SUY NIỆM VỀ THÁNH GIUSE TRONG THÁNH KINH

Nhân dịp tháng thánh Giuse, xin lần lượt giới thiệu với cộng đoàn cuốn “Suy Niệm Về Thánh Giuse Trong Thánh Kinh”, do nhóm các linh mục dòng Đaminh biên soạn năm 1996. Tài liệu do linh mục chủ biên Giuse Nguyễn Trọng Viễn op cung cấp.

SUY NIỆM VỀ THÁNH GIUSE TRONG THÁNH KINH.

31 bài suy niệm tháng thánh Giuse

Bài 01 : Người Được Chọn
Bài 02 : Cuộc Hôn Nhân Với Đức Trinh Nữ Maria
Bài 03 : Hoa Trái Của Thánh Thần
Bài 04 : Người Công ChínhNgười Công Chính
Bài 05 : Truyền Tin Cho Giuse

Bài 06 : Người Thực Hiện Lời Hứa Của Thiên Chúa
Bài 07Tình Yêu Thanh Khiết
Bài 08 : Sự Cao Cả Của Thiên Chúa Trong Đời Thường
Bài 09 : Sứ Mệnh Cao Cả : Cha nuôi Đấng Cứu Thế
Bài 10 : Can Đảm Và Sẵn Sàng Tuân Phục

Bài 11 : Thiên Chúa Hiện Diện Giữa Lòng Cuộc sống
Bài 12 : Quyết Tâm Bảo Vệ Chúa
Bài 13 : Trở Về Đất Hứa
Bài 14 : Chu Toàn Giới Luật Của Chúa
Bài 15 : Cha Của Đức Giêsu

Bài 16 : Để Thiên Chúa Lớn Lên Trong Mình
Bài 17 : Mẫu Gương Người Gia Trưởng
Bài 18 : Phụng Thờ Một Mình Thiên Chúa
Bài 19 : Tìm Chúa Mãi Mãi
Bài 20 : Sự Kỳ Diệu Của Chúa Trong Cuộc Đời

Bài 21 : Đức Tin Trong Tăm Tối
Bài 22 : Gia đình Thánh Gia
Bài 23 : Người chiêm niệm trong thầm lặng
Bài 24 : Lao động góp phần dựng xây Nước Chúa
Bài 25 : Sống nghèo nhưng giầu tinh thương mến

Bài 26 : Người Quản Lý Các Mầu Nhiệm
Bài 27 : Giuse Người Phục Vụ
Bài 28 : Đưa Chúa vào xã hội nhân loại
Bài 29 : Đức tin sống động trong đời thường
Bài 30 : Thánh Giuse Qua Đời
Bài 31 : Đấng Bảo Trợ Hội Thánh

Chân Lý 1996

Biên tập : Lm Giuse Nguyễn Trọng Viễn op
                 Lm Giuse Nguyễn Cao Luật op
                 Lm Giuse Nguyễn Tất Trung op
                 Lm Laurensô Bùi Công Huy op

Lời Ngỏ

Thánh Giuse là một con người cao cả trong một dáng vẻ hết sức đời thường; người đảm nhận và chu toàn một trọng trách trong lịch sử cứu độ bằng một cuộc đời như bao cuộc đời khác của những người chồng và người cha.

Không có một phép lạ nào lúc sinh thời, không có một lời khôn ngoan minh triết nào trong cuộc sống, không có một hành vi anh hùng vĩ đại nào trước mặt người đời. Cuộc đời của Giuse cũng giống như cuộc đời của bao người trong cuộc sống đời thường xung quanh ta. Nhưng cuộc đời đó lại ở sát ngay bên Mầu Nhiệm Cao Cả là Đức Giêsu Kitô; một cuộc đời, nói như Đức Gioan Phaolo II trong tông thư “Người gìn giữ Đấng Cứu Thế”, của “người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa”. Cuộc đời của thánh Giuse được ẩn khuất trong ánh sáng của Mặt Trời Công Chính.

Thiên Chúa đã nhập thể làm người, Ngài muốn trở nên hoàn toàn giống con người, ngoại trừ tội lỗi. Điều đó vừa là một sự kiện lịch sử; vừa là cả một chiều hướng của tình thương cứu độ. Thiên Chúa làm người để con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa ngay trong cuộc sống nhân trần. Thiên Chúa đã làm người; và từ đây, chính cuộc sống đời thường của con người có thể dung chứa được sự hiện diện của Thiên Chúa Cao Cả. Thánh Giuse đã sống ngay tại trung tâm của biến cố đó và đã thể hiện trọn vẹn chiều hướng đó. Không cần phải cố gắng phá vỡ qui luật của tự nhiên bằng một phép lạ nào cả, cuộc đời thánh Giuse vẫn làm cho sự hiện diện của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô, được tỏ lộ tròn đầy. Trong cuộc đời của ngài, ta luôn thấy sáng lên Thánh Ý Yêu Thương, Thánh Ý Cứu Độ, như ánh sáng dẫn dắt cuộc sống con người đến cùng của Thiên Chúa.

Ta cùng suy niệm về nẻo đường “lạ lùng một cách bình thường” này mà Thiên Chúa đã muốn tỏ bầy cho chúng ta qua khuôn mặt thánh Giuse.

WBC

Nguồn : http://gxdaminh.net/suy-niem-ve-thanh-giuse-trong-thanh-kinh/

Bài 01 : Người Được Chọn

“Ông Gia-Cóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria,
Bà là Mẹ Đức Giêsu” (Mt.1,16).

1. Người được Thiên Chúa tuyển chọn

Thiên Chúa đã kêu gọi Abraham và đã hứa ban cho ông một dòng dõi con cháu. Dòng dõi đó, trải qua suốt 18 thế kỷ với biết bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu sự bất trung của Dân cũng như với biết bao nhiêu “điềm thiêng dấu lạ” mà Thiên Chúa đã làm cho dân, đã được thánh Matthêu tóm lại trong một chuỗi gia phả từ A-bra-ham, qua Đa-vít, đến tới Giuse: “Ông Giacóp sinh ông Giuse, chồng bà Maria, bà là Mẹ Đức Giêsu”. Qua bản gia phả khô khan đó, chúng ta thấy được lịch sử của cả một dân tộc, cũng như lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại. Trong dòng lịch sử đó, Giuse được tuyển chọn như người ôm lấy tất cả niềm chờ mong của dân tộc, như người đứng nơi cửa ngõ của thế giới con người để chào đón hồng ân cứu độ nơi Đức Giêsu. Giuse chính là người, thay mặt nhân loại, đón chào Thiên Chúa để Ngài có thể thực hiện lời hứa ban một Đấng Cứu Tinh xuất thân từ dòng dõi Đa-vít.

Đó chẳng phải là một tước hiệu suông, hoặc chỉ là một niềm danh dự mà thôi, nhưng là một sự tuyển chọn của Thiên Chúa; sự tuyển chọn này vừa là hồng ân vừa là sứ mệnh. Như cả một dân Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng, Thánh Giuse cũng được chính Thiên Chúa tuyển chọn để làm cha Đấng Cứu Thế; như cả một dân tộc Israel được giao cho trách nhiệm gìn giữ niềm tin vào một Thiên Chúa, thì thánh Giuse cũng chỉ sống theo niềm tin vào sự hướng dẫn của một mình Thiên Chúa; như cả một dân tộc được Thiên Chúa uốn nắn, sửa dạy để thực sự là một dân trung tín, thì thánh Giuse cũng thực sự là đầy tớ tín trung hằng tận tâm coi sóc gia sản Thiên Chúa giao phó; như một dân tộc được Thiên Chúa ban lời hứa và hằng chờ mong Ngài thực hiện lời hứa Cứu Độ, thì nay Thiên Chúa cũng giao cho thánh Giuse quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa, chăm sóc Đức Giêsu, là Đấng hoàn thành Giao Ước Cứu Độ.

Sứ mệnh Thiên Chúa trao phó không phải là dễ dàng sung sướng gì; Thánh Giuse đã chu toàn trách vụ Chúa trao phó cách âm thầm, kín đáo và trọn vẹn. Xưa kia dân Israel, khi gặp những khó khăn, thử thách, thì kêu than oán trách, còn thánh Giuse, khi phải đảm nhận những công việc gian lao, lại chẳng một chút kêu than; xưa dân Israen bị cám dỗ của văn minh dân ngoại và nhiều lần rắp tâm muốn từ bỏ Thiên Chúa; còn Thánh Giuse lại luôn vâng nghe lời Thiên Chúa chỉ dạy qua các sứ thần, và đã hoàn thành trách nhiệm cho đến hơi thở cuối cùng.

2. Ơn Gọi Kitô hữu

Như Dân Israen xưa, cuộc sống của mỗi người kitô hữu cũng chính là một ơn gọi để sống giao ước cứu độ với Thiên Chúa; cuộc sống đó đã được Thiên Chúa đưa qua biển đỏ nhờ bí tích Thánh Tẩy và đưa vào hành trình của sa mạc cuộc đời. “Quân thù” vẫn theo đuổi, những cơn khát cũng vẫn dằn vặt, sự cô đơn sâu xa vẫn trở đi trở lại mãi, những cám dỗ của “củ hành củ tỏi nước Ai Cập” vẫn không ngừng mời gọi. Tuy nhiên, cũng như dân Israel xưa, 40 năm sa mạc cuộc đời đó cũng thực sự là thời kỳ trăng mật trong mối tình của chúng ta với Thiên Chúa. Ánh lửa và cột mây vẫn luôn theo sát cuộc đời chúng ta. Bánh Manna-Thánh Thể, nước mạch Lời Chúa vẫn luôn được ban cho chúng ta nhưng lúc đói lòng. Cuộc hành trình tiến về Đất Hứa thật là gian nan, nhưng cũng thực là hạnh phúc, nhiều cám dỗ nhưng cũng đầy hồng ân. Tất cả cuộc đời là một cuộc hành trình và là việc thi hành sứ mệnh Chúa trao cho chúng ta.

Như thánh Giuse đã được Thiên Chúa kêu gọi và đã đáp lại cách trọn vẹn, mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa kêu gọi để hoàn thành kế hoạch cứu độ của Người. Như thánh Giuse, Thiên Chúa cũng mong muốn chúng ta đáp lại lời mời gọi của Ngài như một người tôi tớ tận tâm, kiên trung, hết lòng tuân phục Thiên Chúa. Ngài ban cho chúng ta những nén vàng, Ngài muốn mỗi người hãy biết sử dụng nén vàng đó cách xứng đáng. Tất cả tài năng, hoàn cảnh, gia sản, những mối tình, những bạn bè, thân thuộc, họ hàng gia tộc, gia đình của mình, con cái… tất cả đều phải được hoàn thành nhờ thái độ người tôi tớ biết sử dụng gia sản Thiên Chúa ban, để góp phần vào công trình cứu độ của Ngài.

Làm sao có thể chu toàn sứ mệnh của Thiên Chúa nếu như ta vẫn còn than van về hoàn cảnh của mình ? Làm sao lắng nghe được ý định của Thiên Chúa nếu như ta vẫn còn thấy mình như “sinh lầm thế kỷ” ? Làm sao có thể trung tín với Thiên Chúa được nếu như ta chỉ yêu mến Chúa khi mà mọi sự xảy đến theo đúng ý mình; còn nếu không, ta lại chạy đến với những phương cách nhân loại khác, các ngẫu thần, các “con bò vàng” mà Thiên Chúa không thể nào chấp nhận được ?

Thiên Chúa kêu mời con người cùng cộng tác với Ngài để Ngài có thể ban Đức Giêsu cho nhân loại và hoàn thành chương trình cứu độ trong dòng lịch sử, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống con người.

Lời nguyện

Lạy Chúa,
Xin soi lòng mở trí để chúng con
nhận ra ơn gọi và sứ mệnh Chúa trao ban;
nhận ra cuộc đời chúng con là cuộc hành hương tiến về Đất Hứa;
nhận ra bao lần chúng con đã bất trung,
và nhận ra bao nhiêu hồng ân cao quí của Chúa.

Lạy Chúa,
Xin Chúa ban cho chúng con
một thái độ sẵn sàng như thánh Giuse
để Chúa có thể cho con được góp phần vào mầu nhiệm cứu độ;
và để chúng con trân trọng, gìn giữ ơn gọi Chúa thương ban.

Xin Chúa cũng ban cho chúng con
một tấm lòng trung kiên như thánh Giuse,
để chúng con luôn biết đón nhận Thánh Ý của Chúa trong cuộc đời,
để chúng con biết sống cuộc đời này
cách tươi vui, hạnh phúc, trong niềm tạ ơn sâu xa.

Bài 2 :
Cuộc Hôn Nhân Với Đức Trinh Nữ Maria

Bà Maria, Mẹ Người, đã kết hôn với ông Giuse
(Mt.1,18).


1. Cuộc Hôn Nhân mẫu mực

Cuộc hôn nhân giữa Đức Maria và thánh Giuse là một cuộc hôn nhân độc nhất trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, dù có khác lạ, cuộc hôn nhân đó vẫn có đầy đủ tất cả những yếu tố của một cuộc hôn nhân đích thực: tình yêu giữa hai người, giao ước hôn nhân đầy đủ theo luật và việc sinh sản con cái. Đó không phải là cuộc hôn nhân giả, không phải chỉ là bức bình phong bên ngoài để che mắt nhân loại. Vì thế, Kinh Thánh cũng như các Giáo Phụ đều đồng ý gọi thánh Giuse là chồng bà Maria, bà Maria là vợ của thánh Giuse, và hai người đã thực sự kết hôn với nhau (Xc Mt.1,16.18-24; Lc.1,27…). Sự việc hai người không ăn ở với nhau chẳng làm mất đi giá trị của cuộc hôn nhân này; ngược lại, sự việc đó lại là thái độ rộng mở để Thiên Chúa có thể can dự cuộc sống nhân loại; và sự can thiệp của Thiên Chúa lại trở thành mối giây thắt chặt thêm tình yêu giữa hai người và làm cho cuộc sống hôn nhân trở nên thật tốt đẹp. Hơn nữa, chính sự can thiệp của Thiên Chúa lại làm cho ý nghĩa tình yêu hôn nhân giữa hai người đạt đến ý nghĩa cao nhất của nó : sứ vụ của tình yêu hôn nhân là làm cho Chúa Giêsu được hiện diện và tăng triển trong cuộc sống nhân loại.

Để nêu lên chứng tá của một tình yêu hôn nhân tuyệt hảo, Thiên Chúa đã kêu gọi đức Maria cũng như thánh Giuse, những con người có thể đảm nhận được sứ mệnh đặc biệt Ngài giao phó, can đảm đi đến cùng ý nghĩa của hôn nhân. Cứ theo cái nhìn bình thường của nhân loại, cuộc hôn nhân của thánh Giuse và Mẹ Maria không dễ gì được êm đềm, xuôi xắn. Thánh Giuse đã có thể hoàn toàn xử trí như những người khác : hoặc tố cáo bà Maria, hoặc từ bỏ bà Maria, hoặc đòi hỏi bà Maria đáp ứng những nghĩa vụ vợ chồng bình thường. Nhưng thánh Giuse đã không làm như thế, ngài hết sức tôn trọng Đức Maria, ngài đã nhận thấy một huyền nhiệm nơi cuộc đời Đức Maria và đã hoàn toàn tự nguyện chấp nhận một cuộc sống hôn nhân như vậy để thánh ý Thiên Chúa được thực hiện.

Vì Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Đức Maria đã chấp nhận làm vợ và làm mẹ; cũng vì Chúa Giêsu, Thánh Giuse đã chấp nhận làm chồng và làm cha. Đối với Maria và thánh Giuse, chính Thiên Chúa đã nối kết nên tình yêu giữa hai người và làm nên ý nghĩa của cuộc hôn nhân. Ngược lại, qua cuộc hôn nhân đó, Chúa Giêsu đã sinh ra làm người, đã lớn lên trong tình yêu thương gia đình và được chuẩn bị để gia nhập vào xã hội loài người.

Như thế, Đức Maria và thánh Giuse đã rộng mở tâm hồn để Chúa Thánh Thần có thể tạo nên một đời sống gia đình; và sự hiện diện của Đức Kitô làm cho đời sống gia đình trở thành nơi Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ của Ngài; cuộc hôn nhân đó lại trở thành gương mẫu, vì đã đạt được trọn vẹn ý nghĩa siêu nhiên. Cuộc hôn nhân đó thực sự được Thiên Chúa làm chứng, được Thiên Chúa chúc lành, và thực sự thể hiện tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, đúng như quan niệm Kitô giáo về đời sống hôn nhân.

2. Tình yêu nhân loại

Con người được Thiên Chúa sáng tạo là để hưởng đời sống Thần linh của Ngài. Như thế, cuộc sống nhân loại, trong nhưng lo toan tính toán bao điều, vẫn không đủ và không thể giúp con người hoàn thành vận mệnh đời đời của mình. Các công trình của con người, dù lớn lao đến đâu; các thành quả của con người, dù hữu ích thế nào, cũng không thể đạt tới ý nghĩa đích thực của ơn gọi làm người. Tất cả cuộc sống con người đều chỉ thành đạt, khi được đưa vào trong đời sống thần linh của Thiên Chúa. Cũng vậy, mọi tình yêu nhân loại, tình bạn bè, tình cha mẹ hay tình yêu hôn nhân,… tất cả đều cần đạt tới tầm mức siêu nhiên, cần được chính Thiên Chúa ngự ở giữa, được Chúa là bảo chứng vững bền, và thể hiện được tình yêu của Thiên Chúa.

Cũng thế, hôn nhân, theo ý nghĩa Kitô giáo, không phải chỉ là sự cam kết giữa hai người, không phải chỉ là tình yêu giữa người nam với người nữ, nhưng đó là một sự cam kết được Thiên Chúa làm chứng và chúc lành, đó là cách thức thể hiện tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội.

Trong đời sống hôn nhân, người Kitô hữu thường coi bí tích hôn phối chỉ như là một sự ràng buộc bất cả phân ly, một kỷ luật phải chấp hành, một gánh nặng phải mang vác. Nhưng Thiên Chúa đâu có nối kết người nam và người nữ lại với nhau rồi bỏ đi “chơi”, để mặc hai người, bị cột vào nhau, tha hồ cấu xé, tha hồ dằn vặt, đấu đá nhau mà không thể cởi bỏ được. Không phải như thế. Bí tích hôn nhân chính là bảo chứng cho tình yêu vợ chồng, trong đó Thiên Chúa chúc lành cho tình yêu của hai người; Ngài vẫn luôn hiện diện trong đời sống gia đình để nâng tình yêu nhân loại lên mức độ tình yêu siêu nhiên, để làm chứng cho một tình yêu dứt khoát, trọn vẹn; và để hai người, qua tình yêu đó, đạt tới sự sống vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho.

Sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống hôn nhân không thể nào lại bị coi như một gánh nặng, như một kỷ luật khắt khe. Sự hiện diện đó không làm hao mòn tình yêu hôn nhân một chút nào cả, nhưng là để ban phúc lành cho nhân loại mà thôi. Tin vào bảo chứng của Chúa trong tình yêu hôn nhân, người Kitô hữu hiểu rằng : tất cả mọi sự trục trặc đều có thể giải quyết được, bất cứ một khó khăn nào cũng có thể vuợt qua được, bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng có thể giữ vững được tình yêu chung thủy với nhau được; miễn là mình biết trung tín với nền tảng siêu nhiên của bí tích hôn nhân.

Nhìn vào tấm gương của thánh Giuse, chúng ta có thể khám phá ra được một mẫu gương đời sống hôn nhân, để có thể vượt qua được mọi khó khăn và thể hiện được trọn vẹn ý nghĩa của tình yêu hôn nhân Kitô giáo.

Lời nguyện

Lạy Chúa,
Chúa biết rõ đời sống gia đình thật là khó khăn phức tạp;
và chính vì thế, Chúa đã lập Bí Tích Hôn Nhân
để nâng đỡ và chúc lành
cho những ai được kêu gọi sống đời sống hôn nhân.

Nhưng hình như nhiều người trong chúng con vẫn cảm thấy
khó khăn trong đời sống gia đình vượt quá sức chịu đựng;
những rắc rối trong gia đình mình không thể giải gỡ được;
nhưng đổ vỡ trong gia đình mình không thể hàn gắn được.
Nhiều người trong chúng con lựa chọn
thái độ chán nản, bực dọc,
và đôi khi còn muốn từ bỏ cuộc hôn nhân của mình.

Lạy Chúa,
Nhìn vào mẫu gương thánh Giuse,
chúng con tự cảm thấy rằng mình
chẳng có lý do gì để kêu than, trách móc cả;
chỉ có một điều phải kêu than,
đó chính là kêu than về thái độ ích kỷ
và yếu tin của chúng con mà thôi.

Lạy Chúa,
Xin cho chúng con biết trân trọng đời sống gia đình
và biết khám phá ra huyền nhiệm của Thánh Ý Chúa trong hôn nhân.
Xin Chúa ngự trị trong gia đình chúng con,
xin gìn giữ mọi người trong gia đình chúng con trong ơn nghĩa Chúa.
Xin Chúa mang lại cho chúng con một tình yêu siêu nhiên,
để chúng con luôn biết quảng đại với nhau
và biết tin tưởng vào Chúa
trong những lúc khó khăn của đời sống hôn nhân.

Bài 3 : Hoa Trái Của Thánh Thần

“Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống,
bà đã có thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Mt 1,16).

1. Sự can thiệp của Thiên Chúa

Trong cuộc hôn nhân lạ lùng giữa thánh Giuse và Mẹ Maria, người ta thường tìm nhiều cách để giải thích cho hợp lý về thái độ của Đức Maria : dù đã kết hôn, nhưng Maria vẫn muốn giữ đồng trinh; cũng như thái độ của thánh Giuse : là người chồng của Đức Maria, nhưng vẫn chấp nhận cho vợ mình mang thai một cách lạ kỳ. Thật ra, các đoạn Kinh thánh về cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu, thiết yếu, là những văn bản thần học, nhằm diễn tả chân lý Đức Tin, chứ không muốn trình bày các sự kiện khách quan rõ ràng, hợp lý.

Như thế, chúng ta có thể thấy những điểm chính mà Thánh-ký muốn trình bày ở đây là : Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại qua cuộc hôn nhân này; và Đức Maria cũng như thánh Giuse là những người đã hoàn toàn rộng mở cuộc đời mình để cho Thiên Chúa có thể thực hiện chương trình cứu độ của Ngài.

Việc Đức Maria đã thụ thai không do quyền phép của Chúa Thánh Thần là dấu chỉ sự can thiệp dứt khoát và trọn vẹn của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại; Ngài không chỉ còn hướng dân bằng những lề luật và lời ngôn sứ, nhưng bằng hiện thân của vị “Thiên Chúa làm người”; Ngài không còn muốn ở trên Thiên Quốc để ban ơn trợ giúp, nhưng muốn đồng hành cùng con người trên con đường trở về Quê Thật; Ngài không xuê xoa tội lỗi của con người nhưng muốn tự mình gánh lấy ách tội lỗi đè nặng trên nhân loại.

Khi Thiên Chúa muốn can thiệp vào đời sống con người, Ngài cần những tâm hồn rộng mở, thuận thảo theo Thánh Ý Ngài. Ngài đã không lầm khi chọn Maria và Giuse để góp phần vào công trình của Ngài. Để có thể can thiệp vào lịch sử nhân loại, Thiên Chúa Thiên Chúa chờ đợi tiếng “xin vâng” nơi Đức Maria; và chờ đợi Giuse “làm như sứ thần Chúa dạy”.

Khi Đức Maria nói tiếng “xin vâng”, ngài hiểu rằng cuộc đời của mình từ nay thuộc về Thiên Chúa; thánh Giuse cũng vậy; đứng trước một hoàn cảnh “éo le”; ngài có thể đòi hỏi “quyền lợi” của mình; ngài có thể có nhiều lý do để hoài nghi sự sự kiện này là của Thiên Chúa; ngài sẽ tìm thấy rất nhiều luật lệ hậu thuẫn cho tính toán của mình. Tuy nhiên, dù tất cả những lý lẽ con người có đưa đẩy thế nào, Giuse đã nghe và đã tin vào lời Thiên Chúa; Giuse đã dám từ bỏ ý định của mình để tuân theo ý định của Thiên Chúa; từ bỏ tương lai của mình để đón nhận cuộc sống phục vụ cho Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.

2. Những tâm hồn rộng mở

Thánh Ý của Thiên Chúa làm đảo lộn cuộc sống con người. Ngôn sứ Isaia đã nói : ‘nhưng Thánh Ý của Ngài vẫn luôn luôn là lòng yêu thương và phúc lộc cho con người. Chương trình của Thiên Chúa không phải là chương trình của loài người; Thánh Ý của Thiên Chúa vượt xa những tính toán khôn ngoan của con người. Khi người ta như ếch ngồi đáy giếng, người ta dễ loay hoay một cách luẩn quẩn trong những toan tính rồ dại của mình. Chỉ những tâm hồn nhận ra Thiên Chúa đang hoạt động trong cuộc đời mình, trong thế giới chung quanh mình, thì mới có thể vươn lên khỏi nhìn hẹp hòi và luẩn quẩn đó.

Đức Maria cũng như của thánh Giuse đã biết để cho Thiên Chúa làm việc trong cuộc đời mình; và hoa trái của Chúa Thánh Thần chính là Đức Giêsu. Đức Giêsu trở thành ý nghĩa cuộc đời Maria và Giuse; trở thành lý tưởng để hai ngài hiến dâng tất cả cuộc sống; là niềm vui và ơn phúc dành cho hai ngài. Cũng vậy, chúng ta không thể để cho Thiên Chúa làm việc nếu không rộng mở tâm hồn vượt qua “đáy giếng” của mình. Đã biết bao lần chúng ta phàn nàn vì Chúa đã không làm đúng ý của mình ! Đã bao lần chúng ta khăng khăng xin Chúa thực hiện những “sở nguyện” của mình ! và từ chối sự dẫn dắt của Ngài khiến chương trình của mình bị đảo lộn.