MỤC SUY NIỆM
“Hãy để Mẹ ngủ” là cảnh Giáng Sinh Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu thích
Ngài nói rằng: hang đá Giáng sinh là Tin mừng sống động, là Tin mừng tại gia, là lời khẩn nài: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết vào ngày sinh nhật 17 tháng 12 của ngài, ngài đã được cho xem một cảnh Giáng Sinh độc đáo với tựa đề “Hãy để Mẹ ngủ” Hình ảnh này đang được lan truyền rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội năm nay. Cảnh tượng này diễn tả Mẹ Maria đang ngủ và Thánh Giuse đang ẵm Hài nhi với dáng vẻ thật trẻ con: vươn vai, duỗi tay, có vẻ còn ngái ngủ.
Đức Thánh Cha nói rằng hình ảnh này cho thấy “sự dịu dàng của một gia đình, của một cuộc hôn nhân.”
Ngài đã hỏi: “Bao nhiêu người trong các con, vợ chồng trong đêm phải thay nhau chăm sóc con trẻ đang quấy, nó cứ khóc, khóc và khóc suốt?” Thế rồi Ngài xác định đây đích thực là thông điệp của cảnh Chúa giáng sinh.
Và chúng ta cũng có thể mời Thánh gia đến nhà mình, là nơi có niềm vui và lo âu, là nơi mỗi ngày chúng ta thức dậy, ăn uống và ngủ nghỉ bên những người thân yêu. Máng cỏ là Tin Mừng của gia đình.
Năm nay Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì truyền thống bài trí cảnh Chúa giáng sinh. Ngài đã tới Greccio nơi Thánh Phanxicô tạo nên “cảnh Giáng Sinh sống động” đầu tiên và đã ban hành một tông thư giải thích về biểu tượng và mục đích của hang đá.
Ngài cũng đã tham quan cuộc triển lãm tại Vatican trưng bày 100 cảnh trí Giáng Sinh từ khắp nơi trên thế giới.
Tại buổi Triều yết chung, ngài nói việc bài trí cảnh Chúa giáng sinh là cách “đơn sơ nhưng hiệu quả” để chuẩn bị tâm hồn chúng ta đón mừng Sinh nhật Chúa Giêsu.
“Thật vậy, máng cỏ “như Tin Mừng sống động” (Tông thư Dấu chỉ Tuyệt vời, 1). Máng cỏ mang Tin Mừng đến những nơi con người sinh sống: gia đình, trường học, nơi làm việc, chỗ hội họp, bệnh viện, nhà dưỡng lão, nhà tù và quảng trường.
Chính ở đó, nơi chúng ta sống, máng cỏ nhắc cho chúng ta điều thiết yếu này: Thiên Chúa không mãi mãi là Đấng vô hình trên thiên đàng nhưng đã đến trần gian, đã trở thành người, thành một trẻ thơ.
Trưng bày cảnh Chúa giáng sinh là cử hành sự gần gũi của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn luôn cận kề dân Người, nhưng khi đã nhập thể và hạ sinh, Ngài trở nên gần, rất gần, rất gần gũi với con người.
Làm hang đá là cử hành sự gần gũi của Thiên Chúa, là để tái khám phá Thiên Chúa có thật, cụ thể, đang sống động và hít thở. Thiên Chúa không phải là ông chủ xa cách hay vị thẩm phán vô cảm, nhưng đúng hơn, Người là Tình Yêu hạ mình, Đấng đã cúi xuống trên chúng ta. Trẻ Thơ trong máng cỏ thông truyền sự dịu dàng của Người cho chúng ta.
Một số bức tượng diễn tả Hài Nhi với đôi tay giang rộng nhằm nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đến để ôm lấy nhân loại chúng ta.
Tốt đẹp biết bao khi đứng trước máng cỏ và phó thác đời ta cho Thiên Chúa, nói với Người về những con người và hoàn cảnh mà ta quan tâm, cùng với Người ta kiểm điểm lại một năm sắp qua, chia sẻ với Người những hoài bão và lo lắng của ta.”
Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta chiêm ngắm cảm nghĩ của Mẹ Maria và Thánh Giuse “khi Hài Nhi giáng sinh trong cảnh khó nghèo: có niềm vui nhưng cũng có âu lo.”
Và giữa những điều mà Đức Thánh Cha gọi là “nhịp sống hằng ngày đôi lúc bận rộn,” máng cỏ là “lời mời gọi chiêm niệm.”
“Nó nhắc chúng ta về tầm quan trọng của việc dừng lại. Bởi lẽ chỉ khi chúng ta biết tụ họp với nhau [quanh máng cỏ], chúng ta mới có thể nhận biết điều gì là quan trọng trong cuộc sống. Chỉ khi chúng ta loại bỏ tiếng ồn ào của thế giới khỏi căn nhà của mình, chúng ta mới thực sự mở lòng lắng nghe Thiên Chúa, Đấng ngỏ lời trong thinh lặng.”
Đề cập đến những nhân vật khác nhau được đặt trong một số cảnh trí Giáng Sinh, Đức Thánh Cha nói: “Hang đá nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Giêsu đến trong cuộc đời thật của chúng ta và đây là điều quan trọng.”
Đức Thánh Cha khuyến khích hãy luôn luôn làm hang đá Giáng sinh, “vì việc này nhắc nhớ rằng Thiên Chúa đã đến với chúng ta, Người sinh ra cho chúng ta, Người đồng hành với chúng ta trong cuộc sống này, Người là con người giống chúng ta, Người làm chính mình trở nên người giống chúng ta.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không còn đơn độc vì Người sống với chúng ta.
Việc làm máng cỏ Giáng Sinh không làm sự việc thay đổi như phép lạ, nhưng nếu chúng ta đón nhận Người, mọi việc đều có thể thay đổi.
Tôi hy vọng rằng việc trưng bày cảnh Giáng sinh sẽ là dịp mời Đức Giêsu đi vào cuộc sống của chúng ta. Làm hang đá trong nhà, khác nào chúng ta mở cửa và nói: “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến!” Việc đó làm cho lời mời Đức Giêsu đến trong cuộc đời chúng ta trở nên gần gũi hiện thực.
Bởi lẽ nếu Người cư ngụ trong đời ta, sự sống được tái sinh. Và nếu sự sống được tái sinh, thì đây đích thực là lễ Giáng Sinh.
Chúc tất cả anh chị em Giáng Sinh vui vẻ!”
Dung Hạnh (Theo Aleteia)
Nguồn: hdgmvietnam.com