Mỗi ngày nên “lãng phí” 10 phút cho việc đọc sách thiêng liêng!

Mỗi ngày nên “lãng phí” 10 phút cho việc đọc sách thiêng liêng!

“Ngày hôm nay, tôi sẽ dành 10 phút để đọc điều gì thật hữu ích, và luôn nhớ rằng lương thực cần cho cuộc sống như thế nào thì đọc điều hữu ích cũng cần thiết để nuôi dưỡng cho linh hồn mình như vậy” (Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII).

Lời của thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đưa chúng ta vào trong một “nhà hàng thiêng liêng” sang trọng với thật nhiều món ăn ngon miệng là các sách thiêng liêng. Trước khi bước vào “nhà hàng” này, tôi xin bảo đảm chắc chắn 100 % với bạn về chất lượng của nhà hàng này. Vì thế, như lời của thánh Giáo Hoàng, mỗi ngày xin mời bạn “bước vào nhà hàng này 10 phút thôi”, bạn sẽ khám phá các hương vị tuyệt vời trong việc “đọc sách thiêng liêng là của ăn tốt lành nuôi dưỡng linh hồn bạn”. Nhiều thánh nhân đã trải nghiệm điều này.

Khi nằm dưỡng bệnh trên giường thánh I-nhã thành Loyola được ơn hoán cải sau khi đọc hai tác phẩm thiêng liêng “Gương Chúa Giêsu” và “Hạnh Các Thánh.” Chính hai cuốn sách thiêng liêng này đã góp phần làm thay đổi cuộc đời của chàng hiệp sĩ đi tìm hư danh ở thế gian, trở thành một vị thánh chỉ lo tìm vinh danh Thiên Chúa mà thôi. Như thế, chúng ta nhận ra rằng, khi “đọc sách thiêng liêng” là chúng ta mở cánh cửa lòng mình để chính Chúa Thánh Thần hoạt động. Những tư tưởng trong sách thiêng liêng đã hay và hữu ích rồi, giờ đây Chúa Thánh Thần lại thêm những gia vị tuyệt vời, để biến đổi món ăn đó và biến đổi cả khẩu vị và tâm hồn chúng ta, nhờ đó như thánh I-nhã chúng ta có thể nếm hưởng một món ăn hảo hạng và ngon tuyệt này.

Vào thời niên thiếu, thánh Tê-rê-sa Avila, một nữ tu Dòng Kín, chỉ tìm đọc những sách phàm tục, dẫn đến mấy trò tiêu khiển vô bổ, nhưng tới lúc đi học ở trường Santa María de las Gracias de Ávila của các nữ tu dòng thánh Augustinô, Tê-rê-sa đọc nhiều sách thiêng liêng, đặc biệt là tìm hiểu các tác phẩm kinh điển về linh đạo của thánh Phanxicô, từ đó tiến dần đến đời sống thanh tịnh và cầu nguyện. Trong tác phẩm Tiểu Sự Tự Thuật, thánh nữ luôn nhắc đến việc đọc sách thiêng liêng như là của ăn hữu ích cho tâm hồn. Hơn nữa đối với thánh nữ, đọc sách thiêng liêng cũng là việc cầu nguyện và thăng tiến đời sống tâm linh. Vì thế, thánh nữ, dù là một nữ tu Dòng Kín, nhưng lại luôn nhấn mạnh đến việc cần đọc sách, trau dồi và học hỏi. Ngài viết: “Học thức là một kho tàng quý giá, vì nó khai quang cho những người ít hiểu biết và soi sáng chúng ta, để khi gặp chân lý trong Thánh Kinh, chúng ta phải hành động cho đúng. Nguyện xin Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi những lối đạo đức ngớ ngẩn”.

Học hỏi cũng như việc đọc sách thiêng liêng giúp chúng ta tìm đến được chân lý trong Thánh Kinh và sự khôn ngoan của kho tàng Lời Chúa. Với những kiến thức nền tảng và quan trọng của Lời Chúa, chúng ta có khả năng để phận định và chọn lựa cách sống đạo đức và thiêng liêng đúng đắn và tốt nhất. Có như vậy, chúng ta sẽ không rơi vào tình trạng sống đạo ngớ ngẩn hay sai lạc, như thánh Tê-rê-sa nhắc. Thật vậy, trong thời đại hôm nay khả năng phân định và chọn lựa các sách vở thiêng liêng tốt và các tài liệu học hỏi tốt trên Internet để đọc, thực sự rất cần thiết trong thế giới của chúng ta, một thế giới với nguồn tài liệu thông tin trên Internet rất lớn, rất phong phúc, nhưng cũng rất phức tạp và đôi khi là tạp nhạp nguy hiểm nữa. Không ít lần, đã phải đối diện với một số người “chụp” được tài liệu này tài liệu khác rất sai lạc và thiển cận về tôn giáo, về Thiên Chúa và về đời sống tâm linh trên Internet. Nhưng họ lại cứ khăng khăng khẳng định là những điều ghi trong tài liệu đó hoàn toàn đúng. Với họ, những tài liệu đó là chân lý và là sự thật, trong khi đó nội dung trong đó hoàn toàn trái ngược với Lời Chúa và với các giáo huấn của Giáo Hội. Thật đáng tiếc và cũng thật mất thời gian, khi phải cố công chỉnh lại những suy nghĩ sai lầm đó.

Ngoài ra, thánh nữ Tê-rê-sa Avila còn nói: “Những người theo con đường cầu nguyện lại càng cần có học thức hơn. Và càng tiến vào con đường thiêng liêng, càng cần đến sự hiểu biết”. Như thế, thánh nữ đã cho chúng ta biết việc học hỏi và đọc sách vở thiêng liêng quan trọng như thế nào cho đời sống cầu nguyện. Một cách nào đó, thánh nữ cũng nhắc nhớ cho tất cả mọi người cần chú ý đừng bao giờ rơi vào trường hợp “kiêu ngạo thiêng liêng”. Có những trường hợp nhận được ơn Chúa qua cuộc tĩnh tâm của một phong trào nhất định. Sau đó “đổi đời” tốt hơn và sống sốt sắng hơn. Thật tuyệt! Nhưng chính trong khoảnh khắc “lên trời” này, thì rơi ngay vào tình trạng “kiêu ngạo thiêng liêng”, nghĩa là họ tự cho mình giờ đây đã hiểu hết Thiên Chúa tường tận, nắm bắt tất cả mọi điều về Đạo, về đời sống tâm linh và đôi khi cả Lời Chúa trong lòng bàn tay nhỏ bé. Và họ kiêu hãnh đến nỗi, họ tự cho mình có khả năng hướng dẫn người khác, và đôi khi còn mạnh mẽ “chỉ” các chủ chăn phải làm thế này thế nọ, nghĩa là phải đúng theo ý riêng của họ và hợp với những gì họ đã tự mường tượng là tốt nhất và hoàn hảo nhất. Nhưng khi họ được hỏi về những vốn liếng Thánh Kinh căn bản, về việc phân định để đi tìm ý Chúa như thế nào, thì chẳng biết gì, hay biết một cách mù mờ. Ôi buồn thay!

Khoảnh khắc “lên trời và được Chúa chạm vào” là giai đoạn được Chúa thánh hoá đưa đến tinh thần sám hối. Đó là khoảng thời gian đầu tiên rất quan trọng cho một hành trình mở ra trước mắt. Tiếp đến là những chặng đường thiêng liêng khác với khiêm tốn, với mở lòng học hỏi, mở lòng để được tiếp cận với các điều tốt lành khác, qua đó mới từ từ được thanh luyện hơn, được trau dồi thêm những khả năng cho một người lữ hành trên con đường tâm linh: khả năng phân định, khả năng cởi mở với Chúa Thánh Thần, ý thức tập sống các nhân đức, khả năng biết đọc và biết nhận định, nhận xét cho cân bằng, biết cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa…

Qua đó, chúng ta thấy rằng, việc học hỏi và đọc sách thiêng liêng luôn là hành tranh hữu ích cho đời sống tâm linh, là món ăn tuyệt vời trong “nhà hàng hạng sang” sẵn sàng đón tiếp mọi người.

Một tác giả tân thời là cha Henri Nouwen cũng nhắc đến việc đọc sách thiêng liêng cần thiết trên hành trình sống Đức Tin: “Đọc sách thiêng liêng là một thứ kỷ luật hữu ích. Có quyển sách nào ta đang đọc, một quyển sách ta đã chọn vì nó nuôi dưỡng tâm trí ta và đưa ta xích lại gần Thiên Chúa hơn chăng? Những tư tưởng và tình cảm của ta sẽ được tác động mạnh, nếu ta luôn mang theo mình một quyển sách lúc nào cũng đưa tâm trí ta về lại với hướng ta đang muốn đi… Dẫu mỗi ngày ta chỉ đọc quyển sách ấy 15 phút thôi, ta cũng sẽ sớm khám phá ra rằng tâm trí ta đang ngày một ít trở nên thùng rác và ngày một trở nên một bình đầy ắp những ý tưởng tốt đẹp”.

Ý tưởng của Henri

Nouwen thật thú vị, vì khi đọc sách thiêng liêng là chúng ta đang ở trên tiến trình lọc lựa những gì tốt nhất, để giữ lấy và cho phép những điều ấy “chảy vào” trong tâm hồn và trí hiểu của chúng ta; còn những gì là “rác rưởi” như ghen tỵ, kiêu căng, ích kỷ, hận thù, buồn chán, thất vọng và mọi thứ tiêu cực khác sẽ được loại bỏ khỏi hành trình tâm linh của chúng ta.

Như thế, đọc sách thiêng liêng là một hành động khôn ngoan và một biểu lộ “thương mình” cách cụ thể và thiết thực nhất. Nhưng nên đọc những sách nào và đọc như thế nào?

Về sách thiêng liêng hữu ích thì có rất nhiều. Sách thiêng liêng cổ điển đã giúp ích cho nhiều thánh nhân chính là sách Gương Chúa Giê-su còn được gọi là sách Gương Phúc. Mẹ tôi đã “ôm ấp” cuốn sách này suốt cuộc đời. Cám ơn Chúa tôi cũng được ảnh hưởng bởi Mẹ và được Mẹ cho cuốn sách này như của hồi môn. Các sách hạnh các thánh cũng rất thú vị, vì qua đó sẽ khám phá được một dung mạo và một hành trình tâm linh rất tuyệt. Như cuốn Tự Thú của thánh Augustino. Hạnh thánh Phan-xi-cô Assisi của Thomas Celano cũng thật đặc biệt, rồi Tiểu Sử Tự Thuật của Mẹ Tê-rê-sa Avila; Hồi Ký của thánh I-nhã cũng là một tác phẩm rất thú vị; tác phẩm Một Tâm Hồncủa thánh Tê-rê-sa Hài Đồng cũng đã làm rung động biết bao con người. Nhật Ký Tâm Hồncủa thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII cũng đã lôi cuốn rất nhiều người.

Ngoài ra, trong thời này chúng ta cũng có những tác phẩm của các tác giả Henri Nouwen,

Thomas Merton, Anthony De Mello, Karl Rahner, Carlo Maria Martini, Đấng Đáng Kính ĐHY. Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận, Ratzinger (Đức Benedicto XVI), Wilfrid Stinissen, Anselm Gruen, Jacques Philippe, Ronald Rolheiser, ĐTC. Phanxico…

Khi cầm cuốn sách thiêng liêng trên tay, chúng ta trân trọng mở ra để đọc, nghĩa là chúng ta dành một thời gian khoảng 10 phút đến 20 phút mỗi ngày để đọc với sự chú tâm và với tinh thần cầu nguyện. Vì thế, có thể chọn nhà nguyện hay một nơi yên tĩnh nào cho việc đọc sách thiêng liêng. Có thể đốt lên một ngọn nến dâng lên Chúa trước khi đọc. Trong lúc đọc, nếu có một ý tưởng, một câu hay một đoạn nào đang “lôi cuốn” mình, thì chú ý đọc đi đọc lại chỗ đó nhiều lần, cũng như dừng bước trong thinh lặng để suy tư về điều đó và cầu nguyện với điều đó. Tiếp đến, trong ngày sống luôn “để tâm” đến điều lôi cuốn và đánh động đó. Nếu muốn, có thể viết xuống vài hàng suy tư của mình dựa trên điểm đánh động trong sách thiêng liêng. Nếu kiên trì “dùng món ăn thiêng liêng” này mỗi ngày, thì cuối cùng sẽ có được một “cuốn nhật ký thiêng liêng” của chính mình. Như vậy, việc đọc sách thiêng liêng không bao giờ chỉ “nằm” trên chiều kích tri thức học hỏi, mà “đi sâu” vào trong tâm hồn và từ tâm hồn toả ra những hương thơm trong cuộc sống qua suy nghĩ, lời nói và hành vi.

Bạn ơi, chắc chắn sách thiêng liêng là món ăn rất ngon cho mỗi người chúng ta. Một lần nữa tôi bảo đảm 100 % với bạn đấy. Sự bảo đảm này dựa trên nền tảng đời sống tốt lành và khôn ngoan của chính những người đã viết ra các tác phẩm thiêng liêng “để đời” này.

Bạn ơi, hãy khởi sự tìm một cuốn sách thiêng liêng ngay và bắt đầu đọc ngay hôm nay nhé! Chỉ “lãng phí” 10 phút mỗi ngày! Nếu bạn không biết cuốn nào, thì có thể liên lạc qua email sau, bạn sẽ nhận được một cuốn sách thiêng liêng đầu tiên cho đời sống tâm linh của bạn:

Cuối cùng, chúng ta cùng lắng nghe lời mời gọi của một người Việt Nam đi trước chúng ta, một Vị thật Đáng Kính: “Nếu mỗi ngày con học thuộc một danh từ thôi, nếu mỗi tháng con đọc thêm một cuốn sách thôi, đến nay con đã tiến nhiều. Nếu đến nay con chưa làm, hãy khởi sự ngay từ hôm nay” (Đấng Đáng Kính ĐHY. Phanxico Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Đường Hy Vọng. Số 575).