KINH THÁNH
Kinh thánh nói gì về việc kể chuyện
Kể chuyện (Story telling) là một phương pháp truyền thông sinh động và tạo hiệu quả tốt, cách riêng trong việc truyền thông Lời Chúa. Trong bài thuyết trình tại Hội thảo của Liên hiệp Kinh Thánh Công giáo Đông Nam Á, tổ chức tại Trung tâm mục vụ giáo phận Nha Trang, nữ tu Emmanuel Gunanto tìm về nguồn Kinh Thánh để cho thấy tầm quan trọng của việc kể chuyện và gợi ý những cách áp dụng phương pháp này trong việc loan báo Tin Mừng. Trân trọng giới thiệu với đọc giả.
Kinh Thánh là một cuốn sách “chuyện kể” gồm phần lớn là những câu chuyện cứu độ con người nhờ Đức Giêsu Kitô. Kinh Thánh bắt đầu với câu chuyện sáng tạo hoàn vũ và con người, sự sa ngã, lời hứa ban ơn cứu độ, ơn gọi của một người và những con cháu của ông, sự chuẩn bị một cộng đồng đức tin, sự hoàn tất lời hứa trong Đức Giêsu Kitô, và rồi sự hoàn tất chung cuộc ngày tận thế.
Trước khi Kinh Thánh trở thành một tài liệu viết, lịch sử cứu độ đã được truyền miệng từ đời này sang đời kia bằng những câu chuyện, thi thơ và cách ngôn. Một vài trích dẫn:
Xh 12,16: Và khi con các ngươi hỏi: “Nghi lễ này có nghĩa gì vậy?” anh em sẽ trả lời: “Đó là lễ tế Vượt Qua, dâng kính Đức Chúa, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Israel ở Ai Cập, và cho chúng ta thoát nạn”.
Đnl 4,9: Đừng lãng quên các điều chính mắt ngươi đã thấy…, nhưng hãy dạy cho con, cho cháu anh em biết các điều ấy”.
Tv 22, 31-32: Con cháu tôi sẽ phụng sự Người và rao truyền Chúa cho thế hệ tương lai. Họ sẽ loan báo ơn cứu độ của Người cho hậu thế: “Đó là những việc Đức Chúa đã làm”.
Mc 8, 1-10: Chúa Giêsu công bố Tin mừng bằng những câu chuyện và những dụ ngôn. Dân chúng chẳng mệt mỏi khi nghe Người. Cả ba ngày trời họ ở với Người trong hoang địa cho đến khi họ không còn gì ăn.
2Tm 1,4b-5: Câu trích dẫn này cho thấy đức tin đã được truyền lại từ bà đến mẹ và đến con: “Tôi còn nhớ kỹ đức tin chân thành của anh, đó là đức tin của cụ bà Lois, bà ngoại anh, và của Eunice, mẹ của anh.”.
Phải chăng những câu chuyện chỉ hữu ích với thiếu nhi?
Mọi người thuộc mọi lứa tuổi, từ 2 đến 100, đều yêu thích những câu chuyện. Chúa Giêsu chắc chắn là một người kể chuyện tài ba. Chắc chắn những người ở với Người suốt ba ngày cho đến khi không còn gì ăn không chỉ có thiếu nhi!
Kể chuyện là một gia sản chung lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để lưu giữ lịch sử của một dân tộc, bộ tộc, gia đình, truyền thống, giá trị và trên hết là đức tin (x. 2Tm 1, 4b-5).
Khi chưa có truyền hình, gia đình thường quy tụ lại và lắng nghe chuyện kể của nhau. Mọi người chú ý đến người kể chuyện. Họ nhìn và lắng nghe nhau. Từ đó tạo nên một mối dây thân mật giữa những người hiện diện.
Sau đó thì truyền hình trở thành trung tâm của gia đình. Mọi người giờ chỉ nhìn một hướng và mọi chú trọng dồn về TV. Những người hiện diện không còn lưu ý đến nhau. Ngay cả khi có đứa bé sơ sinh té ngã và khóc, họ vẫn để vậy, bởi vì trận đá banh họ đang xem quan trọng hơn. Sự thân mật trong gia đình giảm xuống.
Sự phát minh các thiết bị hiện đại giúp người ta chơi trò chơi, tán gẫu, xem youtube, phim, nhiều kênh thông tin giải trí. Những thiết bị đó khiến người ta cứ chúi đầu vào chiếc điện thoại thông minh của mình, không còn để ý những người xung quanh nữa. Sự liên lạc và thân mật giữa các thành viên gia đình ngày càng ít đi.
Những thiết bị hiện đại đã mang lại những giá trị nào và đặc biệt là về giá trị đức tin? Chắc chắn là có những câu trích dẫn tốt hay các bài suy niệm Thánh Kinh, nhưng cũng còn có cả những câu chuyện thô tục, bạo lực và lạm dụng tình dục. Các bậc cha mẹ và những nhà giáo dục không lường trước được con cái họ hay giới trẻ bị đầu độc đến mức nào bởi những gì trình chiếu trên điện thoại thông minh.
Lợi ích của kể chuyện trong gia đình
Kể chuyện sẽ quy tụ gia đình và mang lại những giờ phút chất lượng với con cái. Giúp bọn trẻ yêu quý người kể chuyện. Giúp bọn trẻ học hỏi nhanh hơn và và học theo nhanh hơn.
Những câu chuyện sẽ hạn chế tai hại của TV, internet hay phim ảnh. Giúp trí tưởng tượng bọn trẻ bay xa, và phát triển nhân cách của chúng.
Những vị anh hùng đức tin như Abraham, Giuse, Môsê, David, Đức Giêsu Kitô, các Tông đồ, Tông đồ Phaolô, và các vị thánh trở nên sống động trong trí của bọn trẻ và trở thành điểm quy chiếu hằng ngày.
Một bài học từ những câu chuyện kể tạo nên nền tảng kiến thức Công giáo và đức tính cho tương lai. Bọn trẻ sẽ học biết phân biệt tốt với xấu từ những câu chuyện, và bởi vậy cũng sẽ làm điều tương tự trong cuộc sống khi chúng lớn lên. Tâm hồn ngây thơ trong trắng của chúng sẽ thăng tiến khi chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của sáng tạo. Điều này sẽ giúp tăng tình yêu Thiên Chúa nơi tâm hồn bọn trẻ.
Bọn chúng cũng sẽ thích và muốn có khả năng kể một câu chuyện hay. Kể chuyện sẽ giúp trẻ chia sẻ đức tin theo cách riêng của mình cho các bạn bằng việc tiếp tục chia sẻ những câu chuyện đó.
Cách đây một vài tháng, tôi có thuyết trình về việc kể chuyện Kinh Thánh. Một tham dự viên đã thực hành điều này trong lớp giáo lý cho người trưởng thành. Một linh mục làm việc ở Papua (một đảo phía Đông của Inđônêsia) về nghỉ phép ở và để ý đến lớp học này. Ngài đã rất phấn khởi thốt lên: “Đây là thứ tôi cần cho giáo dân của tôi ở Papua. Khi tôi dạy Kinh Thánh, họ hay chán và không thích nghe. Họ thích nghe chuyện, nhưng tôi không biết làm sao. “Hãy dạy tôi nhé”, ngài khiêm tốn hỏi.
Đối với tôi, tôi đã thực hành kể chuyện Kinh Thánh hằng tháng cho người mù, cho mục vụ nhà tù, cũng như những minh họa Kinh Thánh hằng tuần trong giáo xứ cho những ông bà về hưu.
Vài lời khuyên cho việc kể chuyện Kinh thánh trong gia đình
Những câu chuyện Kinh Thánh rất ngắn. Hãy chú ý đến từng câu chữ, nhưng đồng thời cũng chú trọng đến hàm ý (ẩn ý) đằng sau. Có thể ví những ẩn ý như là “thịt”. Chúng không nên mâu thuẫn với xương, những gì được viết trên mặt chữ.
Các câu chuyện nên biến đổi phù hợp với đối tượng và tuổi tác của bọn trẻ. Chọn những khoảnh khắc phù hợp trong gia đình. Trước giờ ngủ là lý tưởng nhất khi bọn trẻ sẽ ngủ trong khi vẫn suy nghĩ về câu chuyện. Tiếp xúc bằng mắt cũng như bầu khí ấm cúng cũng vô cùng quan trọng. Hãy kể câu chuyện với sự hào hứng. Sự hào hứng và thuyết phục của người kể chuyện sẽ giúp khắc sâu câu chuyện hay vào trí nhớ bọn trẻ và giúp chúng sống bài học từ câu chuyện.
Hãy chọn một câu chuyện, ví dụ: Câu chuyện ông Da-kêu (Lc 19, 1-10). Hãy đọc và nghiền ngẫm câu chuyện kỹ lưỡng. Suy niệm và hỏi Chúa Giêsu, Thiên Chúa Đấng kể chuyện, Ngài sẽ nói gì. Cầu nguyện cho câu chuyện này, bởi vì câu chuyện sẽ trở thành khí cụ của ơn Chúa trên cuộc sống của người nghe.
Hãy để tính cách của bạn được thể hiện. Đó là hơi thở thật sự của câu chuyện bạn kể. Hãy sử dụng ngôn ngữ cơ thể; trên 50% phương thức giao tế là ngôn ngữ không lời (ngôn ngữ cơ thể).
Hãy mô tả các nhân vật trong phần giới thiệu bối cảnh câu chuyện. Giới thiệu và nói về các nhân vật như thể là bạn đang nói về một người đang sống vậy. Da-kêu là một trưởng thu thuế. Ông ta giàu có. Ông ta lùn. Bạn sẽ nên thêm những chi tiết nào nữa để ông ta trở nên sống động hơn? Ông ta đã làm gì, nói gì, nghĩ gì? Tại sao ông ta lại hăng hái muốn gặp Chúa Giêsu như vậy? Điều gì đã khiến ông ta chạy ra đường, trèo lên cây, điều mà những người có địa vị như ông sẽ chẳng bao giờ làm?
Hãy hào hứng mô tả chi tiết để kích thích giác quan người nghe. Hãy dùng ngôn từ, ánh mắt, nét mặt, giọng nói, âm thanh, và cử chỉ để giúp người nghe cảm nhận được ánh mặt trời, nghe được đám đông, thấy được Da-kêu đang chạy trên đường đến nỗi hụt hơi … Thấy được ông ta đang rất nỗ lực leo lên cái cây. Thấy được Chúa Giêsu đang nhìn lên và gợi ý sẽ ở lại nhà Da-kêu ngày hôm đó. Hãy làm cho người nghe cảm nhận được niềm vui Da-kêu hân hoan đón nhận Chúa Giêsu. Hãy nghe được đám đông lầm bầm bởi vì Chúa Giêsu đến làm khách ở nhà một người tội lỗi. Hãy thấy được gia đình Da-kêu, vợ và con cái, hay có thể là người Bà, rất đỗi vui mừng đón tiếp Chúa Giêsu. Hãy làm cho người nghe cảm nhận được sự biến đổi xảy ra nơi Da-kêu.
Cuối cùng, câu chuyện Kinh Thánh vẫn là Lời Chúa, viết cho chúng ta, cho ơn cứu rỗi của chúng ta. Sự biến đổi xảy ra cho Da-kêu cũng nên là điều xảy ra cho chúng ta, giúp chúng ta trở nên người đáng yêu hơn, yêu Chúa nhiều hơn, yêu người nghèo nhiều hơn.
Câu chuyện vẫn lưu lại trong chúng ta; chúng ta không dễ gì quên được. Hạt giống được gieo từ một câu chuyện hay sẽ nảy mầm và phát triển và thu hoạch một vụ gặt bội thu.
Sr. Emmanuel Gunanto, OSU
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN số 102 (tháng 9&10 năm 2017)
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN