SÀIGÒN TRONG CƠN DỊCH COVID
Ai cũng biết Sài Gòn đang bùng dịch bệnh do virus hoành hành. Sau ba lần bùng dịch, người dân cứ vô tư, nhưng lần thứ tư này người ta mới biết sợ. Biết sợ khi các hàng quán phải đóng cửa; các dịch vụ phải ngưng, việc di chuyển phải hạn chế, các chợ phải ngừng bán – điều mà hơn sáu chục năm qua chưa từng có ở Sài Gòn – một đô thị hoa lệ, có lẽ “HOA là hoa thơm cỏ lạ đối với người giàu có và LỆ là nước mắt và mồ hôi đối với người lao động nghèo. Và Sài Gòn hôm nay đang oằn oại đau thương.
Hiện nay, “ở nhà” là từ ngữ người ta nhắc đến nhiều nhất. Nhiều người dùng thời gian này để làm việc hữu ích hoặc những việc chẳng liên quan đến ai, thậm chí là vô bổ. Ngược lại, nhiều người sống tích cực bằng cách “làm việc ở nhà”. Đáng khâm phục hơn là những người tình nguyện làm việc hữu ích cho cộng đồng. Nhiều giáo dân phụ giúp tại các giáo xứ chuyển tải rau củ quả, chia quà theo ý cha xứ, rong ruỗi các ngả đường để chia nhu yếu phẩm, chia cơm; hoặc các bà các chị vất vả nấu những bữa ăn cho những người bị cách ly.. Quả thật, người ta nói: “Người Sài Gòn dễ thương mùa Covid-19” là rất đúng! Dù bằng cách nào, có “màu mè hoa lá hẹ” hay không thì cốt lõi của việc chia sẻ cũng là yêu thương mà thôi!
Cảm ơn Thiên Chúa đã “ấn vào” trái tim con người một lương tâm sống động, dù họ có tin vào Người hay không!
GẶP GỠ
Sài Gòn thời Covid xem ra việc gặp gỡ là chuyện khó khăn, có khi là vô duyên, thậm chí là thiếu ý thức. Với điện thoại trong tay, tôi hỏi thăm được nhiều người. Có khi là vị Giám mục về hưu, đã hơn chín mươi tuổi đời mà vẫn viết tốt!, cụ thể như:
– “Con kính chào Đức Cha. Sức khỏe của Đức Cha có tốt không ạ? Xin cầu nguyện cho Sài Gòn chúng con.
– À…cảm ơn con, cha vẫn bình thường. Đúng đấy, cha đọc tin tức thấy Sài Gòn có nhiều người lầm than quá! Có người không có tiền mua cơm ăn…Ở tỉnh lẻ chỗ cha ở, mọi việc bắt đầu không sinh hoạt bình thường, người ta không dự lễ ở nhà thờ hay thăm nhau. Covid đang lan dần ra các tỉnh! Cha cũng có chia sẻ cho người này người kia.
– Thưa vâng, Covid đã lan dần khắp đất Việt. Còn con, ban đầu dịch mới bùng lên lần 4, con nhờ người thân tạt ngang vài gia đình khó khăn mà mình biết rõ để giúp gạo và tiền. Rồi thấy mấy người mua ve chai, bán vé số đi ngang nhà thì tặng họ số tiền giá trị khoảng hai đến năm ký gạo. Bây giờ dịch nặng quá, con “nằm im”, gặp ai cũng sợ!
– Cha sẽ cầu nguyện cho con và gia đình.
– Thưa vâng, con cảm ơn và xin kính chào Đức Cha”.
Có khi là một vị ân nhân trẻ. Khi thấy tôi than buồn, có nguy cơ trầm cảm; cậu ấy bèn gọi điện hằng ngày, tán chuyện này chuyện kia. Một câu nói của cậu ấy làm tôi chột dạ: “Buồn ghê…em luôn nghĩ Chúa phạt toàn thế giới!”. Tuy vậy, tâm tư tôi vẫn lạc quan, nếu Chúa phạt toàn thế giới thì làm sao Người còn giúp họ chế được Vác- xin, không phải một loại mà nhiều loại; dân chúng được chích đại trà rồi người ta tụ tập nhau xem đá bóng cuồng nhiệt ở Châu Âu kìa!
Có anh bạn ở Úc, làm việc trong bệnh viện, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, anh bộc lộ suy tư thế này: “Làm nghề này thì phải yêu người. Nhiều nhân viên y tế đã bỏ nghề vì cực một phần, phần khác là đôi khi bệnh nhân và gia đình đòi hỏi thái quá. Có lúc nhân viên y tế bị chửi, bị đánh, có khi bị sát hại. Rồi làm việc không đúng thì bị kỷ luật, thậm chí bị ở tù. Vì vậy, khi đã làm nghề này thì không còn sợ bất cứ bệnh gì, kể cả Covid. Chỉ ngại mình bị lây nhiễm rồi mang về nhà thì khổ cho người thân”.
Khi tôi hỏi thời dịch bệnh, anh có nhìn thấy hình bóng Chúa Giêsu trong người bệnh không; anh có cầu nguyện cho Việt Nam không, thì anh trả lời: “Mình chưa đạt được cảm giác tâm linh ấy, có điều trong tâm tư nhiều khi vẫn cầu nguyện cho họ. Nếu bệnh nhân “không qua khỏi” dù có tin Chúa hay không thì mình thường làm dấu trên trán cho họ lúc thu xếp thi thể. Việc dịch bệnh xảy ra ở Việt Nam thì cũng như mọi nơi trên thế giới, mình chỉ biết cầu nguyện thôi, mong đại dịch mau qua. Dân Việt Nam thì khổ hơn bên mình nhiều vì không có làm thì chẳng có ăn hoặc bị bệnh thì cực kỳ khổ. Bên Úc, nếu bị bệnh là được lo đầy đủ miễn phí; nếu cách ly thì có nơi ở, cũng như thực phẩm; nhân viên cách ly nghỉ thì vẫn được trả tiền mất việc, được hỗ trợ tiền và thực phẩm…”.
Dẫu thế nào, mình vẫn ngưỡng mộ việc làm của bạn.
– Ôi lạy Chúa, mình chẳng làm gì to tát, đừng khen tặng quá nhé!
Một cha xứ gọi điện cho tôi từ Kontum. Chưa gì cha đã cười híc.. híc:
– Chị sao rồi, khỏe không sao im ắng thế? Hay là đi cách ly rồi?
– Ôi trời, rồng gọi cho tôm! Con vẫn bình thường nhưng nơm nớp lo sợ. Quỹ chỉ còn ít tiền nên con chỉ cho lai rai một vài gia đình có hoàn cảnh khó khăn thôi, chẳng đi đâu được…Hết dịch, con với cha bàn chuyện mở quán cà phê trong xứ đạo, khi đó con lại “bay ra”.
Những thành viên trong Nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi có thành tích hoạt động trên dưới hai mươi năm, thường liên hệ với nhau bằng một Group Messenger, nên thỉnh thoảng nhận được rổ chanh, thanh long, củ cải của phường; hay mua được ít cà rốt, miếng thịt… tôi đều đưa hình lên nhóm để các bạn xem và cười híc híc với nhau. Chúng tôi vẫn cười vì còn đang được ở trong vùng …an toàn.
Gặp gỡ mùa Covid qua điện thoại cũng là đáng quí. Cầu nguyện cho nhau thì quí hơn và chú ý đến nhu cầu của người cùng khổ lúc này là quí nhất.
ĐIỂM SÁNG
Và đã có nhiều tấm gương sáng chói mùa dịch, làm mềm lòng những tâm hồn chai đá, làm ấm áp những người cùng khổ: kìa là máng tặng gạo và rau củ quả (Gx Mai Khôi), nọ là ống chuyển bánh mì thịt, khoai tím (Gx Tân Sa Châu); có nơi cha xứ mặc đồ bảo hộ như “nin –ja” vào giáo khu ban phép lành; rồi bánh mì không đồng, đặc biệt là siêu thị 0 đồng của Caritas TGP Sài Gòn. Giáo xứ Phú Hạnh và giáo xứ Chợ Đũi thì chia rất nhiều quà, rau củ quả, có cả cá cho giáo dân, khu cách ly và người cùng khổ. Nhiều giáo xứ khác cũng tích cực hoạt động, mỗi nơi một vẻ…. Đúng rồi, không thể kể hết, nhưng rõ ràng chân dung của Chúa Kitô đã được giới thiệu với nhiều người vào dịp này.
Khi thông tin có 430 nam nữ tu sĩ tình nguyện “chiến đấu” chống Covid, chúng tôi xúc động thực sự. Lúc nhìn thấy trên màn hình ti-vi, quí Sơ đứng xếp hàng chích ngừa trước khi ra “chiến trường Covid”, tôi chép miệng, thốt lên: “Chúa ơi, các chị cũng mỏng manh thế này thì sao chịu nổi!?”. Chúng tôi tưởng tượng: Covid là đạn, súng là sự lây lan, nếu bị loại súng đạn này bắn vào người thì không chết cũng bị thương; và khi các tu sĩ nam nữ này đi vào các bệnh viện dã chiến mà phục vụ bệnh nhân dương tính, giống như là con đường lên núi Sọ vậy!
Và mới đây, khi xem xong một clip ngắn, thông tin có nữ tu là bác sĩ đã bị nhiễm Covid, trở thành F0 mà vẫn hăng hái làm việc trong khu cách ly, nghe những bệnh nhân nữ rên rỉ yếu ớt, đau đớn… nước mắt tôi chảy xuống tong tong. Đã lâu rồi tôi không khóc, thế mà sao hôm nay, tôi không kịp gạt ngang nước mắt. Ở nhà, mỗi tối tôi vẫn chăn ấm nệm êm, trong khi nhiều chị em, nhiều người cực nhọc quá; tôi không thể làm gì để góp phần chống dịch khi đã đi qua tuổi sáu mươi….Tôi quyết định “bẻ” số tiền để dành mừng kỷ niệm 30 năm hoạt động xã hội vào năm tới, nhờ người thân chia thành một số phong bì trao cho những gia đình khó khăn quanh giáo xứ của mình.
TRÁCH NHIỆM CỘNG ĐỒNG
Trước đây, chúng tôi thường đến bệnh viện giúp bệnh nhân, tặng tiền người bán máu, thế nhưng đầu tháng 6/2021, khi phường mời đi kiểm dịch, tôi sợ quá, cầu nguyện đọc kinh rối rít, chắc Chúa cũng bật cười. Thế rồi đầu tháng 8 này, tôi nhận được giấy cho chích ngừa Covid. Tôi tiếp tục căng thẳng, lo sợ. Dù vậy, tôi vẫn không bỏ thói quen, đi đâu và làm gì cũng chụp hình, để thông tin cho người thân và biết đâu “viết được một bài”!
Khi chích xong, cảm tưởng của tôi thật dồi dào khi ngồi trong phòng, chờ phản ứng của cơ thể và đợi kết quả. Tôi tạ ơn Chúa vì thấy bình thường. Tôi thầm biết ơn những nhà khoa học đã chế tạo được vắc-xin chích ngừa; những quốc gia tiên tiến, đã có trách nhiệm cộng đồng khi chia sẻ vắc-xin cho những nước nghèo, cho đất nước chúng tôi. Ai đã cho loài người biết tương thân tương ái như thế? Có phải chính là Đấng đã tạo dựng sự sống, và cũng chính Ngài làm cho con người biết trân quý sự sống.
Lòng tôi còn cảm mến các y bác sĩ, điều dưỡng làm việc với cái tâm chân thực và những anh chị em làm việc “vòng ngoài” phục vụ cho việc chích ngừa. Tôi bỗng thấy yêu thương đất nước, đồng bào máu đỏ da vàng của mình nhiều hơn.
Khi Lòng Chúa Thương Xót bao phủ địa cầu, đại dịch qua đi, mọi sinh hoạt trở lại bình thường thì chắc chắn ai cũng vui mừng nhưng có lẽ từng người có “bài học nhớ đời” qua biến cố dịch bệnh: đó là bài học về bình tĩnh, cẩn thận, trách nhiệm với cộng đồng, tin tưởng, phó thác, cảm thông, yêu thương, san sẻ…như thế đã đủ để sống cho thật LÀ NGƯỜI; như thế đã đủ để sống là một KITÔ HỮU TỐT LÀNH.