Suy Niệm Lời Chúa tuần 5A Thường niên Năm A

Chúa Nhật 5 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 5, 13-16)
MUỐI ĐỜI

Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: Các con là muối đất và là ánh sáng thế gian. Muối và ánh sáng là hai hình ảnh sống động và thực tế trong cuộc sống.

Ngày xưa, muối là món rất qúi được dùng để trả lương cho người làm công hay lương cho người lính tại Rôma. Chữ salary (tiền lương) bởi chữ salt (muối). Ánh sáng giúp chúng ta nhìn biết môi trường sống chung quanh. Chúa Giêsu só sánh đời sống của các môn đệ như là ánh sáng. Ánh sáng cần được đặt trên giá đề soi sáng cho mọi người. Ánh sáng soi đường và đẩy lui đêm tối.

Trước khi có tủ lạnh, người ta dùng muối để ướp thức ăn cho khỏi hư thối. Muối có vị mặn giúp ta pha chế vào thức ăn cho ngon miệng. Muối cũng giúp cho cơ thể tránh bị phù thũng. Muối tự nó không giúp ích, nhưng cần được pha chế, hòa tan và ngấm dần trong các chất khác. Muối sẽ có giá trị lớn lao.

Chúa Giêsu nói rằng nếu muối mất vị mặn, muối đó không còn được sử dụng vào việc chi nữa. Các con là muối đất nghĩa là các con như chất xúc tác được trộn lẫn, hòa nhập vào trong hoàn cảnh của cuộc sống và môi trường chung quanh để ướp mặn đời. Muối sẽ đem lại ý nghĩa cho cuộc đời của người tông đồ. Hiện diện nơi trần gian, chúng ta có bổn phận ướp gian trần khỏi hư thối.

Hình ảnh cuộc đời người Kitô Hữu mang danh hiệu là muối đất. Muối của người Kitô hữu sống giữa một xã hội đang bị tha hóa bởi nhũng tệ đoan. Muối đất cần vị mặn nhiệt thành để thanh tẩy và đem lại cho xã hội cuộc sống thêm đậm đà hương vị thánh. Một lời nói, một hành động, một cử chỉ bác ái đó chính là vị mặn. Một chút muối đức tin, đức cậy và đức mến sẽ mang lại cho những người chung quanh niềm vui và hy vọng.

Là ánh sáng thế gian, chúng ta phải chiếu sáng trong tối tăm. Chúng ta hãy giới thiệu Chúa cho người xung quanh qua cách sống đạo của chúng ta. Trước hết những người gần gũi trong gia đình thân thuộc, rồi hướng tới những người chung quanh. Xin Chúa cho chúng ta luôn là muối mặn và là ánh sáng hiện diện trong đời để làm tăng thêm ý nghĩa và giá trị cho cuộc đời.

TUẦN 5 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI

Mc. 6: 53-56

Chúa Giêsu và các môn đệ đến miền đất Giênêsarét. Người ta nghe tin và nhận ra Chúa Giêsu. Người ta khiêng tất cả các bệnh nhân đến xin Chúa chữa. Nhiều người chỉ mong được chạm đến tua áo của Ngài và ai chạm tới đều được khỏi. Đây đúng là năm hồng ân và ân sủng. Thiên Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người.

Chúa đã cất bớt những khổ đau của họ. Nhưng điều quan trọng hơn trong sứ mệnh, đó là Chúa đến để loan truyền ơn cứu độ không chỉ trong thời điểm này mà là kéo dài đến tận cùng. Chúa không hiện diện mãi ở đó để thi ân và chữa bệnh. Con người với thân xác mỏng dòn còn phải đối diện với các khiếm khuyết của cuộc sống. Muôn ngàn thứ bệnh vẫn cứ tiếp nối đời này qua đời kia. Sinh, lão, bệnh và tử là con đường mà mọi người phải đi qua.

Chúa chữa các bệnh tật là biểu tỏ lòng thương xót của Chúa. Chúa chia xẻ những khổ đau với các bệnh nhân và Chúa dẫn họ qua sự khổ đau để đạt tới vinh quang sự sống. Chúa chỉ dạy cách thế dùng đau khổ để khắc phục và rèn luyện tinh thần. Qua đau khổ, con người sẽ học biết được những giá trị của sự phấn đấu và thành công.

Đau khổ tự nó là điều bất hạnh nhưng đau khổ được liên kết với thập giá của Chúa Kitô, đau khổ sẽ trở thành niềm vui.

THỨ BA
Mc. 7: 1-13

Tiên tri Isaia đã cảnh cáo dân Chúa trong cách sống đạo của họ: Dân này tôn kính Thiên Chúa ngoài môi miệng, còn lòng chúng thì xa Chúa. Lời của tiên tri Isaia được Chúa Giêsu nhắc lại cho dân chúng đến nghe Chúa. Các người biệt phái và luật sĩ vẫn cứ lẽo đẽo theo Chúa và các môn đệ để bắt bẻ những vi phạm hình thức và tập tục của lề luật. Chúa Giêsu nói với họ rằng: Các ngươi đã khéo bỏ các giới răn Thiên Chúa, mà nắm giữ tập tục loài người.

Họ bỏ những điều quan trọng trong lề luật để thi hành những chi tiết họ đặt ra. Cốt lõi của lề luật là giúp con người biết cách yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa cùng yêu thương tha nhân. Họ quá trọng hình thức và những cách thế bày tỏ bên ngoài như đeo nhiều tua Kinh Thánh, giang tay cầu nguyện nơi phố chợ, khoe khoang công đức hay ủ rủ khi chay tịnh. Họ làm thế cố ý để người khác thấy mà khen.

Chúa Giêsu thấu tỏ lòng họ. Chúa cũng thấu tỏ lòng mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng thường rơi vào các yếu điểm như những người Do Thái. Chúng ta cũng thích đọc kinh dài dòng, tỏ vẻ đạo đức, làm việc bác ái cũng cần được nêu tên, hoặc ghi bảng vàng. Chúng ta thờ Chúa vì bổn phận phải chu toàn. Chúng ta thích chọn những cách giữ đạo nhẹ nhàng, thoải mái và tiện nghi. Đôi khi chúng ta giữ các giới răn của Chúa là để khỏi bị kết án luận phạt. Lạy Chúa, Chúa muốn tấm lòng của chúng con chứ không phải chỉ là môi miệng.

THỨ TƯ
Mc. 7: 14-23

Chúa Giêsu họp lại đám đông và nói với họ: Không có gì từ bên ngoài vào trong con người có thể làm cho họ ra ô uế; nhưng chính cái từ con người xuất ra, mới là cái làm cho họ ra ô uế. Chúa Giêsu nói một cách cụ thể theo quan sát bình thường. Chúa nói về của ăn nuôi sống con người. Của ăn có nhiều loại như cơm bánh, thịt cá, rau rợ…những của ăn đó vào trong bụng nuôi dưỡng thân xác rồi xuất ra ngoài.

Những thứ ở trong con người mà ra, mới làm con người ra ô uế như những tư tưởng xấu, dâm ô, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá và kiêu ngạo. Tất cả những điều xấu phát xuất từ tư tưởng làm cho người ta ra ô uế. Tư tưởng hướng dẫn hành động, chúng ta phải có tư tưởng trước rồi mới hành động.

Khi chúng ta đọc kinh cáo mình, chúng ta xưng thú rằng: Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu xót. Lòng đầy thì mới trào ra bên ngoài. Khi chúng ta nhiễm đầy ắp những tư tưởng xấu trong lòng thì dễ bị bộc lộ ra ngoài qua cách cư xử của chúng ta.

Ngày nay chúng ta chú ý nhiều đến vẻ sạch sẽ bên ngoài như cách trưng diện, đầu tóc, quần áo, bôi son đánh phấn nhưng lại thường quên mất sự sạch sẽ bên trong tâm hồn. Nhớ rằng trước khi bước ra khỏi nhà, chúng ta soi gương khuôn mặt bên ngoài, chúng ta cũng nhớ hình ảnh tâm hồn thanh sạch bên trong.

THỨ NĂM
Mc.7: 24-30

Một người đàn bà Hy Lạp đến xin Chúa trừ qủy cho cô con gái bị thần ô uế ám. Chúa đã thử thách đức tin của bà. Chúa dùng lời hơi nặng: Hãy để con cái ăn no trước đã; vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó. Bà ấy đáp lại: Thưa Thầy, ngay cả chó con dưới bàn cũng được ăn những mụn bánh của con cái. Có nhiều giải thích câu nói cho nhẹ nhàng và dễ nghe. Nghe qua sự đối đáp giữa Chúa Giêsu và người đàn bà Hy Lạp, chúng ta thấy bà có sự hiểu biết và thông cảm. Bà trả lời rất hay và rất khiêm tốn. Chúa đã chữa cho con gái của bà.

Bà nghe biết về Chúa và bà đặt niềm tin nơi Chúa. Bà không bị thất vọng. Biết rằng tất cả những ơn Chúa ban đều do lòng từ bi của Chúa. Không ai có quyền đòi hỏi ngay cả con cái trong nhà. Chúa ban ơn huệ cho con người vì Chúa yêu thương. Nhiều khi chúng ta cảm thấy ghen tị vì những người gian dối, tội lỗi hoặc những ngoại đạo được nhiều may mắn và lãnh nhận nhiều ơn lành hơn chúng ta.

Chúng ta không có quyền đòi hỏi gì nơi Thiên Chúa. Chúng ta chỉ là thụ tạo hư vô. Chúng ta chẳng có công cán gì trước mặt Chúa mà chỉ là một đầy tớ vô dụng. Chúng ta biết Chúa yêu thương chúng ta. Chúng ta cứ kiên trì tin tưởng, Chúa sẽ ban ân huệ cho chúng ta. Có khi chúng ta xin hoài mà không được, chúng ta buồn bã kêu trách Chúa. Nhưng nhìn lại lòng mình, Chúa đã ban cho chúng ta nhiều hơn cái chúng ta xin.

THỨ SÁU
Mc. 7: 31-37

Thánh Marcô dẫn chúng ta đi theo Chúa ra khỏi địa hạt Tyrô, ngang qua Siđon, đến biển Galilêa và giữa miền thập tỉnh. Người ta đem đến cho Chúa một người câm điếc và xin Chúa chữa. Một cách rất trìu mến, Chúa kéo anh ra khỏi đám đông, đặt tay vào tai, lấy nước miếng bôi vào lưỡi anh và nói:Hãy mở ra, Ephpheta. Tai anh mở và lưỡi anh nói.

Anh vui mừng ngợi khen Thiên Chúa. Chúng ta không biết anh bị câm và điếc khi nào, giờ đây anh nghe được và nói được. Không phải anh nghe và nói được như những người khác, anh phải bắt lại từ đầu. Anh phải học nghe và học nói như trẻ nhỏ nhưng anh rất vui được giao tiếp với thế giới con người. Chúng ta có tai thính và có lưỡi mềm, chúng ta nghe biết bao nhiêu điều và chúng ta nói biết bao nhiêu sự nhưng những điều chúng ta nghe và nói có đem lại niềm vui đích thực cho chúng ta hay không? Có khi nào chúng ta biết cảm tạ Chúa đã cho chúng ta có đôi tai biết lắng nghe và miệng lưỡi để truyền đạt những điều tốt lành không?

Hạnh phúc lớn lao của người được chữa lành bệnh câm điếc là được lắng nghe lời Chúa. Lời yêu thương đã cứu chữa anh. Những người chung quanh Chúa họ đầy lòng thán phục, họ nói: Ngài làm mọi sự tốt đẹp, Ngài làm cho kẻ điếc nghe được, người câm nói được. Đây chính là dấu chỉ của Đấng Được Xức Dầu mà tiên tri Isaia đã loan báo. Lạy Chúa, xin mở miệng lưỡi con để con ca ngợi tình thương của Chúa.

THỨ BẢY
Mc. 8: 1-10

Dân chúng đã có những cuộc hành hương dài ngày ở bên Chúa. Đã ba ngày họ ở lại với Thầy mà không có gì ăn. Chúa chạnh lòng thương xót họ, Chúa không muốn thấy họ nhịn đói trở về nhà. Chúng ta không thể tưởng tượng hoàn cảnh giảng dạy của Chúa Giêsu thời xưa. Theo Chúa có khoảng bốn ngàn người, con số thật đông. Không biết họ giải quyết thế nào về vấn đề vệ sinh, ăn uống và ngủ nghỉ. Chúa vẫn lo cho họ đầy đủ.

Ngày nay nếu chúng ta tổ chức một hội nghị vài trăm người thôi, chúng ta phải lo đủ mọi thứ tiện nghi. Đủ mọi thứ nhu cầu phải đáp ứng. Bốn ngàn người nghe Chúa, làm sao Chúa có thể thông tin. Giữa đồng hoang không có loa, không có điện, không có màn hình và không có phương tiện gì cả. Chúa đã quy tụ họ và chăm sóc nuôi dưỡng tinh thần cho họ.

Chúa hỏi các môn đệ: Các con có bao nhiêu bánh? Các ông thưa: Có bảy chiếc. Chúa truyền cho dân ngả mình xuống đất. Ngài cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát. Bánh từ tay Chúa được nhân lên muôn vàn. Bốn ngàn người ăn no còn dư được bảy thúng. Qua bàn tay thánh thiện, Chúa đã thi ân tràn trề cho con người được no thỏa.

Lạy Chúa, Chúa đã ban bánh cho dân chúng ăn uống thỏa thuê, xin Chúa tiếp tục gia ân cho chúng con.