Niềm vui bàn tiệc
NIỀM VUI BÀN TIỆC
Lm. Yves Guillemette
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ từ interbible.org
Các tác giả tin mừng, đặc biệt là Thánh Luca, đã nhiều lần tường thuật về việc Đức Giêsu dự các bữa ăn. Ta thấy Ngài nơi nhà của ông Matthêô cùng với những đồng bạn thu thuế khác của ông (Mc 2, 15-17), nơi nhà bà Mátta và Maria (Lc 10, 38-42), nhà ông Simôn người phong cùi (Mc 14, 3-9), hay nhà những người Pharisiêu (Lc 11, 37-54; 14, 1-14), nhất là nhà ông Simôn (Lc 7, 36-50). Đức Giêsu không có sự phân biệt khi Ngài đến gần họ. Tuy nhiên, thật thú vị khi lưu ý rằng Đức Giêsu luôn gợi ý cho những người tội lỗi cũng như những kẻ bé mọn mời mình đến nhà dùng bữa, trong khi đối với những người Pharisiêu thì khi họ ngỏ ý mời chính thức thì Ngài mới đến dùng bữa tại nhà họ. Thật sự, những người này biết mình đang làm gì: hầu hết họ mời Ngài đến dùng bữa tiệc ngày sabbát. Có vẻ như thật thích hợp khi mời một người nổi tiếng dùng bữa ăn mà đang khi ăn ta có thể đàm luận giữa những người có kiến thức về giáo huấn mà mình vừa mới nhận được từ hội đường. Trái lại, những bữa ăn nơi nhà những người thu thuế và bạn bè thì thường được tổ chức cách bình dị hơn, tùy theo hoàn cảnh sống thường nhật.
Dù Đức Giêsu dùng bữa với ai thì những người này cũng không là những nhân vật thoáng qua. Đấy cũng không phải là những bữa tiệc với đèn nến, với bầu khí kín đáo hay đầu tựa đầu lãng mạn. Bữa ăn của Đức Giêsu là những biến cố để gợi lên những vấn đề, những sự kinh ngạc hay thậm chí gây tiếng xấu nữa. Dù các trình thuật không nói lên lời nào nhưng ta có thể đoán rằng có vài thực khách phải nuốt nghẹn và có vấn đề về tiêu hóa. Vậy thì điều gì đã xảy ra?
Ngài biết mình ăn gì
Đức Giêsu không chỉ đến ăn mà thôi, tùy theo hoàn cảnh Ngài đưa ra những giáo huấn thích hợp. Chẳng hạn, hãy lấy bữa ăn nơi nhà ông Matthêô cùng với các bạn nghề và thân hữu sau khi ông đáp lời kêu gọi của Ngài. Những người Pharisiêu lấy làm bực tức khi Đức Giêsu kết bạn với những người tội lỗi công khai thì Ngài tuyên bố rằng mình đến không vì những người công chính nhưng vì những kẻ tội (Mc 2, 17). Cảnh tương tự cũng xảy ra nơi nhà ông Simon người Pharisiêu khi một phụ nữ tội lỗi trâng tráo đi vào nhà để gặp Đức Giêsu, đổ nước mắt và dầu thơm trên Ngài (Lc 7, 36-50). Trước sự nổi giận của chủ nhà, Đức Giêsu nói rằng sự tử tế của người phụ nữ biểu lộ một tình yêu lớn mà Thiên Chúa không thể phớt lờ đi được, và Ngài đã tha thứ tội lỗi của chị. Khi chung bàn với những người tội lỗi, Đức Giêsu muốn mặc khải mình là ai và nói lên mục đích hiện diện của Ngài ở giữa loài người là để thiết lập một cộng đoàn sống với họ.
Mọi lời mời đều được chào đón
Đức Giêsu cũng ngồi đồng bàn với người Pharisiêu, nhưng để bàn luận về cách hành động của họ không chỉ ở nơi bàn ăn nhưng còn với dân chúng, về nấc thang giá trị của họ cũng như quan niệm của họ về Thiên Chúa. Trong một bữa ăn như thế này, Đức Giêsu có vẻ như không tôn trọng các quy định về nghi thức tôn giáo khi bỏ qua việc rửa tay theo nghi thức đòi hỏi trước khi ngồi bàn (Lc 11, 37-41). Họ lịch sự nhắc Ngài nhưng Ngài phản ứng khi trách những người Pharisiêu gán tầm quan trọng quá chi tiết vào những tập tục mà không kể đến sự tinh sạch tâm hồn. Thiên Chúa không câu nệ gì một món ăn không tinh sạch, nhưng Ngài phiền lòng khi mối bận tâm về sự hoàn thiện thiêng liêng đã đẩy những người Pharisiêu đến chỗ loại trừ ra khỏi cộng đoàn những người mà vẻ bề ngoài không lấp lánh dưới mắt họ. Việc cấm những người Pharisiêu ngồi cùng bàn với người thu thuế, những tội nhân và những người khác dường như đã nói nhiều về những lằn ranh mà họ vạch ra giữa các thành viên trong dân được tuyển chọn (Lc 14, 12-14). Đức Giêsu làm cho họ hiểu rằng nếu họ không thể ngồi đồng bàn với những người tội lỗi thì họ sẽ bị tước đi quyền làm thực khách của Thiên Chúa, Đấng ngồi cùng bàn với tất cả nhân loại, như Đức Giêsu đã mạc khải. Vào một thời điểm khác, chính việc cứu chữa người giữa một bữa ăn ngày sabbát đã làm chủ nhà giật nảy mình (Lc 14, 1-6). Dưới mắt Đức Giêsu, giải thoát một con người thì rất là đáng giá, hơn nữa sự giải thoát ấy lại xảy ra trong một bữa ăn vào ngày mà người ta mừng sự giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập (Đnl 5, 12-14).
Bàn tiệc huynh đệ
Bữa ăn là một hoạt động nhân sinh, nơi có sự quy tụ, những trao đổi và biểu hiện niềm vui. Cộng đoàn bàn ăn nói lên những mối liên hệ huynh đệ nối kết các thực khách. Các bữa ăn của Đức Giêsu được thuật lại trong các tin mừng không phải là những hoạt động thường nhật nhưng là những biến cố qua đó Đức Giêsu nói lên sự liên đới của mình với các tội nhân. Nếu Đức Giêsu tự mình gợi ý đến nhà họ và ăn uống với họ thì đó là để mặc khải tính nhưng không của tình yêu Thiên Chúa đi trước con người; chứng tỏ rằng ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa ban cho con người, trong Đức Giêsu, tạo dựng nên những mối liên hệ hiệp thông huynh đệ. Ơn cứu rỗi này hoạt động và phát sinh hiệu quả khi con người chấp nhận ngồi đồng bàn, đoàn kết với nhau, lấy làm vui vì sự hiện diện của các thực khách khác của Thiên Chúa.
Dấu hiệu của bữa ăn
Không gì ngạc nhiên khi Đức Giêsu đã mời các môn đệ dự bữa tiệc cuối cùng trước khi hiến mình. Thật vậy, bữa ăn là một cử chỉ hùng hồn nói lên ý của Thiên Chúa muốn xây dựng một nhân loại trong hiệp thông sự sống và tình yêu với Ngài. Đức Giêsu là chủ nhà quy tụ quanh mình những bạn hữu chia sẻ cùng một bữa ăn. Nhưng Ngài cũng là Đấng mà sự hiện diện của Ngài cũng là lương thực cho sự sống. Đức Giêsu biến bữa ăn cuối cùng của mình thành thiệp mời được gởi đến nhau khi đòi hỏi các môn đệ hãy làm việc này mà nhớ đến Ngài. Chính trong một bữa ăn, mà các kitô hữu sơ thời đã gọi đích danh là bữa ăn của Chúa, chính trong bữa ăn đó mà Đức Giêsu tiếp tục quy tụ chúng ta chung quanh Ngài và lấy làm vui thích hiện diện trong đời sống chúng ta. Một cách hữu hình, chính quanh bàn ăn của Chúa mà chúng ta ý thức được rằng mình thuộc về cùng một gia đình, một cộng đoàn môn đệ sống ân huệ mà chính Đức Giêsu đã trao ban khi hiến đi chính mạng sống mình. Như ngày xưa Ngài đã từng làm, ngày nay Đức Giêsu cũng không ngại ngồi đồng bàn với những tội nhân là chính chúng ta. Và nếu tình cờ chúng ta tự cho mình là người công chính hay có thái độ phân biệt đối xử với những thực khách khác thì thật là hữu ích khi chúng ta học nơi Đức Giêsu cách ngồi bàn ăn.
Nguồn: gpquinhon.org