Kẻ hát – Người nghe

“Hát đâu chỉ có hay với dở, sai với đúng.
Vấn đề là người ta chịu nghe mình hát hay không!.”

Thằng Mót khoái hát. Nó hát bất chấp ở đâu hay vào lúc nào. Miễn trong người có hơi men ngà ngà là nó lại hát. Mà phải chi nó hát hay cũng đỡ, đàng này hát ngang phè như cây đàn lạc nhịp, chỗ nặng chỗ nhẹ nghe chói tai quá sức. Thằng Mót có thói quen vừa hát vừa la, như thể nó muốn la cho nguyên cái xóm nghe được giọng ca “thánh thót” của nó. Những bản bolero mọi khi nghe trên đầu đĩa thiệt hay, mà qua miệng thằng Mót là coi như “bể đĩa”. Mấy ông bạn nhậu lúc chếnh choáng hơi men thì gật gù “khen hờ” khiến thằng Mót tưởng nó hát hay thiệt. Mấy người trong xóm nhiều lần góp ý kiến lúc nó tỉnh táo: “Mót ơi! Tao lạy mày! Mày tha cho tụi tao. Đi làm cả ngày mệt thấy mẹ, có chiều tối được nghỉ, mày hát om sòm vậy chết tụi tao!”. Thằng Mót mặt kênh kênh nhìn rồi trả lời ngang hông: “Kệ mẹ tui! Tui hát miệng tui ai biểu mấy người nghe!”.

Tánh nó vậy. Tỉnh thì hiền khô như cục đất. Tốt bụng hay giúp đỡ bà con. Giao việc là nó làm tới nơi tới chốn, làm đẹp đẽ đàng hoàng chứ không làm chiếu lệ. Nhiều cô trong xóm cũng thương nó muốn ráp đời với nó thì cha mẹ các cô la rầy: “Cái thứ quỷ sứ say xỉn đó mày lấy về khổ cả đời”, có người cười mỉa rồi nói: “Lấy về cho nó hát cho mày nghe hả con. Mày nhắm có nghe nó hát cả đời được không? Chắc mày nghe được, còn tao thì không.” Cuối cùng Mót vẫn vậy. Một mình. Xỉn thì hát. Mà cứ mỗi lần hát là chẳng ngó trước ngó sau. Cứ hát vậy cho cuộc đời “có ép-phê”, theo lối diễn tả của nó. “Ép-phê” với nó là cái thứ gì không biết? Thường người ta ghiền trà, rượu hay cà phê thì mới có cái gọi là “ép-phê”, mà “ép-phê” mọi khi được hiểu là sung sướng, thoải mái kìa. Đàng này nhìn tướng nó khổ muốn chết thì “ép-phê” chỗ nào? Cũng chịu! Thanh niên gần ba mươi tuổi cũng chịu khó làm ăn. Mỗi tội nhậu vô là đi đứng xiểng liểng rồi… hát. Nói riết hổng chịu nghe, bà con cũng bó tay.

Lâu lâu đổi gió, nó lại hò vài câu cũng ngang phè không thua gì hát bolero: “Hò ơ! Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay.” Có hôm thì nó vô mấy câu cải lương trớt quớt: “Điệp ơi mai anh lên chốn thành đô có nhà xe rực rỡ… nên Võ Đông Sơ đành chia tay người yêu lý tưởng Bạch Thu Hà.” Mấy đứa nhỏ chạy theo sau lưng vỗ tay rầm trời khích cho nó hát tiếp. Bà con đứng cười ngắc ngư với điệu bộ xỉn rượu của nó. Chân này tréo chân kia, nhếch lên một bước rồi lùi ba bước. Đi kiểu này tới sáng mới tới nhà. Ngó bộ dạng thất thểu như thể mất đi cái gì đó lớn lắm, gắng mà không níu lại được. Có người biểu: “Chắc nó nhớ con vợ nó!”. Người thì bẻ lại: “Chết lâu rồi! Nhớ gì nhớ hoài. Lấy con khác cho rồi! Mới hơn ba mươi chứ nhiêu!”. Có người thì biểu: “Ai dám gả đâu mà lấy! Sợ thấy mồ!”.

Mót mồ côi từ nhỏ. Lạ lùng cả xóm không ai biết cha mẹ nó là ai. Chỉ biết nó được một người dì nuôi nấng. Hai dì cháu mua miếng đất, cất cái nhà, rồi sống với nhau tới lúc nó tầm hơn mười tuổi thì dì nó chết. Từ lúc đó, thằng Mót thui thủi một mình đi kiếm việc làm trong xóm: sên vuông, làm cỏ, be bờ hay bẻ dừa mướn… bất cứ việc gì nó làm được thì nó nhận hết. Cũng giỏi giang và cẩn thận nên ai cũng tin tưởng và cho thêm tiền. Năm nó gần hai lăm tuổi thì rước con Ngọc nghe đâu ở miệt Trà Lồng hay Trà Cú về làm vợ. Chẳng hỏi cưới gì cả, chỉ ở vậy thôi. Nói chung con nhỏ cũng được, hai đứa sống cũng hạnh phúc. Bù cho gần chục năm ở một mình, giờ có Ngọc về ai cũng mừng cho nó. Nhưng chưa kịp có đứa con nào, vài năm sau thì Ngọc chết. Thằng Mót chôn vợ ngay sau miếng đất nhà mình. Từ đó nó đâm ra uống rượu và… hát.

Mà đặc biệt mỗi lần nó hát đố có lần nào nghe được bản nào vui. Ngay dịp tết mà nó cũng hát nào là “xác pháo hồng” rồi “em theo chồng” gì đó. “Trời! Mày tha cho xóm đi Mót! Tết nhứt cho bà con may mắn đầu năm, gì mà chưa chi xác pháo rồi chia ly không vậy?” Nó cũng nghểnh đầu trả lời đúng một câu: “Cho có ép-phê!”. Riết người ta cũng đành mặc kệ. Đầu tóc bù xù, quần áo rách bươm, thân hình đen đủi.

“Chú Mót! Hát cho tụi con nghe đi!” Trong xóm có mỗi mấy đứa nhỏ là đòi nghe Mót hát. Thằng Điệu là một trong nhóm mấy đứa trẻ mỗi khi rảnh rang lại bắt chước Mót. Hỏi sao nó khoái nghe thì nó trả lời: “Chú Mót vậy mà hay lắm à! Mỗi lần ổng hát là hai mắt nhắm nghiền, đầu hơi hất lên chút xíu, tay cầm cành củi khô như ca sĩ trên truyền hình vậy. Hát say sưa. Hát nhiệt tình. Hát mà… nước mắt ròng ròng. Nhậu càng xỉn thì hát càng hăng mà khóc cũng dữ hơn nữa…” Nghe thằng Điệu khen Mót hát hay, cô Chín – mẹ thằng Điệu-  cốc đầu nó: “Mày biết gì về nhạc nhòa mà biểu nó hát hay! Hát dở như hạch mà khen cho dữ! Đúng là con nít”. Cô Chín nói cũng có lý do vì cô là dân hay đi hát đám ma đám cưới trong xóm. Hát thì không xuất sắc nhưng nghe cũng được. Cô biết chút ít kỹ thuật hát lấy hơi và ngân nga nên cũng kiếm bộn tiền sau mỗi cái đám. Đúng là so ra giọng hát cô Chín hay hơn thằng Mót biết bao nhiêu ấy chứ! Mà cũng đúng như thằng Điệu nói là Mót hát phong cách thiệt, đúng chất lãng tử, mỗi tội giọng hát… lãng nhách. Chả đâu dính vào đâu. Mấy đứa nhỏ bắt chước phong cách của Mót. Mỗi khi tỉnh rượu, nó nhìn mấy đứa nhỏ mà nó cười ngặt nghẽo.

-“Sao chú Mót hát hay vậy mà hổng cô nào trong xóm chịu ưng vậy cà?”

Hai con mắt lim dim nhướng không nổi. Ngồi xếp bằng trên ván cầm ly rượu nốc vài hơi. Mót hước vài tiếng rồi trả lời mấy đứa nhỏ:

-“Hát đâu chỉ có hay với dở, sai với đúng hả mạy. Còn là chuyện người ta chịu nghe mình nữa.”

Mấy đứa nhỏ gật gù mà chắc cũng chả hiểu Mót nói gì. Thôi kệ, đang lúc xỉn kêu Mót hát cho mấy bài trước khi nó lật ngang và ngáy đều.

“Ủa! Thằng Mót mấy hổm rày đâu hổng nghe nó đi ngang vậy cà?”. Mấy ngày không thấy Mót xuất hiện, bà con cũng lấy làm lạ. Bữa đầu nghe yên ắng ai cũng thích rồi tự nhủ: “Chắc nó bệnh hổng chừng. Mà thôi! Vậy cho khỏe làng khỏe xóm”. Nhưng lâu lâu có người buột miệng thốt lên câu nói nghe giật mình: “Hổng có nó, tự nhiên xóm mình nghe lặng lẽ quá!”. Cứ như khán giả ngồi chờ đoàn cải lương chuyên về biểu diễn phục vụ bà con không bằng. Mọi khi Mót hát người ta bịt tai quá trời, có ai thèm nghe. Vậy mà bữa nay có người biểu nhớ tiếng hát ngang phè của nó. “Hôm bữa chú Mót biểu lên Sài Gòn đi làm, ổng nói với tụi con trong lúc xỉn rượu.” Thằng Điệu trả lời những thắc mắc của bà con. “Đi hồi nào?”. Thằng nhỏ chưa tới mười tuổi làm điệu bộ kiểu thằng Mót lúc hát: “Ai mà biết!”. Có người sực nhớ: “Còn con Ngọc! Không ai nhang khói cho nó! Tội con nhỏ.”

Chắc Mót muốn quên Ngọc. Chắc nó muốn quên cái cuộc đời “thiếu ép-phê” mà kiếm cái gì có “ép-phê” hơn là rượu và hát. Chắc nó muốn làm lại cuộc đời để thấy gì đó tươi sáng hơn… là ở xóm này. Hay… nó chết bờ chết bụi đâu đó, dưới nước hay trên bờ. Hay nó chán cái xóm suốt ngày chê giọng hát dở òm của nó mà kiếm cái xóm nào đó chịu nghe cái giọng ngang phè của nó. Ngẫm lại thì đúng là đời nó vất vả nhiều, thiếu thốn nhiều mà cô đơn cũng nhiều. Chắc… cũng có cô gái khóc thầm thương cái nết siêng năng và giỏi giang của nó chăng? Chắc… trong xóm cũng có người ghiền cái giọng hát vô duyên của nó? Chắc… cũng có người biểu: “Phải chi…”. Hổng biết cái “ép-phê” mà nó nói có phải là những gì hạnh phúc đã rời xa đời nó không? Mà chắc là phải, vì… mỗi lần hát là nó toàn hát mấy bản nhạc buồn. Buồn thấy mồ thấy tổ.

Màn đêm buông xuống, khoảnh sân, đường xóm dần tối và lặng lẽ. Cái quạnh quẽ của màn đêm được phủ đầy tiếng ếch, nhái và ễnh ương. Thằng Điệu nằm xoay mặt vô vách, chợt thút thít. Trời! Nó nhớ thằng Mót. Cô Chín quay sang bóp nhẹ bả vai con: “Trời! Nhớ nhung gì thứ quỷ đó con? Ngủ đi!”. Khóc một hồi nó thiếp đi, chợt nghe đâu vẳng cái tiếng ngang phè của thằng Mót, tiếng hát vẳng đâu đó, gần lắm mà cũng xa lắm. Ừ! thì cái xóm này cũng quen với tiếng hát của nó rồi mà, mà giờ… nó đi đâu mất tiêu rồi!

Little Stream