Lời Chủ chăn Giáo phận Vĩnh Long – Về nguyên tắc liên đới

LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN VĨNH LONG
VỀ NGUYÊN TẮC LIÊN ĐỚI

Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2021 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo Hội và xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần X, sẽ nói về Nguyên tắc Liên đới, được trích trong Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công GiáoDOCAT và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.

Nguồn gốc tính liên đới

Không ai là một hòn đảo, mọi người chúng ta sống chung với nhau, trong gia đình, trong Họ đạo, trong xã hội… mỗi người chúng ta cần phải có những trao đổi với nhau về mặt vật chất cũng như tinh thần, chính vì thế mà cần có tình liên đới.

Xét về lịch sử, vào cuối thế kỷ 19, thuật ngữ liên đới hoàn toàn không chỉ định cụ thể một học thuyết xã hội, một chương trình cải thiện tình hình của các tầng lớp lao động. Đúng hơn, nó là một loại tài sản chung, một sự tham khảo bắt buộc, cả khoa học và ý thức hệ, trong đó có: kinh tế học, xã hội học, luật pháp và chính trị. Điều khiến chủ đề này có ảnh hưởng không phải là vấn đề xã hội, mà là vấn đề đạo đức. Học thuyết về tính liên đới thực chất là một học thuyết đạo đức. Các lý thuyết gia của học thuyết về tính liên đới, dù là xã hội học, kinh tế học hay luật học, trên hết đều là những “chiến sĩ” hoạt động đạo đức. Đó là vấn đề về việc xây dựng các quy tắc của nền đạo đức xã hội, mà trong đó mỗi người đều có các nghĩa vụ tích cực đối với người khác.

Nói rộng ra : “Sự liên đới làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn” (TLHTXH số 192)

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo xác định : “Nguyên tắc liên đới, còn được gọi là nguyên tắc của “tình thân nghĩa” hay “bác ái xã hội”, là một đòi hỏi trực tiếp của tình huynh đệ nhân bản và Kitô giáo”. Ngày nay, chúng ta cần sống bác ái với nhau: không đè bẹp, không bất công, không lên án, không kỳ thị, không khinh miệt (GLHTCG số 1939)

Liên đới là gì ? mục đích của liên đới ?

Mối quan hệ giữa người với người, đây là một nghĩa vụ đạo đức. Với nghĩa vụ nầy mỗi người trong một tập thể nói chung không làm thiệt hại người khác và nhưng hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là đối với người nghèo. Vì tính liên đới với người nghèo ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1 Ga 3, 17). Trong một tập thể có những tư hữu và công ích. Dùng quyền tư hữu để xây dựng công ích, và dùng công ích để làm phát triển từng cá nhân về vật chất và tinh thần. Cho nên, có sự liên đới giữa các thành viên trong cùng một cộng đồng.

Nguyên tắc liên đới (x. DOCAT số 100-103)

Nguyên tắc chung của liên đới được định vị trong phạm vi xã hội. Nguyên tắc đó là con người mà theo câu ngạn ngữ cổ điển “là một thực thể xã hội”. Con người được sinh ra để sống trong xã hội, và trong điều kiện nầy, con người phụ thuộc lẫn nhau với đồng loại của mình. “Trong thế giới toàn cầu hóa, chúng ta vui vì các đường biên giới trở nên ít quan trọng hơn trước, các vùng miền trên thế giới trở nên gần nhau hơn, giao tiếp truyền thông có thể vào đúng thời điểm thực tế” (DOCAT số 101). Nhưng tình liên đới bị đe bị đe dọa khi con người thiếu đạo đức : Việc phát triển kinh tế hay chính trị ở từng vùng khác nhau cần tương trợ, tránh khai thác quá mức, tránh lợi ích của một nhóm người, phải nhìn ra toàn cầu và tình trạng mức sống toàn cầu và dài hạn.

Làm thế nào để vận hành liên đới, liên quan đến ai ?

Phạm vi vật chất, tình người thì “Tình liên đới trước hết được biểu lộ trong việc phân phối của cải và việc trả lương lao động…. liên đới giữa những người nghèo với nhau, giữa người giàu với người nghèo, giữa những người lao động với nhau, giữa chủ và thợ trong xí nghiệp, liên đới giữa các quốc gia và giữa các dân tộc.” (GLHTCG số 1940-1941)

Phạm vi luân lý, tính liên đới đặc tất cả mọi người chúng ta phải tuân theo trật tự luân lý. Sống luân thường đạo lý trong xã hội và trên thế giới vì luân lý rất cần cho sự ổn định từng người và trên toàn thế giới: “Tình liên đới quốc tế là một đòi hỏi của trật tự luân lý. Hòa bình thế giới cũng một phần tùy thuộc tình liên đới này.” (GLHTCG số 1941)

Phạm vi tinh thần thiêng liêng. Liên đới trong thông điệp của Chúa Giêsu Kitô, Người đã đến thế gian, giảng dạy, chịu đau khổ và chết để nhân loại được hiệp nhất thương yêu nhau. Cho nên “Nơi Người, chúng ta luôn luôn nhận ra dấu chỉ sống động của một tình yêu khôn lường và siêu việt của “Thiên-Chúa-với-chúng-ta”. Trong Người và nhờ Người, cuộc sống xã hội, dù có đầy mâu thuẫn và mơ hồ, cũng trở thành nơi chan chứa sự sống và hy vọng…” (x. TLHTXH, số 196)

Đức tin Kitô giáo làm sáng tỏ hành động và nhu cầu liên đới này, bằng cách tiết lộ chiều sâu không thể nghi ngờ của tình liên đới liên nhân loại này. Mỗi con người, được kêu gọi để trở thành con nuôi của Thiên Chúa, là chủ thể của một sự thay đổi thiết yếu: con người được kêu gọi không chỉ là tình liên đới tự nhiên đơn thuần nữa, mà là liên đới trong Chúa Giêsu Kitô, tức là tình liên đới của Nước Thiên Chúa, mà chất gắn kết là chính tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu của người lân cận. Đối với một Kitô hữu, tính liên đới là sự thể hiện của nhu cầu truyền giáo lớn lao, nhu cầu của tình yêu bác ái, được đưa đến các chiều kích của thế giới hiện tại trên hành trình hướng tới sự thống nhất của nó: một thế giới đầy tình người trong Chúa Kitô.

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 9 năm 2022

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám Mục Gp. Vĩnh Long

 

Nguồn: giaophanvinhlong.net (01.10.2022)