LỜI CHÚA HẰNG NGÀY
Suy niệm loan báo Tin Mừng (28.10.2019 – Thứ Hai Tuần 30 TN, Thánh Simon và Thánh Giuđa Tông Đồ)
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)
Lời Chúa:
Bài Ðọc I: Ep 2, 19-22
Anh em thân mến, anh em không còn là khách trọ và là khách qua đường nữa, nhưng là người đồng hương với các thánh và là người nhà của Thiên Chúa: anh em đã được xây dựng trên nền tảng của các Tông đồ và Tiên tri, và chính Ðức Kitô làm đá góc tường. Trong Người, tất cả toà nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong Chúa, trong Người, cả anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần.
Phúc Âm: Lc 6, 12-19
Trong những ngày ấy Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ: Ðó là Simon mà Người đặt tên là Phêrô và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là nhiệt thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội. Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.
Suy niệm
Phụng vụ tiếp tục chuỗi lễ kính các Thánh Tông Đồ, hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến hai thánh Tông Đồ ít được biết đến và thánh tích của các ngài được tôn kính tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, gần bàn thờ Thánh Giuse. Nhóm Mười Hai Tông Đồ, biểu tượng toàn thể một dân mới, đã được Đức Giêsu chọn không phải từ việc Người xét đến đức tính hay công trạng của họ, nhưng, Luca nói, từ một đêm Người cầu nguyện, hiệp thông sâu xa với Chúa Cha, như thể rút lấy từ Người Thần Khí để ban cho những kẻ sẽ được kêu gọi, để biến họ thành tông đồ. Trong Tin Mừng của ông, Luca cho chúng ta thấy trong nhiều dịp Đức Giêsu coi cầu nguyện là việc quan trọng đến thế nào, nó là sự gặp gỡ trong đối thọai thân mật và yêu thương với Cha trên trời của Người.
Vào một số dịp, Luca dừng lại để mô tả các câu chuyện này và thậm chí cả nội dung các lời cầu nguyện của Đức Giêsu, để mỗi môn đệ học biết cách cầu nguyện, bằng cách lắng nghe những điều Đức Giêsu nói, và làm những điều Người truyền, thay vì chỉ nói ra thật nhiều lời vô ích hầu xin Thiên Chúa thoả mãn những đòi hỏi ích kỷ của họ. Lời cầu nguyện chân chính của người Kitô hữu phát sinh trong Thiên Chúa. Nó thúc đẩy chúng ta hành động, biến đổi cuộc sống chúng ta, và đưa chúng ta quay về với Thiên Chúa với những tình cảm biết ơn, hiếu thảo, hiến dâng bản thân, và liên đới với người khác. Luca nhấn mạnh rằng các quyết định tối quan trọng của cuộc đời Đức Giêsu đều được làm trong bối cảnh cầu nguyện, từ lúc Người chịu phép rửa – thậm chí có thể kể từ tuổi thơ của Người – cho tới vườn Ghếtsêmani và trên thập giá.
Trong bài đọc Tin Mừng hôm nay, chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu cầu nguyện thâu đêm, vì Người sắp sửa có một chọn lựa sẽ mãi mãi kiện cường mối liên kết của Người với các môn đệ. Đó là một cam kết dứt khoát, vì với Nhóm Mười Hai, Đức Giêsu sẽ thiết lập cộng đoàn Mêsia của Người. Người sẽ chọn mười hai cột trụ mà, như được hứa trước bởi các ngôn sứ, Người sẽ xây dân của giao ước mới là Hội Thánh trên mười hai cột trụ ấy. Vì dân mới này, và vì toàn thể loài người, Người sẽ đổ máu mình ra, một cách ý thức và tự nguyện, để ban cho họ ơn tha tội. Các “Tông Đồ” – nghĩa là những người được sai đi – đã được Đức Giêsu chọn trước cuộc Khổ Nạn-Chết-Phục Sinh của Đức Kitô, nhưng chỉ sau biến cố Phục Sinh và lễ Ngũ Tuần, sứ mạng của họ mới thể hiện đầy đủ tiềm năng của nó, hoàn toàn thành tựu. Tuy nhiên, trước thời gian này, họ được gọi để được đào tạo và chuẩn bị cho những gì sẽ chờ đợi họ khi Thầy sẽ được làm cho hiện diện bởi Thần Khí. Do đó cầu nguyện được tỏ lộ như là linh hồn của sứ mạng, nghĩa là, là sự hiện diện trung thành và hiệu quả của Thiên Chúa trong hành động của Hội Thánh Người vì sự cứu rỗi của thé giới mà Hội Thánh đã được sai đến.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã nói lên điều này về đức tin và ơn gọi của hai thánh tông đồ Simon người Canaan và Giuđa Tađêô trong buổi triều yết chung của ngài ngày 11 tháng 10, 2006: Anh chị em thân mến, Hôm nay chúng ta hãy tìm hiểu về hai trong số Mười Hai Tông Đồ: Simon người Canaan và Giuđa Tađêô (đừng lẫn với Giuđa Ítcariốt). Chúng ta hãy nhìn vào cả hai ngài cùng một lượt, không phải chỉ vì hai ngài luôn luôn được đặt cạnh nhau trong các bản danh sách Nhóm Mười Hai (x. Mt 10:3-4; Mc 3:18; Lc 6:15; Cv 1:13), nhưng cũng vì chúng ta có rất ít thông tin về hai ngài, ngoại trừ việc Thư Qui của Tân Ước còn giữ lại một Thư được cho là của Thánh Giuđa Tađêô.
Simon được đặt các biệt danh khác nhau trong bốn bản liệt kê: trong khi Mátthêu và Máccô mô tả ông là “người Canaan”, thì Luca lại gọi ông là “Nhiệt Thành/ Quá Khích”.
Trên thực tế, hai cách mô tả là tương đương vì có cùng một nghĩa: thực vậy, trong tiếp Hípri, động từ qanà có nghĩa là “ghen tương, nhiệt thành” và có thể chỉ cả về Thiên Chúa, vì Người ghen tương với dân của Người (x. Xh 20:5), và cũng có thể chỉ về những con người nhiệt thành phụng sự một Thiên Chúa với lòng sốt sắng tuyệt đối như ngôn sứ Êlia (x. 1 V 19:10).
Do đó, rất có thể là, dù Simon không thực sự là một thành viên của phong trào ái quốc Nhiệt Thành, ít ra ông cũng nổi bật về lòng gắn bó với căn tính Do Thái của ông, và vì thế, gắn bó với Thiên Chúa, với dân của Người, và Lề Luật của Người.
Nếu đúng là như thế, Simon thuộc những giới khác hẳn với Mátthêu, vì Mátthêu đã từng là một người thu thuế và bị xa tránh như là người hoàn toàn ô uế. Điều này cho thấy Đức Giêsu đã chọn các môn đệ và cộng sự viên mà không có sự phân biệt hay kỳ thị vì lý lịch xã hội hay tôn giáo của họ.
Điều Đức Giêsu quan tâm là những con người, chứ không phải các giai cấp hay các nhãn mác xã hội! Và điều đẹp nhất là trong nhóm các môn đệ của Người, bất chấp những khác biệt, tất cả họ đều sống bên cạnh nhau, khắc phục mọi khó khăn có thể tưởng tượng ra được: thực vậy, điều ràng buộc họ lại với nhau là chính Đức Giêsu, nơi Người tất cả họ thấy mình hiệp nhất với nhau.
Đây rõ ràng là một bài học cho chúng ta, những người thường có khuynh hướng nhấn vào những điểm khác biệt và thậm chí tương phản nhau, mà quên rằng trong Đức Giêsu, chúng ta được ban sức mạnh để chiến thắng những mối xung đột liên tục.
Chúng ta cũng cần nhớ rằng Nhóm Mười Hai là hình bóng trước của Hội Thánh, ở đó phải có chỗ cho mọi đặc sủng, mọi dân tộc và chủng tộc, mọi đức tính nhân bản được tạo thành và hợp nhất trong sự hiệp thông với Đức Giêsu.
Tiếp đến, liên quan đến Thánh Giuđa Tađêô, đây là điều mà truyền thống đã gọi ông, bằng cách kết hợp hai tên gọi khác nhau: trên thực tế, trong khi Mátthêu và Máccô chỉ đơn giản gọi ông là “Tađêô” (Mt 10:3; Mc 3:18), thì Luca gọi ông là “Giuđa, con ông Giacôbê” (Lc 6:16; Cv 1:13).
Biệt danh Tađêô có nguồn gốc không chắc chắn và được giải thích là bắt nguồn từ tiếng Aram taddà’, nghĩa là ‘lồng ngực” và vì thế có thể mang ý nghĩa là “độ lượng”, hay như là cách gọi tắt của một tên gọi Hi Lạp, như “Teodòro, Teodoto”.
Chúng ta biết rất ít về ông. Chỉ có một mình Gioan nhắc đến một câu hỏi ông thưa với Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly: Tađêô thưa với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy sẽ chỉ tỏ mình ra cho chúng tôi mà không tỏ mình ra cho thế gian?”
Đây là một câu hỏi rất đúng lúc mà chúng ta cũng nói với Chúa: Tại sao Đấng Phục Sinh không tỏ mình ra trong vinh quang cho các kẻ thù của Người để chứng tỏ rằng Thiên Chúa là Đấng chiến thắng? Tại sao Người chỉ tỏ mình ra cho các môn đệ? Câu trả lời của Đức Giêsu thì bí nhiệm và thâm sâu. Chúa nói: “Nếu ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14:22-23).
Có nghĩa là chúng ta cũng phải nhìn thấy và nhận ra Đấng Phục Sinh bằng trái tim của chúng ta, để Thiên Chúa có thể đến ngự trong chúng ta. Chúa không hiện ra như một sự vật. Người muốn đi vào cuộc đời chúng ta, và vì thế sự tỏ lộ của Người là một sự tỏ lộ đòi hỏi một trái tim rộng mở. Chỉ bằng cách này chúng ta mới nhìn thấy Đấng Phục Sinh.
Một trong những Thư trong Tân Ước được nói là của Thánh Giuđa Tađêo và thuộc nhóm các Thư gọi là ‘thư chung’, nghĩa là các thư không gửi cho một giáo hội địa phương cụ thể nào, nhưng chung cho mọi tín hữu. Trên thực tế, thư được gửi cho “những người được kêu gọi, được Thiên Chúa là Cha yêu mến, và được dành riêng cho Ðức Giêsu Kitô” (c. 1).
Một mối quan tâm chính của thư này là cảnh giác các Kitô hữu chống lại những kẻ viện cớ ân sủng của Thiên Chúa để bào chữa cho lối sống buông thả của mình và làm tha hóa các anh em của mình bằng những lời giảng dạy không thể chấp nhận được, gây chia rẽ trong Hội Thánh “trong những cơn mê sảng của chúng” (c. 8).
Đây là cách mà Thánh Giuđa mô tả các học thuyết và các ý tưởng kỳ lạ của chúng. Ngài thậm chí ví chúng với những thiên thần sa ngã và ngài nói trắng ra rằng “chúng đi vào con đường của Cain” (c. 11).
Hơn nữa, ngài không chút thương hại mà gọi chúng là “những đám mây không có nước, cuốn theo chiều gió. Họ là cây cuối mùa thu, không trái, chết hai lần, bị nhổ tận rễ. Họ là sóng biển hung dữ, tung bọt là những hành vi bỉ ổi của họ. Họ là những vì sao lạc, u ám tối tăm là nơi dành cho họ đến muôn đời” (c. 12-13).
Có thể dễ thấy rằng tác giả của thư này đã sống trọn vẹn đức tin của mình, trong đó bao gồm những thực tại cao cả như tính trung thực và niềm vui, sự tín thác và ngợi khen, vì tất cả hoàn toàn được thúc đẩy bởi lòng nhân hậu của Thiên Chúa đuy nhất và lòng thương xót của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Vì vậy, xin hai Thánh Tông Đồ Simon người Canaan và Giuđa Tađêô giúp chúng ta tái khám phá vẻ đẹp luôn luôn mới mẻ của đức tin Kitô và sống đức tin ấy không mệt mỏi, biết làm chứng đức tin một cách mạnh mẽ và đồng thời ôn hòa.
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng