Thông điệp mới của Đức Thánh cha Phanxicô, “Fratelli tutti, Tất cả anh chị em, về tình huynh đệ và tình bạn xã hội”, đã được long trọng giới thiệu trong cuộc họp báo, lúc 10 giờ, sáng Chúa nhật 4/10/2020 tại Hội trường Thượng Hội đồng Giám mục, ở nội thành Vatican: Năm nhân vật đã lần lượt gợi lại những ý tưởng nổi bật trong thông điệp thứ ba của Đức Thánh cha.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhận định rằng: “Đức Thánh cha đã dùng kinh nghiệm về đại dịch để nhắc nhở thế giới cần phải có một hoạt động có khả năng mang lại những câu trả lời, chứ không phải chỉ phân tích các dữ kiện. Hoạt động này hiện nay vẫn còn thiếu sót và sẽ tiếp tục như vậy, kể cả khi mỗi ngày có những thành tựu về nghiên cứu khoa học. Hiện nay thế giới thiếu khả năng “cùng nhau hành động”.
Đức Hồng y Parolin nêu bật nhận xét của Đức Thánh cha, theo đó cần có một tổ chức thế giới hiệu năng hơn: “Để biến tình huynh đệ thành một dụng cụ hoạt động trong các quan hệ quốc tế, cần làm tăng trưởng không những một linh đạo về tình huynh đệ, nhưng đồng thời cần có một tổ chức quốc tế hiệu năng hơn, để giúp giải quyết những vấn đề cấp bách”, và hiện nay vẫn còn bao nhiêu bước đường phải thực hiện. Đức Hồng y nêu rõ điều này: có một sự đối nghịch công khai giữa công ích và thái độ dành ưu tiên cho lợi lộc của các quốc gia, thậm chí của mỗi quốc gia, theo đó người ta xác tín rằng có thể có những vùng không bị kiểm soát, hoặc lý lẽ, theo đó “hễ điều gì không bị cấm thì đều được phép”, hậu quả là bao nhiêu người phải tùy thuộc thiện chí của vài người” (FT 165). “Vì thế, – Đức Hồng y nói – Đức Thánh cha nhấn mạnh cần phải củng cố các thẩm quyền quốc tế, một thứ chính phủ của cộng đồng thế giới, được điều hành theo công pháp, và cần củng cố những quan hệ đa phương trong một xã hội bị phân hóa như ngày nay.”
Về phần Đức Hồng y Miguel Ayuso Guixo, người Tây Ban Nha, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, trong bài giới thiệu, đã nhận định rằng thông điệp của Đức Thánh cha nhắc nhở điều này: tình huynh đệ là con đường của mỗi tín ngưỡng tôn giáo. Vấn đề ở đây là thực hiện những bước tiến cụ thể, cùng với tín hữu các tôn giáo khác và những người thiện chí, với hy vọng rằng tất cả chúng ta đều được kêu gọi trở thành những sứ giả hòa bình và những người xây dựng tình hiệp thông. Thiên Chúa là Đấng dựng nên tất cả mọi người và mọi sự, vì thế tất cả chúng ta là thành phần của một gia đình duy nhất, và chúng ta phải nhìn nhận nhau là anh chị em.
Trong số các vị ngồi tại bàn chủ tọa cuộc họp báo, cũng có giáo sư Andrea Riccardi, sáng lập viên cộng đồng thánh Egidio, một tổ chức bác ái, cổ võ hòa bình và đại kết. Giáo sư nhấn mạnh ý tưởng trong thông điệp mới của Đức Thánh cha, theo đó chiến tranh là mẹ sinh ra mọi tình trạng nghèo. Đó là một trường học xấu xa cho giới trẻ và làm ô nhiễm tương lai. Chiến tranh từng mảnh chứng tỏ sự phân hóa kiêu hãnh của một thế giới toàn cầu, coi những dự án lớn phát triển nhân loại là điều điên rồ.
Giáo sư Riccardi nhắc nhở rằng thông điệp của Đức Thánh cha nhấn mạnh: mỗi người đều là người phải giữ gìn hòa bình. Đó cũng là một nghĩa vụ của các tổ chức trong việc kiến tạo hòa bình và cần phải tăng cường nghĩa vụ này. Và cả chúng ta, những người dân thường, không thể là khách bàng quan, đứng nhìn như người ngoài cuộc. Nghệ thuật xây dựng hòa bình là nghĩa vụ của tất cả mọi người, cần phải táo bạo hơn nữa trong việc chống lại chiến tranh, bằng một thái độ phản kháng hằng ngày với tinh thần sáng tạo. Nếu bao nhiêu người có thể tham gia chiến tranh, thì tất cả phải có thể làm việc như những người kiến tạo hòa bình.
Người thứ tư lên tiếng trong buổi giới thiệu thông điệp mới của Đức Thánh cha, là thẩm phán Mohamed Mahmoud Abdel Salam, người Ai Cập, Tổng thư ký Ủy ban cấp cao về tình huynh đệ nhân loại. Ông nhận định rằng tình huynh đệ đại đồng là điều tuyệt đối cần thiết đối với thế giới. “Chúng tôi ủng hộ sự liên kết mọi năng lực tôn giáo để đương đầu với nạn kỳ thị, phân biệt chủng tộc và oán ghét. Đồng thời, chúng tôi làm việc để củng cố đạo lý của mình, đào sâu những khía cạnh đặc thù, để tránh sự chia rẽ và phân hóa. Đó là đối tượng của mỗi tín hữu đối với tôn giáo của mình. Tình huynh đệ giữa mọi người với nhau đã, đang và sẽ là một điều tuyệt đối thiết yếu đối với toàn thế giới, và không thể tách rời khỏi sự cứu độ.”
Sau cùng, nữ giáo sư Anna Rowlands, người Anh, thuộc khoa thần học và tôn giáo, trong đại học Durham, nhận xét rằng thông điệp “Fratelli tutti” của Đức Thánh cha làm nổi bật trách nhiệm của các cộng đoàn tôn giáo… Trong thông điệp, Đức Giáo hoàng kêu gọi các nhóm tôn giáo hãy trở thành những mẫu gương về đối thoại, làm trung gian hòa bình và phổ biến một sứ điệp yêu thương siêu việt cho một thế giới đang đói khát, sống chết mặc bay và không có căn cội.
Giáo sư Rowlands cũng nhận xét rằng thông điệp của Đức Giáo hoàng nhắc đến Tuyên ngôn tại Abu Dhabi năm ngoái về tình huynh đệ nhân loại, và tái khẳng định phẩm giá tuyệt đối của con người, mà không một chính quyền, không một luật lệ thị trường nào có thể chiếm ưu thế hơn. Thông điệp của Đức Thánh cha cũng nói đến sự đối xử với những người di dân, nhấn mạnh các giới răn của Kinh thánh, khuyến khích đón tiếp người khách lạ, và những lợi ích có thể xuất phát từ cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa, đồng thời mời gọi thực thi một tình thương tinh tuyền và vô điều kiện.
(Vatican News 4-10-2020)