Hành trình của tính hiệp hành


HÀNH TRÌNH CỦA TÍNH HIỆP HÀNH

Lm. James Hanvey, SJ[1]

WHĐ (08.4.2022) – Theo bước Đức Giáo hoàng Phanxicô, cha James Hanvey, SJ lập luận rằng sự nhấn mạnh ngày càng tăng về việc Giáo hội cần phải hiệp hành hơn, điều đó không chỉ là một cuộc cải tổ các cấu trúc và tiến trình hiện hành. “Tính hiệp hành không chỉ là một mô hình cụ thể mà theo đó Giáo hội có thể được tổ chức; tính hiệp hành là sự diễn tả về hiện hữu và sứ mệnh của Giáo hội dựa trên mầu nhiệm của sự sống thần linh“.

Với triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, các từ “thượng hội đồng” và “tính hiệp hành” đã chiếm thế thượng phong trong vốn từ vựng và tư duy của Giáo hội. Tất nhiên, tính hiệp hành không phải là một khái niệm cũng như kinh nghiệm mới đối với Giáo hội. Chúng ta thấy điều này ngay từ thời Giáo hội sơ khai, trong công đồng quan trọng của Giêrusalem, nơi đã chấp thuận sứ mạng của Phaolô đến với thế giới dân ngoại. Bằng hình thức này hay hình thức khác, các thượng hội đồng đã là một nét đặc trưng trong đời sống của Giáo hội qua nhiều thế kỷ.

Lai lịch

Thượng Hội đồng Giám mục do Đức Giáo hoàng Phaolô VI thành lập năm 1965, và kể từ đó các Thượng hội đồng Giám mục trở thành một tính năng thường xuyên của Giáo hội. Một thượng hội đồng được dự liệu bao gồm các giám mục, được chọn từ nhiều nơi trên thế giới, theo cách thức và tiêu chuẩn đã hoặc sẽ được Ðức Giáo Hoàng Roma ấn định, [để] hỗ trợ vị Chủ Chăn Tối Cao của Giáo Hội cách đắc lực hơn trong một hội nghị… Thượng Hội Ðồng sẽ hành động nhân danh toàn thể hàng Giám Mục Công Giáo, đồng thời cho thấy tất cả các Giám Mục, trong sự hiệp thông phẩm trật, cùng chia sẻ nỗi lo âu của toàn thể Giáo Hội (Giáo hoàng Paul VI, Christus Dominus [1965], 5)

Trong gần 60 năm, Thượng hội đồng đã đưa ra một cách thiết thực tầm nhìn về tính hiệp đoàn được thể hiện trong giáo huấn của Công đồng Vatican II, đặc biệt là Hiến chế Lumen gentium, vốn cung cấp một sự hiểu biết phong phú và sâu sắc về mầu nhiệm, trật tự và sứ mạng của Giáo hội. Điều này đã được phát triển thêm trong giáo huấn của Công đồng về nhiệm vụ mục vụ của giám mục trong Christus Dominus. Được triệu tập “với và dưới quyền của Thánh Phêrô”, các thượng hội đồng đã tiếp tục suy tư về nhiều chủ đề quan trọng đối với đời sống của Giáo hội thời hậu công đồng, gần đây nhất là về Đời sống Hôn nhân và Gia đình (5. 2014), Giới trẻ, Đức tin và Phân định ơn gọi (2018), và Vùng Amazon (2019). Thượng hội đồng tiếp theo (2023) sẽ chính là thượng hội đồng về Tính Hiệp Hành.

Tiến trình thực tế của Thượng hội đồng được phác hoạ để duy trì sự cân bằng mong manh giữa việc thực hành tính hiệp đoàn giám mục và sứ vụ giáo huấn và cai quản duy nhất mà các vị giáo hoàng thực thi trong Giáo hội. Đây đã là một vấn đề nhạy cảm trong Công đồng và những căng thẳng có thể được thấy trong Hiến chế Lumen gentium. Thông thường, Thượng hội đồng sẽ trình lên Đức giáo hoàng những thành quả của cuộc thảo luận. Sau đó, Đức giáo hoàng sẽ đưa những ý kiến của các giám mục vào trong một Tông thư sau Thượng hội đồng, trình bày giáo huấn hoặc suy tư được phát triển của chính ngài dưới ánh sáng của Thượng hội đồng. Mặc dù Thượng hội đồng được cấu thành bởi các giám mục qui tụ trong sự hiệp thông, điều đó không ngăn cản các ngài mời gọi sự đóng góp từ các chuyên gia hoặc đại diện của các nhóm có thể có chuyên môn cụ thể liên quan đến các vấn đề được thảo luận.

Kể từ Công đồng Vatican II, việc thành lập Thượng Hội đồng Giám mục với cuộc họp thường kỳ đã góp phần vào việc nhìn nhận sâu sắc hơn bản chất hiệp hành của toàn thể Giáo hội. Như đã nói rõ trong “Tài liệu Ravenna” năm 2007 của Ủy ban Quốc tế chung về Đối thoại Thần học giữa Giáo hội Công giáo Roma và Giáo hội Chính thống giáo, tính hiệp hành đã là một phần trung tâm trong giáo hội học của các Giáo hội Chính thống. Sự phục hồi và phát triển của tính hiệp hành bởi Giáo hội Tây phương theo đuổi triển vọng đại kết đầy ý nghĩa khi đề cập đến mong muốn hòa giải giữa những truyền thống vĩ đại này. Tính hiệp hành cũng có những chiều kích quan trọng khác, nhưng trước tiên, sẽ rất hữu ích khi khám phá ý nghĩa và sự thực hành của tính hiệp hành chi tiết hơn.

Một số Đặc Điểm Thần Học Quan Trọng

Ngay từ đầu triều đại giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát triển một Giáo hội hiệp hành đích thực. Đây không chỉ là một sự phát triển chính đáng của những hiểu biết sâu sắc về Công đồng, nó còn là một phần trong tầm nhìn của Đức Phanxicô về một Giáo hội sống sứ mạng. Một Giáo Hội như vậy là một Giáo Hội bước theo Đấng Phục Sinh vào một sứ vụ sâu xa hơn của tình yêu cứu độ cho một thế giới bị thương tích và dễ bị tổn thương.

Tính hiệp hành là một cách thế để hiện thực hóa các ân sủng của toàn thân mình Chúa Kitô qua việc phục vụ sứ mạng, nhưng nó cũng là một cách chữa lành các vết thương của chính Giáo hội. Giáo hội càng sống một đời sống hiệp hành cách trọn vẹn, thì Giáo hội càng là dấu chỉ cho tất cả các dân tộc về  “tình huynh đệ” hay tình liên đới đầy ân sủng, đó là thực tại tối hậu của nhân loại, bao gồm việc chăm sóc cho “ngôi nhà chung của chúng ta”. Cùng với các tôn giáo và quốc gia khác, bất kể triết lý và cam kết chủ đạo của họ, Giáo hội cam kết hoạt động vì sự vun đắp của một ngôi nhà chung, trong đó tất cả mọi người đều có phương tiện để phát triển. Đây không phải là một lý tưởng không tưởng; nó bắt nguồn trực tiếp từ đức tin của chúng ta vào Đức Kitô, Đấng đã hiến dâng mạng sống cho “sự sống của thế giới”. Giáo hội biết rằng nhân loại không thể đạt được mục đích mà Thiên Chúa mong muốn nếu không dựa vào ân sủng của Thiên Chúa, mà chính Giáo hội là nguồn mạch và dấu chỉ sống động.

Do đó, tính hiệp hành không chỉ là một mô hình cụ thể mà theo đó, Giáo hội có thể được tổ chức theo cách thức hiệu quả hơn, có tính tham vấn và điều hành hơn; tính hiệp hành là sự diễn tả về hiện hữu và sứ mệnh của Giáo hội dựa trên mầu nhiệm Ba Ngôi của sự sống Thần linh. Tính hiệp hành chỉ ra “sự hiệp thông” tối hậu của toàn thể tạo thành, mà sự hiệp thông này không thể xảy ra nếu không có sự hiệp thông nhân loại. Cuối cùng, như bài thánh ca mở đầu của Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô diễn tả, Đức Kitô là Đấng không chỉ quy tụ muôn loài lại với nhau mà còn nâng đỡ chúng trong sự hiệp nhất (Ep 1, 10).

Tuy nhiên, mặc dù tính hiệp hành có nền tảng và chiều sâu thần học như vậy, nó cũng phải được đưa vào hình thức hoạt động và cách diễn đạt trong các đặc sủng, tác vụ và đời sống của Giáo hội ở mọi cấp độ. Bernard Lonergan, một triết gia và thần học gia Dòng Tên người Canada, đã nói về tiến trình mà Giáo hội tự biết mình và, khi làm như vậy, ngày càng được cấu thành như một Giáo hội. Đây là công trình của Chúa Thánh Thần, và điều này nhắc nhở chúng ta rằng Giáo Hội cũng vậy, luôn trong hành trình trở nên (‘ecclesiogenesis’) hoàn thiện trong việc tự huỷ khi làm việc thờ phượng và thi hành sứ mạng. Như Lonergan thừa nhận, chính  Giáo hội là một “tiến trình cứu độ”, vì vậy tính hiệp hành có cả sức mạnh cứu độ, cũng như sức mạnh cánh chung, vốn thúc đẩy Giáo hội hướng tới sự trở thành của mình. Nhìn dưới góc độ này, tính hiệp hành không là gì khác hơn là một phần của đời sống và cách thức tiến hành của Giáo hội ở mọi cấp độ.

Vì vậy, nhiệm vụ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đảm nhận là nhiệm vụ hỗ trợ toàn thể Giáo hội trong việc nhận ra bản chất hiệp hành của mình. Điều này sẽ vượt lên trên các hội đồng giám mục và vươn tới đời sống bình thường của mỗi giáo phận và giáo xứ. Việc này đòi hỏi chúng ta phải khám phá và phát triển những cách thức mà trong đó tất cả các thành viên của Giáo hội có thể tham gia vào đời sống hiệp hành, không chỉ về mặt hình thức trong các cơ cấu mà còn trong linh đạo và sứ mạng của Giáo hội nữa. Tính hiệp hành không thể chỉ là một đặc điểm của đời sống Giáo hội, mà nó cần trở thành cách thức mà trong đó chúng ta là Giáo hội.

Hướng tới Sự Hoán Cải và Linh Đạo mang Tính Hiệp Hành 

Đối với tất cả chúng ta, tính hiệp hành sẽ đòi hỏi một tiến trình hoán cải, một khám phá về cách thức mà Thánh Thần hoạt động trong đời sống của cộng đoàn: mời gọi chúng ta đến với những cách hiểu và tương tác mới hoặc thay thế, vượt lên những tập quán thông thường về xã hội, chính trị và thậm chí về giáo hội của chúng ta; và thúc đẩy chúng ta vượt thắng những rào cản của sự ngờ vực và những cách giải thích mang tính hoài nghi đã trở thành chuẩn mực trong nền văn hóa của chúng ta. Nói cách khác, tính hiệp hành đòi chúng ta tham gia vào một điều gì đó hơn là sự cải cách hoặc phát triển. Tính hiệp hành đòi chúng ta phải tìm kiếm ân sủng và lòng can đảm để làm cho Giáo Hội trở thành một cộng đoàn yêu thương đích thực, với một sự cởi mở với người khác, một sự sẵn sàng phục vụ hơn là cai trị, và một ước muốn theo Chúa Kitô. Chúng ta tuân theo chân lý của Người không chỉ vì sự cứu rỗi của chính chúng ta mà còn vì niềm hy vọng của tất cả mọi người, đặc biệt là những người bị lãng quên, bị áp bức và bóc lột, những người “bị loại khỏi bữa tiệc của sự sống”. Tính hiệp hành đòi chúng ta phải yêu Giáo hội hơn nữa và yêu như Chúa Kitô yêu.

Ngay cả từ bản phác thảo ngắn gọn này, chúng ta có thể thấy rằng sự nhấn mạnh của Đức Thánh Cha Phanxicô về tính hiệp hành không chỉ phản ánh sở thích hoặc quan điểm cá nhân, mà còn nằm trong một truyền thống thần học sâu sắc mà sự phục hồi đã bắt đầu từ Công đồng Vatican II. Đức giáo hoàng nhìn nhận rằng tính hiệp hành là một chuyển động sâu xa của Chúa Thánh Thần. Phát xuất từ nhận thức trọng tâm này về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong việc thiết lập, phát triển và duy trì đặc tính hiệp hành của Giáo hội, Đức Phanxicô tin rằng chúng ta phải tìm cách chăm chú lắng nghe chứng từ về Chúa Thánh Thần, Đấng đang hoạt động trong toàn thể dân Chúa. Về cơ bản, điều này đòi hỏi sự khiêm tốn và tự do để phân định nơi nào và bằng cách nào mà cùng một Thánh Thần đang dẫn dắt. Đây là lý do tại sao Đức giáo hoàng liên tục kêu gọi đặc sủng phân định của Giáo hội và nhấn mạnh cảm thức đức tin sensus fidelium – như được trình bày trong Hiến chế Lumen gentium số 12 – là hồng ân nhìn nhận cách không sai lầm chân lý đức tin và tuân theo chân lý ấy. Đó là một hồng ân thuộc về toàn thể dân Chúa nhờ Bí tích thánh tẩy.

Điều tối quan trọng là sự hiểu biết đúng đắn về tính hiệp hành phải được thực hiện trong toàn thể Giáo hội, để chúng ta không nhầm lẫn giữa cảm thức đức tin với một tiến trình chính trị hoặc xã hội nhằm đạt được sự tán thành, đại diện cho một ý kiến đa số hoặc thậm chí là một sự đồng thuận. Khả năng để nhận biết và khẳng định chân lý đức tin là phận vụ ngôn sứ của Đức Kitô vốn thuộc về toàn thể dân Chúa; tác vụ ngôn sứ này không thể được áp dụng cho mình giáo dân mà thôi. Do đó, tính hiệp hành giả định và đòi hỏi một cuộc đối thoại hữu hiệu về phân định trong toàn thể Giáo hội, trong đó đặc sủng cuối cùng của sự phân định thuộc về Đức giáo hoàng và các giám mục. Vì các giám mục không thể hành động một cách độc lập với Phêrô trong việc phân định những vấn đề đức tin, nên giám mục cũng không thể hành động mà không hỏi ý kiến ​​các tín hữu. Nói cách khác, tính hiệp hành là sự phân định của toàn bộ thân thể và của Giáo hội hoàn vũ. Những đặc điểm của tiến trình này được phác họa trong Hiến chế Lumen gentium số 12 mang tính hướng dẫn ngắn gọn: (a) ân sủng “siêu nhiên” về sự phân định được thực hiện bởi toàn thể dân Chúa; (b) đòi hỏi sự đồng thuận; (c) đó là một hành động của Chúa Thánh Thần được hướng dẫn bởi “huấn quyền của Giáo hội” và như vậy, nó cũng quy định và đòi hỏi sự vâng lời của dân Chúa, là một phần của chứng tá của họ về chân lý; (d) đặt sự phân định trong tính liên tục của truyền thống tông đồ và chứng tá của sự thánh thiện qua lịch sử; và (e) nó cũng được nhìn nhận bởi những thành quả mà nó tạo ra: nghĩa là, sự hiểu biết sâu sắc hơn về mầu nhiệm mặc khải và một hiệu quả lớn hơn trong đời sống của cộng đoàn và của cá nhân tín hữu.

Nếu Giáo Hội muốn hiện thực hóa sự trọn vẹn của ân sủng này qua chứng tá về đời sống và giáo huấn của mình, thì chúng ta phải khám phá và phát triển những cách thức mà ở đó bản chất tổng thể của cảm thức đức tin có thể được nhận ra và đưa vào tất cả các cấu trúc Giáo hội đang điều hướng đời sống, giáo huấn và sứ mạng của cộng đoàn. Để hiểu và thể hiện tính toàn vẹn tương quan của đặc sủng chân lý và khả năng cho chứng tá trung thành mà toàn thể dân Chúa sở hữu trong sứ mạng, vẫn còn nhiều việc phải làm. Điều này cũng là một phần của tiến trình mở ra của tính hiệp hành.

Các Nhân Đức Hiệp Hành: Đức Tin, Cậy, Mến

Khi cố gắng giải quyết tất cả những vấn đề này, có thể hữu ích khi suy nghĩ về ba chiều kích của thực tại hiệp hành: chiều kích thần học, chiều kích tu đức, và chiều kích thực tiễn. Lý tưởng nhất, những gì chúng ta nên tìm kiếm là sự tổng hợp của cả ba. Một mình tính thực tiễn mà thôi sẽ không diễn tả được chiều sâu và thực tế của tính hiệp hành nếu nó không được đặt nền trên một nền thần học phong phú và sáng tạo. Các nguồn lực của đức tin Ba Ngôi giúp chúng ta nắm bắt, bằng cách loại suy, bản chất của sự hiệp nhất trong mối tương quan và trật tự năng động của sứ mạng cứu độ: Chúa Con được sai đến bởi và từ Chúa Cha trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng phát xuất từ ​​cả Chúa Cha và Chúa Con, như món quà của ân sủng và chân lý ban sự sống. Cả mặt thần học lẫn thực tiễn của tính hiệp hành sẽ không mang lại kết quả lâu dài nếu không được nuôi dưỡng bởi sự sống của Thánh Thần và không phản ánh điều gì đó thuộc mối tương quan đầy ân sủng này.

Cũng cùng một Thánh Thần ấy đã xức dầu cho Giáo Hội bằng biết bao đặc sủng cho đời sống và sứ mạng của mình. Dưới bất cứ hình thức nào, các đặc sủng sẽ luôn biểu lộ ba nhân đức đối thần tuyệt vời là đức tin, đức cậy và đức mến. Các nhân đức này nuôi dưỡng và duy trì đời sống của mọi Kitô hữu và trở thành dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Giáo hội cũng như công trình cứu chuộc và thánh hóa của Giáo hội. Điều thú vị là ba nhân đức này cũng là ba đặc điểm của sự an ủi mà Thánh Inhaxiô đã xác định trong Linh Thao (số 316). Các nhân đức có những kết quả liên quan và thực tế, và việc suy xét ngắn gọn có thể tỏ ra hữu ích, không chỉ đối với việc phân định vốn rất cần thiết cho tiến trình hiệp hành mà còn trong việc phát triển một cộng đoàn đang cùng đồng hành trong Chúa Kitô.

Đức Tin: Khi các mối tương quan của chúng ta thể hiện đức tin, chúng ta sẽ đồng hành cùng nhau trên hành trình, bất kể bao lâu hoặc khó khăn nào có thể xảy ra. Đó là vì đức tin của chúng ta không chỉ là tin vào nhau và vào các cơ cấu bí tích của Giáo Hội, nhưng là tin vào Thiên Chúa, Đấng hiện diện và hướng dẫn tất cả những ai là thành viên của cộng đoàn đức tin.

Đức tin cũng cho chúng ta khả năng để không bị chệch hướng bởi những xung đột và chia rẽ, nhưng để hiểu những xung đột và chia rẽ cũng như những gì ẩn chứa đằng sau chúng, để thay vì là nguyên cớ của sự tuyệt vọng và tê liệt, chúng có thể trở thành phương tiện của sự thăng tiến trong việc phụng sự Thiên Chúa. Đức tin là sự can đảm để kiên trì, kiên định, trái tim và ý chí của chúng ta luôn hướng về và rộng mở đối với Thiên Chúa.

Đức Cậy: Đây là một trong những món quà tuyệt vời của Chúa Thánh Thần. Đức cậy lấp đầy chúng ta với sự sáng tạo và mở ra những khả năng mới. Đức cậy luôn cho phép chúng ta bắt đầu lại. Đức cậy không sợ thất bại nhưng vì luôn rộng mở với tương lai, vốn là món quà của Thiên Chúa, đức cậy có sức mạnh để học hỏi từ thất bại và lớn lên trong sự hiểu biết.

Đức cậy của Kitô hữu không giống với sự lạc quan của con người. Đức cậy của Kitô hữu không nảy sinh từ bất kỳ sự sắp đặt tự nhiên nào, cũng không phải là sản phẩm của một tầm nhìn không tưởng nào đó mà cương lĩnh của nó là một học thuyết về sự tiến bộ vô tận, theo đó tương lai sẽ tốt đẹp hơn quá khứ. Sự hy vọng do con người tạo ra sẽ luôn kết thúc khi những mảnh vỡ của một giấc mơ bị đắm tàu ​​trôi dạt vào bờ của lịch sử chưa được thực hiện.

Đức cậy của Kitô hữu là món quà của Thánh Thần, chính đức cậy là sự bảo đảm và chứng tá của Đức Kitô Phục sinh cũng như tình yêu vô bờ của Chúa Cha dành cho chúng ta và mọi tạo vật. Đó là tương lai Thiên Chúa dành cho chúng ta, tương lai đó đến gặp chúng ta như một lời hứa và triển vọng, một tương lai đã được hiện thực hóa trong Đức Kitô Phục sinh. Món quà đức cậy này cho phép chúng ta nắm giữ những khả năng ân sủng để tạo ra trong cuộc sống và trong những hoàn cảnh khác nhau những hoa trái đầu mùa của Vương quốc Thiên Chúa.

Đức cậy thúc đẩy chúng ta luôn luôn nhìn xa hơn chính mình để tới với Đấng mà chúng ta trông cậy. Đức cậy cho chúng ta can đảm để đương đầu với thực tại và sự thật của nó mà không tuyệt vọng và, bất kể thung lũng bóng tối có sâu như thế nào, để thấy rằng Đức Kitô đã hiện diện và ân sủng của Người đang làm điều gì đó mới mẻ rồi. Ân sủng của chúng ta là được làm việc với Người trong hy vọng.

Tuy nhiên, trong giáo huấn về sự biện phân các loại thần khí, Thánh Ignatiô Loyola cảnh báo chúng ta rằng “kẻ thù của bản tính con người” sẽ muốn chống lại tất cả các nhân đức đối thần. Một trong những thứ dễ bị tổn thương và dễ bị xáo trộn nhất là hồng ân đức cậy. Một mặt, điều này có thể xảy ra qua việc chuyển đổi hồng ân đức cậy thành sự lạc quan của con người, vốn lôi niềm hi vọng ra xa Đức Kitô và biến nó thành một thứ đặc tính của nhân cách hoặc một thái độ sống học được từ một nền triết học nào đó về hạnh phúc. Mặt khác, sự xáo trộn có thể xảy ra một cách nghịch lý bằng cách tạo ra sự lo lắng về tương lai, điều này khiến chúng ta đặt “hy vọng” của mình vào quá khứ. Trong một buổi tiếp kiến ​​gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác định điều này trong bài dẫn giải của ngài về Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galat. Các tín hữu Galat phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng về quyền bính: họ phải theo ai, “những nhà giảng thuyết mới” hay Phaolô?

Những nhà giảng thuyết mớixuất hiện không phải chủ yếu để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người trong Chúa Giêsu, chịu Đóng đinh và Phục sinh, nhưng để nhấn mạnh về cách thế tốt nhất để trở thành Kitô hữu, và họ nhấn mạnh như thế với tư cách là “những người nắm giữ sự thậtđích thực – họ tự gọi mình như thế. Và họ khẳng định mạnh mẽ rằng Kitô giáo thật là đạo mà họ tuân theo, thường được đồng hoá với một số hình thức của quá khứ, và giải pháp cho các cuộc khủng hoảng ngày nay là quay trở lại để không đánh mất tính chân chính của đức tin. Ngày nay, cũng như vậy, có một cám dỗ khép mình vào một số điều chắc chắn đã có được trong truyền thống quá khứ. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể nhận ra những người này? Ví dụ, một trong những đặc điểm của cách tiến hành này là sự cứng nhắc. Đối diện với việc rao giảng Tin Mừng làm cho chúng ta tự do, làm cho chúng ta vui vẻ, những người này thật cứng nhắc. … Việc noi theo giáo huấn của thánh Tông đồ Phaolô trong Thư gửi tín hữu Galat sẽ giúp chúng ta hiểu mình phải đi theo con đường nào. Con đường được Thánh Tông đồ chỉ ra là con đường giải thoát và luôn luôn mới của Chúa Giêsu, Đấng chịu Đóng đinh và Phục sinh; đó là con đường loan báo, đạt được nhờ sự khiêm nhường và tình huynh đệ – những nhà giảng thuyết mới không biết khiêm nhường là gì, tình huynh đệ là gì. Đó là con đường của sự hiền lành và vâng phục sự thật – những nhà giảng thuyết mới không biết hiền lành cũng chẳng biết vâng phục. Con đường hiền lành và vâng phục này đi tới phía trước trong sự chắc chắn rằng Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo hội qua mọi thời đại. Cuối cùng, đức tin vào Chúa Thánh Thần đang hiện diện trong Giáo hội đưa chúng ta về phía trước và sẽ cứu chúng ta”. (Đức Thánh Cha Phanxicô, Tiếp Kiến Chung, ngày 23.6.2021).

Đức Mến: Như Thánh Phaolô đã nhắc chúng ta, đức mến là hồng ân lớn nhất trong các hồng ân của Thánh Thần vì Thiên Chúa là Tình yêu (1Cr 13). Khi được yêu, chúng ta cảm nghiệm được sự an ủi và khi yêu, chúng ta là thừa tác viên của Đức Kitô, Đấng An ủi. Tình yêu này có sức mạnh vượt thắng mọi hận thù vì tình yêu không chấp nhận bị lôi kéo vào vòng xoáy của thù hận và những cuộc tranh giành quyền lực nhằm thống trị và chinh phục. Tình yêu chỉ tìm kiếm những điều tốt đẹp của đối phương và từ chối chấp nhận bất cứ điều gì kém hơn. Điều này mang lại cho tình yêu ấy một sự khiêm nhường mạnh mẽ, rộng lượng và một cam kết quyết liệt đối với sự thật; một sự tự do để nói và hành động, tha thứ và hòa giải; một sự táo bạo để trao tặng cho người khác mà không tìm kiếm phần thưởng hoặc sự công nhận nhưng chỉ để làm vui lòng Chúa Thánh Thần là chính quà tặng.

Cách yêu thương này không nhằm lôi kéo sự chú ý về chính mình, nhưng chúng ta biết tình yêu đang hiện diện qua sự sống mà nó tạo ra và hoa trái mà nó duy trì. Vì đã được giáo huấn trong ngôi trường tình yêu ba ngôi của chính Thiên Chúa, đức mến sẽ hiểu được vẻ đẹp và ân sủng của sự đa dạng; sự khác biệt không nhất thiết là một mối đe dọa mà tự nó là một món quà khi yêu thương. Đức mến sẽ nhận ra sự cởi mở, sự đón nhận và sự dễ bị tổn thương của tha nhân và thấy mình có trách nhiệm đối với họ, đối với sự thật của họ và với công trình mà Thiên Chúa cũng đã kêu gọi họ thực thi. Bằng cách này, chúng ta có thể bắt đầu khám phá xem món quà tình yêu này mang đến cho chúng ta một sứ mạng mới như thế nào, không chỉ liên quan đến nhau, mà còn để xây dựng “sự hiệp thông” – mà Đức Kitô kêu gọi chúng ta trong Giáo hội của Người.

Nếu chúng ta lấy những nhân đức đối thần này làm điểm khởi đầu, thì những nhân đức này cũng có thể giúp chúng ta trong tiến trình phân định con đường của Chúa Thánh Thần mang lại sự sống cho cộng đoàn và công việc của nó. Các nhân đức này hoạt động hoàn toàn theo các tiêu chí được phác thảo trong Hiến chế Lumen gentium, 12 và chúng ta có thể bắt đầu xem các nhân đức này cũng sẽ hoạt động như thế nào trong tiến trình hiệp hành. Việc áp dụng các nhân đức đối thần như thành phần của con đường phân định và hành động có thể dùng để hướng dẫn chúng ta trong suy nghĩ và trong các mối tương quan của chúng ta. Bằng cách này, chúng ta có thể trở thành một Giáo hội bước đi trong niềm an ủi, ngay cả khi các thành viên trải qua sự bắt bớ, đau khổ và tử đạo.

Vì lẽ ấy, chúng ta có thể nhận ra những hình mẫu và lực lượng mang đến sự tàn phá vì chúng đối lập với đức tin, đức cậy và đức mến. Thường được ngụy trang tốt, tuy nhiên, những hình mẫu và lực lượng này sẽ gieo rắc nghi ngờ và chia rẽ, cổ võ ý thức hệ thay cho một đức tin khiêm tốn tìm kiếm sự hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn về mầu nhiệm cứu độ trải ra trong lịch sử. Sự hiện diện của việc nghi ngờ, sẵn sàng lên án người khác với chúng ta, và tất cả các cơ chế khác mà qua đó các cá nhân và các nhóm có thể bị ám sát về mặt xã hội và tinh thần, lặp lại tội lỗi cổ xưa của Cain và Abel; sự giễu cợt liên tục để giành quyền lực và ảnh hưởng, việc tạo ra các vòng tròn của sự bao gồm và loại trừ cũng như tất cả những chiến lược kiểm soát khác – bất cứ khi nào chúng ta nhìn thấy những điều này, thì chúng ta biết rằng chúng ta đang sống trong một cộng đoàn đang phiêu lưu trong sự tiêu điều.

Cùng với quà tặng của Thánh Thần ban sự sống trong đức tin, đức cậy và đức mến, là món quà trách nhiệm chống lại và vượt thắng những khuôn mẫu của sự sợ hãi và tiêu cực vốn không những không nuôi dưỡng mà còn tiếp tục làm tổn thương thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Khi chúng ta nhận ra những nguồn gốc của sự tàn phá này, chúng ta cũng nhận ra nhu cầu cần được chữa lành và tha thứ của mình, và đây là bước đầu tiên trên hành trình của Thánh Thần.

Nhân đức đối thần tin, cậy, mến là nền tảng của tất cả đời sống và thực hành Kitô hữu. Các nhân đức này hướng dẫn việc phục vụ của quyền bính, và mở đường đến sự tham gia trong đó những nhân đức này thuộc về mọi thành viên trong thân thể của Đức Kitô, và mọi thành viên đều có quyền được lắng nghe trong niềm tin, cậy, mến. Các nhân đức này điều hướng tất cả các mối tương quan của chúng ta – dù trong giáo xứ hay thượng hội đồng – và chúng là lộ trình mà ở đó chúng ta gặp thế giới trong những nghi ngờ, đối nghịch, thờ ơ và đau khổ của nó. Các nhân đức này không chỉ là những con đường hội tụ của tính hiệp hành, mà còn là những con đường hội tụ của đời sống và sứ mạng Kitô giáo; các nhân đức này là những nẻo đường đầy ân sủng được Thánh Thần ban tặng để chúng ta cùng nhau hướng đến sự sống sung mãn trong Đức Kitô.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Chuyển ngữ từ: thinkingfaith.org (01.7.2021)