Sáng 2691 ca, trưa 3300 ca, tối 7313 ca, tử vong 370 ca…số nhân viên y tế ngày càng mỏng dần, số bệnh viện điều trị Covid tăng thêm, thiết bị y tế thiếu hụt…các con số cứ thế tăng cao mất định hướng.
Song song đó là hệ quả của chỉ thị 16, tất cả các chợ trên địa bàn thành phố bị đóng cửa, nguồn thực phẩm không đủ cung ứng cho dân, thêm vào đó là gánh nặng của thất nghiệp, không tiền, không lương thực, tiền nhà trọ, tiền thuốc… cứ thế hằn sâu trên trán người nghèo…
Ngày nay dịch và đói không phải là câu chuyện của chính phủ hay của ai đó ngoài kia, mà là chuyện của mỗi chị em trong cộng đoàn chúng tôi.
Hiểu và cảm được những hơi thở mệt mỏi, những ánh mắt âu lo của anh chị em mình, nên chị em trong tu viện Mẹ Fatima- Hội Dòng Đaminh Tam Hiệp chúng tôi đã cùng với đức Kitô xông pha lên đường cùng bà con chiến đấu trên cả hai chiến trường.
Trên việc chống dịch, các chị em làm bác sĩ đã phải thức dậy thật sớm để chu toàn những công việc thiêng liêng, ăn vội bữa sáng rồi đến bệnh viện cho kịp giờ vào ca. Lướt qua hình ảnh của các chị và đồng nghiệp trong bộ đồ bảo hộ kín mít, tôi cũng hiểu được trận chiến chống dịch ác nghiệt dường nào.
Các chị và đồng nghiệp phải làm việc gấp đôi trong một môi trường không chỉ căng thẳng về sự an nguy tính mạng, mà còn đầy những áp lực của công việc: nóng, mệt, xỉu, lột da tay do phải đeo găng liên tục trong thời gian quá dài…ngay cả việc ăn uống và vệ sinh cá nhân cũng phải tranh thủ, chấp nhận bỏ lại phía sau những kế hoạch cá nhân hay những bận tâm về gia đình, tất cả đều tập trung vào một việc: giành giật sự sống cho bệnh nhân. Có những hôm bệnh nhân đông, lại trở bệnh nhiều, chị không quên gửi lại lời nhắn: “Đừng chốt cổng nhé, tối nay chị về khuya”.
Điều làm các chị bận lòng không phải số lượng công việc nhưng là con số bệnh nhân ngày một tăng cao. Chị kể, có hôm từ trên cao nhìn xuống thấy đoàn xe cứu thương chở bệnh nhân Covid xếp hàng dài ngoài cổng mà chị không cầm được nước mắt, chỉ biết ngước nhìn Trời cao.
Phía bên kia của chống dịch, các chị em khác của Tu viện cũng đang tất bật với chương trình cứu trợ “ĐỒNG HÀNH CÙNG BÀ CON VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH”.
Chương trình này được khơi nguồn từ tiếng kêu cứu của rất nhiều bà con mà các Sơ nhận được mỗi ngày:
– Xin Sơ giúp đỡ gia đình con có cháu nhỏ gần 2 tuổi, do bị phong tỏa nên không tìm được sữa cho cháu, cháu đói cứ gào khóc hoài mà con không biết phải làm sao!
– Sơ ơi, còn khoai không cho con vài củ, con đói quá
– Sơ ơi, xóm vé số chúng con thất nghiệp lâu quá bây giờ cũng chẳng còn gì ăn…
Không thể cầm lòng trước tiếng kêu cứu của anh chị em mình, nên các Sơ đã quyết định dùng chính ngôi trường mẫu giáo Họa Mi nằm trong con hẻm Huỳnh Văn Bánh- quận Phú nhuận, vừa kỷ niệm 1 năm xây dựng, nay được trưng dụng thành trung tâm cứu trợ dã chiến. Hình ảnh các nữ tu an nhiên bên các cháu ngày nào, nay được thay bằng hình ảnh những nữ tu chuyên bốc vác, những nhà truyền thông, hay như những lái buôn thứ thiệt.
Khi Sài Gòn bệnh còn đang chìm sâu trong giấc ngủ, các nữ tu áo trắng đã thức dậy sớm ca tụng Chúa và dự Thánh lễ online, dùng chút điểm tâm rồi bắt tay vào việc:
Các sơ “hải quan” có nhiệm vụ gác cổng để nhận hàng, tháo dỡ xuống và sắp xếp các nhu yếu phẩm chuyển đi cho bà con vùng cách ly, xóm nhà trọ, khu công nhân, dãy trọ sinh viên hay những hộ nghèo trong thành phố. Dù phải đứng ở tuyến đầu, nhưng các sơ luôn cẩn thận tuân thủ đúng nguyên tắc 5k để an toàn cho mọi người.
Sơ truyền thông vào vai tiếp nhận thông tin của các mạnh thường quân và của các nơi kêu cứu viện trợ. Công việc có tiến triển tốt đẹp hay không là do sự vận hành khéo léo của sơ đó.
Còn sơ “công thương” với khả năng tháo vát và nhanh nhẹn, sơ có nhiệm vụ tìm mua những nhu yếu phẩm cần thiết từ các nguồn trong và ngoài Thành phố cho bà con, sao cho vừa chất lượng, vừa ngon, vừa rẻ lại vừa nhiều. Chà, nếu Chúa không gọi đi tu, có lẽ giờ đây sơ đã trở thành một lái buôn thứ thiệt rồi.
Sơ “giao thông” lại tất bật hơn với công việc điều phối xe đi và đến, sao cho khuôn viên chật hẹp của Tu viện tuy nhỏ nhưng không bao giờ xảy ra việc tấp nập giữa các xe tải hàng tấn và những con ngựa sắt bé nhỏ chuyển đồ.
Các xe rau lớn thường phải di chuyển một đoạn đường từ rất xa về, đến Tu viện, các sơ thì tươi cười hớn hở, còn rau cỏ thì không phải mọi thứ đều xinh tươi, vì thế cũng rất cần sự giúp đỡ của các sơ sinh viên trong việc phân loại, cắt tỉa các loại rau củ quả để bà con có được những bó rau vừa sạch lại vừa đẹp góp phần dinh dưỡng cho bữa ăn. Công việc này tuy vất vả, nhưng cứ nghĩ đến vì sức khỏe của bà con nên những suy nghĩ cảm tính kia có là gì chứ, chuyện nhỏ í mà.
Và thật là thiếu xót nếu không nói đến các bạn trẻ shiper 0 đồng của chúng tôi, họ là những tình nguyện viên rất nhiệt thành luôn đồng hành với các sơ, sẵn sàng chuyển quà đến mọi nơi, mọi ngõ kêu cứu. Tôi thường hay gọi các bạn ấy là super shiper, vì trong nhóm họ có cả những bạn trẻ mới du học về nước vậy mà ngõ hẻm nào bạn cũng tìm được, có hôm các super shiper của chúng tôi phải làm việc đến 8-9 giờ tối mà miệng vẫn vui tươi, không một lời than vãn.
– Mai đi tiếp không, tôi hỏi?
– Tiếp chứ sơ, chưa xong việc mà!
Ôi những bạn trẻ của Đức Kitô luôn mang trong mình thao thức muốn cống hiến sức trẻ cho Giáo Hội và xã hôi.
Sài Gòn bệnh, hai cuộc chiến, một mặt nó để lại bao nỗi thảm sầu cho nhân loại, nhưng mặt khác nó cho chúng ta khám phá ra một bộ mặt rất đẹp của một xã hội yêu thương, đó là nơi diễn ra những hình ảnh phục vụ rất đẹp, rất đời thường trên cả hai chiến trường của biết bao con người thầm lặng mà đôi khi giữa dòng đời tấp lập ta chẳng kịp nhận ra.
Sài Gòn bệnh, nhưng tôi hy vọng không một ai cô đơn, vì bên họ Thiên Chúa đã dùng hình ảnh các nữ tu và biết bao nhiêu con người thiện nguyện vẫn đang ngày đêm cùng họ chiến đấu.
Sài Gòn bệnh, nhưng vẫn không đánh mất sự năng động và sáng tạo, sáng tạo trong yêu thương, sáng tạo trong cách kết nối giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau. Có thể hôm nay, ngày mai, cuộc chiến vẫn còn, nhưng chúng ta vẫn không ngừng hy vọng một ngày không xa, hai cuộc chiến này sẽ kết thúc, và chúng ta lại được có thêm những niềm vui huynh đệ.
Mệt chút thôi nghỉ để lấy sức rồi mai lại tiếp tục sống yêu hơn.
Nt M. Thúy Kiều