Chúa là sức mạnh của dân Chúa,
là thành trì cứu độ
cho Đấng Người đã xức dầu tấn phong.
Lạy Chúa, xin cứu độ dân Ngài,
trên gia nghiệp này, giáng muôn phúc cả
dẫn dắt nâng niu đến muôn đời.
Đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành.
Bài trích sách Gióp.
1 Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp như sau :
8Cửa đại dương, ai ra tay khép lại
khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu,
9khi Ta giăng mây làm áo nó mặc,
phủ sương mù làm tã che thân ?
10Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn,
lại đặt vào nơi cửa đóng then cài ;
11rồi Ta phán : “Ngươi chỉ tới đây thôi,
chứ không được tiến xa hơn nữa,
đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành !”
Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
23Có những người vượt biển ngược xuôi nghề thương mãi,
giữa trùng dương lèo lái con tàu,24mắt đã tường việc Chúa làm nên
và kỳ công Người thực hiện giữa dòng nước lũ.
Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
25Chúa truyền lệnh khiến bùng lên bão táp,
lớp sóng xô cuồn cuộn dập dồn.26Họ nhô lên tận trời, nhào xuống vực sâu,
lúc nguy hiểm, hồn xiêu phách lạc.
Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
28Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa,
Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân.29Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng,
sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng.
Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
30Họ vui sướng, vì trời yên bể lặng
và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ.31Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa,
và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần.
Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Cái mới đã có đây rồi.
Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
14 Thưa anh em, tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng : nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. 15 Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.
16 Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Ki-tô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa. 17 Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Ha-lê-lui-a.
Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
35 Khi ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Chúng ta sang bờ bên kia đi !” 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền ; có những thuyền khác cùng theo Người. 37 Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói : “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao ?” 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển : “Im đi ! Câm đi !” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40 Rồi Người bảo các ông : “Sao nhát thế ? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao ?” 41 Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau : “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”
Lạy Chúa,
muôn loài ngước mắt trông lên Chúa
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.
Suy niệm:
Các môn đệ gặp trận cuồng phong khi vượt biển.
Họ kinh hoàng vì thấy mình sắp bị nuốt chửng.
Bất lực trước cơn cuồng nộ của sóng gió,
họ đã đánh thức Ðức Giêsu, xin Ngài giúp đỡ.
Cuộc đời nào tránh được mọi cơn giông tố?
Ai trong chúng ta cũng thích biển lặng sóng yên,
nhưng giông tố lại giúp ta nhận ra mình:
yếu đuối, chao đảo, mong manh, bất lực,
không đủ khả năng đương đầu với bao thách đố.
Giông tố đưa ta đến với Ðức Giêsu,
và phó thác cho sự trợ giúp của Ngài.
“Chúng con chết mất!”
Cái chết thể lý và cái chết tinh thần,
Cái chết của bản thân và của tập thể mình gắn bó.
Cái chết của những công trình mình xây dựng.
Chúa là sự sống,
sao Chúa lặng yên để chúng con chịu chết?
Sao Chúa để sự dữ tung hoành trên thế giới?
“Mà Thầy không lo sao?”
Một lời trách móc?
Nhiều khi chúng ta cũng trách Chúa như vậy.
Có vẻ Chúa quá vô tư, lãnh đạm, hững hờ.
Chúa yên ngủ khi đời ta gặp cơn giông tố.
Ðức Giêsu đã thức dậy, ra lệnh cho gió và biển:
“Câm đi! Im đi!”
Gió ngừng ngay và biển lặng xuống.
Sự lặng đi của biển đưa đến sự trầm lặng của lòng.
Nỗi kinh hoàng tan biến, nỗi sợ chết cũng bay xa.
Nhưng chúng ta không đòi phép lạ biển lặng trong đời.
Ðiều quý hơn, đó là lòng ta được lặng.
Lòng lặng không phải vì biển lặng,
mà lặng ngay giữa lúc biển động.
Ðó là một phép lạ lớn hơn nhiều,
và đó cũng là thái độ Chúa muốn ta phải có.
Tại sao các anh lại kinh sợ?
Sóng gió làm gì được các anh
khi Thầy đang cùng các anh ở chung một con thuyền?
Ðức Giêsu đòi các môn đệ không được khiếp sợ.
Thầy đã làm bao phép lạ trước mắt các anh,
vậy mà các anh vẫn chưa có lòng tin ư?
Nếu có lòng tin thì đâu có cuống cuồng như vậy.
Ðức tin chỉ lộ ra khi biển động.
Và có thể nói, biển động giúp hình thành đức tin.
Ðức tin lớn lên ít nhiều sau mỗi lần biển động.
Thuyền đời Kitô hữu chẳng bao giờ êm ả.
Nó chỉ êm ả khi về tới bến.
Nhưng lòng ta lại phải giữ cho bình yên,
ngay cả khi Ngài không thức dậy,
dù ta đã gọi Ngài nhiều lần giữa tiếng sóng gào thét.
Ta tin rằng Ngài sẽ cứu ta theo cách của Ngài.
Cầu nguyện:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.