HÃY MANG NỤ CƯỜI VỀ LẠI CHO MẸ GIÁO HỘI


HÃY MANG NỤ CƯỜI VỀ LẠI CHO MẸ GIÁO HỘI

Linh mục Antôn Hà Văn Minh
Tháng 6.2021 – Mùa đại dịch Covid-19

 

Mục lục

1. Giáo hội đang chết dần trong các linh hồn?. 2

2. Dịch Covid – 19: Một thách thức mới về căn tính của Giáo hội 4

3. Lời mời gọi: Hãy làm đẹp lại dung mạo Giáo hội như là Hiền thê Chúa Kitô. 6

      a. Hãy để cho Mẹ Giáo hội sống đúng thiên chức của mình. 7

      b. Để Mẹ Giáo hội sống lại trong từng tâm hồn tín hữu. 8

      c. Khơi nguồn sức sống nơi Giáo hội qua các buổi cầu nguyện tại gia đình


WHĐ (22.6.2021) – Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tỏ bày niềm hoan hỉ và hy vọng khi Giáo hội bước vào thiên niên kỷ thứ ba qua Tông thư Novo Millennio Ineunte: “Dường như đi theo bước chân các thánh, vô số những con trai con gái Giáo hội trong những đợt sóng liên tiếp đã đến Rôma, viếng mộ các Tông Đồ, muốn xưng đức tin, xưng thú tội lỗi và nhận lãnh ơn thương xót cứu rỗi. Năm này tôi bị xúc động do những đoàn lũ dân chúng tràn đầy công trường Thánh Phêrô trong nhiều cuộc cử hành. Tôi đã thường dừng lại xem những hàng dài người hành hương kiên nhẫn chờ đợi bước qua Cửa Thánh. Trong mỗi một người họ tôi đã cố gắng hình dung câu chuyện của một cuộc sống có vui có buồn có đau khổ, câu chuyện của người nào đó đã gặp được Chúa Giêsu và nhờ đối thoại với Người họ lại làm lại cuộc hành trình hy vọng” (số 8), và ngài đã tỏ bày sự tin tưởng vào giới trẻ với sư lạc quan: “giới trẻ đã tỏ mình là một hồng ân đặc biệt của Thần Khí Chúa đối với Rôma và Giáo hội. Thỉnh thoảng chúng ta nhìn đến giới trẻ, với những vấn đề và những yếu kém làm rõ nét chúng trong xã hội ngày nay, chúng ta có chiều hướng bi quan. Nhưng Năm Thánh Giới Trẻ đã thay đổi sự đó, và nói với chúng ta rằng giới trẻ, dầu chúng có những gì không rõ rệt, vẫn có một ước muốn sâu xa đối với những giá trị chân chính, những giá trị được hoàn hảo trong Chúa Kitô. Chúa Kitô không phải là bí mật của tự do chân chính và là niềm vui sâu sắc của cõi lòng hay sao? Chúa Kitô không phải là người bạn cao cả và là người thầy của mọi tình bạn chân chính hay sao? Nếu Chúa Kitô được trình bày với giới trẻ y như Người thật sự là, thì họ sẽ cảm nghiệm Người như là một câu trả lời đầy thuyết phục và họ có thể chấp nhận sứ điệp của Người, cho dầu sứ điệp ấy đòi hỏi và mang dấu tích Thập giá. Vì lẽ đó, để trả lời cho nhiệt tình của họ, tôi không ngại xin họ quyết liệt chọn lựa đức tin và sự sống và ra mắt với một nhiệm vụ kỳ diệu: trở nên “người canh gác buổi sáng” (x. Is 21,11-12) lúc ngàn năm mới ló dạng.” (số 9).

Quả thật, khi bước vào thế kỷ XXI, Giáo hội đang hướng vào tương lai với tràn đầy hy vọng, Giáo hội sẽ mãi phản chiếu cách trung thực ánh sáng Chúa Kitô cho muôn dân, bởi chỉ có Chúa Kitô, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, và “không có một danh hiệu nào khác ở dưới gầm trời này có thể cứu được chúng ta (x. Cv 4:12)”, qua việc Giáo hội biểu lộ cho thế giới khuôn mặt của hiền thê Chúa Kitô, khuôn mặt được trang điểm bằng sự thánh thiện. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: “toàn bộ sự sống của cộng đồng Kitô hữu và của các gia đình Kitô hữu phải dẫn đến hướng đi này”[1]. Bước vào thiên niên kỷ mới, thiên niên kỷ của khoa học kỹ thuật với sự phát triển như vũ bão của nó, Thánh Giáo hoàng kỳ vọng Giáo hội sẽ là chiếu toả vẻ rạng ngời của Đức Kitô như kim chỉ nam cho sự phát triển này, chính sự thánh thiện của Giáo hội; Kế đến Giáo hội mang lại cho thiên niên kỷ mới này sự bình an bằng chính đời cầu nguyện, “những cộng đồng Kitô hữu chúng ta phải trở nên ‘những trường’ học đích thực cầu nguyện, ở đó, sự gặp gỡ với Chúa Kitô được diễn tả không những trong sự xin giúp đỡ mà còn trong sự cảm tạ, ngợi khen, thờ lạy, chiêm niệm, lắng nghe và sốt sắng nhiệt tình, cho đến khi con tim thật sự ‘ngã trong tình yêu[2]. Vâng, sự bình an là khát vọng của con người trong bất kỳ thời đại nào, cho dẫu khoa học kỹ thuật có mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống con người, nó cũng không thể kiến tạo nên sự bình an đích thực, vì thế, như là Hiền thê của Chúa Kitô, Đấng mang lại sự yên vui đích thật cho nhân loại qua việc ngài giải phóng con người khỏi bóng tối sự chết bằng một tình yêu trọng đại, thì Giáo hội cũng tiếp tục con đường kiến tạo sự bình an cho nhân loại bằng chính sự hiện thân của Đức Kitô ngay chính trong đời sống của mình. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi Giáo hội thực sự trở thành nơi chốn gặp gỡ Đức Kitô. Giáo hội chính là nơi chốn của sự gặp gỡ này bằng đời cầu nguyện, và đây là niềm hy vọng lớn lao mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II kỳ vọng.

Tuy nhiên những kỳ vọng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II gần như phá sản, nếu nhìn dưới góc cạnh của con mắt trần thế.

1. Giáo hội đang chết dần trong các linh hồn?

Một số nghiên cứu gần đây về tình hình Giáo hội Công giáo đặc biệt ở Châu Âu và Hoa Kỳ, cho thấy tình trạng rời bỏ Giáo hội Công giáo càng ngày càng gia tăng giữa các tín hữu. Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ theo trung tâm nghiên cứu về tôn giáo và đời sống công cộng tại thủ đô Washington, vào ngày 17/10/2020 đã công bố kết quả cuộc nghiên cứu về tình trạng tôn giáo tại nước này, theo đó trong vòng 12 năm gần đây, số tín hữu Kitô tại Mỹ giảm từ 75 xuống còn 65% số người lớn, trong số này tỷ lệ Công giáo tại Mỹ giảm từ 24 xuống còn 20% dân số toàn quốc[3]. Vào ngày 19-7-2019, Hội đồng Giám mục Đức đã công bố số thống kê: năm 2018, có tới 216 ngàn tín hữu Công giáo làm đơn xin ra khỏi Giáo hội, con số này tăng 29% so với năm 2017 trước đó.[4] Ngày 1/12/2020 Viện Xã hội học Mục vụ Thuỵ Sĩ (SPI) đưa ra kết quả sau cuộc khảo sát cho thấy tại Thuỵ Sĩ, năm 2019 có 31.772 Kitô hữu rời bỏ Giáo hội, tăng gần 25% so với năm 2018, với 25.366 trường hợp[5].

Nguyên nhân nào đã đưa tới tình trạng này, có người nại đến lý do vì Giáo hội đã đánh mất sự khả tín qua những tai tiếng về việc lạm dụng tính dục của hàng Giáo sĩ. Vào cuối thập niên của thế kỷ XX Giáo hội đã nhận được nhiều đơn tố cáo về nạn lạm dụng tình dục, đặc biệt nơi trẻ em của hàng giáo sĩ, và vào đầu thập niên của thế kỷ XXI, các cáo buộc đó đã nổ tung tạo ra cuộc khủng hoảng lớn trong Giáo hội. Từ năm 2002 đến năm 2010 cơ quan chuyên trách của Tòa thánh Vatican đã xem xét đơn tố cáo 3.000 linh mục phạm tội tình dục trong vòng 50 năm. Trong đó 60% liên quan đến tình dục đồng tính, 30% tình dục khác giới và 10% liên quan đến ấu dâm. Các tờ báo lớn ở Châu Âu, đặc biệt ở Hoa Kỳ, vốn dĩ không có thiện cảm với Giáo hội Công giáo, đã không bỏ lỡ cơ hội này đều đăng nhiều bài viết về sự kiện này, đã khiến cho uy tín của Giáo hội suy giảm cách trầm trọng.

Phải chăng đây là nguyên nhân để làm cho hàng ngàn Kitô hữu rời bỏ Đức tin của mình? Thực ra, đó chỉ là một cái cớ để cho những đảng phái chính trị có ác cảm với Giáo hội lợi dụng những phương tiện truyền thông để gieo vãi sự chống đối Giáo hội nhằm hướng tới mục đích là thay đổi căn tính của Giáo hội, biến Giáo hội là một tổ chức chính trị xã hội, chứ không còn là dấu chỉ của Nước Trời. Thế lực muốn tục hoá Giáo hội đang ra sức lợi dụng những yếu đuối của con cái Giáo hội để đòi hỏi phải cải tổ Giáo hội theo quan điểm hiện sinh của xã bãi bỏ luật độc thân giáo sĩ, gọi là để tránh nạn lạm quyền đưa tới nạn lạm dụng tính dục trẻ em, hoặc truyền chức linh mục cho phụ nữ, cải tiến luân lý tính dục, hôn nhân và gia đình, chấp nhận đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng phái v.v.v… Đức Bênêđictô XVI đã đưa ra nhận định: “Giáo hội ngày nay được nhiều người coi chỉ như một loại bộ máy chính trị. Người ta nói về nó hầu như chuyên nhất bằng các phạm trù chính trị, và điều này đúng cả với các giám mục, những người phát biểu quan niệm của họ về Giáo hội của ngày mai hầu như chuyên nhất bằng từ ngữ chính trị”.[6]

Thực ra, khủng hoảng bắt nguồn từ việc con người thời đại đang muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. “Con người ngày nay cho rằng, họ có thể làm được tất cả mà trước đây họ chỉ trông đợi vào Thiên Chúa. Theo lối nghĩ được coi là khoa học đó, người ta coi những gì thuộc đức tin là cổ hủ, hão huyền, là thứ thuộc về văn minh quá khứ. Tôn giáo, dĩ nhiên là Kitô giáo, được coi là cặn bã của quá khứ. Ngày cả trong thế kỷ XVIII, Khai Sáng đã tuyên bố, tới một ngày nào đó, Giáo hoàng, ông Dalai Lama của Châu Âu, sẽ biến mất. Khai Sáng sẽ quét sạch những rác rưởi hão huyền đó”[7]. Và rồi, tuyên bố đó như dần đang hiện thực khi bước vào những thập niên cuối thế kỷ XX, các nước phương Tây không còn coi trách nhiệm đối với Thiên Chúa như một nguyên tắc hướng dẫn trong hiến pháp châu Âu nữa. Thiên Chúa bị coi như mối quan tâm đảng phái của một nhóm nhỏ và không còn có thể trở thành nguyên tắc hướng dẫn cho toàn thể cộng đồng. Thiên Chúa đã trở thành chuyện riêng tư của một thiểu số[8].

Điều đáng ngạc nhiên là đứng trước khủng hoảng này, thay vì tìm cách để giúp Giáo hội vững bước vượt qua khủng hoảng để giữ trọn căn tính của mình, thì lại xuất hiện sự chia rẽ trong hàng ngũ giáo phẩm tạo ra hoang mang cho các Kitô hữu trong việc thực thi Giáo Huấn của Giáo hội trong các lãnh vực liên quan đến đời sống đức tin của mình. Tiến sĩ Ralph Martin, chủ tịch Thừa tác vụ Canh tân và là giáo sư thần học tại Đại Chủng viện Thánh Tâm đã nhận định: sự hỗn độn và rối loạn hiện nay trong Giáo hội là do việc các giám mục và Hồng y mâu thuẫn nhau về thần học và việc thực hành đức tin. Các giám mục đang tấn công các giám mục, các Hồng y đang tấn công các Hồng y[9]. Và Đức Bênêđictô XVI cũng đã chua xót: “Có những giám mục đã bác bỏ toàn bộ truyền thống Công giáo và tìm cách đưa vào một thứ “tính Công Giáo” (catholicity) mới, hiện đại vào trong giáo phận của họ”[10].

2. Dịch Covid – 19: Một thách thức mới về căn tính của Giáo hội

Trong Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: Hội Thánh được sinh ra từ mầu nhiệm Vượt qua. Chính vì lý do này mà Thánh Thể, bí tích trỗi vượt của mầu nhiệm Vượt qua, nằm ở trung tâm của đời sống Hội Thánh.[11] Điều đó có nghĩa là Giáo hội là một cộng đoàn được Chúa qui tụ để cử hành Thánh Thể, việc cử hành nhằm “tưởng niệm cuộc Tử nạn và Phục sinh của Chúa, biến cố trung tâm của ơn cứu độ thực sự trở nên hiện tại và ‘công trình cứu độ chúng ta được thực hiện’. Hy tế này thật thiết yếu cho việc cứu rỗi nhân loại, nên Đức Giêsu Kitô đã hoàn tất hy tế đó và chỉ trở về với Chúa Cha sau khi đã để lại cho chúng ta một phương thế để thông dự vào hy tế đó, như thể chúng ta đã hiện diện ở nơi đó”[12].

Cho dẫu gặp nhiều thách đố trong thời đại tục hoá, nhưng người tín hữu vẫn được qui tụ để cùng nhau cử hành Thánh Thể, sức sống của Giáo hội, và nhờ đó Giáo hội vẫn kiên cường bước đi giữa phong ba bão táp. Rồi bất thình lình dịch Covid-19 xuất hiện như một trận cuồng phong, mọi sự tụ tập đông người bị ngăn cấm, thánh đường tạm đóng của, người tín hữu không được phép qui tụ để cử hành Thánh Thể. Giáo hội lữ hành trần thế như đang bước vào một mùa đông đầy băng giá. Sự lạnh lẽo đó được trình bày qua hình ảnh đêm vọng Phục sinh năm 2020 tại quảng trường Thánh Phêrô. Hình ảnh của đêm đó đã được ghi lại như sau: lần đầu tiên tại quảng trường Thánh Phêrô, trong đêm vọng phục sinh, thánh lễ quan trọng của Giáo hội Công giáo được cử hành một cách tĩnh lặng khác thường, và Đức Phanxicô hầu như đơn độc ở giữa quảng trường không có một giáo dân hiện diện. Để ngăn ngừa sự lây lan virus Corona, Vatican thi hành cách nghiêm chỉnh lệnh phong toả được chính phủ ban hành.

Việc cấm không cho qui tụ tín hữu đến nhà thờ để tránh lây lan dịch đương nhiên là một việc làm cần thiết vì sức khoẻ cộng đồng, nhưng điều đó cũng mang lại một thách đố lớn cho đời sống Giáo hội vốn dĩ được xây dựng trong sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, và sự hiệp thông này được nuôi dưỡng từ Thánh Thể. Công đồng Vatican II dạy rằng việc cử hành Thánh Thể nằm ở trung tâm tiến trình tăng trưởng của Hội thánh, bởi “Hội Thánh, như là Vương quốc của Đức Kitô đã hiện diện cách mầu nhiệm, phát triển cách hữu hình trong thế giới nhờ quyền năng của Thiên Chúa” (LG số 3) qua “việc cử hành trên bàn thờ hy tế Thánh giá, nhờ đó Đức Kitô, Chiên Vượt qua của chúng ta chịu hiến tế, công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện. Đồng thời, nhờ Bí tích Bánh Thánh Thể, sự hiệp nhất các Kitô hữu, tức trở nên một Thân Mình trong Đức Kitô, vừa được biểu thị và thực hiện” (LG số 3), nhờ đó “họ được nên hoàn hảo trong sự hợp nhất với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người” (SC số 48). Vì thế, đời sống Giáo hội sẽ gặp khủng hoảng lớn lao nếu trong một thời gian lâu dài người tín hữu không được qui tụ để cử hành Thánh Lễ và hiệp thông Thánh Thể.

Căn tính của Giáo hội chính là sự hiệp thông bắt nguồn từ sự hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa, đó là cội nguồn của sự sống, bởi hiệp thông Thiên Chúa được hình thành từ một tình yêu muôn thuở. Vì thế, sự hiệp thông Thiên Chúa là căn nguyên cho sự tồn tại của Giáo hội. Giáo hội được thiết lập là để loan truyền về tình yêu Thiên Chúa dành để cho con người qua con người và cuộc đời Đức Giêsu Kitô trên dương thế, loan truyền chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại, vì thế nếu không có sự hiệp thông thì chắc chắn sẽ không có Giáo hội Chúa Kitô. Sự hiệp thông đòi hỏi sự gặp gỡ – đối thoại. Để cụ thể hoá sự hiệp thông này, “cộng đoàn Kitô hữu cần một địa điểm để gặp gỡ”[13]. Địa điểm nầy được gọi là “Ngôi Nhà Giáo hội” hay là “Nhà Thờ” nơi cộng đoàn tín hữu qui tụ để cử hành Phụng vụ.

Do đó, Phụng vụ Kitô giáo và đặc biệt là Thánh Lễ là nơi để cho cuộc gặp gỡ – đối thoại được biểu tỏ một cách hoàn hảo giữa Thiên Chúa và con người, cũng như giữa con người với nhau, bởi việc cử hành Phụng vụ là các thế để Thiên Chúa đi xuống với con người, hiện diện giữa con người, gặp gỡ và đối thoại với con người. Bởi đó việc cử hành Phụng vụ luôn được thực hiện với “sự tham dự trọn vẹn và tích cực của toàn dân” (SC số 14). Điều đó có nghĩa là khi chúng ta cử hành phụng vụ chính chúng ta đang dự phần vào hành động của Thiên Chúa, trong Phụng vụ chính Thiên Chúa hành động và thực hiện điều chính yếu và Ngài để cho con người cộng tác với Ngài trong hành động này thánh thiêng này[14]. Qua Phụng vụ, khi Thiên Chúa để cho con người cùng cộng tác hành động với Ngài, Thiên Chúa biến đổi chúng ta trở nên một Thân thể và một Thần Khí với Đức Kitô, và như vậy chúng ta đã đi vào sự hiệp thông với Đức Kitô cách diệu kỳ, và qua đó chúng ta gặp gỡ và đối thoại với Thiên Chúa làm nên căn tính của Giáo hội.

Dịch covid-19 mang lại một thách đố lớn lao cho Giáo hội khi hầu như các nhà thờ phải đóng của tránh tụ tập đông người để phòng dịch. Một giải pháp tạm thời được các vị chủ chăn đề xướng và thực hành: Thánh Lễ – Online với kỳ vọng qua Thánh lễ online đức tin của người tín hữu được củng cố và lòng đạo đức được nuôi dưỡng hầu có thể vượt qua những khó khăn trong mùa đại dịch. Thánh lễ online có thể làm hài lòng các tổ chức chính quyền dân sự, và làm yên lòng các vị chủ chăn, nhưng nó không thể trình bày căn tính Giáo hội Chúa Kitô và dung mạo đích thật của Giáo hội. Nguy hiểm hơn nữa là sự hiểu lầm về đức tin của người Kitô hữu. Người ta dễ dàng hiểu rằng, người Công giáo chỉ cần “xem lễ”, và Thánh lễ – online cũng được coi như là đủ làm thỏa mãn nhu cầu đức tin công giáo. Đức thánh cha Phanxicô trong bài giảng ngày 17-4-2020 đã cảnh giác: đừng biến Giáo hội thành một cộng đoàn tiềm thể, không có đời sống cộng đoàn. Đức thánh cha nói: “Một tình thân mật mà không có cộng đoàn, không có Giáo hội, không có các bí tích, đó là điều nguy hiểm, nó có thể trở thành một thứ thân mật chỉ có tính chất tri thức, tách rời khỏi dân Chúa”, và ngài kêu gọi: “trong thời kỳ đại dịch này, người ta hiệp thông qua các phương tiện truyền thông, nhưng không ở gần nhau, như đang xảy ra trong Thánh Lễ này. Đó là một tình trạng khó khăn, khiến các tín hữu không thể tham dự các buổi cử hành và có thể tự mình rước lễ thiêng liêng. Chúng ta phải ra khỏi đường hầm này để cùng nhau tái trở thành Giáo hội với nhau, vì đây không phải là một Giáo hội, nhưng là một Giáo hội ở trong tình trạng khó khăn, có nguy cơ trở thành tiềm thể.”[15] 


 

3. Lời mời gọi: Hãy làm đẹp lại dung mạo Giáo hội như là Hiền thê Chúa Kitô

“Kitô hữu không phải là một hòn đảo! Chúng ta không trở nên những người Kitô hữu trong phòng thí nghiệm, chúng ta không trở nên những người Kitô hữu một mình bằng sức lực của chúng ta, nhưng đức tin là quà tặng, là ơn của Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta đời sống đức tin trong phép rửa: Đó là lúc mà chúng ta được sinh ra như những người con của Thiên Chúa, ban cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa”[16] Vâng, Giáo hội đã sinh ra chúng ta như người mẹ, vì thế chúng ta hãy yêu mến Giáo hội, mẹ của mình.

a. Hãy để cho Mẹ Giáo hội sống đúng thiên chức của mình

Mẹ Giáo hội sinh con cái trong đức tin và nuôi dưỡng con cái bằng đức tin. Đức tin Mẹ Giáo hội nhận lãnh từ Đức Kitô, vị Lang quân của mình. Giáo hội tin vào Đức Kitô, con Thiên Chúa, Đấng là Ngôi Lời vĩnh cửu đã đến thế gian để cứu chuộc con người. Và từ đức tin này, nhiều người con được sinh ra từ cung lòng Mẹ Giáo hội. Vâng, “Đức tin Kitô hữu là đức tin vào mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời và sự Phục sinh thân xác của Người, đức tin vào một Thiên Chúa gần gũi chúng ta đến độ đi vào trong lịch sử nhân loại. Niềm tin vào Con Thiên Chúa làm người nơi Đức Giêsu Nazareth không tách chúng ta ra khỏi thực tại, nhưng giúp chúng ta nắm bắt ý nghĩa sâu xa nhất của thực tại, nhận ra Thiên Chúa yêu thế giới này biết bao và luôn hướng dẫn thế giới đến với Ngài; và chính điều này làm cho người Kitô hữu ngày càng kiên quyết dấn bước trong cuộc hành trình trần thế”.[17]

Vì thế, Mẹ Giáo hội có trách nhiệm bảo vệ sự chuẩn mực của đức tin nơi con cái, có nghĩa là Giáo hội phải ra sức dạy dỗ con cái, để “người tín hữu học biết nhìn vào chính mình trong ánh sáng đức tin mà họ tuyên xưng. Khuôn mặt Đức Kitô là tấm gương trong đó người tín hữu nhìn thấy hình ảnh thành toàn của chính mình. Và cũng như Đức Kitô tiếp nhận tất cả các tín hữu làm nên thân mình Người, người Kitô hữu hiểu rằng mình thuộc về thân mình này, trong mối tương giao thiết yếu với Đức Kitô và các anh chị em khác trong đức tin… Đức tin phải có dạng thức tất yếu mang tính Giáo hội, được tuyên xưng trong thân mình Đức Kitô như một sự hiệp thông cụ thể của các tín hữu”[18].

Ngày nay có quá nhiều con cái Giáo hội đã tước đoạt thiên chức làm Mẹ của Giáo hội, khi họ tự đưa ra chuẩn mực đức tin theo cảm thức của riêng mình, nói như Đức Bênêđictô XVI, khi ngài còn là linh mục: Mẹ Giáo hội bị tổn thương “từ những người chỉ muốn thích ứng bản thân vào những khoảnh khắc mau qua hoặc từ những người chỉ đơn thuần chỉ trích người khác và cho rằng mình mới là những thước đo không thể sai lầm,… từ những người đi con đường dễ dàng hơn, những người bỏ qua một bên niềm đam mê đức tin, tuyên bố những điều sai lầm và lỗi thời, chuyên chế và theo chủ nghĩa duy pháp lý”[19]. Quả thật, ngày nay có nhiều người trình bày về một giáo lý lạ lẫm với Đức tin mà Mẹ Giáo hội tuyên xưng và chuyển trao lại cho con cái, như tại Giáo hội Đức, đang tiến hành “con đường Công nghị”, trên con đường này, nhiều giám mục đòi hỏi phải viết lại giáo lý Công giáo, đưa ra những lập trường ngược với đạo lý và kỷ luật của Giáo hội, chẳng hạn: chấp nhận đồng tính luyến ái, bãi bỏ luật độc thân linh mục, dân chủ hóa Giáo hội và truyền chức Linh Mục cho phụ nữ.

Giáo hội đang bị một số người lợi dụng sự yếu đuối của con cái Giáo hội để tước quyền làm mẹ của Giáo hội, khi họ phớt lờ Giáo huấn của Giáo hội, khi họ đang nỗ lực gây ra sự phân rẽ trong Giáo hội và đánh mất căn tính của mẹ Giáo hội, và nhất là họ muốn tước Giáo hội ra khỏi mối tương giao với Chúa Kitô, khi họ đang đem tinh thần thế tục vào trong đời sống Giáo hội. Họ chiếm đoạt nguồn sữa của Giáo hội là các Bí tích để phục vụ cho ý đồ riêng tư của mình thay vì cùng với Giáo hội làm cho đời sống của các tín hữu đạt tới thiện ích mà ân huệ bí tích hướng đến. Họ coi những lỗi phạm của con cái là một thất bại lớn lao của Mẹ Giáo hội, và họ muốn thay đổi căn tính của Giáo hội, họ muốn loại trừ Giáo hội do chính Chúa thiết lập, để cải cách Giáo hội trở thành một tổ chức do chính họ kiến tạo. Mẹ Giáo hội còn là gì nếu Mẹ không còn là Hiền thê của Chúa Kitô mà chỉ còn là một tổ chức theo sáng kiến của con người?

Hãy yêu mến Mẹ Giáo hội bằng tâm tình con thảo qua việc sống trọn vẹn đức tin mà Mẹ Giáo hội thông ban. Quả thật, hơn 2000 năm kể từ ngày khai sinh vào ngày lễ Ngũ Tuần cho tới hôm nay Giáo hội luôn đối diện với nhiều cuộc bắt bớ có khi thì công khai mang tính toàn diện như những thế kỷ đầu, hoặc mang tính cục bộ địa phương, nhưng Mẹ Giáo hội không ngừng “đồng hành với sự trưởng thành của chúng ta bằng cách chuyển thông Lời Chúa, là ánh sáng chỉ dẫn chúng ta con đường của đời sống Kitô hữu; ban phát các Bí tích, nuôi dưỡng chúng ta bằng Thánh Thể, đem đến cho chúng ta sự tha thứ của Thiên Chúa qua Bí tích hòa giải, nâng đỡ chúng ta trong những lúc bệnh tật bằng bí tích xức dầu. Giáo hội đồng hành với chúng ta trong tất cả mọi nẻo đường của đời sống đức tin, trong trọn vẹn đời sống Kitô hữu của mình”[20].

Là con cái của Giáo hội, chúng ta hãy tự hào về người Mẹ của mình, một người Mẹ đã được chính Chúa Kitô tuyển chọn và kiến tạo nên một cộng đoàn “như một mầu nhiệm cứu rỗi: chính Người ở trong Giáo hội và Giáo hội ở trong Người. Do đó, sự viên mãn của mầu nhiệm cứu rỗi nơi Đức Kitô cũng thuộc về Giáo hội, vốn liên kết bất khả phân với Chúa của mình. Thật thế, Đức Giêsu Kitô tiếp tục hiện diện và hoạt động cứu rỗi trong Giáo hội và nhờ Giáo hội”[21] . Hãy yêu mến Giáo hội mẹ của chúng ta với trọn vẹn tâm tình của người con thảo, bởi khi yêu mến Giáo hội, chúng ta thể hiện tinh thần trách nhiệm với chính mình, vì Giáo hội đó không ai khác cũng chính là chúng ta, những người cùng cất lời tuyên xưng: “tôi tin” để kết nối thành “chúng ta tin”.

b. Để Mẹ Giáo hội sống lại trong từng tâm hồn tín hữu

 “Lạy Chúa, Giáo hội của Chúa thường giống như một con thuyền sắp đắm chìm, một con thuyền bị đắm nước mọi bề. Trên cánh đồng của Chúa, Chúng con nhìn thấy nhiều cỏ dại hơn là lúa. Quần áo và gương mặt của Giáo hội Chúa bị dơ bẩn đã làm chúng con hoang mang. Vâng chính chúng con đã làm nhơ bẩn! Đó là chúng con đã phản bội Chúa bao lần, qua tất cả những lời nói kiêu căng và những hành xử trang trọng… Khi chúng con sa ngã, chúng con đã thực sự kéo lê Chúa và Satan cười cợt vì nó hy vọng Chúa sẽ không thể trỗi dậy từ sự sa ngã đó; nó hy vọng Giáo hội cũng bị lôi ngã xuống theo Chúa, và sẽ mãi mãi nằm dưới đất như một kẻ thua cuộc”.[22] Bài suy niệm chặng đàng Thánh Giá của Đức Bênêđictô XVI trong ngày thứ Sáu Tuần thánh nói lên sự khủng hoảng mà Giáo hội đang đương đầu, sự khủng hoảng do tội lỗi của con cái mang lại, đó cũng là suy tư nói lên sự thật trần truồng của Giáo hội, một Giáo hội được đức Giám Mục Guillaume d’Auvergne, Giám mục Giáo phận Paris, sống vào thế kỷ 13, không ngần ngại thốt lên khi nhìn thấy lối sống truỵ lạc của con cái: “chẳng phải là hiền thê nữa đâu, mà là một quái vật man rợ, dị dạng đến khủng khiếp”[23].

Một Giáo hội như vậy, thế mà trong kinh tin kính, các Kitô hữu hãnh diện tuyên xưng: Tôi tin Giáo hội Thánh Thiện. Quả thật, Giáo hội mang lấy sự thánh thiện không do bởi con người, nhưng do bởi Đức Kitô, Đấng đã thánh hoá Giáo hội bằng chính những giọt máu đổ ra trên Thập Giá, “chính nhờ Chúa hiến mình và không bao giờ rút lại nên Giáo hội mãi mãi được Người thánh hoá. Giáo hội là nơi mà sự thánh thiện của Chúa luôn hiện diện giữa loài người”[24]. Điều đó có được là do bởi tình yêu vĩ đại và lạ lùng mà Chúa dành để cho con người. Thật là một điều kỳ diệu, sự thánh thiện của Thiên Chúa được chứa đựng trong chiếc bình được làm nên bởi những con người tội lỗi. Đây quả thật là một nghịch lý nhưng chính “cấu trúc nghịch lý vừa thánh thiện vừa tội lỗi của Giáo hội, Giáo hội trở nên dấu chỉ của ân sủng trong thế giới này”[25].

Do đó, chúng ta đừng thất vọng trước khủng hoảng mà Giáo hội rơi vào vì tội lỗi của con cái. Đừng vội để cho những chỉ trích, những chống đối làm chúng ta lung lay đánh mất tình yêu đối với Mẹ Giáo hội. Đức Hồng Y Herranz, 91 tuổi, người Tây Ban Nha, thuộc Giám hạt tòng nhân Opus Dei, khẳng định rằng: “một giáo sĩ lạm dụng tính dục một trẻ em, và một giám mục hay một bề trên dòng che đậy những lạm dụng ấy, thì đích thân có lỗi về luân lý, nhưng Giáo hội Công Giáo, như một định chế, không có lỗi về điều này. Những sai lầm, tội lỗi và đôi khi cả những tội ác của các phần tử Giáo hội, kể cả các thành phần thuộc hàng giáo phẩm, không thể cho phép nghi ngờ sự đáng tin cậy của Giáo hội và giá trị cứu độ cũng như giáo huấn của Hội thánh”[26]. Chúng ta không vì sự dữ xảy ra trong Giao Hội mà không nhìn thấy cái đẹp trong Giáo hội, bao nhiêu điều tốt lành Giáo hội đã thực hiện như là giúp đỡ người đau khổ, bệnh tật, các trẻ em cô nhi, khuyết tật… Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định: “Chúng ta càng không được coi nhẹ sự ác bao nhiêu, thì lại càng phải chân nhận và cám ơn Giáo hội Công giáo về mặt sáng của nó, và phải làm cho người ta được ánh sáng đó. Nếu Giáo hội mất đi, thì toàn thể mọi không gian sống có thể bị sụp đổ”[27].

Vâng, đối diện với khủng hoảng, chúng ta không đòi hỏi phải đập phá cấu trúc của Giáo hội, thay đổi căn tính của Giáo hội, nhưng là nhận diện dung mạo đích thật của mẹ Giáo hội để chúng ta nỗ lực hoán cải và trả lại vị thế của Mẹ Giáo hội trong thế giới hôm nay. Để chúng ta như là Giáo hội: “nhìn sâu vào chính mình, suy gẫm mầu nhiệm hiện hữu của mình… Nhận thức sâu sắc và sinh động này về chính mình tất yếu dẫn tới một sự đối chiếu giữa hình ảnh lý tưởng về Hội Thánh như Đức Kitô mong muốn và yêu thương như là hôn thê thánh thiện và vô tì tích của Ngài, với hình ảnh thực tế mà Hội Thánh trình bày cho thế giới hôm nay… Đây là nguồn của cuộc chiến đấu anh dũng và không chần chừ của Hội Thánh: chiến đấu để sửa sai những khuyết điểm phạm phải bởi các thành viên của mình; những khuyết điểm ấy được nhận ra và bị lên án khi Hội Thánh tự xét mình bằng cách soi vào mẫu gương của mình là Đức Kitô”[28].

Giáo hội Chúa được sinh ra từ cạnh sườn của Chúa mở ra từ trên Thập giá, và vì vậy Giáo hội không bao giờ là một tổ chức với cơ chế theo trần thế. Có thể nói Giáo hội là nơi chốn để Chúa tỏ bày cho nhân loại tình yêu nhiệm lạ của Người. Bởi đó, Giáo hội luôn dư tràn sức sống thần linh, cho dẫu vẫn còn đó, trong Giao hội những con người tội lỗi. Mượn lời của Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, nhưng chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20) để nói về Giáo hội. Vâng, chính Chúa Kitô sống trong Giáo hội, hiện diện trong Giáo hội các sống động. Trong tư cách là một tạo vật “Người gần gũi với trái tim của Người với con người đến nỗi Người đã tự hợp nhất với họ và do đó đã đi vào lịch sử loài người một cách rất thực tế. Người nói với chúng ta, Người sống với chúng ta, Người đau khổ với chúng ta và Người đã tự mang lấy cái chết vì chúng ta”[29]. Bởi đó Mẹ Giáo hội không bao giờ mang lấy khuôn mặt của một bà lão già nua cạn kiệt sức sống, nhưng trái lại luôn là người Mẹ tươi trẻ, năng động, hiện diện khắp nơi. Mẹ Giáo hội luôn biểu lộ sự tươi trẻ của Chúa Giêsu trên gương mặt của mình. Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: “đang khi hướng tới sự hoàn thiện con người trong thời gian và hướng tới những định mệnh cuối cùng của lịch sử và của đời sống, Giáo hội thực sự là tuổi trẻ của thế giới”[30]. Chỉ có nơi Giáo hội người ta có thể tìm gặp được Đức Kitô, tìm được niềm vui của cuộc sống, bởi vậy chúng ta hãy làm cho Giáo hội được sống lại trong tâm hồn của mọi người bằng thái độ dấn thân phục vụ cho Giáo hội qua đời sống thánh thiện của chúng ta. Bởi sự thánh thiện là phương thuốc băng bó các vết thương của Giáo hội, và làm cho Giáo hội trở nên khả tín đáng để mọi người tìm đến nương ẩn trong một thế giới đầy nghi kỵ và giả dối này.

c. Khơi nguồn sức sống nơi Giáo hội qua các buổi cầu nguyện tại gia đình

Giáo hội không là một tổ chức tôn giáo chỉ chú trọng vào nghi lễ, nhưng đúng ra Giáo hội là một cộng đoàn được Chúa qui tụ trở thành nơi chốn để Chúa hoàn tất ý định của Người, đó là giúp cho nhân loại nhận ra tình yêu cứu độ của Chúa, để con người hoán cải, trở về và nhận được sự sống. Để ý định này được thực hiện, Ngôi Hai, Logos của Thiên Chúa đã xuống thế, mặc lấy thân phận con người, gặp gỡ và đối thoại với con người để tỏ bày cho nhân loại biết tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha. Sự gặp gỡ và đối thoại này luôn tiếp diễn trong thời gian cho dẫu Chúa Giêsu đã bỏ thế gian mà về cùng Cha qua Giáo hội. Vâng, Giáo hội là nơi chốn để Thiên Chúa đến gặp gỡ và đối thoại với con người cho đến ngày chung cuộc. Trong cuộc đời mỗi người đều có nhiều cuộc gặp gỡ, nhưng chỉ có cuộc gặp gỡ Đức Kitô mới là đích thực và mang nhiều ý nghĩa nhất, “mọi cuộc gặp khác không nói cho ta biết ta từ đâu tới và sẽ đi về đâu. Gặp được Kitô, ta gặp được ánh sáng để có thể hiểu ra Thiên Chúa, con người, thế giới, sứ mạng và ý nghĩa cuộc sống và hiểu ra được mối liên hệ của mọi cuộc gặp gỡ khác.”[31] Bởi đó, đừng bao giờ coi Giáo hội là một tổ chức với những nghi lễ nhằm thoả mãn tính khoe khoang vô bổ. Không phải thế, Giáo hội là nơi để Thiên Chúa đến để gặp gỡ và đối thoại với con người. Cuộc gặp gỡ này được thực hiện ngang qua Phụng vụ. Thánh Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh: “Chúa Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. (SC số 7).

Tuy nhiên, dịch Covid-19 xuất hiện, các cử hành Phụng vụ, đặc biệt là Thánh lễ hoàn toàn bị đóng băng, người tín hữu phải tạm thời không được tiếp cận với Thánh lễ, và cũng có nghĩa là tạm thời không hiệp thông Thánh Thể đúng nghĩa. Một giải pháp tạm thời được các vị chủ chăn khởi xướng: Thánh Lễ online phù hợp với thời đại 4.0, thời đại của nền kỹ nghệ ảo, như cách thế tạm thời giúp người tín hữu vẫn có thể tiếp cận được với Thánh lễ, mặc dầu đó là Thánh Lễ ảo. Một câu hỏi được đặt ra, giải pháp này có thực sự giúp người tín hữu củng cố được đức tin của mình, và đủ sức mạnh để làm chứng đức tin? Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích, khẳng định rằng: “Thánh lễ trực tuyến không bao giờ có thể thay thế sự hiện diện tham dự trực tiếp của tín hữu, nó có nguy cơ làm chúng ta xa rời cuộc gặp gỡ cá nhân và thân mật với Thiên Chúa nhập thể, Đấng không hiện diện ‘ảo’ giữa dân Người nhưng là hiện diện thật sự”[32].

Nhìn vào lịch sử của nhân loại, Giáo hội cũng đã trải qua bao nạn đại dịch, thế nhưng đức tin của các tín hữu vẫn luôn được củng cố và kiên vũng, đặc biệt trong những thời gian bị bách hại, cấm cách. Đâu là chỗ đỡ nâng đức tin cho các tín hữu trong những khốn cực này? Gia đình, vâng chính lời cầu nguyên vang lên trong gia đình. Quả thật, Gia đình là Giáo hội thu nhỏ hay Giáo hội tại gia[33]. Gia đình thể hiện đời sống Giáo hội ngay trong mái ấm của mình. Nơi đó đời sống phụng vụ được thực hiện qua việc cha mẹ, con cái cùng đọc kinh chung với nhau.


Với tư cách là chủ gia đình, người cha, hay người mẹ được coi như là linh mục tại Giáo hội thu nhỏ này. Cha mẹ có trách nhiệm tổ chức buổi cử hành Phụng vụ ngay trong gia đình qua việc qui tụ các thành viên trước bàn thờ gia đình, và chủ sự việc cử hành Phụng vụ Lời Chúa. Việc công bố Lời Chúa trong gia đình như Giáo hội tại gia là cách thế tốt nhất để nuôi dưỡng đức tin cho các thành viên trong gia đình, và cũng là phương thế để gặp gỡ và đối thoại với Thiên Chúa, qua đó đời sống Giáo hội thực sự được củng cố trong Gia đình như là cộng đoàn căn bản làm nên Giáo hội. Công Đồng Vat. II đã khẳng định: “Thiên Chúa vô hình, trong tình yêu thương chan hòa, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu và đến nói chuyện với họ để mời gọi và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Ngài (DV số 2). Như thế, “mỗi người chúng ta được Thiên Chúa ban cho khả năng lắng nghe và đáp trả lời của Ngài. Con người được tạo thành trong Lời và sống trong Lời; con người không thể hiểu được chính mình nếu không mở ra với cuộc đối thoại này”.[34] “Lời Chúa đưa mỗi người chúng ta đi vào một cuộc đối thoại với Chúa: Vị Thiên Chúa đang nói, dạy chúng ta biết cách thưa chuyện với Ngài”[35].

Là chủ gia đình, người cha người mẹ nên ý thức thi hành chức vụ tư tế cộng đồng ngay trong gia đình, biến gia đình trở thành cộng đồng cầu nguyện đặc biệt bằng hình thức đọc Phụng vụ các giờ kinh, bởi chính các giờ kinh này qua các thánh vịnh “Thiên Chúa ban cho ta những lời ta có thể dùng mà thưa chuyện với Ngài, để đệ trình đời sống lên Ngài trong một cuộc đối thoại với Ngài, nhờ đó, biến chính đời sống trở thành một chuyển động đưa tới Thiên Chúa”[36] Khi gia đình đọc Phụng vụ giờ kinh cũng tham gia vào lời cầu nguyện chính thức của Hội Thánh. Và Giáo hội khuyến khích người giáo dân siêng năng cầu nguyện bằng việc cử hành Phụng vụ giờ kinh. Theo Giáo luật 1983 điều 835§4: “Trong nhiệm vụ thánh hóa, các tín hữu cũng có phần vụ riêng: theo cách thế riêng của mình, họ tham dự tích cực vào mọi cử hành phụng vụ, nhất là việc cử hành Thánh Thể. Các cha mẹ Công giáo cũng tham dự vào nhiệm vụ ấy cách đặc biệt khi sống đời vợ chồng với tinh thần Kitô giáo, và lưu tâm đến việc giáo dục Kitô giáo cho con cái”. Ðiều 836: “Việc phụng tự Kitô giáo, trong đó chức tư tế phổ quát của các tín hữu được thực thi, là một công cuộc phát xuất từ Ðức Tin và dựa trên Ðức Tin. Do đó, các thừa tác viên thánh phải để tâm khởi động và làm sáng tỏ Ðức Tin ấy, đặc biệt bằng tác vụ rao giảng, nhờ đó, Ðức Tin được phát sinh và nuôi dưỡng”.

Giáo hội luôn khẳng định: “Cha mẹ, với tư cách tham gia trong chức làm cha của Thiên Chúa, có trách nhiệm đầu tiên đối với việc giáo dục con cái mình và là những sứ giả đầu tiên về đức tin cho con cái. Cha mẹ có nhiệm vụ yêu thương và tôn trọng con cái mình như những nhân vị và những người con Thiên Chúa… cách riêng, cha mẹ có sứ vụ giáo dục con cái mình trong đức tin Kitô giáo”[37], vì thế, trong thời gian giãn cách xã hội, không thể cùng nhau qui tụ tại Thánh Đường để cử hành Phụng vụ, thì cha mẹ có trách nhiệm qui tụ các thành viên gia đình để tổ chức các buổi cử hành Phụng vụ chẳng hành Phụng vụ Lời Chúa, cử hành Phụng vụ các giờ kinh theo đúng bậc sống của mình. Biến gia đình thành cộng đoàn cầu nguyện là khơi nguồn sức sống trong Giáo hội và là cách thế nuôi dưỡng đức tin cho con cái

Hãy mang nụ cười lại cho Mẹ Giáo hội! Giáo hội hiện diện trên trần gian hơn 2000 năm, đối diện với bao nhiêu vui buồn, bao nước mắt và nụ cười, tuy nhiên trong thời hiện đại này Mẹ Giáo hội đang đổ nhiều nước mắt trước tiên vì lỗi lầm của con cái mình đã làm mất đi tính khả tín, mất đi cái uy tín trong việc loan báo Tin Mừng. Hơn bao giờ hết Mẹ Giáo hội cần sự hoán cải của con cái trong khiêm nhường, để sống trọn vẹn ơn gọi của người Kitô hữu đó là nên thánh. Lời kêu gọi hoán cải luôn qui Kitô, có nghĩa phải đặt tâm tình hoán cải trong sự gắn bó với Đức Kitô. Sự hoán cải là trở về con đường mà Đức Kitô đã chỉ cho, chính là con đường tình yêu. Vì thế, sẽ không có sự hoán cải đích thật nếu không dựa vào Tin Mừng của Đức Kitô soi dẫn. Đức thánh cha Phanxicô đã cảnh báo: “Bao nhiêu lần, ta không thể thay đổi cuộc sống, từ bỏ con đường ích kỷ, sự ác và tội lỗi vì những nỗ lực hoán cải chỉ tập trung vào mình và những sức riêng của ta, chứ không tập trung vào Chúa Kitô và Thánh Linh của Ngài.”[38]

Hãy mang nụ cười lại cho Mẹ Giáo hội, trong thời đại tục hoá nay, người ta đang tìm mọi cách gạt bỏ Kitô giáo ra khỏi cuộc sống xã hội, và không còn muốn nhắc đến Tin Mừng Chúa Giêsu. Đức Bênêđictô XVI đã đau xót đưa ra nhận định: “Người ta nhân danh chống miệt thị để buộc Giáo hội Công giáo phải sửa quan điểm của mình về đồng tính luyến ái và về việc cho phụ nữ làm linh mục, thì điều đó có nghĩa là Giáo hội không được phép sống theo căn cước riêng của mình nữa, và đồng thời cũng có nghĩa là người ta đưa ra một tôn giáo phủ định trừu tượng thay thế, và xem đó là chuẩn mực độc tôn mà mọi người phải theo”[39]. Sự kiện phát hiện các hài cốt tại trường nội trú dành cho người bản địa tại Kamloops, Canada, được loan tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông vào ngày 30-5-2021 càng thể hiện thái độ chống Giáo hội Công giáo càng ngày càng leo thang, cụ thể thứ sáu ngày 11-6-2021, ông Felix Thomas, người đứng đầu Kinistin Saulteaux Nation, nói với truyền thông Canada: “Điều mà mọi người và mọi Kitô hữu có thể làm để thể hiện tình đoàn kết với chúng tôi là đừng đến nhà thờ vào ngày Chúa Nhật này”[40]. Tất cả những sự kiện xảy ra đối với các em nội trú người bản địa là cơ hội để cho những kẻ ghét Giáo hội lợi dụng để công kích, đả phá, còn thực chất của sự kiện ở Kamloops không đúng với những gì báo chí nêu ra, bởi 215 ngôi mộ vô danh này là những ngôi mộ cá nhân, không phải các mồ chôn tập thể như báo chí cố ý xuyên tạc; và các học sinh này qua đời trong nhiều thập niên, chứ không phải cùng một lúc.

Trước hiện trạng những làn sóng chống đối đó chúng ta phải làm gì? Thái độ đầu tiên là không sợ hãi và nhụt chí, hãy bình tĩnh và coi đó là dấu chỉ của thời đại mã mỗi người Kitô hữu hãy khám phá để tìm cách hoá giải, chúng ta phải trình bày, và sống thể hiện sự kiên vững trong đức tin, để “giúp cho thiên hạ hiểu rằng, cái vô tận mà con người cần, chỉ có thể đến từ Thiên Chúa, rằng Thiên Chúa là yếu tố cần thiết đầu tiên giúp họ có thể đứng vững trước các sức ép của thời đại, rằng chúng ta phải cùng nhau vận động toàn tâm, toàn lực và sức mạnh sự thiện, để xoá đi những dấu ấn sai trái kia”[41].

Kiên vững làm chứng cho sự thật là bản chất của người Kitô hữu. Giáo hội Chúa Kitô lớn lên và vượt qua các thách đố trong thời gian chính nhờ hành vi kiên trung làm chứng cho Tin Mừng Chúa Kitô cho dẫu phải đổ máu, nhà hộ giáo Tertulianô đã minh định: “máu các vị tử đạo là hạt giống làm nẩy sinh các tín hữu”, nếu trong Giáo hội thiếu vắng yếu tố “tử đạo” Giáo hội không còn là Giáo hội của Chúa Kitô. Điều đó đòi hỏi chúng ta đối diện với sự thật, nhận ra sai sót để điều chỉnh, sửa sai, để hoán cải, nhưng không giờ chấp nhận một thoả hiệp, mạnh dạn loại trừ những hoạt động “núp dưới dáng vẻ của lòng đạo đức và thậm chí lòng yêu đối với Hội Thánh, tính thế tục thiêng liêng hệ tại việc không tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa mà là tìm vinh quang loài người và sự thoả mãn của bản thân”[42], cho dẫu khi khước từ như thế chúng ta có thể bị loại trừ, nhưng bị khinh khi nhục mạ vì Tin Mừng là niềm vui của người môn đệ Chúa Kitô. Hơn bao giờ hết, chúng ta mang nụ cười cho Mẹ Giáo hội qua việc chúng ta luôn minh định: Giáo hội là “Giáo hội của các vị Tử đạo”. Đức Phanxicô đã khích lệ: Niềm vui của Tin Mừng là cái không ai hay điều gì có thể lấy mất được của chúng ta. Những điều xấu của thế giới—và của Hội Thánh—không thể là cái cớ để chúng ta giảm bớt sự dấn thân và nhiệt tình. Chúng ta hãy coi chúng như là những thách thức có thể giúp chúng ta lớn lên. Với con mắt đức tin, chúng ta có thể thấy ánh sáng mà Chúa Thánh Thần luôn luôn chiếu dọi giữa bóng tối, đồng thời không bao giờ quên rằng ‘ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội’ (Rm 5:20). Đức tin của chúng ta được thách thức để biết rằng nước có thể biến thành rượu như thế nào và lúa mì có thể mọc giữa cỏ dại ra sao”[43].