Đối tượng: giáo dân – tu sĩ
Mục đích: phòng chống bệnh Viêm Đường Hô Hấp Cấp do chủng mới Corona Virus (2019-nCoV)
Nội dung:
- Đại cương về tình hình bệnh
- Các hình thức lây truyền và cách phòng chống
- Khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y Tế
- Áp dụng trong một số sinh hoạt tôn giáo
Đại cương về tình hình bệnh
Theo Bộ Y tế, bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính: sốt, ho, khó thở, có trường hợp viêm phổi nặng, có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong cao, đặc biệt ở những người có bệnh lý mạn tính đi kèm. Một số người nhiễm nCoV có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ, không rõ triệu chứng nên gây khó khăn cho việc phát hiện. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), tính đến sáng ngày 08/02/2020 thế giới có 34.872 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV và 724 người tử vong, bao gồm 722 người ở Trung Quốc lục địa, 1 ở Hongkong, và 1 ở Phillipin. Tại Việt Nam, có 13 trường hợp nhiễm virus, 3 trường hợp bệnh đều khỏi, chưa có tử vong. Những tỉnh/thành phố có nhiều người nhiễm là Vĩnh Phúc (8), TP Hồ Chí Minh (3), Thanh Hóa (1), Khánh Hòa (1). Đa số cá nhân nhiễm đều có yếu tố nguy cơ là trở về từ Trung Quốc (8). Một số ít tiếp xúc với người trở về từ Trung Quốc (3).
Hiện nay tình hình viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới vẫn tiếp tục và diễn tiến phức tạp. Tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong tiếp tục tăng tại Trung Quốc, chủ yếu xuất phát từ thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc. Ngoài Trung Quốc, dịch lây lan đến 24 quốc gia, có 2 trường hợp tử vong tại Phillipin và Hồng kông. Singapore ngày 07.02.2020 nâng cao mức cảnh báo khi phát hiện 3 trường hợp nhiễm virus ở người không đến Trung Quốc và cũng không có liên hệ với người nhiễm virus trước đó, ám chỉ lây lan virus từ cộng đồng. Nếu có nhiều người nhiễm nCoV từ cộng đồng, việc lan truyền dịch sẽ rất khó cách ly và kiểm soát tốt.
Các hình thức lây truyền và cách phòng chống
Sự lây nhiễm của virus từ người với người thông qua tiếp xúc với dịch tiết cơ thể người bệnh. Ba đường lây chính là ho hắt hơi, bắt tay tiếp xúc, và chạm vào mặt phẳng rắn đã nhiễm virus rồi đưa lên mũi mắt miệng.
Đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao là: (1) những người đã đến vùng dịch tễ như Vũ Hán Trung Quốc, và (2) những người trong nước đã tiếp xúc với những người nhiễm virus trong vòng 14 ngày. Các triệu chứng thường gặp là ho, chảy mũi, sốt, đau họng. Bệnh có thể biến chứng và tử vong vì viêm phổi với triệu chứng khó thở suy hô hấp.
Các biện pháp cần thực hiện để phòng tránh lây lan là: tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, rửa tay sạch thường xuyên, đeo khẩu trang nếu ho sổ mũi, che miệng-mũi khi ho, và khám bệnh khi có triệu chứng ho sổ mũi. Ngoài ra cũng cần thiết ăn uống chín và tránh động vật hoang dã.
Khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y Tế
Bộ Y Tế cùng với Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã có nhiều quy định để phòng ngừa dịch bệnh này.
Đeo khẩu trang y tế không phải là yếu tố quyết định. Tuy nhiên cần đeo khẩu trang cho một số đối tượng cần thiết và trong một số hoàn cảnh cần thiết. Các quy định được Bộ Y Tế ban hành là:
– 4 đối tượng cần phải đeo khẩu trang: cán bộ y tế, người chăm sóc, người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, và người đi đến cơ sở y tế.
– 4 hoàn cảnh phải đeo khẩu trang: khi tiếp xúc chăm sóc theo dõi điều trị trực tiếp, khi tiếp xúc gần với người có nguy cơ, khi đến cơ sở y tế khám bệnh, khi ở trong các cơ sở y tế.
Có hai loại khẩu trang là khẩu trang y tế chỉ dùng 1 lần rồi bỏ và khẩu trang vải có thể dùng nhiều lần. Người khỏe mạnh, không mắc bệnh đường hô hấp không cần sử dụng khẩu trang khi không cần thiết hoặc có thể sử dụng khẩu trang vải để bảo vệ sức khỏe.
– Khẩu trang y tế chỉ sử dụng 1 lần, không dùng tay chạm vào mặt trước khẩu trang. Tháo khẩu trang chỉ cầm phần dây quai và cho ngay vào thùng rác có nắp đậy. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi tháo khẩu trang.
– Khẩu trang vải có thể dùng cho người khỏe mạnh, không có các triệu chứng đường hô hấp như sốt, ho, khó thở, chảy nước mũi. Đeo khẩu trang vải đúng cách là che cả kín và miệng, tránh dùng tay chạm vào mặt trước khẩu trang, khi tháo chỉ chạm vào phần dây đeo qua tai, giặt sạch khẩu trang hàng ngày bằng xà phòng để dùng lại cho lần sau, và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng tránh lây nhiễm.
Áp dụng trong một số sinh hoạt tôn giáo
Bộ Y Tế khuyến cáo cần đeo khẩu trang khi đến các khu vực tập trung đông người như bến xe, nhà ga, sân bay, chợ, siêu thị, phố đi bộ…
Do đó trong các Thánh lễ, tất cả mọi người, kể cả Ca Đoàn đều nên mang khẩu trang. Ngoại trừ linh mục chủ tế khi ra bàn thánh hoặc bục giảng đứng cách xa mọi người có thể không đeo khẩu trang (với điều kiện linh mục khoẻ mạnh và không có bệnh đường hô hấp). Linh mục và những thừa tác viên giúp trao Mình Thánh Chúa phải sát khuẩn tay trước khi trao mình thánh (cần chuẩn bị sẵn những chai sát khuẩn rửa tay nhanh). Nên cho giáo dân rước lễ bằng tay, hạn chế bằng miệng.
Tín hữu khi tham dự các giờ cầu nguyên và đọc kinh chung, lần hạt Mân Côi, Lòng Chúa Thương Xót, những giờ sinh hoạt chung, nên đeo khẩu trang.
Những ai có biểu hiện sốt, ho hắt hơi, không nên tham dự thánh lễ hoặc đến nơi đông người. Nếu tham dự phải mang khẩu trang và phòng ngừa lây lan cho người khác. Giáo Hội nên miễn chuẩn cho họ ngay cả trong trường hợp lễ trọng buộc để tâm lý bà con an tâm.
Ngoài việc đeo khẩu trang, mọi người cần rửa tay với savon và nước sạch thường xuyên, đặc biệt sau khi đưa tay lên mặt và chạm vào khẩu trang.
Trong giai đoạn này xin tạm ngừng chấm Nước Thánh khi bước vào nhà thờ. Nên mở cửa thông thoáng nhà thờ và hạn chế sinh hoạt trong phòng máy lạnh kín gió.
Nghi thức chúc bình an chỉ cúi đầu chào, không nên bắt tay nhau.
Linh mục và hối nhân đều phải mang khẩu trang trong tòa giải tội.
Khi dịch bệnh tăng nhiều sẽ hạn chế hơn các buổi sinh hoạt đông người và các tiếp xúc gần gủi khi thăm kẻ liệt, viếng người bệnh.
Khuyên giáo dân nếu tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm nCoV hoặc khi có các triệu chứng sốt, ho, khó thở nên chủ động đến cơ sở Y Tế địa phương để được tầm soát và cách ly phòng bệnh kịp thời nhằm tránh lây lan cho cộng đồng.
Nhóm soạn thảo chuyên đề của Giới Y Tế Công Giáo TGP Sài Gòn.