Kinh truyền tin 10/12: Sự thinh lặng càng được nâng niu, lời nói càng trở nên mạnh mẽ

Trưa Chúa Nhật ngày 11/12/2023, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phê-rô. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha chia sẻ hai điểm liên quan đến hoang mạc và tiếng nói như là những chất liệu để cầu nguyện trong thời gian Mùa Vọng này.
 

          Vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng này, Tin Mừng nói với chúng ta về ông Gioan Tẩy giả, vị tiền hô của Chúa Giêsu (x. Mc 1:1-8), và mô tả ông Gioan Tẩy giả là “tiếng kêu trong hoang mạc” (c. 3). Hoang mạc, một nơi trống vắng không có sự giao tiếp, và tiếng nói, một phương tiện để nói, dường như là hai hình ảnh trái ngược nhau, nhưng nơi ông Gioan Tẩy Giả, hoang mạc và tiếng nói lại gặp nhau. Chúng ta hãy suy nghĩ ngắn gọn về hai điều này.

         Hoang mạc. Ông Gioan rao giảng ở đó, gần sông Giođan, gần nơi mà dân tộc của ông nhiều thế kỷ trước đã vào đất hứa (xem Giôsuê 3:1-17). Khi làm như vậy, dường như ông đang nói: để lắng nghe Thiên Chúa, chúng ta phải trở về nơi mà suốt bốn mươi năm Thiên Chúa đã đồng hành, bảo vệ và giáo dục dân Nguời, tức là trong hoang mạc. Đó là nơi của sự thinh lặng và những gì thiết yếu, nơi người ta không thể nán lại với những điều vô ích mà phải tập trung vào những gì không thể thiếu cho cuộc sống.

          Đây là một lời nhắc nhở luôn hiện diện: để tiến bước trên đường đời cần phải loại bỏ “lòng tham – muốn có nhiều hơn”, bởi sống tốt không có nghĩa là lấp đầy mình bằng những thứ vô dụng, mà là giải thoát mình khỏi những gì thừa thãi, đào sâu vào chính mình, để nắm bắt được điều gì thực sự quan trọng trước mặt Thiên Chúa. Chỉ khi, qua thinh lặng và cầu nguyện, chúng ta dành chỗ cho Chúa Giêsu, Đấng là Lời của Chúa Cha, thì chúng ta mới có thể giải thoát mình khỏi sự ô nhiễm của những lời nói phù phiếm và huyên thuyên. Một nhà thơ thế kỷ 20, Clemente Rebora, đã viết một câu thơ hay về sự hoán cải của mình: “Ngôi Lời đã làm tôi nín lặng!” Curriculum vitae). Sự im lặng và chừng mực, điềm đạm – trong lời nói, trong việc sử dụng đồ vật, phương tiện truyền thông và mạng xã hội – không chỉ là những “bông hoa nhỏ” hay những nhân đức, mà còn là những yếu tố thiết yếu của đời sống Kitô hữu.

         Và chúng ta đến với hình ảnh thứ hai, tiếng nói . Tiếng nói là công cụ giúp chúng ta thể hiện những gì chúng ta suy nghĩ và ấp ủ trong lòng. Do đó chúng ta hiểu rằng tiếng nói gắn bó mật thiết với sự thinh lặng, bởi vì nó diễn tả những gì trưởng thành bên trong, từ việc lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần gợi ý. Nếu không biết thinh lặng thì khó có điều gì tốt đẹp để nói; trong khi đó, sự thinh lặng càng được nâng niu, lời nói càng trở nên mạnh mẽ. Không phải ngẫu nhiên mà Gioan Tẩy Giả bắt đầu sứ mệnh của mình sau khi sống “trong hoang mạc cho đến ngày ra mắt dân Israel” (Lc 1:80). Sức mạnh tiên tri trong tiếng nói của ông gắn liền với tính chính thực trong kinh nghiệm sống của ông và sự trong sáng của trái tim ông. Ông là một hối nhân mời gọi sám hối, một nhân chứng, những lời nói tuôn trào từ tâm hồn. Vì lý do này, tiếng nói của Gioan không những được nghe thấy mà còn có khả năng tác động đến cuộc sống của người khác và làm trổ sinh hoa thơm trái ngọt. Điều này cũng có thể đúng với chúng ta và lời nói của chúng ta.

        Chúng ta có thể tự hỏi: sự thinh lặng có vai trò gì trong cuộc sống của tôi? Đó có phải là một sự im lặng trống rỗng, có lẽ ngột ngạt, hay một không gian lắng nghe, cầu nguyện, nơi người ta có thể lắng nghe trái tim? Cuộc sống của tôi có tỉnh táo hay đầy rẫy những điều thừa thãi? Ngay cả khi xem ra đang lội ngược dòng, chúng ta vẫn coi trọng sự im lặng, tỉnh táo và lắng nghe. Lạy Mẹ Maria, Đức Nữ trinh của sự thinh lặng, xin giúp chúng con yêu mến hoang mạc, trở thành những tiếng nói khả tin hầu loan báo Con của Mẹ sắp đến.