mẹ có khuynh hướng ít muốn tham khảo ông bà trong các quyết định của họ.
Đề cập đến các mặt tích cực của giáo dục
Ông bà có thể nói đến các mặt tích cực của việc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em, vì trong hầu hết các trường hợp, ngay cả khi ông bà mắc lỗi (có ai mà không mắc lỗi ?), cha mẹ thường truyền lại các giá trị tương tự cho con cái, là những gì họ đã nhận được.
Điều này đặc biệt quan trọng trong các vấn đề đức tin, nếu các cháu không được rửa tội, hoặc không được nuôi dưỡng bằng các giá trị Kitô giáo. Điều thiết yếu là phải tôn trọng những lựa chọn của cha mẹ chúng khi thảo luận về chủ đề này.
Điều tối quan trọng là phải học cách kiên nhẫn và tránh hành động như những kẻ không biết cách cư xử. Cũng như đừng bao giờ quên rằng, cuộc sống của ông bà, nếu thực sự vui tươi hạnh phúc, thì đó sẽ là mẫu gương tốt lành cho con cháu, có giá trị hơn bất kỳ bài giảng thuyết nào.
Làm gương và sống chính trực vui tươi
Ông bà có vai trò quan trọng trong sự phát triển và trưởng thành của các cháu, nên họ cần cẩn thận trong việc phê phán hành vi của cha mẹ chúng. Tuy nhiên, họ cũng có thể nên biện minh hoặc giải thích về thái độ của cha mẹ chúng, đặc biệt là khi đứa cháu đã chọn ông bà là bạn tâm tình của nó.
Mặt khác, khi các cháu đến thăm ông bà, ông bà cũng nên yêu cầu chúng tuân theo các quy tắc của ông bà (nhưng đừng mâu thuẫn với các quy tắc mà trẻ nhận được ở nhà).
Chỉnh sửa cha mẹ trong cách nuôi dạy con cái thật sự không phải là vai trò của ông bà. Nhưng bằng cách làm gương mẫu sống đời Kitô hữu chính trực, ông bà luôn có thể giúp cha mẹ dưỡng dục con cái cách tốt đẹp.
Đây là việc đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, nhiều chú tâm và tình yêu, trong một thế giới rất thiếu thốn về những điều đó.