NGHÈO KHÓ HAY LÀ “KHÒ VÀ NGHÉO”
Nói đến sống nghèo khó, người ta thường nói đùa nhưng cũng không kém phần châm biếm rằng: “ các tu sĩ khấn nghèo khó nhưng lại để người dân giữ khó nghèo. “Kẻ khấn – người giữ” thế mới gọi là Giáo Hội cùng nhau hợp tác hiệp nhất chứ! ”. Thoạt nhiên, điều đó có vẻ hơi khó nghe, nhưng suy cho thấu đáo thì có lẽ không phải là sai hoàn toàn. Bởi vì, với một nền công nghệ 5.0, và cùng với khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ vượt bậc, đời sống được cải thiện và nâng cao, mọi người gần như được thỏa mãn trong lối sống tiện nghi vật chất. Công nghệ và các phương tiện truyền thông dần dần trở nên một thói quen hưởng thụ, nó biến thành nhu cầu gắn bó với con người như máu huyết, như một điều hiển nhiên không thể thiếu trong cuộc sống. Thế nên, lắm khi người tu sĩ khấn giữ Đức Khó nghèo, nhưng lại sống tiện nghi, đầy đủ hơn cuộc sống người nghèo rất nhiều. Vậy, với lời khấn khó nghèo, người tu sĩ phải sống một nếp sống nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần, bao hàm sự lệ thuộc và hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản, và đặt biệt là sống cần cù và đạm bạc, thanh thoát với của cải thế gian[1]. Nhưng liệu điều này có trở nên lỗi thời và lạc hậu không trong một xã hội hiện nay? Và chúng ta phải hiểu như thế nào về việc người tu sĩ khấn và sống lời khấn khó nghèo với lối sống cần cù và đạm bạc, thanh thoát với của cải thế gian?
1.Thế nào là sống cần cù, đạm bạc, thanh thoát với của cải thế gian?
Theo từ điển Tiếng Việt thì cần cù được hiểu là chăm chỉ, chịu khó làm, tính cần cù bù lại thông minh và sáng tạo. Còn đạm bạc là: ăn uống đơn giản, không có thức ăn đắt tiền. Và thanh thoát với của cải thế gian cũng đồng nghĩa là không làm nô lệ, không quá gắn bó, nhưng coi của cải thế gian là phương tiện giúp tu sĩ sống gần hơn với Chúa. Sự nghèo khó của người tu sĩ, nếu không muốn trở thành rỗng tuếch, thì cần phải diễn tả ra nếp sống khó nghèo. Hình thức của sự khó nghèo có thể thay đổi tùy nơi, tùy thời. Chẳng hạn như Phanxicô, sống nghèo là đi khất thực, đối với Chales de Foucauld, sống nghèo có nghĩa là sống chung đụng trong khu xóm người nghèo, chi sẻ sự thiếu thốn bấp bênh với họ.
Thế nhưng ngày nay, sống khó nghèo là lao động, là chuyên cần làm việc không để lãng phí thời gian, là liên đới với người nghèo giúp họ thăng tiến đời sống, là không bám víu và của cải trần gian mà chỉ sống thanh thoát với của cải. Đức Phao lô VI đã nói: “làm ăn nuôi sống mình và anh chị em mình, giúp đỡ người nghèo khổ bằng mồ hôi nước mắt của mình, đó là bổn phận của chúng con.”[2] Thật vậy, lao động giúp người tu sĩ nên giống Đức Giêsu tại Nazaret và đời hoạt động công khai của Người.
Bên cạnh đó, khi nói về đời sống đạm bạc đơn giản của tu sĩ thì ngày 22.5.2006, tại cuộc gặp gỡ 1.500 Bề Trên Tổng quyền các Dòng nam nữ, trong bài huấn từ Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắc nhở về 3 cái không:
-Không sống trưởng giả
-Không rơi vào mức sống quá tầm thường (hà tiện, keo kiệt, bủn xỉn..)
-Không sống theo tâm thức hưởng thụ vì tâm thức này đi ngược với Phúc Âm. Hưởng thụ sẽ thành phú hộ đối với người nghèo như Lazarô. Người tu sĩ trong nếp sống đơn giản, đạm bạc nghĩa là: hạn chế hơn là gia tăng tiêu thụ, mức sống của các cộng đoàn không nên cao hơn mức sống của các gia đình bình dân.
Ngoài ra, đề tài sống đơn sơ còn được nhấn mạnh trong Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới về Đời Sống Thánh Hiến 10.1994 Cha Robert Maloni, Bề Trên Tổng quyền Dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô nói: “Hãy sống đơn sơ”. Thật vậy, trong một xã hội tiêu thụ luôn thúc đẩy dân chúng thủ đắc và tích trữ của cải nhiều hơn, thì đời sống đơn sơ của các tu sĩ sẽ là một chứng tá hùng hồn minh chứng rằng của cải trần thế không là đích điểm cho cuộc sống mai sau.
2.Vị trí của người nghèo trong Nước Chúa.
Theo phúc âm Thánh Luca 4, 18 -19, trong bài giảng đầu tiên ra mắt tại hội đường Nazaret, Đức Giêsu đã tuyên bố sứ mạng của Ngài là thực thi lời tiên báo của Isaia (61, 1-2): “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, xức dầu và sai tôi đi loan báo Tin mừng cho người nghèo…”. Nhưng Ngài không chỉ công bố ngoài miệng, chính Ngài thực sự mang lại sự vui mừng cho người nghèo qua các cử chỉ khác nhau như: chữa lành các bệnh nhân, những người mù, què, câm điếc, nhờ đó họ trở về đời sống lành mạnh… nhất là Ngài đi tiếp xúc với những thành phần bị bỏ rơi, ghê tởm để tỏ cho họ thấy tình yêu của Cha trên trời. Qua đó, Chúa muốn nói cho mọi người biết rằng Thiên Chúa là Cha trên trời yêu thương hết mọi người.
Thêm vào đó, Luca và Mattheo đều ghi nhận lời tuyên bố của Đức Giêsu về mối phúc thật dành cho người nghèo: “Phúc cho các anh là những người nghèo vì Nước Trời thuộc về các anh.”(Lc 6, 20); “Phúc cho người có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ”(Mt 5, 3). Nói khác đi, ai muốn vào nước Trời thì phải đồng hóa mình với người nghèo, sống thanh thoát tâm hồn, không quá bận rộn về của cải tiền nong, nhưng phó thác vào Cha quan phòng (Mt 6, 25-34).
3.Người tu sĩ với Lời khấn Nghèo khó: sống cần cù, đạm bạc, thánh thoát với của cải thế gian.
Ý nghĩa sâu xa nhất của các lời khuyên Phúc Âm được vén mở khi được đặt trong tương quan Ba Ngôi Thiên Chúa nguồn mạch mọi sự thánh thiện. Quả thế, các lời khuyên ấy diễn tả tình yêu Chúa Con đối với Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Thánh Thần. Khi thực hành các lời khuyên ấy, người được thánh hiến sống với một cường độ đặc trưng Ba Ngôi và Kitô đánh dấu toàn thể đời sống Ki-tô hữu.[3] Đặc biệt trong xã hội ngày nay, người tu sĩ tự nguyện sống khó nghèo để bước theo Chúa Kitô là dấu chỉ được quý trọng. Vì thế, các tu sĩ được mời gọi chú tâm thực hành và biểu lộ đức khó nghèo bằng những hình thức mới, hợp theo hoàn cảnh sống. Nhờ nhân đức này, họ được san sẻ sự nghèo khó của Chúa Kitô, Đấng tuy giàu có, đã trở nên bần khổ vì chúng ta, để chúng ta được dư dật nhờ sự nghèo khó của Người (x. 2 Cr 8,9; Mt 8,20). Trong phận vụ riêng của mỗi người, các tu sĩ tự ý thức mình phải gắn bó với luật lao động chung trong cộng đoàn, và khi tự cung cấp những gì cần thiết để sống và hoạt động, họ trút bỏ mọi lo lắng áy náy để luôn phó thác vào sự quan phòng của Cha trên Trời (x. Mt 6,25).[4]
Thường tình sự nghèo khó được xét trong liên hệ với tài sản vật chất. Sống khó nghèo có nghĩa là sống bình dị, không tạo ra nhu cầu giả tạo, thậm chí còn phải chấp nhận sự thiếu thốn cơ cực nữa. Và sống nghèo cũng có nghĩa là không dính bén đến các đồ vật đang hưởng dùng. Mặt khác, khó nghèo vì Nước Trời không phải là sống trong tình trạng thiếu thốn, bần cùng, rách nát. Sống khó nghèo ở đây mang tính từ bỏ những ý riêng, bỏ đi những thèm khát tiện nghi, của cải và đón nhận sống một cuộc sống thanh đạm vừa đủ đển dấn thân vì Nước Trời.
Của cải, tiện nghi, ăn mặc là những cám dỗ, là những tham vọng vô đáy. Con người ta luôn luôn khao khát thỏa mãn. Thỏa mãn của cải, tiện nghi, đồ dùng, quần áo,… Do đó, sống nghèo khó là không để lòng tham và ước muốn những tiện nghi đó làm chi phối tâm trí tu sĩ. Cũng có lắm những tu sĩ sống rất nghèo mà lại lỗi đức khó nghèo là vì lòng trí cứ ước ao của cải, tiện nghi. Chúa Giêsu đã mời gọi các tông đồ đừng để lòng trí, đừng tích trữ những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, kẻ trộm có thể đánh cắp, mà nên tích trữ kho tàng đích thực trên trời (x. Mt 6, 19-20). Tiền của có thể trở thành một lực lượng đối lập với Thiên Chúa. Con người phải dứt khoát chọn lựa một trong hai. Không một người môn đệ đích thực nào của Chúa Kitô lại có thể làm tôi hai chủ (Lc 6, 9-13). Chúa đã nói với các môn đệ của Ngài và cũng đang nói với mỗi người: “ Ai trong các con không từ bỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ thầy” (Lc 14, 33). Điều đó không có nghĩa là mình trở nên trần trụi, vô sản…nhưng sâu xa hơn cả là Chúa muốn mỗi người sẵn sàng trở nên nghèo vì Nước Trời.
Lẽ dĩ nhiên, để có thể sống tinh thần khó nghèo thật sự, thì người tu sĩ phải chịu khó lao động và sống một đời sống thanh đạm, hài lòng với tất cả những gì mình có, không đua đòi, không chạy theo thời thượng, không cạnh tranh với xu thế thời đại. Hơn nữa, người tu sĩ cũng không được dính bén của cải thế tục, không được tích trữ tài sản riêng cho mình, không để đồng tiền chi phối lối sống và hành động của mình. Nhưng trên tất cả mọi sự, người tu sĩ luôn sống hoàn toàn phó thác đời mình trong tay Chúa. Thật thế, Chúa không muốn chúng ta nghèo vì nghèo, nhưng nghèo vì Nước Trời để tâm trí thanh thản sống kết hợp với Chúa, để lo việc Chúa. Có thế, mỗi người sống đời thánh hiến tự nguyện trở nên nghèo để dễ dàng phục vụ tha nhân. Đó là một sự trao đổi hai chiều của bản thân trở nên nghèo để tha nhân giàu, tu sĩ sống nghèo để kẻ nghèo được nhờ. Và như thế, tinh thần chung của sự khó nghèo là tách mình ra khỏi của cải, tiện nghi vật chất bao nhiêu có thể để có được sự tự do mà hiến thân trọn vẹn phụng sự Chúa.[5]
4.Thách đố với việc khấn giữ sống nghèo khó thì phải sống cần cù, đạm bạc, thánh thoát với của cải thế gian?
Lời đáp ứng của đời thánh hiến được tìm thấy trong sự khó nghèo theo Tin Mừng, sống dưới nhiều hình thức khác nhau, và thường đi đôi với một hoạt động dấn thân để phát huy tình liên đới và bác ái. Do đó, biết bao tu hội chuyên lo việc giáo dục, huấn luyện và hướng nghiệp, đã giúp những người trẻ và những người có tuổi trở thành chủ động kiến tạo tương lai của họ ! Biết bao người tận hiến đã hy sinh mà không tính toán công sức của mình để phục vụ những người chịu thiệt thòi nhất trên đời này ! Biết bao người tận hiến đã ra sức đào tạo những nhà giáo dục tương lai và những người lãnh đạo tương lai trong đời sống xã hội, để những người ấy cố gắng loại trừ những cơ cấu đàn áp và phát huy những chương trình tương trợ hướng tới người nghèo ! Cũng có những người tận hiến đã đấu tranh chống lại nạn đói và những nguyên nhân gây ra nạn đói, họ linh hoạt những công tác thiện nguyện và những cơ quan nhân đạo, họ gây ý thức cho những tổ chức công và tư giúp phân phối cách thoả đáng những viện trợ quốc tế. Các dân tộc mang ơn họ nhiều, họ là những nhân viên bác ái đầy sáng tạo, có một lòng quảng đại không mệt mỏi, đã tham gia và còn đang làm cho thế giới này trở nên nhân đạo hơn.[6]
Thách đố của khó nghèo đến từ chủ nghĩa vật chất thèm khát chiếm hữu, quên chia sẻ, thiếu trao ban, dửng dưng với nhu cầu của tha nhân, nhất là người yếu đuối, nghèo khổ. Kinh tế thương mại phát triển, hàng hóa mẫu mã luôn mới lạ, đẹp mắt, kích thích thị hiếu khách hàng, khiến người tu sĩ khó phân biệt được giữa điều cần thiết thật sự và điều ước muốn. Tiện nghi vật chất cần đủ mức để đáp ứng nhu cầu phục vụ, người tu sĩ bị cám dỗ phải sử dụng những loại sang trọng, đắt tiền, nhiều chức năng với biện hộ dùng bền, xài lâu. Trong thực tế, đã có tu sĩ khấn đức khó nghèo mà lại lỗi đức khó nghèo trong cách sử dụng và làm việc. Chẳng hạn: cái gì mình dùng và làm việc cũng loại xịn, không chấp nhận loại xoàng, loại thường. Ai cũng biết loại xin thì tốt, nhưng có những vấn đề không cần phải sang, phải xịn nhưng cần có là được. Trong vấn đề ăn uống tiêu dùng được dùng đồ sang đồ xịn thì tốt thôi; nhưng có nhất thiết là phải cần thiết để có được vật dụng đắt tiền không, mà đôi khi chỉ cần một cái thường để có dùng là được. Quả nhiên, tu sĩ sống nghèo mà xài sang là thế, lỗi đức khó nghèo mà không biết, cứ cho mình đã giữ đức khó nghèo.
Thật vậy, trước khi tuyên khấn mỗi tu sĩ đều được học hỏi, tìm hiểu rất kỹ lưỡng, rồi đối diện với lòng mình để tự do chọn lựa, tình nguyện đi vào nếp sống nghèo khó, điều đó chắc hẳn phải biểu lộ ra được trong đời sống của mỗi người chúng ta. Vì đã tự nguyện, nên người tu sĩ sẽ không cảm thấy khổ sở khi phải đối diện với những thiếu thốn, không cảm thấy nặng nề khi lao động vất vả, hoặc buồn phiền khi thấy bị hạn chế, do lệ thuộc cộng đoàn về của cải vật chất. Nhờ đó, đời sống người thánh hiến hoàn toàn tự do trước những đam mê hưởng thụ theo xu hướng thế gian, thoát khỏi những mối bận tâm của vật chất, hầu có thể hoàn toàn thuộc về Chúa và anh chị em trong mọi hoàn cảnh: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả” (Pl 4,12-13).
5.Đặc trưng của đời sống tu trì là lời khấn nghèo khó.
Ý nghĩa tiên khởi của khó nghèo là làm chứng cho Thiên Chúa, kho tàng đích thực của trái tim con người. Sống theo gương Đức Ki-tô, Đấng “vốn giàu sang phú quý, đã tự ý trở nên nghèo khó” (2 Cr 8,9), sự nghèo khó trở thành một cách diễn tả việc Ba Ngôi Vị Thần Linh trao ban trọn vẹn cho nhau. Việc trao ban dạt dào ấy trào ra trong công cuộc sáng tạo và được biểu lộ viên mãn trong cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời và trong cái chết cứu chuộc của Người.[7] Bởi đó, tinh thần nghèo khó đặt con người trong thái độ khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa. Người nghèo không có gì để vênh váo. Họ chỉ có bàn tay trắng và trông chờ sụ quan phòng của Thiên Chúa (x.Lc 12, 22). Sự khó nghèo của người tu sĩ muốn bắt chước Chúa Ki tô trong thái độ tự hạ, siêu thoát. Ngài không chiếm hữu gì hết, “ không chỗ tựa đầu”(Lc 9, 57-58).
Xã hội và bầu khí chung quanh chúng ta, đầy dẫy những mời mọc sống dễ dãi, hưởng thụ, chúng ta ít nhiều cũng có nguy cơ bị “cuốn vào” vòng xoáy của nó. Người tu sĩ khó có thể tách mình ra khỏi thực tại ấy được. Hằng ngày, mọi nơi và mọi lúc trong mọi khía cạnh của cuộc sống, những mời gọi hấp dẫn của trần gian là những lời mời gọi lôi cuốn khiến con tim chúng ta dễ đi vào những mê cung của hưởng thụ, lệ thuộc vật chất của cải, tâm hồn trở nên “giàu có vật chất và ích kỷ” trái tim người sống đời thánh hiến sẽ khép lại trước Thiên Chúa và tha nhân. Nếu không tỉnh táo và đủ tình yêu dành cho Thiên Chúa, cho lý tưởng tu trì thì rất có thể chúng ta sẽ trở thành người sống hai mặt. Môi miệng luôn nói trung thành với Chúa, với lý tưởng nhưng trong thực tế lại chạy theo những vật chất hào nhoáng bên ngoài. Khi đó chúng ta chỉ đang sống nghèo theo luật lệ bên ngoài, chứ không phải là cho tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân. Đời tu của ta chỉ còn cái vỏ ngoài, còn trong thâm tâm ta đã thuộc về trần gian và lòng ta chiếm hữu đủ mọi thứ.
Những người tận hiến được mời làm chứng cho Tin Mừng một cách mới mẻ và mạnh mẽ về sự từ bỏ và tiết độ, bằng một nếp sống huynh đệ với nét nổi bật là đơn sơ và hiếu khách, cũng như làm gương cho những người dửng dưng với nhu cầu của tha nhân. Chứng tá đó đương nhiên đi kèm theo một mối tình dành ưu tiên cho người nghèo, và tỏ ra một cách đặc biệt trong cách chia sẻ điều kiện sống của những người cùng khốn nhất. Biết bao cộng đoàn hiện đang sống và làm việc ở giữa người nghèo và người ngoài lề xã hội, chấp nhận những điều kiện sống của họ và chia sẻ nỗi đau khổ, các khó khăn và hiểm nguy của họ. Cái nghèo về vật chất được hiểu như là khước từ sở hữu của cải về vật chất và sử dụng chúng theo như cầu cần thiết mà thôi. Tùy theo những quy định của mỗi dòng hay tu hội về sự khước từ hay sở hữu, mỗi người sống đời thánh hiến có thể có nhưng hình thức sở hữu hay sử dụng của cải vật chất khác nhau nhưng tựu trung là sống nghèo, theo tiêu chuẩn người nghèo từ chuyện ăn mặc, tiêu dùng hoặc các tiện nghi cuộc sống… cái nghèo được diễn tả trong đời sống tu trì thường rất khác biệt nhau tùy theo hoàn cảnh xã hộ thực tế.
Để Kết
Quả nhiên, sự nghèo khó tuyên xưng rằng Thiên Chúa là kho tàng đích thực duy nhất của con người. Lời khấn nghèo khó với lối sống cần cù, đạm bạc, thanh thoát với của cải thế gian đã đưa người tu sĩ vào tận cốt lõi của sự ý thức này, để giúp người sống đời thánh hiến biết rằng mình vốn dĩ chẳng là gì trong trời đất, nhưng lại được chọn để trở thành loài quý giá nhất trong vũ trụ. Thật vậy, một nữ tu nghèo là một nữ tu luôn sống khiêm nhường, luôn đón nhận những gì mình có, không đòi hỏi hay tỏ ra yêu sách với Bề Trên, nhưng hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa. Người sống khó nghèo vì Nước Trời là người sẵn sàng chia sẻ những gì mình có với người chị em, mở cửa lòng để đón nhận tha nhân và trao ban cho tha nhân những gì tha nhân cần. Do vậy, đức khó nghèo phản đối quyết liệt việc tôn thờ Tiền Tài; nó như thể một lời ngôn sứ vang lên cho xã hội tại nhiều nơi thuộc thế giới giàu sang đang có nguy cơ mất ý thức về mực thước và thậm chí về giá trị của sự vật nữa. Vì yêu mến Chúa, những người sống đời thánh hiến tình nguyện sống nghèo để nên giống Chúa Ki tô và chọn Ngài làm gia nghiệp đời mình, nhờ đó chúng ta có thể đồng cảm, liên đới và chia sẻ cái nghèo với những người nghèo trong xã hội hiện nay. Đây là tiêu chuẩn Chúa dùng để phán xét chúng ta: “Khi xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn…”. hơn nữa Chúa coi những kẻ bé mọn là anh em của Ngài (Mt 25, 34-37). Đây còn là thái độ sống phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Chúa, Đấng lo lắng cho chúng ta từng sợi tóc trên đầu! Sống tinh thần nghèo khó này là lối sống siêu thoát như Thánh Phanxicô khó nghèo nêu gương cho chúng ta: Phó thác mọi sự cho Đấng quan phòng.
MTGQN
( vì ngày nay Nước Thiên Đàng là của kẻ giàu có hay câu nói Chúa Giesu không còn là cha kẻ kẻ khó khăn? )