Hoạt bát, sôi nổi, sống hết mình là tính cách của linh mục Gioan Baotixita Maria Đoàn Vĩnh Phúc (nguyên chánh xứ Thiên Ân, hạt Tân Sơn Nhì). Sau chuỗi ngày phục vụ, nay cha về nghỉ hưu tại trường Tình thương Thiên Ân (quận Bình Tân – TPHCM) – một trong những công trình tâm huyết do cha gầy dựng.
Trên đất phương Nam
Cha G.B Maria Đoàn Vĩnh Phúc sinh ra ở Nam Định nhưng cuộc đời lại gắn với vùng đất phương Nam. Cha thụ phong linh mục ngày 27.4.1965 và nhận sứ vụ đầu tiên (cùng năm) là Phụ tá giáo xứ Trà Kiệu. Dấu ấn đậm nét trong chặng đường mục vụ của cha chính là những cô nhi viện và trường học tình thương. Theo lời kể của bà Maria Nguyễn Thị Hoa, người săn sóc cho cha hiện thời, cha mồ côi cha từ khi còn nhỏ. Có lẽ sự “thiếu thốn” tình phụ tử là nguyên nhân của việc “bù đắp” không ngừng cho trẻ em bất hạnh trong suốt đời mục tử.
Lớp học tình thương Thiên Ân những ngày đầu thành lập |
Năm 1967, khi là chánh xứ giáo xứ Chu Lai, giáo phận Đà Nẵng, trong muôn vàn khó khăn vất vả thời chiến, cha đã cho xây dựng trường Trung – Tiểu học Đồng Công tại huyện Phú Thạnh, tỉnh Quảng Nam. Trường nhận dạy miễn phí cho con em thuộc hộ nghèo ở vùng quê. Những năm đầu khi mới thành lập, Đồng Công đã giúp cho rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn biết chữ. Đến năm 1973, số học sinh có khoảng 700 em thuộc các lớp từ cấp một đến cấp ba. Cạnh trường tình thương Đồng Công là cô nhi viện Chu Lai được cha lập nên hai năm sau đó. Nơi đây tập hợp những em mồ côi, lang thang, cơ nhỡ đến từ nhiều vùng trong giáo phận. Từ 20 em ban đầu, qua thời gian, cô nhi viện đã đón nhận thêm nhiều cảnh đời bất hạnh.
Trồng được cây lành, cha Phúc lại đi. Năm 1972, cha cùng một số con em cô nhi viện dừng chân tại giáo phận Xuân Lộc. Tại đây, được bề trên giao cho nhiệm vụ coi sóc giáo xứ Đồng Tâm (Xuân Lộc – Đồng Nai), cha lại lập ra một cô nhi viện mới trong giáo xứ mang tên Xuân Tâm, tiếp tục cưu mang những trẻ em côi cút.
Năm 1975, cha chuyển vào Sài Gòn và được bổ nhiệm làm phó xứ Tân Phú. Năm 1989, cha Phúc được bài sai làm chánh xứ Phú Thọ Hòa thuộc giáo hạt Tân Sơn Nhì. Gần 10 năm sau, cha mở trường tình thương tại Ấp 4, Bình Hưng Hòa, Bình Chánh với 6 lớp học giúp cho 120 em khó khăn được đến trường. Năm 2001, trong cương vị chánh xứ Thiên Ân, cha bắt tay vào kế hoạch trường tình thương Thiên Ân (đường Kinh Nước Đen, Bình Hưng Hòa A, Bình Tân). Trường đi vào hoạt động sau ba năm xây dựng. Thời điểm đó, số học sinh của trường có khoảng 400 em. Năm 2009, do diện tích trường cũ hạn hẹp, không đáp ứng nổi số lượng học sinh gia tăng nên cha mua đất và mở thêm trường tình thương Tân Sơn Nhì (đường Số 16, Bình Hưng Hòa A, Bình Tân). Cho đến nay, số lượng học sinh của cả hai trường khoảng chừng 500 em.
Buổi học ngoại khóa của học sinh các lớp tình thương |
Trong hành trình mục vụ gần nửa thế kỷ, cha đã xây dựng được gần chục ngôi nhà thờ, mở nhiều giáo điểm và những lớp tình thương dạy chữ và giáo lý cho con em nghèo trong vùng. Nay, trường tình thương Đồng Công ngày xưa trở thành trường Trung cấp dạy nghề của huyện Phú Thạnh, tỉnh Quảng Nam. Những thành viên thuộc thế hệ đầu tiên ở cô nhi viện Chu Lai giờ đã có gia đình, nghề nghiệp ổn định. Hiện cô nhi viện giáo xứ Đồng Tâm vẫn được duy trì, có khoảng 40 em, cùng ở và sinh hoạt với nhau như một đại gia đình.
Hiện cha nghỉ dưỡng tại trường Tình thương Thiên Ân, sống giữa tiếng vui của bầy trẻ ngày ngày líu lo trong các lớp học và sự săn sóc, viếng thăm từ những “hoa trái” cha đã vun đắp khi xưa.
“Mọi sự cho mọi người”
Ngày lãnh nhận sứ vụ linh mục, cha đã chọn câu châm ngôn cho đời linh mục của mình là “Nên mọi sự cho mọi người”. Có lẽ vậy nên mọi việc cha làm đều hướng đến mọi người. Cha dành tình thương rất nhiều cho trẻ nhỏ, nhất là những em phải chịu cảnh thiệt thòi bằng việc xây “nhà” chung rồi “gom” chúng “về một mối”, mở trường dạy học miễn phí cho các em. Tình thương còn được mở ra, sẻ chia bằng những công việc bác ái xã hội. Thời ở Chu Lai, từ cha, các phần quà như gạo, nhu yếu phẩm được phân phát rất nhiều cho người nghèo. Vào Sài Gòn, cha còn làm đường sá và giúp đỡ cho các gia đình khó khăn, chật vật về kinh tế.
Trẻ nhỏ chính là niềm vui của cha Phúc |
Bà Anna Võ Thị Phương Mai, khi xưa ở cô nhi viện Chu Lai cho biết, cha Phúc là một người sống tình cảm, luôn nghĩ trước tiên cho người khác. “Hồi xưa ở Chu Lai mỗi lần có bão là mái tôn bị gió thốc xoành xoạch, cả cô nhi viện sợ quá phải núp hết bên trong. Vậy mà cha vẫn lặn lội qua thăm coi bọn tôi có bị sao không. Hình ảnh cha che dù đi trong mưa gió làm tôi cứ nhớ hoài không quên”, bà Mai bùi ngùi nhớ lại. Sự xông xáo, lòng nhiệt thành lắng lo trăm sự của cha còn được ông Giuse Đinh Viết Thìn – HĐMV hạt Tân Sơn Nhì, một cộng sự hơn hai chục năm nay của cha Phúc – kính phục: “Biết cha một khoảng thời gian dài, theo giúp cha trong nhiều việc, tôi thấy trừ những lúc bệnh ra không khi nào cha ngơi nghỉ. Đối với tôi cha là một người tuyệt vời!”.
Lúc còn khỏe, mỗi buổi sinh hoạt, khai giảng, tổng kết của trường tình thương, cha luôn tham dự. Cha đến cùng các em với tấm lòng của một mục tử yêu quý con trẻ, chia sẻ nguồn sức mạnh tinh thần giúp các em cố gắng học tập và rèn luyện bản thân. Gian phòng khách nhỏ của cha giờ đây chứa đầy hình ảnh lưu niệm. Trong số ấy, có rất nhiều hình ảnh các lớp học tình thương, cha đứng giữa đám đông các em với khuôn mặt tươi cười vẻ hài lòng. Em Kiều Minh Vũ, học sinh trường Thiên Ân khoe về “ông cố” của mình: “Cha tạo chỗ nơi cho tụi con học tập và khi còn khỏe rất hay đến thăm nom động viên tụi con. Điều cha làm cho tụi con giúp con thấy cuộc sống vẫn đầy niềm vui chứ không chỉ có nỗi buồn”.
Một buổi lễ tốt nghiệp của học sinh Thiên Ân |
Năm 2012, trân trọng những điều cha đã làm cho Giáo hội, trong bức thư gởi cha lúc về hưu, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã tỏ lòng tri ân: “…Thưa cha Gioan kính mến, người được hưởng nhờ mọi cống hiến quý báu của cha thì rõ ràng không phải là Chúa Giêsu Kitô, mà là chúng tôi, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, thuộc Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh…”.
Cũng theo lời ông Thìn, cha Phúc rất thích đọc sách báo. Ngoài những giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi của cha thường dành cho việc đọc sách. Đến nay, dù tuổi đã gần 90, sức khỏe không được tốt nhưng thói quen đó hình như vẫn được duy trì qua hình ảnh chồng sách báo đặt ở đầu giường. Đến thăm cha chỉ được một lúc, dù sức khỏe không còn như xưa và phải đeo máy trợ thính nhưng qua tiếp xúc, chúng tôi cũng nhận thấy thần thái tinh anh, hoạt bát vẫn còn nơi một vị linh mục suốt đời nhiệt tâm.
Địa chỉ: 69 Đường 5A Khu Phố 20
Phường Bình Hưng Hòa A – Quận Bình Tân