Nên thánh ư ? 2 từ xem ra xa lạ hay sa sỉ với con người. Bởi, đơn giản là con người đang sống trong trần thế, giữa thế tục. Mà, ai ai cũng biết rằng con người dễ có xu hướng đồng hóa với người khác hơn là chọn cho mình một hướng đi.
Giữa cuộc đời này, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài xuống trần gian để cứu độ con người khỏi phải hư mất. Và, dĩ nhiên được cứu là những con người đi theo đường lối Chúa hay nói cách khác là sống thánh.
Thời đại hôm nay hơn bao giờ hết con người chạy theo thế tục để rồi thế giới ngày càng bị tục hóa hay người ta chạy theo thuyết tương đối : sống sao cũng được. Chính vì quan niệm sống như vậy nên thế giới ngày mỗi ngày càng chồng chất hận thù, chia rẻ … Bi đát nhất là những người sống trong đời sống gọi là thánh hiến lại đi sống theo kiểu trần tục.
May mắn thay những trang Tin Mừng, những gương sống thánh còn đó và có đó để mời gọi hay nhắc nhớ mỗi người chúng ta nên thánh. Đặc biệt, Đức Thánh Cha trong các Tông Huấn của mình, Đức Thánh Cha dành riêng một tông huấn cũng như những điều khác trong các Tông Huấn của Ngài để mời gọi con người nên thánh.
Hết sức đặc biệt, trong Tông huấn Gaudete Et Exsultate: Hãy vui mừng và hân hoan, Đức Thánh Cha Phanxiccô mời gọi mọi người hãy nên thánh trong thế giới ngày nay.
Văn kiện gồm 177 số, được phân phối trong năm chương:
Tiếng gọi nên thánh(số 3-34).
Hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện(số 35-62).
Dưới ánh sáng của Vị Tôn Sư (số 63-109).
Vài đặc trưng/ Dấu chỉ của sự thánh thiện trong thế giới hiện nay(số 110-157).
Chiến đấu, tỉnh thức, phân định(số 158-177).
Chương Một nhắc lại ơn gọi nên thánh dành cho tất cả mọi Kitô hữu (việc nên thánh không phải là đặc ân dành riêng cho một số ít người). Chương Hai tố giác hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện mang danh là “ngộ giáo” và “pelagiô”. Chương Ba trình bày con đường nên thánh qua việc thực hành các mối phúc thật. Chương Bốn kể ra năm đặc trưng của sự thánh thiện, và có thể coi như một áp dụng của chương Ba vào những hoàn cảnh thời nay. Trên thực tế, hai chương Ba và Bốn dài nhất, chiếm một nửa văn kiện, và là phần quan trọng nhất. Chương Năm đề cập đến ba thái độ cần có trong việc nên thánh.
Đâu là con đường nên thánh ? Câu trả lời : nơi tám mối phúc thật. “Phúc” (hạnh phúc) và “Thánh” đồng nghĩa với nhau, bởi vì diễn tả con người đã đạt tới hạnh phúc vì đã trung thành với Thiên Chúa, hiến thân phụng sự Chúa. Con đường Nghịch lý Tin Mừng.
Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả từng mối Phúc và lời mời gọi của mối Phúc ấy, rồi ngài kết luận cho các mối Phúc:
– “Nghèo khó trong tâm hồn: đó là thánh thiện”.
– “Hiền lành và khiêm nhường: đó là thánh thiện”.
– “Khóc với ai sầu khổ: đó là thánh thiện”.
– “Khao khát sự công chính: đó là thánh thiện”
– “Thương xót người khác: đó là thánh thiện”.
– “Gìn giữ quả tim thanh khiết: đó là thánh thiện”.
– “Xây dựng bình an: đó là thánh thiện”.
– “Chấp nhận con đường của Phúc Âm hằng ngày, dù cho có thể có những gian khó: đó là thánh thiện”.
Ta thấy Thiên Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách, trong công việc, qua người khác và vào mọi lúc. Chúng ta cần cầu nguyện lâu giờ trong thinh lặng để hiểu được ngôn ngữ của Thiên Chúa, giải thích ý nghĩa thực sự của những thúc đẩy mà chúng ta tin rằng mình đã nhận được, để bớt lo lắng và thấy được toàn bộ hiện hữu của chúng ta một lần nữa trong chính ánh sáng của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta mọi điều, nhưng Ngài cũng ban cho chúng ta mọi sự. Ngài không muốn bước vào cuộc đời của chúng ta để làm cho cuộc đời ấy giảm mất giá trị nhưng để cuộc đời chúng ta được nên phong phú. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đổ đầy lòng chúng ta niềm khao khát mãnh liệt nên thánh để làm vinh danh Chúa hơn, và chúng ta hãy khích lệ lẫn nhau nỗ lực nên thánh. Như thế, chúng ta sẽ chia sẻ niềm hạnh phúc mà thế gian không thể lấy mất của chúng ta được.
Thật không hay khi chúng ta nhìn xuống những người khác như những thẩm phán vô cảm, thống trị họ và cứ muốn dạy cho họ những bài học. Đó chính là một hình thức bạo lực tinh tế.
Bước đi trên đường nên thánh nghĩa là phải “khiêm hạ mỗi ngày”, chẳng hạn “những người giữ im lặng để gìn giữ gia đình mình, những người chuộng việc khen ngợi người khác hơn là khoe khoang chính mình, hay những người chọn những công việc ít được ưa thích, thậm chí đôi khi còn chọn gánh lấy bất công để dâng cho Chúa”. Cư xử như thế “cho thấy một tâm hồn được bình an của Chúa Kitô, được giải thoát khỏi tính hung hăng gây ra bởi chủ nghĩa duy kỷ quá trớn”.
Nhìn vào cuộc đời các thánh, ta thấy các thánh luôn luôn vui vẻ và đầy tính hài hước. Họ toả ra một tinh thần tích cực và đầy hy vọng, ngay cả trong những khi khó khăn. Hài hước ác ý không phải là dấu chỉ của sự thánh thiện. Buồn rầu có thể là một dấu chỉ của vô ơn đối với ơn Chúa. Nền văn hoá cá nhân và tiêu thụ ngày nay không tạo ra niềm vui đích thực; chủ nghĩa tiêu thụ chỉ làm cho tâm hồn trĩu nặng, nó không mang lại niềm vui mà chỉ là những vui thích nhất thời, chóng qua.
Và rồi mỗi người chúng ta đừng sợ nên thánh. Sự thánh thiện không tước đi năng lực, sức sống hay niềm vui của ta. Trái lại, ta sẽ trở thành điều mà Chúa Cha nhắm đến khi tạo nên ta, và mỗi người chúng ta sẽ trung thành với bản ngã sâu xa nhất của mình.
Lớn lên trong sự thánh thiện là một hành trình sống và làm việc trong cộng đoàn với những người khác. Chia sẻ Lời và cùng nhau cử hành Thánh Thể sẽ nuôi dưỡng tình huynh đệ và làm cho chúng ta trở thành một cộng đoàn thánh thiện và truyền giáo. Việc ấy cũng làm phát sinh những kinh nghiệm huyền bí và đích thực chung.
Tuy nhiên, những kinh nghiệm như thế ít xảy ra và ít quan trọng hơn những điều nhỏ bé hằng ngày. Chúa Giêsu đòi các môn đệ của Người quan tâm đến những chi tiết nhỏ: bữa tiệc hết rượu, con chiên đi lạc, hai đồng xu nhỏ của bà góa. Đôi khi giữa những chi tiết nhỏ bé ấy, chúng ta được Chúa ban cho niềm an ủi.
Lời cầu nguyện đầy tin tưởng dù dài ngắn thế nào cũng là lời đáp của một tâm hồn mở ra để gặp gỡ Thiên Chúa diện đối diện, nơi đó có thể nghe được tiếng nói yên lặng của Chúa. Trong cõi thinh lặng ấy, chúng ta có thể phân định được con đường nên thánh mà Chúa mời gọi chúng ta. Với mỗi người môn đệ, cần phải dành thời gian sống với Thầy, lắng nghe Thầy nói, và luôn học hỏi ở Thầy.
Thiên Chúa đi vào lịch sử của chúng ta, và vì vậy lời cầu nguyện của chúng ta đan xen với những ký ức. Hãy nghĩ về lịch sử đời mình khi chúng ta cầu nguyện, và ở đó chúng ta sẽ gặp được lòng thương xót.
Lời cầu nguyện van nài là thể hiện của một tâm hồn tin tưởng vào Thiên Chúa và nhìn nhận rằng mình không thể tự mình làm gì được. Lời cầu nguyện xin ơn thường làm cho cõi lòng chúng ta bình an và giúp chúng ta kiên trì trong hy vọng. Lời cầu nguyện chuyển cầu là thái độ tin tưởng vào Thiên Chúa, đồng thời là thể hiện lòng yêu thương người thân cận của chúng ta.
Trong bí tích Thánh Thể, lời viết ra đạt được hiệu quả cao nhất, vì nơi đó có Lời hằng sống thực sự hiện diện.
Cạnh đó, ta an tâm vì Chúa Thánh Thần giúp ta nên thánh.
Ta đừng sợ việc hướng nhìn cao hơn, cho phép Thiên Chúa yêu ta và giải phóng ta. Đừng sợ để mình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Sự thánh thiện không làm cho bạn ít là người hơn, vì đó là một gặp gỡ giữa sự yếu đuối của bạn và sức mạnh của ân sủng Thiên Chúa. Vì như cách nói của Léon Bloy, rốt cục, “bi kịch thảm hại duy nhất trong đời sống, đó là không nên thánh”.
Và khi ta đã khẳng định rằng vui tươi là đặc trưng của sự thánh thiện, thì lật ngược lại mệnh đề cũng không sai: vui tươi cũng là một phương tiện để nên thánh. “Đừng hài lòng với cuộc sống tầm thường, tô màu, không có chất lượng cao”.
Nguoi Giong Trom