Khi đời dường như chỉ toàn là thập giá (Chúa Nhật 2 MC, Năm A)

Khi đời dường như chỉ toàn là thập giá (Chúa Nhật 2 MC, Năm A)

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Khi đời dường như chỉ toàn là thập giá
(Chúa nhật II mùa Chay A)

Lời Chúa: Mt 17, 1-9

Sáu ngày sau, Ðức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và kìa các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Ðức Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, Ngài một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái.”

Ông còn đang nói, thì kìa có một đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và kìa có tiếng từ đám mây phán rằng: “Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất.

Bấy giờ, Ðức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ!” Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Ðức Giêsu mà thôi. Ðang khi thầy trò từ trên núi xuống, Ðức Giêsu truyền cho các ông rằng: “Ðừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”

Suy niệm:

WGPSG / Aleteia — Nếu đang nỗ lực sống Mùa Chay, ta có lẽ sẽ cảm thấy việc làm môn đệ Chúa khó khăn hơn bình thường. Vậy thì sao?

Đôi khi trong cuộc sống, dường như thập giá luôn có đó. Tuy nhiên, với những đòi hỏi cầu nguyện khắt khe hơn, Mùa Chay dường như làm cho cuộc đời người môn đệ của Chúa càng thêm nặng nề. Nếu chúng ta thực sự ăn chay, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy mình hơi cáu kỉnh. Nếu chúng ta thực thi bố thí, chắc chắn chúng ta lại mong muốn có thêm tiền để làm việc này hay việc khác. Mùa Chay trở thành như một dạng khổ đau.

Đôi khi ai trong chúng ta cũng thấy cuộc sống sao đầy những khó khăn, đấu tranh và thập giá.

Trong cuộc đời thánh Têrêxa Avila – một nữ tu vĩ đại dòng Cát Minh – có một câu chuyện nổi tiếng ghi lại cách hoàn hảo điều mà nhiều môn đệ Chúa Giêsu đôi khi cảm thấy.

Trên đường đến tu viện trong một cơn mưa bão dữ dội, Thánh Têrêxa bị trượt xuống một bờ kè và rơi thẳng xuống bùn. Vị nữ tu không kiềm chế được chính mình, ngước lên trời và trách móc Chúa: “Nếu đây là cách Ngài đối xử với bạn bè của mình, thì chẳng có gì lạ khi Ngài có rất ít bạn!”

Đôi khi chúng ta cũng cảm thấy như Thánh Têrêxa Avila, nhưng không nói thành lời. Chúng ta không hiểu tại sao Chúa lại cho phép những thử thách nào đó xảy ra nặng nề đến thế.

Nhưng Chúa Kitô không bao giờ bỏ rơi chúng ta dưới sức nặng của thập giá. Ngài không để cho chúng ta bị mắc kẹt khi mang hành trang của người môn đệ, như thể chúng ta là một nhân viên chuyển đồ tội nghiệp đang nghẹt thở dưới một đống vali to đùng ở sảnh khách sạn. Chúa Kitô mang đến cho ta lời hứa tràn đầy hy vọng, cho ta sức mạnh thường hằng của Ngài, và cho ta khả năng chịu đựng, bằng cách chia sẻ cho ta chính sự sống và những mầu nhiệm của chính Ngài.

Và đây là mầu nhiệm của cuộc Hiển Dung: Chúa Kitô mặc khải sức mạnh, vinh quang thực sự của Ngài cho các môn đệ. Vì e rằng tín hữu nào cũng sẽ nghĩ thập giá họ đang mang là quá nặng, Chúa Kitô đã xuất hiện trước mắt ta với y phục trắng tinh rạng ngời, nuôi dưỡng trái tim đói khát và mệt mỏi của chúng ta bằng chính bản thân Ngài.

Để bất kỳ môn đệ nào cũng có thể theo bước chân Chúa Kitô, Đức Giêsu đã cho họ cái nhìn thoáng qua về đích điểm vinh quang của họ. Thánh Tôma Aquinô giải thích mầu nhiệm này như sau: “Để đi trọn một con đường, người ta phải biết điểm đến của mình: cũng thế, một cung thủ sẽ không thể bắn tên thẳng ngay đích điểm nếu trước đó anh ta không nhìn thấy mục tiêu.”

Thật rất cần biết mục tiêu khi đường đi trải đầy những khó khăn. Tại sao ta lại muốn sống như thế? Tại sao ta lại phải chịu đau khổ như vậy?

Chúa Kitô hôm nay đã cho trái tim của ta thoáng nhìn thấy vinh quang của Ngài. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II mạnh mẽ nói với chúng ta: “Hôm nay, Thánh lễ mà chúng ta đang chuẩn bị cử hành sẽ đưa tâm trí chúng ta lên đỉnh núi Tabor cùng với các Tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, để chiêm ngưỡng sự rạng ngời vinh quang của Chúa hiển dung. Trong thánh lễ, chúng ta được nhìn thoáng qua vinh quang của Chúa Kitô!”

Đức Giáo hoàng nói tiếp: “Trong biến cố Chúa hiển dung, chúng ta chiêm ngắm cuộc gặp gỡ mầu nhiệm trong lịch sử, được thực hiện trong từng ngày, và chiêm ngắm di sản hồng phúc đang chờ đợi chúng ta trên thiên đàng khi được kết hợp trọn vẹn với Chúa Kitô, là Alpha và Omega, là Khởi nguyên và là Tận cùng.”

Thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan không bó buộc phải đi theo Chúa lên núi. Họ có thể ở lại với các môn đệ khác. Có nhiều lý do có thể đã ngăn họ theo Chúa. Tuy thế, sau khi leo lên núi cùng Chúa Giêsu, họ được thấy dung nhan vinh hiển thực sự của Chúa Giêsu. Ngài đã tỏ mình ra cho các ông cách đặc biệt, mặc khải cho các ông thấy sự vĩ đại của chính bản thân Ngài.

Theo Chúa Kitô lên núi, sẵn sàng chết cho Ngài như các môn đệ, chịu mọi khổ cực trải dài trong cuộc đời, tất cả đều có thể làm được bởi vì Chúa Kitô đã mời chúng ta chiêm ngắm và biết về Ngài. Chỉ có Ngài mới cung cấp cho ta sức mạnh, sự khích lệ, nỗi vui, sự tự tin, niềm hy vọng để chịu đựng bất kỳ thử thách nào. Ngài đã cho ta thưởng thức chỉ một chút rất nhỏ thôi trong những điều vô cùng  kỳ diệu vĩ đại mà Ngài đã chuẩn bị ban cho ta sau này.

Ta hãy vác thập giá của mình từng ngày trong mùa Chay này. Hãy đặt niềm tin vào một Chúa Kitô chiến thắng, khải hoàn và hiển dung! Khi trái tim ta nên một với Trái Tim của Ngài, chúng ta sẽ không thất bại.

Rất mong một ngày nào đó, chúng ta sẽ thấy mình được hiển dung. Trong Vương quốc mà Chúa Giêsu đã hứa cho những ai tin vào Ngài, chúng ta sẽ biết vinh quang của Ngài. Và không chỉ thoáng thấy vinh quang như các môn đệ trên Núi Tabor, ta sẽ nhìn thấy vinh quang mãi mãi.

 

Lm Patrick Briscoe, OP (Aleteia) / Trần Hùng chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG