Suy niệm Lời Chúa các ngày trong tuần II thường niên

THỨ HAI TUẦN 2 TN

Bài đọc I (Dt 5, 1-10)

Tất cả các vị Thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi, như Aaron. Cũng thế, Đức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Đấng đã nói với Người rằng: “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con”. Cũng có nơi khác Ngài phán: “Con là Tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”. Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu Mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người. Người được Thiên Chúa gọi là Thượng tế theo phẩm hàm Menkixêđê.

Tin Mừng (Mc 2, 18-22)

Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?” Chúa Giêsu nói với họ: “Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới”.

Suy niệm 1: PHÙ HỢP

Trong mỗi giai đoạn của lịch sử cứu độ đều có những ngôn sứ hay những chứng nhân khác nhau để giới thiệu Thiên Chúa cho con người hoặc kêu gọi con người sống phù hợp với lời mời gọi của Thiên Chúa và đưa con người đến với Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh “bình mới rượu mới và bình cũ rượu cũ” để nói đến một đời sống của con người trong thời đại.

Ông Gioan tẩy giả là một ngôn sứ. Ông đến để kêu gọi con người trong thời đại của ông chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế đến. Chính vì thế các môn đệ Gioan sống với tâm tình sám hối, dọn đường và chờ đợi.

Chúa Giêsu, chính là Đấng Cứu Thế đã đến, đã hiện diện và đã sống với con người để cứu vớt con người, đưa con người trở về với Thiên Chúa. Vì thế các môn đệ của Chúa phải sống trong tâm tình vui tươi phấn khởi vì có Chúa đang ở cùng.

Lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở tôi cần có một đời sống phù hợp. Đó là phù hợp với đức tin, phù hợp với bổn phận, phù hợp với ơn gọi, phù hợp với môi trường, phù hợp với lời mời gọi của Chúa trong cuộc sống hiện tại.

Xin Cho con biết lắng nghe và đón nhận lời Chúa dạy, lắng nghe và đón nhận những chỉ dẫn của những người có trách nhiệm, lắng nghe và đón nhận chính bản thân mình để đời sống của con phù hợp ý Chúa trong cuộc đời. Amen.

Suy niệm 2: ĐẠO CHÚA – NIỀM VUI TIN MỪNG

Các môn đệ Ðức Giêsu bị chê trách là không ăn chay như các môn đệ của Gioan và Biệt Phái.

“Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?”

Ðức Giêsu hiểu rõ việc giữ chay quan trọng như thế nào trong đời sống đạo, và hơn nữa những tập tục truyền thống của đạo đời Do Thái.

Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn bênh vực các môn đệ của Ngài, khi Ngài trả lời với các môn đệ của Gioan và các người biệt phái rằng:

Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay.

Đức Giêsu nhắc đến ở đây những từ Kinh Thánh mang ý nghĩa hết sức quan trọng: “tiệc cưới”, tân lang”, “áo cũ”, “áo mới”…Điều này giúp chúng ta hiểu rõ câu trả lời của Chúa nói với môn đệ Gioan và các biệt phái.

– Trong Cựu ước, giao ước Thiên Chúa lập với dân Người được ví như lễ cưới và Thiên Chúa là chàng rể của dân Israel (x. Hs 2 ; Is 54, 4-6 ; Gr 2,2).

– Trong Tân Ước, chính Đức Giêsu là chàng rể trong bữa tiệc như Is 25, 6-9 đã loan báo. Ngài là Đấng Mêsia đang có mặt giữa khách dự tiệc cưới. Vì thế, các môn đệ của Ngài không ăn chay, nhưng sẽ tới ngày chàng rể (Đức Giêsu) bị đem đi, tức là bị giết, các môn đệ mới ăn chay. Và các ông ăn chay là để chờ đợi ngày chàng rể trở lại (x. Cv 14,1-3).

Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới“.

Ví dụ này nhấn mạnh đến sứ vụ của Đức Giêsu là không thể theo khuôn mẫu cổ điển của Do thái giáo (thể hiện qua lối thực hành của người biệt phái, hay nếp sống khắc khổ của môn đệ Gioan Tẩy giả).

Con người sống trong giai đoạn nào thì phải theo tinh thần của giai đoạn đó. Sống trong thời đại mới, thời đại của Tân Ước, con người phải sống theo thời kỳ mới, sống theo tinh thần mới, trong niềm vui Ơn Cứu Ðộ.

Hôm nay, chúng ta hiểu ý nghĩa đầy thú vị của Tin Mừng; chúng ta hãy lắng nghe giáo huấn của Ngài, và sống đạo với tất cả niềm vui:

– Chúng ta hãy nhận biết đạo Chúa là đạo thật, đạo từ trời mang xuống cho nhân loại. Nhờ Đức Giêsu và nhờ lời rao giảng Tin Mừng của Ngài – đã mang ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại, và dẫn đưa con người về quê trời vĩnh cửu.

– Chúng ta hãy sống đạo cho phù hợp với Tin Mừng của Chúa, là sống đạo yêu thương. Trong cuộc sống đạo, chúng ta không thể không đặt ra để tự vấn lương tâm mỗi ngày: tôi có sống công bình, bác ái chưa? Tôi có yêu thương người anh em bên cạnh tôi chưa? Tôi có nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của người xung quanh tôi không?

– Chúng ta nhận biết, tin tưởng, yêu mến Đức Giêsu nhờ Tin Mừng, nhờ giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta còn phải biết chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho những anh chị xung quanh. Đó mới là việc Chúa mong muốn, mời gọi tất cả chúng ta tích cực tham gia công tác tông đồ trong giáo xứ và giáo phận; nhờ đó nhiều người đón nhận ơn cứu độ của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con trở nên những chứng nhân của Tin Mừng, và tích cực gieo rắc ơn cứu độ của Chúa cho muôn dân. Amen./.

Suy niệm 3: SO SÁNH

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?” (Mc 2,19b)

Suy niệm: Việc các môn đệ của Gio-an Tẩy giả và của phái Pha-ri-sêu ăn chay, trong khi môn đệ của Thầy Giê-su lại không khiến có người thấy “chướng mắt”. Phải chăng những người này đã khéo “lựa lời” hỏi tại sao trò không giữ luật Mô-sê để gián tiếp “sửa lưng” Thầy đã dung túng cho trò vi phạm? Đã thế, người hỏi còn ngầm so sánh cho rằng môn đệ của Gio-an Tẩy giả cũng như của người Pha-ri-sêu mới đích thực trung thành với luật cha ông! Một câu hỏi với nhiều hàm ý! Chúa Giê-su minh hoạ câu trả lời của Ngài bằng nhiều ví dụ: vải mới mà vá vào áo cũ, rượu mới mà đổ vào bầu da cũ là không phù hợp. Cũng thế, xét bề ngoài, ăn chay là giống nhau, nhưng ăn chay vì ai, vì cái gì thì rất khác biệt. Môn đệ của Thầy Giê-su ăn chay hay không là vì “chàng rể”, là vì chính Ngài, là Đấng Ki-tô.

Mời Bạn: Một việc làm có giá trị trước mặt Chúa hay không là tuỳ ở ý hướng, ở tấm lòng của chúng ta đối với Ngài. Nếu chỉ chăm chăm lo giữ chay mà không có lòng nhân ái thì chay tịnh cũng vô ích, ăn chay mà không cầu nguyện thì cũng không đủ… Nếu chỉ tính đếm đọc bao nhiêu kinh, dự bao nhiêu lễ mà không có lòng yêu mến thì cũng chỉ như “tiếng phèng la inh ỏi” mà thôi (x. 1Cr 13,1).

Sống Lời Chúa: Ăn chay trong khiêm tốn, trong phục vụ và trong yêu thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa cho con một đôi mắt để quan sát, một trí óc để phán đoán. Xin cho con phán đoán sự việc bằng một trái tim biết yêu thương để con trở thành người môn đệ luôn khát khao phục vụ người nghèo như Chúa. Amen.

Suy niệm 4: Ý nghĩa ăn chay

Việc ăn chay, theo tinh thần thánh kinh, mỗi trường hợp có một ý nghĩa riêng. Trong một vài trường hợp, nó diễn tả lòng tin của người ăn chay để được lớn lên trong sự gặp gỡ Thiên Chúa, vài trường hợp khác thì người tín hữu, đứng trước những khó khăn, những đau khổ, nói lên thái độ chấp nhận thánh ý Chúa.

Đức Giêsu cho ta biết nền tảng của việc ăn chay đích thực. Mục đích chính là thực thi sự công chính đã được lề luật và các ngôn sứ loan báo. Việc ăn chay được thực hiện theo cách vị luật, giống như chiếc bình cũ vỡ tan khi ta rót rượu mới vào. Việc ăn chay và hy sinh sẽ chẳng có chút giá trị gì trước mặt Thiên Chúa nếu không đặt trên nền tảng tình yêu thương anh em. Thiên Chúa yêu thương người biết sống cách hòa hợp giữa tình yêu mình và tình yêu đối với anh em. Đây là sự công chính mới do Đức Giêsu thiết lập.

Giáo hội mời gọi chúng ta ăn chay. Không phải với những tấm lòng khép kín, không chút liên đới, hoặc ích kỷ chỉ biết chính mình, nhưng là những tấm lòng mở ra cho thời đại mới. Là những người biết từ bỏ mình, biết xây dựng tình liên đới, mở ra những con đường dẫn đến hiệp nhất, vui mừng chờ mong vị Tân Lang đến, đấng đã khởi đầu một nhân loại mới, và sẽ đưa họ đến đỉnh cao ngày Ngài lại đến.

Tin mừng hôm nay tuyên bố sứ mới mẽ kitô giáo, sự mới mẽ của một đời sống kết hiệp với Đức Kitô. Chính Chúa khởi đầu điều mới mẽ này, bằng cách dâng lên Thiên Chúa không phải những gì mang tính quy ước, nhưng chính đời sống của ngài, như ta đọc trong thư gởi Do thái.

‘Các môn đệ của Gioan và các môn đệ của người Pharisêu ăn chay’: họ quan tâm đến những điều gắn thêm vào đời sống, giống như những việc hối cải để tôn thờ Thiên Chúa và họ nghĩ rằng đó là những điều quan trọng nhất. Trong đời sống của Đức Giêsu, ngược lại, điều quan trọng nhất là chính sự sống của ngài, không phải là điều được thêm vào như lễ nghi hoặc việc đền tội. Đức Kitô là tư tế và ngài không dâng các lễ vật theo quy định nhưng dâng sự sống của mình: Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu mình khỏi chết. Và bi kịch cuộc sống đời ngài đã biến thành lễ vật dâng lên Thiên Chúa.

Việc biến đổi này đòi hỏi cầu nguyện liên lỉ, chứ không chỉ được thực hiện đơn giản bằng một ý hướng tinh thần, nhưng trong cuộc chiến đấu, như thư do thái nhắc đến, cuộc chiến cho đến lúc hấp hối. Đức Giêsu đã chiến đấu chống lại những thử thách của cuộc sống, chống lại đam mê, ngài đã chiến đấu trong cầu nguyện, để tất cả được biến nên của lễ đầy Thần Khí Thiên Chúa, đẹp lòng Thiên Chúa.

Và điều Đức Giêsu mong đợi nơi ta: biến đổi đời mình thành hy tế, chứ không phải những điều thêm vào đời sống. Cũng cần phải làm cho những việc như linh thao, hãm mình giúp biến đổi đời sống, nhưng điều quan trọng là chính sự biến đổi, là biến đời sống của ta thành hy lễ dâng lên Thiên Chúa, như Phaolô nói trong thư gởi tín hữu Roma (x. Rm 12).

Khi ta tham dự thánh lễ, ta phải nhắc nhủ mình dâng chính đời sống kết hiệp với hy lễ và chiến thắng của Đức Kitô. Nói đến chính đời sống cụ thể của ta, với những vui buồn, thử thách, với những cám dỗ, những khao khát và hy vọng. Đấy là hy lễ mà Chúa muốn: hy lễ của việc biến đổi đời sống, mà chính Thần Khí của Chúa thực hiện nơi ta nếu ta biết ngoan ngùy vâng theo hành động của Ngài.

***

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Qua bí tích Thánh Thể, Chúa viếng thăm cuộc đời chúng con. Chúa không chỉ đụng chạm đến linh hồn chúng con mà còn ngự trị trong con người chúng con. Xin Chúa hãy chiếm đoạt linh hồn và thân xác chúng con. Xin chữa lành hồn xác chúng con trong ân sủng của Chúa. Xin Chúa luôn ở lại để chia sẻ với những lo âu trong cuộc sống chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúng con cám ơn Chúa đã luôn thi thố tình thương của Chúa cho chúng con. Đôi tay Chúa luôn chúc lành, xoa dịu cho những mảnh đời bất hạnh mà Chúa gặp trên đường. Đôi chân Chúa đã đi đến cùng của sự thí mạng sống vì hạnh phúc tha nhân. Sự hiện diện của Chúa luôn mang lại sự bình an và hoan lạc cho những ai diễm phúc được Chúa viếng thăm. Năm xưa trong tiệc cưới Canna, Chúa đã làm phép lạ cho nước hoá thành rượu để nhờ đó bữa tiệc được trọn vẹn niềm vui. Xin cho chúng con được xứng đáng đón rước Chúa viếng thăm. Xin đừng để những tham sân si dòng đời làm chúng con mất đi sự trong trắng tâm hồn. Xin giúp chúng con biết chọn Chúa làm phần gia nghiệp hơn là những vinh hoa phú quý trần gian.

Lạy Chúa, Chúa là niềm vui của cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con luôn tìm đến Chúa để kín múc suối nguồn tình yêu vô tận từ trái tim yêu thương của Chúa. Xin Chúa chúc lành cho ngày sống chúng con luôn được bình an trong bàn tay quan phòng của Chúa. Amen.

[Mục Lục]

THỨ BA TUẦN 2 TN: Th. Pha-bi-a-nô, giáo hoàng và Sê-ba-ti-a-nô tử đạo

Bài đọc I (Dt 6, 10-20)

Anh em thân mến, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên công trình của anh em và lòng bác ái anh em đã tỏ ra vì danh Người, anh em là những người đã phục vụ và hiện đang phục vụ các thánh. Chúng tôi mong ước mỗi người anh em thi thố cũng một lòng hăng hái đó để giữ vững niềm hy vọng đến cùng, ngõ hầu anh em không trễ nải, nhưng sẽ noi gương những kẻ nhờ tin tưởng và kiên nhẫn mà hưởng thụ các điều đã hứa.

Quả thật, khi Thiên Chúa hứa cùng Abraham, Người không dựa vào ai lớn hơn mà thề, nhưng dựa vào chính Mình mà thề rằng: “Ta sẽ chúc phúc cho ngươi và sẽ cho ngươi sinh sản ra nhiều”. Do đó, Abraham kiên nhẫn chờ đợi, nên được hưởng lời hứa. Vì chưng, loài người dựa vào kẻ lớn hơn mình mà thề, và lời thề được coi như bảo chứng chấm dứt mọi tranh tụng. Cũng vậy, vì Thiên Chúa muốn minh chứng cho những kẻ hưởng thụ lời hứa ý định bất di bất dịch của Người, nên đã làm lời thề, để nhờ hai điều bất di bất dịch mà Thiên Chúa không thể sai lời, thì chúng ta là những người tìm ẩn náu nơi niềm hy vọng đã ban cho chúng ta, chúng ta có một nguồn yên ủi chắc chắn. Trong niềm hy vọng đó, linh hồn chúng ta có một chiếc neo chắc chắn và bền vững, cắm vào tận bên trong bức màn, nơi Đức Giêsu đã vào như vị tiền phong của chúng ta, Người được phong làm Thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê.

Tin Mừng (Mc 2, 23-28)

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: “Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?” Người trả lời rằng: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Đavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?” Và Người bảo họ rằng: “Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat”.

Thánh Fabianô, Giáo hoàng Tử đạo (khoảng năm 250)

Khi Thánh GH Anthêrô qua đời năm 236, một Công đồng được triệu tập về Rôma để bầu người kế vị. Fabianô là thường dân Rôma, từ vùng quê nhập cư thành phố với tư cách là giáo sĩ, và người ta đang chuẩn bị bầu Giáo hoàng mới. Và tân giáo hoàng chính là Fabianô, người Ý.

Theo Eusebius, sử gia của Giáo hội, một chim bồ câu bay vào và đậu trên đầu Fabianô. Dấu hiệu này khiến mọi người đồng tâm nhất trí bầu ngài. Ngài là người lãnh đạo xuất sắc, tổ chức cấu trúc giáo xứ như vẫn được áp dụng ngày nay. Ngài phát triển thói quen và các nghi lễ tôn vinh các tvị tử đạo trong các hầm mộ, và bổ nhiệm 14 học giả thu thập chứng cớ đời sống của các vị tử đạo để họ không bị quên lãng.

Ngài cai quản Giáo hội 14 năm và chịu tử đạo khoảng năm 250 trong thời Decius bách hại. Ngài bị họ hành quyết rất dã man. Thánh Cyprianô viết cho người kế vị rằng ĐGH Fabianô là người “độc nhất vô nhị” được vinh dự chết tương xứng với sự thánh thiện và sự thuần khiết của cuộc đời ngài. Tại hầm mộ Thánh Callistô, tảng đá trên mộ Thánh Fabianô bị bể làm tư, nhưng vẫn có thể nhìn thấy dòng chữ Hy lạp ghi: “Fabianô, Giáo hoàng Tử đạo”.

Thánh Sebastianô, Tử đạo (257-288)

Lịch sử không có gì chắc chắn về Thánh Sebastianô, chỉ biết ngài là vị tử đạo Rôma, được tôn kính ở Milan ngay từ thời Thánh Ambrôsiô và được an táng ở Appian Way, có thể ở gần Đền thờ Thánh Sebastianô ngày nay. Lòng sùng kính ngài lan tỏa nhanh, và ngài được nhắc đến trong tiểu sử các vị tử đạo từ năm 350.

Truyền thuyết về Thánh Sebastianô quan trọng về nghệ thuật và có cách mô tả bằng hình tượng. Các học giả ngày nay đồng ý rằng có chuyện kể Thánh Sebastianô gia nhập quân đội Rôma, vì chỉ như vậy ngài mới có thể giúp đỡ các vị tử đạo mà không tạo sự nghi ngờ.

Cuối cùng ngài bị phát hiện, bị bắt trước mặt Hoàng đế Diocletian và bị giao cho đội bắn cung Mauritanian. Thi thể ngài đầy mũi tên găm vào và bị bỏ mặc. Những người đến lấy xác đem chôn thì thấy ngài còn sống. Rồi ngài bình phục nhưng không chịu trốn đi. Một hôm, ngài đứng gần chỗ Hoàng đế đi ngang qua, ngài đến gần Hoàng đế và tố cáo Hoàng đế đối xử độc ác với các Kitô hữu. Lần này ngài bị bắt và bị kết án tử hình. Thánh Sebastianô bị đánh đập cho đến chết.

Suy niệm 1: CẢM THÔNG HAY KẾT ÁN

Lời Chúa trong bài đọc 1 nhấn mạnh đến đời sống yêu thương cũng như việc thực thi bác ái với tha nhân. Thật vậy, tác giả thư Do thái nhấn mạnh: Thiên Chúa không quên những việc làm và đời sống bác ái của chúng ta.

Nội dung bài Tin mừng nói đến một ví dụ về tinh thần bác ái. Trước sự kiện các môn đệ bứt lúa trong ngày sabat, những người Pharisiêu tỏ ra khó chịu và bắt bẻ các môn đệ. Họ thiếu lòng cảm thông và bác ái. Ngược lại, với cách cư xử và tinh thần bác ái, Chúa Giêsu đã thông cảm với các môn đệ.

Trong cuộc sống thường ngày tôi cũng gặp gỡ tha nhân mỗi ngưỡi mỗi vẻ khác nhau, tôi cũng đối diện với những biến cố và sự kiện khác nhau. Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở cho tôi biết đón nhận và đối xử với tha nhân, với các sự kiện bằng tinh thần bác ái. Khi sống bác ái, không những tốt cho người khác, nhưng còn có ích cho chính bản thân của tôi.

Xin cho con biết đón nhận tha nhân và các sự kiện trong cuộc sống bằng tinh thần bác ái. Vì đó là điều đẹp ý Chúa. Amen.

Suy niệm 2: TRÁNH THÓI NỆ LUẬT

“Ngày sa-bát được tạo ra cho con người chứ không phải con người cho ngày sa-bát.” (Mc 2,27)

Suy niệm: Luật ngày sa-bát là một ngòi nổ thường trực tiếp làm bùng lên những cuộc đụng độ giữa Đức Giê-su và những người Pha-ri-sêu. Và bao giờ cũng vậy, đối với thói nệ luật đến mức phi nhân và nô lệ hoá con người như thế, Đức Giê-su luôn chống lại. Luật phục vụ cho con người, chứ không ngược lại. Đây cũng là chuẩn mực tối hậu của luật Giáo Hội. Là một cơ chế lớn, Giáo Hội cần một bộ giáo luật khá ‘kềnh càng’; tuy nhiên, bộ giáo luật ấy được đúc kết ở điều cuối cùng (đ. 1752) như sau: “lex suprema, salus animarum” (luật tối thượng là phần rỗi các linh hồn). Đáng tiếc là trong thực tế, thói nệ luật xem ra vẫn còn vướng vất đâu đó, ít hay nhiều, nơi các ‘chủ chăn’ lẫn ‘con chiên’.

Mời Bạn: Nhìn ngắm thái độ của Đức Giê-su đối với luật. Ngài không ‘nổi loạn’ dẹp bỏ hết luật lệ; song Ngài cũng không đặt luật trên con người. Ngài trả luật về đúng vai trò và ý nghĩa của nó.

Chia sẻ: Nhân câu chuyện về ngày sa-bát, thử xét việc giữ luật ngày Chúa Nhật của chúng ta ngày nay: 1) Có phải việc bỏ Thánh Lễ Chúa Nhật trong mọi trường hợp đều là tội trọng không? 2) Một người thường xuyên ‘đi lễ’ Chúa Nhật, nhưng cũng thường ngồi ngoài sân tán gẫu, hút thuốc, nói chuyện trên điện thoại di động, v.v… thì có hoàn thành bổn phận giữ ngày Chúa Nhật không?

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn cố gắng làm mọi việc bổn phận với cả tấm lòng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết làm các việc bổn phận một cách có chất lượng, bằng cách đặt cả tấm lòng mình vào đó. Và xin giải phóng con khỏi thói nệ luật, để có thể sống trong sự tự do của con cái Chúa.

Suy niệm 3: Luật tình yêu

Việc thực hành luật ngày Sabát, từ xa xưa Kinh Thánh đã nói đến. Trong trình thuật sách sáng thế về việc sáng tạo, vào ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ. Đối với do thái giáo thì đây là ngày hết sức quan trọng. Nên có thể hiểu được sự buộc nhặt trong việc tuân giữ; cấm lượm củi, cấm nhóm lửa, cấm nấu nướng, cấm đi xa… Các người biệt phái lấy làm xúc phạm khi thấy các môn đệ Đức Giêsu bứt gié lúa ăn trong ngày Sabát.

Đức Giêsu thực thi luật ngày Sabát, Ngài vào hội đường và đọc Sách Thánh; Ngài không khước từ luật ngày Sabát. Ngài lên án việc buộc nhặt quá đáng. Ngài tuyên bố tình yêu vượt lên trên bất cứ điều luật nào của ngày Sabát.

Đối với chúng ta, đây cũng là một lời mời gọi. Tôn giáo vụ hình thức không mang tính tôn giáo đích thực. Những phẩm tính của nhà rao giảng tin mừng xuất phát từ tình yêu cụ thể dành cho bất cứ con người nào. Con người không phải là một món đồ vật ta muốn điều khiển hay thao túng ra sao cũng được; ngày sabát không thể thống trị con người, nó chỉ có giá trị trong mức độ tôn trọng phẩm giá con người.

Tin mừng đi ngược lại mọi cứng nhắc mù quáng, mọi chủ nghĩa cực đoan; tin mừng đòi hỏi hy sinh chính mình, nhưng luôn luôn trong ánh sáng lòng nhân từ của Thiên Chúa. Tiến trình xây dựng sự hiệp nhất các kitô hữu cũng phải được xây dựng theo hướng này. Mỗi cộng đoàn Giáo hội kitô, ngay cả Giáo Hội Công Giáo, thường có khuynh hướng tuyệt đối hóa mình; cần ý thức điều đó và hãy ngoan ngoãn để cho Thần Khí của Đức Giêsu dẫn đi trên con đường của lòng nhân ái.

Bài đọc I có vẻ phức tạp nhưng tư tưởng căn bản thì đơn sơ và rất quan trọng, đó là giữ lấy niềm hy vọng: ‘Mỗi người trong anh em cũng tỏ ra nhiệt thành như thế, để niềm hy vọng của anh em được thực hiện đầy đủ cho đến cùng’.

Hy vọng mang lại sự tươi trẻ, năng lực, trong khi thiếu hy vọng người ta sẽ già đi dù mới hai mươi, và còn tệ hơn là có thể xảy ra điều mà thánh Phaolô nói đến trong thư gởi Roma, về những người dân ngoại, họ không có hy vọng, thiếu mục đích cuộc đời, để mình phạm đủ thứ tội.

Trong thư gởi do thái, Thiên Chúa theo kiểu thức con người, đã thề để củng cố niềm hy vọng của chúng ta: Ngài đã thề với Ápraham, đã thề vì chúng ta…Và đã ban cho ta một vị Thượng Tế hoàn hảo là Đức Kitô. Sự tôn vinh của Ngài cũng là sự tôn vinh của ta, vì Ngài đại diện cho ta và do đó niềm hy vọng của ta tựa chiếc neo chắc chắn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh, nghĩa là trời cao, bước vào thiên quốc theo sau Đức Giêsu.

Vượt trên cả những lý do lớn lao của niềm hy vọng, Đức Giêsu trong cuộc đời trần thế còn ban cho ta nhiều lý do, dù nhỏ bé nhưng lại đầy ý nghĩa. Trong tin mừng hôm nay, ta thấy sự tế nhị của Ngài khi bảo vệ các môn đệ bị tố cáo vi phạm luật ngày Sabát. Trong lần khác Ngài quan tâm đến sự mệt mỏi của họ: ‘Anh em hãy lui vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!’ Ngài gọi họ là bạn hữu; Ngài thương xót đám đông theo Ngài; Ngài ca tụng cử chỉ của bà góa nghèo bỏ tiền dâng cúng đền thờ; ngài khóc Ladarô chết…Với nhiều cách Ngài tỏ cho thấy tình thương của Ngài, tình bạn hữu tế nhị, sự thông cảm của Ngài, trước thử thách lớn lao sau cùng.

Một chút suy tư. Trong việc bảo vệ các môn đệ chống lại những tố cáo của biệt phái, Đức Giêsu đưa ra những lý do chung và những quy tắc mới: ‘Ngày sabát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sabát!’ Lời xác quyết thật bất ngờ: Thầy Giêsu tương đối hóa giá trị ngày sabát! Trong cựu ước đây là một giá trị tuyệt đối, và Môsê, theo lệnh Thiên Chúa, đã ra lệnh tử hình cho những ai vi phạm; Đức Giêsu giờ đây đặt cao giá trị con người, quyền lợi con người, trên mọi tiêu chuẩn mà các người Israel từng xem là bất khả xâm phạm.

Tin mừng chống lại mọi cứng nhắc mù quáng, chống lại mọi chủ nghĩa cuồng tín; tin mừng đòi hỏi hy sinh chính mình, nhưng luôn luôn trong ánh sáng của lòng thương xót của Thiên Chúa. Phaolô viết trong thư thứ nhất gởi Côrintô: ‘Giả như tôi có nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi’.

Việc hiệp nhất các kitô hữu cũng đi theo hướng đó. Giáo hội công giáo cũng như mọi nhóm tôn giáo khác thường có khuynh hướng tuyệt đối hóa, cần ý thức lại điều này và hãy để mình ngoan ngùy theo sự hướng dẫn của Thần Khí của Đức Giêsu trên con đường của lòng nhân ái.

***

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ của một tình yêu dâng hiến trọn vẹn cho nhân loại chúng con. Chúa đã trở thành tấm bánh để tan biến đời mình nên sức sống cho con người. Tấm bánh luôn mang lại niềm vui cho người già cũng như trẻ thơ. Tấm bánh dù nhỏ bé, dù đơn sơ vẫn làm no thoả lòng người. Xin cho chúng con biết dùng đời mình như tấm bánh làm vui lòng mọi người.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã dạy chúng con hai chữ yêu thương. Tình thương chính là luật sống, là lẽ sống của đời ky-tô hữu. Ai sống yêu thương là ở trong tình thương Chúa. Ai sống nghịch với đức yêu thương là như cành nho lìa cành sẽ bị hoé úa khô cằn. Nhưng Chúa ơi! Thế giới chúng con đang sống thật thiếu hương vị của yêu thương. Tình người khô cằn vì thiếu hai chữ yêu thương. Người ta sống với nhau vì đồng tiền hơn là vì tình người. Người ta đối xứ với nhau trên quyền lợi hơn là trên tình cảm dành cho nhau. Xin Chúa giúp chúng con sửa lại cách sống của mình cho phù hợp tin mừng của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa làm chủ muôn loài, xin Chúa hãy làm chủ cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết tín thác và cậy trông vào Chúa. Amen.

[Mục Lục]

THỨ TƯ TUẦN 2 TN: Th. Anê, trinh nữ, tử đạo

Bài đọc I (Dt 7, 1-3. 15-17)

Anh em thân mến, Menkixêđê này là vua Salem, tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông đã đi đón Abraham đang trên đường về sau khi đánh bại các vua, ông chúc lành cho Abraham. Và Abraham dâng cho ông một phần mười các chiến lợi phẩm. Giải nghĩa tên ông, trước tiên thấy tên ông mang tên vua công chính, rồi ông lại còn là vua Salem, nghĩa là vua hoà bình. Ông không cha không mẹ, không gia phả, không ngày sinh, không ngày tử, nhưng ông được so sánh với Con Thiên Chúa, nên ông làm tư tế muôn đời.

Việc còn hiển nhiên hơn nữa, nếu một tư tế khác được thiết lập theo phẩm hàm Menkixêđê, không phải chiếu theo luật xác thịt quy định, nhưng chiếu theo quyền năng của sự sống bất diệt. Vì đã chứng thực về ngài rằng: “Ngươi là tư tế theo phẩm hàm Menkixêđê tới muôn đời”.

Tin Mừng (Mc 3, 1-6)

Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy đứng ra giữa đây”. Rồi Người bảo họ: “Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Được cứu sống hay là giết chết?” Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: “Hãy giơ tay ra”. Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người.

Thánh Anê, Trinh nữ Tử đạo (qua đời năm 258?)

Hầu như không ai biết gì về vị thánh này, chỉ biết Anê còn rất trẻ, tử đạo hồi giữa thế kỷ thứ III, khi mới 12 hoặc 13 tuổi. Giả thuyết đưa ra nhiều cách: bị chém đầu, bị thiêu, bị siết cổ.

Truyền thuyết nói bà là thiếu nữ đẹp được nhiều thanh niên theo đuổi và muốn kết hôn. Trong số những người bị Anê từ chối, có người báo cho chính quyền biết Anê là tín hữu Kitô giáo. Bà bị bắt và bị đưa vào nhà thổ.

Người ta nói có một thanh niên nhìn Anê bằng ánh mắt thèm muốn nên bị mù, nhưng nhờ Anê cầu nguyện nên người này lại được sáng mắt. Bà bị kết án, bị xử tử và được an táng trong một hầm mộ gần Rôma. Sau đó hầm mộ này được gọi là Hầm Mộ Anê. Con gái của vua Constantine xây dựng một đại thánh đường để tôn kính bà.

Suy niệm 1: VIỆC LÀM TỐT ĐẸP

Tôi cảm thấy rằng trong cuộc sống mỗi ngày, tôi phải đối diện diện với các luật lệ và các qui tắc. Thật ra, luật lệ và qui tắc cũng cần thiết cho đời sống của tôi. Bởi vì, luật lệ và những qui tắc được xem như người bảo vệ và hướng đẫn tôi sống đúng và tốt trong cuộc sống và bổn phận của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ giữ luật theo hình thức và sống theo những qui tắc một cách mù quáng, thì khi đó tôi đã đánh mất ý nghĩa thực sự và mục đích căn bản của lề luật đó là: giúp tôi sống tốt, hướng dẫn tôi làm những điều tốt đẹp.

Bài tin mừng hôm nay là một minh họa về việc giữ luật. Những người Pharisêu đã giữ luật theo hình thức và đánh mất mục đích căn bản của lề luật. Vì thế họ không chấp nhận việc Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat cho dù đó là một việc làm tốt đẹp. Việc làm của Chúa Giêsu nhắc nhở cho tôi ý thức về việc giữ luật và hiểu rõ ý nghĩa của lề luật.

Trong cuộc sống mỗi ngày, trong bổn phận và trong công việc, nhiều khi tôi cũng chỉ giữ luật theo thói quen và quên đi mục đích căn bản của lề luật. Ví dụ như: tôi đọc kinh, tôi đi lễ nhưng chỉ làm theo thói quen và theo lề luật. Vì thế tôi đọc kinh, tôi đến nhà thờ nhưng tâm hồn tôi đang ở xa Chúa. Khi tôi yêu mến và sống theo lề luật đúng với ý nghĩa căn bản của lề luật thì tôi mới gần Chúa thực sự.

Lạy Chúa, xin cho con biết hiểu rõ ý nghĩa của lề luật để con biết đối xử và làm những điếu tốt đẹp cho tha nhân. Amen.

Suy niệm 2: CHÚA GIÊ-SU BUỒN BỰC

Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn bực vì lòng họ chai đá. (Mc 3,5)

Suy niệm: Các kinh sư, luật sĩ, và nhóm Pha-ri-sêu đã nhiều lần xúc phạm đến cá nhân Chúa Giê-su, nhưng có vẻ như Ngài không quan tâm. Tuy nhiên, khi họ xúc phạm đến quyền tối thượng của Thiên Chúa và thiện ích của những kẻ bé mọn, thì Ngài thẳng thắn, mạnh mẽ lên án. Thánh sử Mác-cô không chỉ thuật lại những lời Chúa Giê-su quở trách họ, mà còn diễn tả cả nét mặt của Ngài: một bộ mặt giận dữ pha lẫn nỗi u buồn, thất vọng, vì họ cứ khư khư nại vào luật Mô-sê để từ chối việc bác ái lẽ ra cần phải được làm ngay. Một Thiên Chúa làm người “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” lắm khi phải bày tỏ sự giận dữ, buồn bực trước sự cứng lòng của con người, cho thấy Ngài đã phải chịu đựng họ như thế nào, cũng như cái giá mà sự tự do phải trả vì Thiên Chúa tôn trọng tự do ấy của con người.

Mời Bạn: Có khi nào bạn nghĩ Chúa buồn bực bạn vì bạn cứng cỏi và ương ngạnh không? Việc nào khiến Ngài có thái độ như thế?

Chia sẻ: Đức công bằng, bác ái không cho phép hễ thương ai thì đánh giá tốt còn không ưa ai thì trù dập cả những giá trị tích cực của người mình không ưa. Trái lại, bao giờ cũng phải biết trân trọng chân lý.

Sống Lời Chúa: Vui với người vui, khóc với người khóc. Có như thế, ta mới thực sự là con một Cha trên trời, Đấng cho “mưa trên người lành lẫn kẻ dữ.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã giận dữ, buồn bực khi thấy con người đối xử xấu với những kẻ bé mọn. Xin cho con sớm nhận thấy đâu là điều làm Chúa buồn bực với con, để sửa lại hầu làm vui lòng Chúa, nhất là trong tương quan với người khác. Amen.

Suy niệm 3: Luật và con người

Bài đọc I trình bày khuôn mặt huyền nhiệm của Melkisêđê, và chúng ta tự hỏi phải chăng Đức Giêsu là tư tế, giống Melkisêđê hay Melkisêđê giống Đức Giêsu. Trong bản văn nói đến cả hai: ‘một vị tư tế khác tương tự như ông Melkisêđê xuất hiện’ và thánh vịnh viết: ‘Con là Thượng Tế đến muôn đời theo phẩm hàm Melkisêđê’; tuy nhiên giải thích đoạn văn đó, tácf giả thư do thái viết rằng Melkisêđê giống Con Thiên Chúa. Đọc Thánh Kinh, ta thấy một tiên trưng của Đức Kitô phục sinh nơi Melkisêđê, được diễn tả là người không có cha, không có mẹ. Là điều kỳ lạ đối với Cựu Ước vì tư tế phải thuộc gia đình tư tế nên cần phải nói đến cha mẹ. Nhưng về Melkisêđê thì người ta chẳng biết gì: không cha mẹ, không gia phả, không khởi đầu và không có kết thúc. Nơi hình ảnh huyền nhiệm này, tác giả nhìn thấy hình ảnh của Đức Kitô phục sinh, không có cha mẹ trần thế: sự mới mẽ của sự sống phục sinh không bắt nguồn từ trần gian. Đức Kitô phục sinh là Con Thiên Chúa ngay cả trong bản tính nhân loại và do đó Ngài là tư tế đến muôn đời.

Một lần nữa các biệt phái, những người giữ Luật nghiêm nhặt, mà không kể gì đến con người và phẩm giá con người, lên tiếng tố cáo Đức Giêsu. Một số người thay đổi cuộc sống khi nghe lời Thầy Giêsu; một số người khác, trái lại, chống đối lại giáo huấn và chính con người Đức Giêsu.

Việc tiếp xúc gần gũi thân mật của Đức Giêsu thật đáng ngạc nhiên, Ngài liều mạng sống vì người khác, tin mừng hôm nay nhấn mạnh điểm này. Ngài không sợ người ta tố cáo, lên án, không sợ xét đoán từ phía những kẻ mà Ngài gọi là ‘mồ mả tô vôi’, quá nghiêm nhặt trong việc giữ luật hình thức, nhưng bên trong thì chứa đầy những ‘đồ bẩn thỉu’.

Chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt của Thiên Chúa được tỏ bày qua Người Con yêu dấu của Ngài. Chúng ta có trước mắt mẫu mực duy nhất mời gọi chúng ta phá đổ những ràng buộc của việc giữ luật giả hình. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Chẳng có ích gì nếu không nương tựa vào Ngài, nếu cho rằng mình làm được tất cả: người ấy đang sống trong hình thức giả hình tinh tế nhất.

***

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cám ơn Chúa đã nhập thể làm người và ở cùng chúng con. Cám ơn Chúa đã đồng hành với chúng con qua những thăng trầm của cuộc sống. Cám ơn Chúa đã chia sẻ buồn vui trong kiếp người chúng con. Xin giúp chúng con cũng biết tín thác và cậy trông vào Chúa, để nhờ đó chúng con luôn an vui sống trong sự quan phòng của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã sống một cuộc sống yêu thương để nêu gương cho chúng con. Chúa luôn cảm thông với nỗi bất hạnh của tha nhân. Chúa luôn thi thố tình thương cho những ai kêu cầu Chúa. Chúa còn ra lề luật của Chúa chính là tình thương. Tình thương là lẽ sống của Chúa cũng là căn tính của đời ky-tô hữu chúng con. Xin giúp chúng con biết sống yêu thương như Chúa. Xin loại trừ nơi chúng con tính ghen ghét, lòng hận thù để chúng con sống với nhau trong sự hoà hợp thân thương. Xin khơi gợi nơi chúng con tình liên đới thay cho những cái nhìn thiển cận, hẹp hòi. Xin giúp chúng con biết sống bái ái với nhau trong tư tưởng, lời nói và hành động.

Lạy Chúa, Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, xin cho chúng con biết nương nhờ nơi lòng thương xót của Chúa. Amen.

[Mục Lục]

THỨ NĂM TUẦN 2 TN: Th. Vinh-sơn, phó tế, tử đạo

Bài đọc I (Dt 7, 25 – 8, 6)

Anh em thân mến, Chúa Giêsu có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.

Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng của lễ, trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính Mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật, thì đặt Người Con hoàn hảo làm thượng tế đến muôn đời.

Điểm chính yếu về các điều đang đề cập đến là: chúng ta có một Thượng tế như thế ngự bên hữu Đấng Tối Cao trên trời, với tư cách là chủ tế trong đền thờ, và trong nhà tạm chân thật mà Chúa – chứ không phải người phàm – đã dựng nên. Quả thật, mọi thượng tế được đặt lên là để hiến dâng lễ vật và hy tế, vì thế, vị thượng tế này cần phải có gì để hiến dâng. Vậy nếu Người còn ở trần gian, thì Người cũng không phải là tư tế, vì đã có những người phụ trách hiến dâng của lễ theo lề luật. Việc phượng tự mà họ làm chỉ là hình bóng những thực tại trên trời, như lời đã phán cùng Môsê khi ông sắp dựng nhà tạm rằng: Chúa phán: “Ngươi hãy xem, ngươi sẽ làm mọi sự theo mẫu Ta đã chỉ cho ngươi trên núi”. Hiện giờ vị Thượng tế của chúng ta đã lãnh một chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Đấng trung gian của một giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành.

Tin Mừng (Mc 3, 7-12)

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.

Thánh Vinh sơn, Phó tế Tử đạo (qua đời năm 304)

Khi Chúa Giêsu trên đường lên Núi Sọ, Thánh sử Luca nói rằng Ngài đã hướng về thành thánh Giêrusalem. Chính lòng can đảm cứng như đá này là dấu chỉ đặc biệt của các vị tử đạo.

Hầu hết những gì chúng ta biết về vị thánh này là nhờ thi sĩ Prudentius. Vở kịch viết về ngài được thêu dệt bằng sự tưởng tượng của người sưu tập. Trong một bài giảng về Thánh Vincent, Thánh Augustinô đã nói tới vở kịch viết về việc tử đạo. Ít nhất chúng ta cũng biết chắc tên ngài, một phó tế, nơi ngài chết và an táng.

Theo tích truyện chúng ta có (và một số truyện về các vị tử đạo ban đầu, cách sùng đạo khác thường của ngài hẳn phải có nền tảng một cuộc sống rất anh dũng), Thánh Vincent được phong chức Phó tế bởi việc đặt tay của người bạn là Thánh Valerius Saragossa ở Tây Ban Nha. Các hoàng đế Rôma đã xuất bản các lệnh của ngài phản đối giới tu trì năm 303, và năm sau là lệnh phản đối người ngoại giáo. Thánh Vincent và ĐGM Valerius bị tù ở Valencia. Chịu đói khát và bị hành hạ nhưng các ngài vẫn không nao núng. Như chàng thanh niên trong lò lửa (sách Đa-ni-en, chương 3), họ vẫn vững mạnh trong đau khổ. ĐGM Valerius bị đi đày, thế là Dacian đổ cơn giận lên Vincent. Những đợt hành hạ dã man như thế chiến II bùng nổ, nhưng nỗ lực của Dacian không ăn thua. Và ngài lại tiếp tục bị hành hạ.

Cuối cùng Dacian thỏa hiệp: Vincent phải bỏ sách thánh vào lửa theo lệnh của hoàng đế. Ngài một mực từ chối. Thế là ngài bị đưa lên giàn nướng, tử tù Vincent vẫn anh dũng, những người hành hạ cũng “bó tay”. Thánh Vincent bị tống vào ngục dơ bẩn. Tại đây, ngài đã chuyển hóa được tên cai ngục. Dacian nổi giận lôi đình, bắt ngài phải chết. Các bạn đến thăm ngài, nhưng ngài đã yếu sức. Họ đặt ngài lên giường, và rồi ngài trút hơi thở cuối cùng.

Suy niệm 1: NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA

Đoạn tin mừng này là bản tóm lược cuộc truyền giáo của Chúa Giêsu ở Galilê. Qua đó cho tôi thấy những thái độ khác nhau của con người đối với sự hiện diện của Chúa Giêsu.

– Những người biệt phái và kinh sư: Họ không tin Chúa Giêsu và tìm cách loại trừ Ngài.

– Dân chúng: Theo Chúa Giêsu vì những lợi ích vật chất như được ăn no nê, được chữa khỏi bệnh…

– Các môn đệ và bà con thân thiết của Chúa Giêsu: Chưa hiểu đúng về Ngài, còn có những vụ lợi, tham vọng.

– Ma quỉ: Nhận biết Chúa Giêsu, nhưng là hận thù, ganh ghét.

Trước những thái độ như vậy, Chúa Giêsu đã đối xử nhẹ nhàng, không tranh luận với những người chống đối khi thấy không cần thiết. Chúa Giêsu cũng không muốn khua chiêng đánh trống hay quảng cáo ồn ào. Ngài đã dùng tình thương chứ không dùng tài nghệ để đối xử với mọi người.

Những thái độ của con người đối với Chúa Giêsu trong bài Tin mừng này gợi ý cho tôi xem lại thái độ của tôi đối với Chúa Giêsu, đối với Lời Chúa dạy tôi mỗi ngày. Thái độ của Chúa Giêsu trong Lời Chúa hôm nay cũng là tấm gương cho tôi trong việc phục vụ tha nhân và thi hành bổn phận. Đó là thái độ khiêm tốn hiền hòa trong tương quan đối với tha nhân.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu biết Chúa nhiều, để con yêu mến Chúa và trở nên giống Chúa nhiều hơn. Amen.

Suy niệm 2: CHỈ XIN THEO CHÚA MÀ THÔI

Người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. (Mc 3,8)

Suy niệm: Nhiều danh thủ, siêu sao thế giới hết sức bất ngờ vì độ “cuồng” mà người hâm mộ Việt Nam dành cho họ khi họ đến thăm đất nước này. Từng đoàn người đông đảo chờ đợi tại sân bay tới tận nửa đêm để đón thần tượng của mình; có người còn khóc ròng vì không thể xin được chữ ký của họ. Đó chỉ là một số dấu chỉ nhẹ nhàng của hội chứng cuồng thần tượng mà nếu không tỉnh táo, có thể dẫn đến những sai lệch về nhận thức và về chính bản thân. Tin Mừng hôm nay thuật lại việc đám đông lũ lượt tìm đến Chúa Giê-su. Ngài không cho họ chữ ký kỷ niệm; trái lại, Ngài chữa lành họ không chỉ tật bệnh phần xác mà còn phục hồi cho họ điều cao quý nhất đó là phẩm giá của người con cái Chúa.

Mời Bạn: Theo Chúa mà chỉ để tìm kiếm những lợi lộc vật chất sẽ dẫn đến những lệch lạc trong mối tương quan với Thiên Chúa, khiến niềm tin đích thực bị xói mòn và biến thành một thứ thờ ngẫu tượng như ngày xưa dân Ít-ra-en từ bỏ Thiên Chúa và đặt ra một thứ ngẫu tượng để thờ lạy. Khi dạy chúng ta cầu nguyện, Chúa Giê-su cũng nói chúng ta cầu xin cho các nhu cầu vật chất, nhưng trước tiên Chúa dạy chúng ta hãy xin cho “Nước Chúa trị đến”, rồi những sự khác Chúa cũng sẽ ban cho.

Sống Lời Chúa: Trong ngày lặp lại nhiều lần lời nguyện tắt: “Lạy Chúa, xin cho con theo Chúa mà thôi!”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa bao điều lựa chọn, con xin chọn Chúa. Giữa bao hạnh phúc trong đời, con xin chọn tám mối phúc mà Chúa dạy. Giữa bao vinh quang trần thế, con chỉ mong được vào hưởng vương quốc của Chúa mà thôi. Amen.

Suy niệm 3

Theo Tân ước, người môn đệ là người biết Đức Giêsu Kitô là Thầy dạy mình. Là những người theo Ngài và quy hướng về Ngài để nghe kể những điều lạ lùng Ngài thực hiện. Các lời nói và việc làm của Ngài là sự sống thần linh. Ngài nói với uy quyền. Khi người ta nhận biết Ngài, nảy sinh tức khắc nơi lòng họ một hành vi đức tin: ‘Thầy là Con Thiên Chúa’.

Đức Giêsu không thích những biểu diễn ngoạn mục cũng như những tung hô của đám đông. Ngài yêu thích những con người đơn sơ nhưng đầy niềm tin; họ tin tưởng vào những lời của Ngài. Họ gắn bó với Ngài, tách bỏ quá khứ và khởi đầu một cuộc sống mới. Họ rập khuôn đời sống mình với con người của Thầy. Họ không theo một mớ những ý tưởng (một số tín điều) nhưng là theo một con người là Lời Hằng Sống và là giáo huấn muôn đời.

Ngày nay các môn đệ cần phải tiếp tục gắn bó hoàn toàn đời mình với con người Đức Giêsu Kitô. Con người thời nay đang chờ đợi; mong chờ một ai đó mang họ gắn kết với Thiên Chúa hằng sống.

‘Đức Giêsu Thượng Tế có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhớ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa: Thậy vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ’.

Đức Giêsu đã mang thân phận con người và đã cứu độ chúng ta nhờ cái chết trên thập giá và sự phục sinh, giờ đây là Người Con ngự bên hữu Chúa Cha, hằng sống để tiếp tục chuyển cầu cho chúng ta. Thánh Phanxicô Salêsiô theo mẫu gương Đức Giêsu Mục Tử Nhân lành, hiến mạng sống vì dân chúng. Được bổ nhiệm làm Giám mục Genèvre, trung tâm bút chiến của phái Calvin, ngài đơn độc trước sự lãnh đạm của dân chúng và sự thù ghét của các nhà lãnh đạo. Ngài đã chịu nhiều đau khổ nhưng bị tình yêu của Đức Kitô thúc đẩy, hiến thân để rao giảng Lời Chúa cách hăng say, hiền lành. Như Đức Giêsu, Ngài tin vào khả năng của con người, cùng với trợ giúp của Thiên Chúa, có thể sống một đời sống thánh thiện; một sự thánh thiện trong mức độ của mọi người bất kể địa vị xã hội, nghề nghiệp, một sự thánh thiện được xây dựng từng ngày.

Tôi xin anh em đừng bao giờ bỏ những dự tính thánh thiện mà anh em đã làm, vì Thiên Chúa đã khơi lên trong lòng anh em, sẽ tính sổ với anh em về điều đó. Để đem những điều ấy ra thực hành, anh em hãy bám sát Đấng Cứu Độ, vì chiếc bóng của Ngài mang ích lợi cho sự sinh ra và bảo toàn những hoa quả ấy.

***

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cám ơn Chúa đã thương nhập thể làm người để ở cùng chúng con. Cám ơn Chúa đã chia sẻ kiếp người với chúng con. Cám ơn Chúa đã thi thố tình thương cho những mảnh đời bất hạnh. Xin cho chúng con biết tiếp tục mang tình thương Chúa đến cho mọi người.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Dấu chân của Chúa năm xưa luôn để lại dấu ấn của yêu thương. Sự hiện diện của Chúa luôn nâng đỡ những ai mang gánh nặng nề, và những ai đang cô đơn thất vọng. Chúa chẳng nề gian nan, chẳng ngại gian khó. Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu. Chúa không chờ người ta kêu xin. Chúa không đợi người ta van nài. Trái tim Chúa luôn chạnh lòng xót thương. Xin cho đôi chân của chúng con cũng nở hoa yêu thương trên hành trình chúng con đi. Xin loại trừ nơi chúng con thói hưởng thụ và tính ích kỷ để chúng con sống có ích cho tha nhân. Xin giúp chúng con luôn làm vinh danh Chúa qua đời sống hiến dâng phục vụ của chúng con.

Lạy Chúa, Chúa là Đấng tình yêu, xin giúp chúng con biết yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình. Amen.

[Mục Lục]

THỨ SÁU TUẦN 2 TN

Bài đọc I (Dt 8, 6-13)

Anh em thân mến, hiện giờ vị Thượng tế của chúng ta đã lãnh một chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Đấng trung gian của một giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành. Vì nếu giao ước thứ nhất không khuyết điểm, thì thật sự không cần phải có giao ước thứ hai nữa. Vì Chúa khiển trách họ rằng: “Này đến ngày Ta thực hiện một giao ước mới cho nhà Israel và cho nhà Giuđa. Không phải như giao ước Ta ký kết với cha ông chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dẫn ra khỏi đất Ai-cập. Bởi chúng không trung thành với giao ước Ta, nên Ta đã bỏ chúng.

Vì chưng, giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày ấy, Ta sẽ đặt các lề luật của Ta trong trí chúng, và khắc nó vào lòng chúng. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân Ta. Không còn ai phải dạy bạn hữu mình, hay mỗi người không còn phải bảo anh em mình rằng: “Hãy nhìn biết Chúa”, vì mọi người, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta; bởi Ta dung thứ các điều gian ác của chúng, và không còn nhớ đến tội lỗi của chúng nữa”. Người tuyên bố giao ước mới, thì Người làm cho giao ước thứ nhất ra cũ đi. Nhưng điều gì đã cũ đã già, thì gần tiêu mất đi.

Tin Mừng (Mc 3, 13-19)

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người. Người chọn mười hai vị để theo Người, và sai các ông đi giảng và ban cho các ông quyền trừ quỷ. Mười hai vị ấy là: Simon mà Người đặt tên là Phêrô, Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan là em Giacôbê, (cả hai được Người đặt tên là Boanerges, nghĩa là con của sấm sét), rồi đến Anrê, Philipphê, Bartôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Alphê, Tađêô, Simon nhiệt tâm, và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.

Suy niệm 1: SỨ MẠNG

Các môn đệ mà Chúa Giêsu chọn gọi trong đoạn Tin mừng này là những con người bình thường. Có thể nói họ là những con người tầm thường nữa. Thế nhưng sau những vấp ngã, sau những lỗi lầm, với ơn Chúa và nhờ ơn Chúa, họ trở nên những người mạnh mẽ rao giảng Tin mừng và làm cho nhiều người trở về với Chúa.

Việc chọn gọi các Tông đồ của Chúa Giêsu gợi lên cho tôi những suy nghĩ sau đây:

Tôi cũng được Chúa mời gọi theo Chúa và là môn đệ của Chúa trong ơn gọi và bổn phận của tôi thường ngày. Chúa cũng mong muốn tôi trở thành những người rao giảng Tin mừng cho người khác trong môi trường mà tôi đang sống. Tôi sẽ sống tốt sứ mạng của mình trong cuộc sống thường ngày nếu tôi cậy dựa vào ơn Chúa và nhờ vào ơn Chúa như các Tông đồ ngày xưa.

Chúa Giêsu tôn trọng, quí mến và mời gọi các Tông đồ cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ. Chúa Giêsu là một tấm gương cho tôi về thái độ đối với tha nhân, đó là thái độ cảm thông, tin tưởng, yêu thương và chia sẻ.

Lạy Chúa, xin ban cho con ơn Chúa và xin cho con luôn sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Chúa với đời sống dấn thân hy sinh và phục vụ, để đời sống của con là chứng nhân cho Tin mừng của Chúa trong cuộc sống thường ngày. Amen.

Suy niệm 2: ƠN GỌI: HỒNG ÂN VÀ SỨ MẠNG

Đức Giêsu gọi những kẻ Người muốn, để các ông ở với Người. (Mc 3,13)

Suy niệm: Ta thường tìm cách giải thích vì sao người này người kia có ơn gọi này hay ơn gọi nọ; nhưng ta không bao giờ lý giải được rốt ráo, vì tiên vàn đó là một hồng ân. Chúa gọi những ai Chúa muốn. Ơn gọi là một ân huệ vì đó là quà tặng của Thiên Chúa do ý định nhiệm mầu của Ngài chứ không phải do chúng ta có quyền đòi hỏi. Ơn gọi luôn gắn liền với sứ mạng: Chúa gọi các môn đệ để sai họ đi rao giảng. Điều này dễ nhận ra vì sứ mạng rao giảng có thể thấy được qua những hoạt động bên ngoài. Nhưng cũng đừng quên rằng nhịp cầu nối liền ơn gọi với sứ mạng chính là ở lại với Đức Ki-tô bằng đời sống cầu nguyện kết hiệp. Được ơn Chúa kêu gọi thì phải đến ở với Chúa Giê-su thì mới được Ngài sai đi.

Mời Bạn: Ý thức rằng qua bí tích Rửa Tội mọi người đều được kêu gọi và được sai đi, chứ không riêng gì những người được ơn gọi chuyên biệt trong Giáo Hội. Và không chỉ những tu sĩ chiêm niệm mà mọi Ki-tô hữu đều phải có đời sống cầu nguyện để nuôi dưỡng và thống nhất các hoạt động tông đồ của mình. Có những ơn gọi có vẻ như gãy đổ hay mất ‘chất’, ta sẽ không oán trách gièm pha, nhưng tìm cách giúp đỡ trong khả năng mình (nhất là bằng cầu nguyện) để người anh chị em ấy tìm lại được “tình yêu thuở ban đầu” (cf. Kh 2,4).

Chia sẻ: Kinh nghiệm của bạn về mối tương tác chặt chẽ giữa cầu nguyện và hoạt động.

Sống Lời Chúa: Sống tâm tình tạ ơn vì mình đã được gọi, và tổ chức lại đời sống, nếu cần, để tạo đựơc sự hài hoà giữa cầu nguyện và hoạt động tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa vì ơn gọi Chúa dành cho con.

Suy niệm 3: Ở với Ngài và được Ngài sai đi

Chúng ta được mời gọi để nên môn đệ, nhưng không phải mọi môn đệ đều được kêu gọi làm tông đồ. Từ trên núi (nơi mà Thánh Kinh thường nói đến như bối cảnh của những mạc khải của Thiên Chúa) Đức Giêsu tuyển chọn Mười hai môn đệ để làm tông đồ. Không cần phải tìm xem thánh Mátcô ám chỉ núi nào. Núi là nơi xảy ra mạc khải của Thiên Chúa, còn biển như trong đoạn (Mc 4,35-39; 5,46-52) là nơi thử thách và nghịch cảnh.

Từ Tông Đồ có nghĩa là người được Đức Giêsu sai đi, mặc lấy quyền năng của Ngài. Các Tông đồ có trách nhiệm củng cố giáo hội, nhân danh Đức Giêsu Kitô. Ngài chọn Mười Hai vị để họ ở với Ngài, để họ rao giảng tin mừng như Ngài và để họ xua trừ ma quỷ. Con số mười hai tượng trưng cho mười hai chi tộc Israel. Chính họ sẽ nâng đỡ dân Thiên Chúa mà Đức Giêsu quy tụ.

Giáo hội tông truyền bởi lẽ được củng cố nhờ các tông đồ. Tất cả các chi thể đều hiệp thông vào việc tông đồ, là ánh sáng và hy vọng cho mọi người, như men giữa lòng thế giới. Người tông đồ và người môn đệ có cùng một mục đích, cho dù tác vụ có khác nhau. Họ làm cho Nước Thiên Chúa được lan rộng khắp nơi qua muôn thế hệ.

Sứ vụ của Đức Giêsu vẫn được tiếp nối và hiển nhiên cho mọi người nhờ qua các người được sai đi. Những người này được chọn giữa dân chúng, với tất cả những đức tính tốt lẫn những khiếm khuyết. Sẽ sai lầm khi lý tưởng hóa họ: họ không phải là một nhóm người hoàn hảo. Kitô giáo không phải là một ý thức hệ: nhưng là cộng đoàn thực sự những người theo Đức Giêsu, liên kết với nhau và dấn thân vì Ngài. Và chính vì sự dấn thân vì Đức Giêsu này mà họ bị thúc đẩy để đến với mọi người cho đến tận cùng thế giới: ‘Tình yêu của Đức Kitô thúc bách chúng tôi’ (2 Cor, 5,14). Đến với mọi người và ở lại với Đức Giêsu xem chừng ra là hai điều mâu thuẫn nhau. Nhưng thực tế, Đức Kitô cùng đồng hành với các kitô hữu: ‘Họ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với họ và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời họ rao giảng’ (Mc 16,20). Sứ vụ của chúng ta phát sinh từ việc ở lại trong Đức Kitô, và đó cũng chính là quan tâm hàng đầu của chúng ta là lưu lại trong Ngài như cành nho với thân nho (x. Ga 15,1).

Thư do thái hôm nay trích dẫn bản văn hay của Giêrêmia về ‘giao ước mới’, một cách thức diễn tả chỉ tìm thấy nơi các đoạn này, trong bộ kinh thánh cựu ước, và báo trước một thay đổi lớn lao: ‘Giao ước đó sẽ không như giao ước Ta đã thiết lập với cha ông của chúng’. Giao ước thứ nhất là một giao ước bên ngoài. Thiên Chúa đã ban lề luật và điều kiện giao ước là việc trung thành tuân giữ. Nhưng vì ở bên ngoài, nên lề luật trở thành vật cản cho nhiều người, bởi vì theo lẽ tự nhiên khi con người bị áp đặt một lề luật, thường có phản ứng chống lại: là một cái ách mà chúng ta phải mang. Người do thái kính trọng lề luật, nhưng ít người tuân giữ thực sự; thậm chí ngôn sứ Giêrêmia quy chiếu về lời hứa của Thiên Chúa trong một thời gian, do những vi phạm lề luật nặng nề, Thiên Chúa đã phạt dân Ngài: đền thờ bị phá hủy, dân chúng bị lưu đày.

Nhưng Thiên Chúa tái lập những điều mới, đẹp hơn những điều cũ. ‘Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta’. Nghĩa là con người thuận theo ý Chúa, yêu thích thánh ý Ngài, ước muốn thực hành ý Chúa, có cùng một ước muốn như Thiên Chúa. ‘Không ai còn phải dạy đồng bào mình, không ai còn phải dạy anh em mình rằng: Hãy học cho biết Đức Chúa! Vì hết thảy chúng từ người nhỏ đến người lớn sẽ biết Ta’: là một hiểu biết cá biệt, thâm sâu, không phải áp đặt do chỉ thị, nhưng được nói trong lòng. Là Giao ước mà Đức Giêsu thiết lập bằng việc hy sinh chính mình, chính ngài là lề luật trong đức ái phổ quát. Ta đọc trong mỗi Thánh Lễ: ‘Đây là chén máu Thầy,máu giao ước mới và vĩnh cửu’. Từ ‘vĩnh cửu’ không tìm thấy trong tin mừng nhưng trong các sấm ngôn và vì giao ước ấy là dứt khoát và hoàn hảo; giao ước nối kết chúng ta với Thiên Chúa và liên kết chúng ta với nhau. Đây là nền tảng và nguồn gốc của sự hiệp nhất.

Trong tin mừng hôm nay ta còn thấy một điều kiện khác của sự hiệp nhất: tuyển chọn Nhóm Mười Hai, cơ cấu diễn tả tính đa dạng trong sự hiệp nhất mà chúng ta phải liên kết để được kết hiệp với Thiên Chúa. Tất cả các chia rẽ trong Giáo hội đều do sự thiếu đức tin và thiếu liên kết với giáo quyền; nhưng nếu ta muốn sống thật sự trong hiệp nhất, ta cần phải có một tình thương đặc biệt đối với người trong Giáo hội được đặt lên để nắm quyền. Họ là những con người yếu hèn, bất toàn, nhưng được Đức Kitô thiết lập để duy trì sự hiệp nhất và  do đó ta phải đối xử với họ bằng sự yêu thương, thông cảm: Đức Kitô Giêsu ở với họ! Ta hãy cầu xin Chúa, cho ta và cho hết mọi người được ơn sống kết hiệp với Chúa, trong tình yêu Chúa, tuân giữ lề luật mà Ngài khắc ghi trong lòng và với lòng tin tuân phục quyền bính do Ngài thiết định, để tất cả chúng ta nên một thân thể duy nhất.

***

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !

Theo lẽ thường của mọi tình yêu, luôn đòi hỏi sự gần gũi, sự hiện diện thể lý. Diện đối diện với một nghiã cử cụ thể. Vì vậy, sự hiện diện của Chúa với chúng con qua Bí tích Thánh thể như nói lên tình yêu thương tuyệt vời mà Chúa đã dành cho chúng con .

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, năm xưa Chúa đã dùng tình yêu để xoa dịu nỗi bất hạnh của tha nhân. Xin cho chúng con biết hoạ lại tình yêu của Chúa cho anh em của mình.

– Xin ban cho chúng con trái tim của Chúa, để chúng con luôn nhạy cảm trước nhu cầu của tha nhân.

– Xin ban cho chúng con tấm lòng của Chúa để chúng con yêu thương phục vụ mọi người. Sống bao dung. Sống độ lượng. Sống vâng phục để ý Chúa được nên trọn. Lấy nhân nghiã làm nền tảng để cư xử tốt với mọi người. Chọn sống thanh bần mà hòa mình với tha nhân. Xem chữ tín như mối dây liên kết với đồng loại.

– Xin ban cho chúng con đôi tay của Chúa để chúng con xoa dịu những đau thương khốn cùng của anh em. Vực dậy những tâm hồn đang ngã qụy trước những thất bại, đắng cay. Xin cho đôi tay chúng con luôn rộng mở để thi ân cho kẻ cơ hàn.

– Xin ban cho chúng con đôi chân của Chúa để chúng con ra khỏi chính mình mà đến với tha nhân. Xin cho mỗi nhịp bước của chúng con luôn khắc ghi dấu ấn tình yêu của Chúa trong lòng mọi người. Xin giúp chúng con đừng bao giờ chùn bước trước gian nguy thử thách. Một lòng tín trung bước theo Chúa cho đến cùng.

Lạy Chúa, Chúa là tình yêu. Xin cho chúng con biết dùng tình yêu làm biểu tượng cho cuộc sống của mình. Xin cho chúng con biết sống và yêu như Chúa đã sống để yêu thương chúng con . Amen.

[Mục Lục]

THỨ BẢY TUẦN 2 TN: Th. Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, linh mục, tiến sĩ HT

Bài đọc I (Dt 9, 2-3, 11-14)

Anh em thân mến, nhà tạm được cất lên trong gian thứ nhất, có đặt chân nến, bàn, và bánh tiến. Gian này gọi là Cung Thánh. Sau tấm màn thứ hai thì đến gian gọi là Cực Thánh.

Còn Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế của mọi tốt lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê bò và tro bò cái mà người ta rảy trên kẻ ô uế, còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Đức Kitô, Đấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ càng tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống.

Tin Mừng (Mc 3, 20-21)

Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: “Người đã mất trí”.

Thánh Phanxicô Salê, Giám mục Tiến sĩ (1567-1622)

Người cha muốn Phanxicô làm luật sư để có thể thay thế vị trí thượng nghị sĩ tỉnh Savoy, Pháp quốc, vì thế Phanxicô được gởi tới để học luật. Sau khi nhận bằng tiến sĩ luật, ngài trở về nhà trình bày với cha mẹ về ước muốn làm linh mục. Cha ngài không đồng ý. Sau khi ngài nỗ lực và khôn ngoan thuyết phục, cha ngài đã đồng ý.

Phanxicô thụ phong linh mục và được bầu làm Tổng đại diện GP Geneva, rồi ngài chuyên đối phó với giáo phái Calvin. Phanxicô bắt đầu cảm hóa họ, đặc biệt ở quận Chablais. Bằng việc rao giảng và phân phát những tờ rơi mà ngài viết để giải thích về giáo lý Công giáo đích thực, ngài đã thành công đáng kể.

Lúc 35 tuổi, ngài dược bổ nhiệm Giám mục GP Geneva. Trong khi điều hành giáo phận, ngài tiếp tục rao giảng, giải tội và dạy giáo lý cho trẻ em. Tính cách hiền dịu của ngài là “bí quyết” để ngài chiếm được các linh hồn. Ngài thực hành châm ngôn do ngài đặt ra: “Một muỗng mật ong thu hút nhiều ruồi hơn một thùng giấm” (A spoonful of honey attracts more flies than a barrelful of vinegar) – phần nào tương tự tục ngữ Việt Nam: “Mật ngọt chết ruồi”.

Ngoài hai cuốn sách nổi tiếng của ngài (The Introduction to the Devout Life và A Treatise on the Love of God – Giới thiệu Đời sống Thành kính và Luận thuyết về Tình yêu Thiên Chúa), ngài còn viết nhiều cuốn sách nhỏ (pamphlets) và nhiều lá thư. Sách ngài viết thể hiện tinh thần hiền hậu của ngài và được giới thiệu với người ngoại giáo. Ngài muốn làm cho họ hiểu rằng họ cũng được gọi để nên thánh. Ngài viết trong cuốn The Introduction to the Devout Life: “Đó là một sai lầm, hoặc là một dị giáo, khi nói lòng sùng đạo không tương thích với cuộc đời của binh sĩ, thương nhân, hoàng tử, hoặc phụ nữ có chồng,… Nhiều người đã gìn giữ sự hoàn hảo nơi sa mạc nhưng đã mất nó giữa thế gian”.

Mặc dù cuộc đời ngài tương đối ngắn ngủi và bận rộn, ngài đã dành thời gian cộng tác với Thánh Jane Frances de Chantal trong việc lập Dòng nữ Đức Mẹ Thăm Viếng (Sisters of the Visitation). Các nữ tu thực hành các nhân đức theo gương Đức Maria đi thăm thánh Êlizabet: khiêm nhường, sùng mộ và bác ái lẫn nhau. Họ bận rộn với việc thể hiện lòng nhân hậu đối với người nghèo và người bệnh. Ngày nay, một số cộng đoàn lo việc điều hành trường học, một số khác sống chiêm niệm nghiêm ngặt.

Suy niệm 1: TRỐN TRÁNH

Dân chúng ái mộ và đến với Chúa Giêsu, thì ngược lại, những người bà con thân thuộc của Ngài lại không tán thành và họ cản trở công việc của Ngài. Thậm chí họ cho rằng Ngài bị mất trí. Tại sao vậy?

Có lẽ vì họ sợ bị liên lụy? Khi rao giảng Chúa Giêsu phải vất vả hy sinh. Ngài còn bị chống đối. Ngài bị những người cầm quyền và những nhà chức trách lúc bấy giờ nghi ngờ và loại trừ. Vì lẽ đó mà những người bà con họ hàng của Ngài sợ gặp những rắc rối liên lụy đến bản thân họ.

Có lẽ vì Chúa quá yêu thương con người và những việc Ngài làm ngoài sức tưởng tượng của họ. Họ thấy bị mất nhiều hơn được. Họ thấy có hại nhiều hơn được lợi nên họ đã tránh né sự thật.

Trong đời sống đạo hay trong ơn gọi của mình, nhiều lúc tôi cũng có những suy nghĩ và thái độ giống như những người bà con và họ hàng của Chúa Giêsu. Tôi cũng tính toán hơn thua. Tôi cũng so đo hẹp hòi vì không muốn mất mát hy sinh. Tôi cũng trốn tránh hay thoái thác những công việc hay những bổn phận mà lẽ ra tôi phải làm trong cuộc sống thường ngày.

Lạy Chúa, xin ban cho con ơn Chúa để mỗi ngày con chu toàn bổn phận của mình, nhất là dấn thân trong việc loan báo tin mừng cho dù phải gặp nhiều thử thách và cản trở. Amen.

Suy niệm 2: CHÚA BẬN RỘN

Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, do đó Người và các môn đệ không sao ăn uống được. (Mc 3,20)

Suy niệm: Bài Tin Mừng hôm nay chỉ gồm bốn dòng, đúng hai câu, nhưng rất hàm súc thông tin. Một đạo diễn lành nghề có thể dựng nên các cảnh phim sống động, trong đó nhân vật chính là chính Đức Giê-su với đầy những nét khắc họa sự bận rộn của Ngài: nào là rao giảng cho dân, nào là chữa lành bệnh nhân, xua đuổi thần ô uế (x. Mc 3,1-12); bận rộn với việc tuyển chọn các tông đồ để hỗ trợ Ngài trong sứ vụ (cc. 13-19); vẫn không hết bận rộn vì đám đông vẫn bám riết lấy Ngài khiến Ngài và các môn đệ thậm chí không có giờ để ăn uống! Có lẽ vì thế mà thân nhân Ngài cho rằng Ngài mất trí!

Mời Bạn: Điều gì đã thôi thúc Chúa Giê-su tất bật như thế nếu không phải là vì Ngài “chạnh lòng thương” như các tác giả Tin Mừng vẫn thường ghi nhận? Chúa bận rộn, không phải để tìm kiếm tiền bạc, danh vọng hay quyền lực… hay điều gì cho Ngài; Ngài bận rộn chỉ vì yêu thương và để cứu độ cách riêng những người bé mọn khốn cùng. Trong sự bận rộn ấy của Chúa Giê-su, chúng ta thấy nguyên mẫu của điều mà ngày nay chúng ta gọi là đức ái mục tử.

Mời Bạn chiêm ngắm Chúa để biết chạnh lòng trước tấm lòng của Chúa. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta quá đỗi. Làm sao ta có thể ghẻ lạnh với Ngài? Chiêm ngắm Chúa, ta sẽ học với Chúa cung cách yêu thương và phục vụ, đến mức chấp nhận bị quấy rầy, bị xáo trộn trong đời sống riêng tư, chấp nhận quên mình.

Sống Lời Chúa: Vui vẻ đón nhận hy sinh và sẵn sàng phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin giúp con luôn sẵn sàng phục vụ anh chị em con.

Suy niệm 3: Không hiểu người khác

Việc hiểu lầm người khác thường ẩn giấu bên trong một sự vu khống. Đức Giêsu, dù không muốn điều đó, nhưng thực tế vẫn bị người do thái chống đối, vì hiểu lầm. Ngay cả những người thân trong gia đình của Ngài cũng bối rối vì nghe người ta nói là Ngài mất trí. Họ muốn bảo vệ Ngài.

Những ai không chấp nhận sứ điệp của Đức Giêsu thì họ chỉ có một việc để làm là vu khống. Những ai quay lưng lại với sự thật thì ở trong gian dối và không hiểu rằng Đấng Messia đến là để mạc khải sự thật. Tệ hại hơn nữa, họ không hiểu rằng sự mới mẽ của kitô giáo chính là sự kiện Đức Giêsu Kitô, chính bản thân Ngài là Lời-Chân Lý, mạc khải của Chúa Cha, ánh sáng của Thánh Thần.

Số phận của Đức Giêsu cũng chính là số phận của những người theo Ngài. Chúng ta gặp những chứng từ ấy nơi cuộc đời các thánh. Những người đương thời của họ cũng thường xem họ là những người mất trí. Nhiều người đã bị hành hình, và giáo hội đã tôn vinh họ là thánh tử đạo, họ là những chứng nhân niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Người gắn bó với Đức Giêsu Kitô nên biết rằng họ sẽ uống cùng một chén với Ngài.

Sự điên rồ của Ngài là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1 Cor 1,22-25). Việc ở với Đức Giêsu đòi hỏi một sự thay đổi từ tư tưởng con người thành tư tưởng của Thiên Chúa. Không có sự đổi thay tận căn này của tâm trí, người ta vẫn ở bên ngoài gia đình của Ngài cho dù họ muốn điều tốt cho Ngài đi chăng nữa. Không có sự đổi thay tận căn này, người ta không yêu mến Ngài, mà chỉ yêu mình và những dự tính của riêng mình. Đó không phải là tình yêu mà là ích kỷ, muốn đồng hóa Ngài với mình, trong khi cần phải làm chiều ngược lại, đồng hóa mình với Ngài. Ngay cả trong lời cầu nguyện cũng thế, luôn có cơn cám dỗ cầu xin Thiên Chúa làm theo ý mình mà không để mình làm theo ý Thiên Chúa.

***

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Lời Chúa là ngọn đèn soi bước chúng con đi. Lời Chúa là lẽ sống, là con đường dẫn chúng con tới hạnh phúc miên trường. Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực thi lời Chúa, biết sống tin mừng giữa lòng thế giới hôm nay.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã yêu thương chúng con vô bờ. Năm xưa, Chúa đã quy tụ chung quanh Chúa những người lắng nghe và thực thi lời Chúa thành một gia đình đức tin. Chúa chọn họ nên bạn nghĩa thiết của Chúa. Chúa coi trọng tình thiêng liêng hơn cả tình ruột thịt. Chúa vẫn từng nói chỉ những ai biết lắng nghe Lời Chúa mới là cha, là mẹ và là anh em với Chúa. Xin cho chúng con biết giữ tình nghĩa với Chúa trong sự lắng nghe và thực hành lời Chúa. Xin giúp chúng con đừng giữ đạo hình thức nhưng giữ đạo bằng cả cuộc sống mến Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình.

Lạy Chúa, Chúa có Lời ban sự sống đời đời. Xin ban cho chúng con lời hằng sống để chúng con tuân giữ và thi hành suốt cuộc đời. Amen.