Hội đồng Giám mục Việt Nam
Ủy ban Thánh nhạc
Hội thảo lần thứ 46 (20-10-2020)
VIỆC CHUẨN NHẬN CÁC BÀI THÁNH CA (IMPRIMATUR) & CHỈ SỬ DỤNG NHỮNG BÀI THÁNH CA ĐÃ CHÍNH THỨC “IMPRIMATUR”
Lm. Rôcô Nguyễn Duy
Thư ký Ủy ban Thánh nhạc / HĐGMVN
WHĐ (23.10.2020) – Trong thời gian vừa qua, Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBTN-HĐGMVN) nhận được nhiều thắc mắc và nhận định về việc phổ biến và sử dụng những bài thánh ca mới trên các trang mạng điện tử cá nhân cũng như tập thể.
Thực tế cho thấy khi đề cập đến số 35 (vai trò của Ca trưởng Thánh nhạc) của văn bản Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, Đức cố giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa (cựu chủ tịch UBTN) đã giải thích và khuyến cáo Ca trưởng thận trọng khi chọn bài hát phổ biến trên mạng.
“Nhằm đáp ứng thực trạng các ca đoàn thiếu các bài hát cần cho các nghi thức phụng vụ, một số người nhiệt thành và có điều kiện đã lập các trang mạng phổ biến thánh ca, đây là việc đáng khuyến khích nhưng cũng chính nó tạo ra hiểm họa :
a) Thường khi người quản lý mạng nhận được bài hát tác giả gửi tới thì đưa lên mạng để giới thiệu nhưng không biết bài đó có đủ tiêu chuẩn về lời cũng như về nhạc để hát trong phụng vụ không, cụ thể là đã qua giáo quyền kiểm duyệt và có chuẩn ấn (imprimatur) chưa. Phổ biến như thế là tạo một dịp nguy hiểm cho người lựa chọn, và lựa chọn những bài hát được phổ biến như thế thật là phiêu lưu.
b) Cũng như vậy, họ phổ biến các bài đã được phối khí và thu âm các ca sĩ hát với phong cách như nhạc đời thì thiết tưởng các ca trưởng không nên lấy làm mẫu mực tập cho các ca đoàn để hát trong phụng vụ.
Các ca trưởng cần thận trọng trong việc chọn bài hát. Khi chưa có gì bảo đảm theo các tiêu chuẩn thánh ca, thì ta không nên chọn bài hát trên mạng. Vì cũng như trên các loại trang mạng khác, trên trang mạng thánh ca cũng có người muốn lạm dụng tình trạng mập mờ để tung bài hát của mình lên nhằm mau chóng phổ biến đi các nơi, mà không quan tâm đến những điều kiện, những đòi hỏi cần thiết về nội dung cũng như hình thức của một bài thánh ca, được dùng để ca tụng Chúa và thánh hóa các tâm hồn. Người sáng tác biết tự trọng sẽ làm việc với tinh thần trách nhiệm, tránh những chủ ý mập mờ, biết tôn trọng người sử dụng, luôn cố gắng trau dồi để cung cấp cho cộng đoàn phụng vụ những bài ca có sức nâng tâm hồn lên tới Chúa. Ước mong những người có trách nhiệm quan tâm tới lãnh vực này, để hướng dẫn ca trưởng chọn bài hát.”
Với những nhận định và ý kiến trên đây, anh em trong Ban thường vụ UBTN đề nghị cần có một hướng dẫn cụ thể để lưu ý về bổn phận và trách nhiệm của nhạc sĩ sáng tác, người phụ trách trang mạng (Website) và ca trưởng ca đoàn.
I. NHẠC SĨ SÁNG TÁC
Khi sáng tác bài hát để hát trong Phụng vụ, người viết phải xác định mục đích và chức năng của Thánh nhạc là Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tâm hồn (như mục đích và chức năng của Phụng vụ); đồng thời nắm vững 3 tiêu chuẩn thẩm định bài hát (phụng vụ, âm nhạc và mục vụ). Trước khi giới thiệu và phổ biến sáng tác mới của mình, người viết nhạc cần xin duyệt xét theo giáo luật định.
Khi phổ biến rộng rãi các sáng tác thánh ca mới trên các phương tiện đại chúng, những vị phụ trách các phương tiện này cũng phải nhớ rằng chỉ đưa lên những bài thánh ca đã được IMPRIMATUR (được phép dùng trong Phụng vụ).
Việc chuẩn nhận đã được Văn kiện Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc (HDMVTN) đề cập ở số 114 và 115:
1. Việc chuẩn nhận các bài thánh ca (Imprimatur)
114. Để được chuẩn nhận dùng trong phụng vụ, một bài ca phải có những đặc tính căn bản mà Đức Piô X đã đề ra trong tự sắc Tra le Sollecitudini số 2 và được khai triển trong Hiến chế về phụng vụ thánh, số 112: Bài ca phải thánh và phải là nghệ thuật đích thực. Bài ca phải thánh nghĩa là càng liên kết chặt chẽ với các động tác phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh bấy nhiêu. Bài ca phải có nghệ thuật đích thực nghĩa là có giá trị cả về nhạc lẫn lời ca [1].
115. Thẩm quyền chuẩn nhận:
– Cung dành cho chủ tế và thừa tác viên gồm: Lời chào của chủ tế và lời thưa của dân chúng; các lời nguyện (nhập lễ, dâng lễ, hiệp lễ); cung hát các bài đọc và Tin Mừng; các lời đối đáp và kinh Tiền Tụng; lời tung hô tưởng niệm, kết kinh Tạ Ơn, kinh Lạy Cha cùng với lời mở đầu và lời tiếp diễn; lời chúc bình an; công thức giải tán, phải được thẩm quyền địa phương chuẩn nhận. Thẩm quyền địa phương ở đây là Hội đồng Giám mục. [2]
– Các bài ca khác phải được giám mục chuẩn nhận.
2. Bài ca phải có nghệ thuật đích thực
A. VỀ NHẠC
Theo giáo sư Trần Văn Khê thì quyền sáng tác nhạc không chỉ trong tay một thiểu số mà trong tay của mọi người[3]. Bất cứ cảnh vực đời sống nào, bất cứ không gian nào, thời gian nào, hay bất cứ một tâm tư tình cảm nào cũng có thể trở thành đề tài cho một bài hát[4].
Trong đời sống Giáo Hội cũng thế, bất cứ một tín hữu nào cũng đều có thể hát và viết bài hát để diễn tả tâm tình của mình, để chia sẻ với cộng đoàn và để cùng nhau tạ ơn Đấng tình yêu. Thiên Chúa giàu lòng thương xót – đã ban cho con người và Giáo Hội “Lời Ca Muôn Thuở”, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Đời sống của Giáo Hội là gì nếu không phải là đời sống phụng vụ. Và “Phụng vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội… Chính Phụng vụ, nhất là Lễ Tạ Ơn, như là nguồn mạch chảy tràn ân sủng vào trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa… Thiên Chúa được vô cùng tôn vinh”[5].
Phụng vụ chính là một môi trường tuyệt diệu, vì phụng vụ có sức gợi cảm và có thể cung cấp cho người nhạc sĩ nhiều khả năng để thực hiện các đường hướng chỉ đạo của Công Đồng Vaticanô II mà vẫn giữ được cá tính riêng của mỗi người[6]. Vì vậy người nhạc sĩ có sứ mệnh kín múc nguồn cảm hứng nơi Phụng vụ mà Giáo Hội đã trân trọng gởi đến để có thể viết nên những bài ngợi ca cho Giáo Hội. Đây cũng chính là sứ mệnh cao cả Giáo Hội đã trao phó cho người nhạc sĩ.
Sáng tác nhạc chính là dùng những âm thanh được sử dụng trong âm nhạc và nối kết chúng lại với nhau để diễn tả một ý tưởng, một tâm tình của con người theo sự cảm tác và lựa chọn của người viết. Như vậy, sáng tác âm nhạc, trước hết phải là sự hiểu biết, cảm thấu và rung động của tâm hồn về một ý tưởng, một tâm tình nào đó rồi vận dụng năng khiếu về nghệ thuật cũng như sự khéo léo về kỹ thuật sử dụng âm thanh để truyền đạt nó tới người khác. Sự truyền đạt này sẽ kéo theo một ảnh hưởng nhất định, tùy theo giá trị của sáng tác xét cả hai yếu tố giai điệu và lời ca. Tác phẩm càng có giá trị thì tác động càng lớn lao. Nhất là trong ca khúc, tác động của lời ca có phần nhỉnh hơn, đôi khi có tính quyết định, như trong Bình ca nói chung và các hình thể âm nhạc khác trong phụng vụ. Âm nhạc trong phụng vụ của Giáo hội Công giáo là loại âm nhạc vì lời; lời có trước, nhạc có sau; nhạc là phương tiện để diễn tả lời. Nên vai trò của người nhạc sĩ công giáo viết thánh ca luôn được Giáo Hội trân trọng và đề cao vì họ làm phong phú thêm vị trí của âm nhạc trong phụng vụ, là thứ âm nhạc chỉ có một mục đích duy nhất: Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người.[7]
Muốn được như thế, nhạc sĩ công giáo viết thánh ca hãy trau dồi PHẨM HẠNH CỦA NGƯỜI SÁNG TÁC.
Thánh Giáo hoàng Phaolô VI trong bài diễn văn trước Đại hội Thánh nhạc do các nữ tu tổ chức tại Rôma năm 1971 đã nói: “Cha muốn gởi đến các con lời khuyên nhủ này là đối với các con cũng như đối với các linh hồn, mối bận tâm quan yếu của các con phải luôn luôn và trước tiên hết là biết ý thức về Giáo hội, không có nó, thay vì giúp các linh hồn biết liên kết với nhau trong đức ái, âm nhạc có thể trở nên nguồn gốc sự bực dọc, chia trí, tục hóa và chia rẽ trong cộng đồng tín hữu. Đối với các con, ý thức về Giáo hội, có nghĩa là tìm thấy những nguyên nhân thanh cao của hoạt động âm nhạc của các con trong sự vâng phục, trong sự cầu nguyện và trong đời sống nội tại. Ý thức Giáo hội cũng có nghĩa là nghiên cứu sâu rộng những văn kiện của các Đức Giáo hoàng và của các Công đồng để có thể luôn luôn theo dõi các nguyên tắc hướng dẫn đời sống phụng vụ. Ý thức Giáo hội sau cùng có nghĩa là phải tập nhận thức tất cả những gì liên quan đến âm nhạc trong phụng vụ. Không phải tất cả mọi sự đều có giá trị, không phải tất cả mọi sự đều hợp pháp, không phải tất cả mọi sự đều tốt lành. Ở đây việc thánh phải liên kết với điều tốt đẹp trong một tổng hợp hòa nhịp, và nhiệt thành, cho phép các cộng đồng khác nhau theo khả năng, biểu lộ hoàn toàn đầy đủ đức tin của mình để làm vinh danh Thiên Chúa và xây dựng nhiệm thể”.
Như vậy, chúng ta có thể rút ra một số đòi hỏi mà Giáo Hội muốn người sáng tác phải đáp ứng trước khi đặt bút viết một bài thánh ca.
1. Luôn biết ý thức về Giáo Hội
– Phải bám rễ sâu trong đức tin Kitô giáo, và sống đức tin ấy trong cộng đoàn Giáo Hội. Đây là điều kiện căn bản của những người sáng tác”[8].
– “Có một đời sống Kitô giáo gương mẫu hơn các tín hữu khác”[9] Thực tế trong cuộc sống, quần chúng đòi hỏi người nhạc sĩ phải là người có tư cách đạo đức và được mọi người yêu mến; họ phải gương mẫu trong cách sống, chu toàn bổn phận thường ngày, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức kỷ luật, luôn luôn khiêm tốn, hòa nhã, cởi mở,… nghĩa là cần phải có những đức tính căn bản. Thánh nhạc, mang đặc tính thánh thiện, nên đòi hỏi người sáng tác mỗi ngày phải luôn hoàn thiện bản thân hơn cả những nhạc sĩ đời.
– “Thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, phải ý thức mình được kêu gọi trau dồi Thánh nhạc và phát triển kho tàng Thánh nhạc đó”[10].
– Phải sống tinh thần vâng phục, như hiểu biết những văn kiện của Giáo Hội, để chỉ thực thi những nguyên tắc hướng dẫn đời sống phụng vụ; những đòi hỏi mà Thánh nhạc đề ra, ngõ hầu tác phẩm của mình “đáp ứng được những đòi hỏi của Phụng vụ và xứng đáng với truyền thống của Giáo Hội vì Giáo Hội có thể tự hào có cả một gia sản vô cùng lớn lao về lãnh vực này”[11].
2. Sáng tác trong cầu nguyện
Bất cứ một tác phẩm nào trước khi ra đời, đều phải trải qua một quá trình “thai nghén”, phải được nghiền ngẫm và cưu mang trong chính con người của tác giả, phải được nuôi dưỡng và đợi đến khi chín mùi. Bài thánh ca cũng không đi ra ngoài quy luật ấy. Hơn nữa bài thánh ca vượt lên trên các bài ca khác ngay ở bản chất của nó. Bài thánh ca chính là lời cầu nguyện của cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa để tôn vinh Người, đồng thời bài thánh ca còn là phương thế thánh hóa cộng đoàn. Vì vậy trước khi là lời cầu nguyện của cộng đoàn, bài thánh ca phải là lời cầu nguyện của chính người sáng tác. Bài thánh ca phải được viết với tất cả con tim khối óc – con người toàn diện – của người sáng tác đang cầu nguyện, trong không gian và thời gian thấm nhuần con người.
Trong đời sống nội tâm: Chúa Giêsu đã dạy “các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng”[12]. Tỉnh thức để nhận ra dấu chỉ cứu độ và cầu nguyện để sống dấu chỉ cứu độ đó trong đời sống. Sự cầu nguyện này chỉ có được nơi người sáng tác biết sống nội tâm. Như Mẹ Maria “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”[13], người nghệ sĩ muốn viết một bài ca mới, phải vật lộn với chủ đề mình muốn viết. Cuộc vật lộn này rất gay go và nhiều hy sinh. Có khi vật lộn cho đến lúc rạng đông, như Giacóp đã vật lộn với người khách lạ[14]; có khi cuộc “vật lộn” đó kéo dài, và có thể kéo dài mãi mãi. Đây là một cảm nghiệm của bản thân: có những bài chúng tôi chỉ viết chớp nhoáng, một hai ngày, cũng có khi cả tháng, và có bài được viết từ năm này qua năm khác. Sau mỗi bài được hoàn tất, người sáng tác sẽ cảm nhận được một niềm vui khó diễn tả và tâm hồn bình an lạ lùng. Đôi khi còn để lại dấu ấn, những kỷ niệm không quên được. Đó là những “dấu ấn hạnh phúc”, những “thương tích hồng ân” Chúa ban tặng cho người nhạc sĩ, niềm vui ân thưởng không gì có thể so sánh được.
Biết rằng con người là một hữu thể vừa cho vừa nhận. Nghĩa là những gì mình viết ra có thể mình chưa thấu đạt, hoặc chưa hoàn tất trong chính cuộc đời mình. Nhưng phải có để mới có chất liệu viết được. Vì thế ta có thể hiểu được “không ai cho cái mình không có”[15].
3. Khả năng chuyên môn
Theo linh mục nhạc sĩ Kim Long, “sáng tác âm nhạc, trước hết là sự hiểu biết, cảm thấu và rung động của tâm hồn về một ý tưởng một tâm tình nào đó rồi vận dụng năng khiếu nghệ thuật cũng như sự khéo léo về kỹ thuật sử dụng âm thanh để truyền đạt nó tới người khác”. Và ngài nêu ra hai yếu tố quyết định để thể hiện việc sáng tác âm nhạc:
* Năng khiếu: Đây là khả năng thiên phú mà con người nhận được từ Thiên Chúa, nó có thể có ở người này mà không có ở người kia; nó có thể phong phú ở tâm hồn người này mà mỏng manh ở tâm hồn người khác, yếu tố này con người không thể tự đắc thủ, nhưng có thể nhờ học hỏi, rèn tập mà làm triển nở mỗi ngày một thêm lên. Thiếu yếu tố này, người ta có thể vẫn viết những bài ca, nhưng là những bài ca của một “người thợ”, tuy đúng quy luật và phương cách đó, nhưng nó khô cằn và rỗng tuếch, khó có thể cảm hóa được ai.
* Kỹ thuật: Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật, được hình thành và phát triển qua thời gian, đã được nghiên cứu và hệ thống hóa. Nhất là về phương diện hòa âm – sự kết cấu và hòa hợp các âm – được dựa trên khoa âm học, với luật dội âm của thiên nhiên làm căn bản. Nên muốn sáng tác đạt tới mức hoàn hảo và có giá trị, tưởng không thể không biết những quy luật đã được công nhận. Đàng khác, kỹ thuật thành thạo sẽ giúp phát triển năng khiếu dễ dàng và đa dạng hơn”[16].
Như vậy muốn viết một bài Thánh ca, người sáng tác trước hết phải có năng khiếu (có sở thích và sở trường âm nhạc) và sau là khả năng chuyên môn. Để có khả năng chuyên môn, trước hết là phải “hiểu biết đầy đủ về phụng vụ trên phương diện lịch sử, tín lý hay giáo lý, một kiến thức thực hành về “chữ đỏ”[17]. Muốn đáp ứng được những đòi hỏi này họ phải được huấn luyện tương xứng về phụng vụ[18]; qua trường lớp đào tạo, qua học hỏi và nghiên cứu các sách vở liên quan… Nhất là “phải có kiến thức sâu xa và nắm vững lề luật của nghệ thuật thánh nhạc”[19].
Khả năng chuyên môn là sự thành thạo những kỹ năng sáng tác: những hiểu biết căn bản về các môn học liên quan, như hòa âm, đối âm, tẩu pháp, kỹ thuật sáng tác, các hình thể âm nhạc đời và đạo, lịch sử âm nhạc, nghiên cứu các tác phẩm, có trình độ lý luận và cảm thụ văn học nghệ thuật nói chung và các tác phẩm âm nhạc nói riêng… Khi “đọc” một bài thánh ca mẫu mực, biết được cái đúng cái hay ở chỗ nào…[20] để làm giàu thêm kinh nghiệm sáng tác. Khả năng chuyên môn phải thường xuyên được nâng cao qua sự khiêm tốn lắng nghe góp ý, qua sự hăng say lao động nghệ thuật trong “tinh thần tông đồ” và “thái độ phục vụ nhưng không”. Bài thánh ca được đón nhận nồng nhiệt hay chưa được đón nhận thì người sáng tác cũng kiên nhẫn chờ đợi. Bởi vì một trong những tính chất quan trọng và đặc biệt của âm nhạc là bản chất thời gian (nghệ thuật động). Chính vì vậy khi âm nhạc vang lên ta không thể ngừng lại phía sau mà sự trình bày phát triển là liên tục để thể hiện đường tiến lên của nội dung hình tượng, của ý tưởng âm nhạc. Nên thời gian chờ đợi, sàng lọc cũng rất cần thiết để thẩm định bài ca mới được viết có giá trị ra sao.
Để có thể thẩm định được có phải là một bài thánh ca hay không, người sáng tác cần lưu ý một số tiêu chuẩn sau đây:
4. Chủ đích
Chủ đích chung: Bất cứ bài ca nào khi được gọi là thánh ca đều nhằm đến mục đích chung với Phụng vụ là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người.
Chủ đích riêng: Ngoài mục đích cuối cùng ấy, bài thánh ca còn có những chủ đích khác mà người viết muốn nhắm đến: để ca tụng, để tạ ơn, để sám hối hay để cầu xin. Có khi để ca tụng nhưng lại đi vào một khía cạnh nào đó của tâm tình ca tụng này, như đứng trước vẻ cao cả của Thiên Chúa, tác giả nhận thấy mình nhỏ bé, nên bày tỏ sự lệ thuộc vào Người bằng những lời ca ngợi, tôn vinh, bằng niềm tin tưởng phó thác. Hoặc bài thánh ca được viết cho một đối tượng cộng đoàn nào đó, nên có những tâm tình cầu nguyện có tính cách riêng, mà với vị thế của cộng đoàn ấy thì khi bài hát được cất lên mới phù hợp. Hoặc khi tác giả đã đề nghị bài thánh ca đó hát lúc hiệp lễ, thì không nên hát lúc nhập lễ, mặc dù người ta không thấy gì là sai cả. Thí dụ bài: “Lạy Chúa bao ngày tháng con hằng mơ ước v.v..”
Nói chung, khi định viết một bài ca, người sáng tác phải trả lời được câu hỏi: “Hát hoặc nghe bài ca này người khác có biết được gì về Thiên Chúa và Giáo Hội của Người không?”
5. Tâm tình cầu nguyện
Phần trên đã nói tới cầu nguyện là môi trường của sáng tác thánh nhạc. Vì thế bài ca trước hết phải là lời cầu nguyện của chính người viết, và viết để người khác hát mà cầu nguyện và giúp cộng đoàn cầu nguyện. Bài hát phải được viết khi nhạc sĩ cầu nguyện[21], giúp các thành phần trong cộng đoàn cầu nguyện. Dưới bất cứ hình thức nào, lời cầu nguyện của một tín hữu phải trở thành lời cầu nguyện của mọi người, và “phục vụ cho việc xây dựng Giáo Hội”[22].
6. Tính thánh thiện trong bài thánh ca
Hiến chế Phụng vụ đã quả quyết: “Truyền thống âm nhạc của toàn thể Giáo Hội đã kiến tạo nên một kho tàng vô giá, vượt hẳn mọi diễn tả nghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh đi liền với lời ca, góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong Phụng vụ trọng thể”[23]. Do đó “phải hết sức lo lắng duy trì và cổ võ kho tàng thánh nhạc”[24]. Nên khi sáng tác, các nhạc sĩ “hãy sáng tác những bản có cung điệu thánh nhạc thực sự… Còn lời ca phải thích hợp với giáo thuyết công giáo và tốt hơn cả là rút ra từ Thánh Kinh và các nguồn mạch phụng vụ”[25].
– Vì nguồn gốc của nhạc phụng vụ là thánh:
Theo Cha Kim Long, “việc dùng âm nhạc trong các lễ nghi phụng vụ của Hội Thánh không phải là sáng kiến của con người nhưng bắt nguồn từ thánh ý của Thiên Chúa: Kinh Thánh bày tỏ điều đó trong Cựu Ước lẫn Tân Ước[26]. Việc hướng dẫn sử dụng cũng như bảo toàn những đặc tính riêng biệt của Thánh nhạc luôn là mối bận tâm của Hội Thánh qua sự chỉ dạy trực tiếp của các Đức Giáo Hoàng, hoặc qua các văn kiện của Tòa Thánh hoặc qua các công đồng địa phương. Bởi vậy ta có thể nói: chính Thiên Chúa và Hội Thánh là nguồn gốc của Thánh nhạc”[27].
– Vì nhạc đi liền với lời thánh của Phụng vụ:
Chúng ta cần phải nhớ rằng, bản văn Phụng vụ bao giờ cũng có trước, sau đó nhạc mới được đem vào, để tô điểm cho lời, để diễn tả lời, cho nên nhạc phải lệ thuộc vào lời. Nghĩa là Thánh nhạc có là vì lời (nhạc vị Lời)[28]. Lời trong Phụng vụ là lời rút ra từ Thánh Kinh và các nguồn mạch Phụng vụ. Vì thế, trong Phụng vụ, Kinh Thánh giữ vai trò quan trọng, thì thánh ca luôn theo phụng vụ, cũng phải song hành, nghĩa là đa số thánh ca dùng chính lời Kinh Thánh hoặc các bản văn phụng vụ để dệt nhạc. Điều này cho thấy, Lời Chúa tự bản chất có sức thánh hóa mọi tâm hồn, nên những bài ca có lời từ chính Kinh Thánh để dệt nhạc, thì cũng có sức thánh hóa như vậy.
– Vì nhạc phụng vụ đi liền với tác động Phụng vụ, liên kết phụng vụ, càng chặt chẽ bao nhiêu thì càng thánh thiện bấy nhiêu…[29]. Tác động Phụng vụ bao gồm các cử chỉ (tư thế của thân xác, đứng, ngồi …) và các hành động như tiến tới bàn thờ, tiến lễ, rước lễ v..v.. Huấn thị thứ ba về Thánh nhạc cũng minh xác: “Thánh nhạc phải hướng về việc cử hành Phụng vụ… phải phù hợp với tác động Phụng vụ, từng phần của cử hành Phụng vụ”. Người sáng tác phải dựa vào sự trình bày của sách lễ Rôma, để hiểu ý nghĩa và chức năng của mỗi bài hát trong thánh lễ, nhờ đó người sáng tác có thể nghĩ đến những hình thức âm nhạc, giọng hát và thể âm nhạc cho phù hợp với từng trường hợp[30]. Có như thế, bài thánh ca mới thực sự mang tính thánh thiện, vì liên kết chặt chẽ với hoạt động Phụng vụ.
– Vì là lời cầu nguyện của dân Chúa nên nhạc Phụng vụ phải thánh. Một bài hát không khởi động những tâm tình đạo đức, không chắp cánh cho những lời cầu nguyện của bản văn Phụng vụ bay lên Thiên Chúa, thì cần loại bỏ khỏi nghi thức Phụng vụ[31].
– Nhạc Phụng vụ thánh thiện do việc sử dụng cung điệu thánh Tiêu biểu của cung điệu thánh là Bình ca (plain chant). Đức Thánh Cha Piô X viết: “Một bài ca viết cho thánh đường giống bình ca trong cách chuyển hành thì càng thánh thiện”[32]. Vì thế, Thánh Bộ Phụng Tự mong muốn: “các nhạc sĩ lấy bình ca làm nguồn cảm hứng cho đường hướng âm nhạc trong việc sáng tác của họ…”[33].
Như chúng ta biết, chuyển hành có hai cách: chuyển hành liền bậc (mouvement conjoint) là khi dòng ca lên xuống bằng quãng hai mà thôi; và chuyển hành cách bậc (mouvement disjoint) là khi dòng ca chuyển hành bằng quãng 3,4,5,6… Vậy:
* Khi dòng ca càng chuyển hành liền bậc, càng giống bình ca, càng có tôn giáo tính.
* Những dòng ca dùng quá nhiều nửa cung (chromatisme) biểu lộ một tâm trạng ủy mị, dòng ca đó sẽ không được chấp nhận.
* Những dòng ca dùng quá nhiều cách chuyển hành cách bậc, nhất là sử dụng nhiều quãng nhạc dài, đó là biểu tượng một tâm hồn quá phóng túng như trong nhạc kịch. Những dòng ca này cũng không được chấp nhận[34]. Đạt tới nghệ thuật cao cả như những bài bình ca Latinh được hát trong Phụng vụ canh thức Phục sinh: bài EXSULTET, và bài ca chỉ có một lời duy nhất ALLELUIA[35].
– Để bảo vệ tính thánh thiện của nhạc Phụng vụ, thì phải loại bỏ những yếu tố trần tục
Đức Piô X đã phán quyết như thế trong Tự sắc “Tra le sollecitudini” (TS, ngày 21-11-1903). Ngài nhận thấy Thánh nhạc trải qua thời gian có nhiều bước thăng trầm và cả suy thoái. Sự vi phạm hoặc lạm dụng của một số người làm cho thánh nhạc đôi lần mất đi những phẩm hạnh phải có.
Nguyên nhân của sự sai trái đó có thể là:
* Vì bản chất của nghệ thuật này bất định, hay thay đổi
* Vì thị hiếu và tập quán biến hóa theo thời gian
* Vì ý đồ xấu đem thế tục vào nghệ thuật thánh
* Vì sở thích âm nhạc là tự phát, khó ấn định ranh giới ..
* Vì khuynh hướng xấu, ngoan cố làm sai lệch những quy định của Hội Thánh khi đem âm nhạc vào lễ nghi Phụng vụ.
Đức Piô X và các Đức Giáo hoàng kế vị chỉ thị phải cương quyết loại bỏ những gì là trần tục không những trong bản chất mà cả nơi những người thể hiện nữa[36]. Phải nhận thức rõ về đặc tính của Thánh nhạc. Do đó phải được huấn luyện chu đáo về Thánh nhạc, trau dồi khả năng chuyên môn âm nhạc của mình, cùng với sự hiểu biết sâu rộng về Phụng vụ.
7. Tính phổ cập
Một bài thánh ca đạt được những tiêu chuẩn trên đây tất nhiên sẽ có tính phổ cập.
Tính phổ cập là một trong những đòi hỏi mà Phụng vụ Giáo hội đề ra cho một bài thánh ca: “Người nhạc sĩ hãy sáng tác những bản có cung điệu thánh nhạc thực sự, để không những các ca đoàn lớn có thể hát được mà còn hợp với cả các ca đoàn nhỏ, giúp cho toàn thể cộng đoàn tín hữu cũng có thể tham dự một cách linh động”[37].
Thật vậy điểm thiết yếu của thánh ca Phụng vụ là phải đến được đối với bất cứ cộng đoàn nào, phải tiếp cận được hết với mọi thành phần trong cộng đoàn: các tín hữu, các thừa tác viên trong thánh lễ, những người tham dự thường xuyên, hay thỉnh thoảng, người già hay người trẻ… Chắc chắn điều này chẳng bao giờ có thể thực hiện được một cách trọn vẹn. Thế nhưng người sáng tác phải liệu sao cho bài thánh ca được phổ biến rộng rãi và có tính lâu dài. Muốn vậy cần phải truyền đạt bằng cách sử dụng một thứ âm nhạc mang tính cộng đồng, ngõ hầu mọi người tiếp nhận và sử dụng một cách dễ dàng để cầu nguyện và cử hành trong cộng đoàn. (về mặt này các sáng tác của một số nhạc sĩ đáng cho chúng ta học hỏi).
Do đó chúng ta đừng lấy làm ngỡ ngàng vì có những bài ca mặc dầu nghệ thuật cao, nhiều nét hấp dẫn, nhưng quần chúng không đón nhận vì quá cầu kỳ, khó thực hiện hoặc vì một lý do nào đó: hoặc bài viết nhiều bè, nhiều giọng; hoặc buộc phải có dàn nhạc đệm kèm theo; hay chỉ dành cho một ca đoàn chuyên nghiệp, cho riêng một cộng đoàn chọn lọc mà chỉ với lý do: hợp với khả năng đòi hỏi nào đó hay một thị hiếu riêng về thẩm mỹ âm nhạc.
Nói chung, một bài ca được viết ra, nếu đi đúng đường hướng Phụng vụ Giáo Hội, theo quy luật của Thánh nhạc, vì lợi ích của cộng đoàn Phụng vụ, ứng dụng các kỹ thuật sáng tác theo quy ước quốc tế và cảm hứng từ quá trình cầu nguyện, thì chắc chắn sẽ phổ cập khắp nơi, vượt cả không gian lẫn thời gian và đâu đâu cũng được mọi người đón nhận.
B. VỀ LỜI
Hiến chế về Phụng vụ thánh xác định: “Sứ mạng các nhà sáng tác nhạc: Các nhạc sĩ thấm nhuần tinh thần Kitô giáo hãy ý thức rằng mình được kêu gọi phải trau dồi Thánh Nhạc và phát triển kho tàng thánh nhạc đó.
Họ hãy sáng tác những bản có cung điệu thánh nhạc thực sự, để không những các ca đoàn lớn có thể hát được mà còn hợp với cả ca đoàn nhỏ, giúp cho toàn thể cộng đoàn tín hữu cũng có thể tham dự một cách linh động.
Còn lời thánh ca phải thích hợp với giáo thuyết công giáo và tốt hơn cả là rút ra từ Thánh Kinh và các nguồn mạch phụng vụ (số 121)”.
Khi nói về sứ mạng các nhà sáng tác nhạc, Văn kiện “Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc của Hội đồng Giám mục Việt Nam” đã giải thích như sau:
78. Hội Thánh không ngừng tìm kiếm những cách thức mới để ca ngợi tình yêu dâng lên Thiên Chúa. Qua những hoạt động và lời cầu nguyện, chính Phụng Vụ thánh làm cho mọi người nhận biết những hình thức liên quan đến những sáng tác mới. Các nhạc sĩ tìm được cảm hứng của mình nơi Thánh Kinh, và đặc biệt nơi các bản văn Phụng Vụ, để những tác phẩm của họ tuôn tràn từ chính Phụng Vụ. Hơn nữa, thật thích hợp để sử dụng trong Phụng Vụ, một bản văn được hát lên không phải chỉ đúng về giáo thuyết, mà tự bản văn phải là cách diễn tả đức tin công giáo. Vì thế, những bài hát trong Phụng Vụ không bao giờ được phép có những lời lẽ khẳng định về đức tin không đúng hay sai lạc. Chỉ trong bầu khí Kinh Thánh, Phụng Vụ và tôn giáo, người sáng tác là người ý thức được hành trình lâu dài của Hội Thánh qua dòng lịch sử con người, và là người đắm mình trong cảm thức của Hội Thánh (sensus Ecclesiae). Họ được trang bị một cách thích đáng để nhận biết và diễn tả bằng giai điệu chân lý của Mầu nhiệm được cử hành trong Phụng Vụ. Thể loại âm nhạc không quan trọng, nhưng chính vẻ đẹp phụng vụ phát xuất trực tiếp từ chính mầu nhiệm và thông qua tài năng của người sáng tác được nổi bật lên khi Dân Chúa quy tụ ca hát.
79. Nhiều năm qua, ngay sau khi Công đồng Vaticanô II cải cách phụng vụ, đặc biệt cho phép sử dụng ngôn ngữ của bản xứ, các nhạc sĩ và các nhà xuất bản đã hoạt động để cung cấp danh mục những bài thánh ca mới cho nền Thánh Nhạc Việt Nam. Trong những thập niên qua, nỗ lực này đã lớn mạnh và định hình một nền Thánh Nhạc tiếng Việt có giá trị tiếp tục phát triển, cho dù có nhiều bài thánh ca Việt Nam tiên khởi đã rơi vào quên lãng. Ngày nay, các nhạc sĩ sáng tác vẫn tiếp tục phục vụ Hội Thánh và được khích lệ tập trung đem hết khả năng và tài nghệ để sáng tác những tác phẩm Thánh Nhạc hoàn hảo bằng mọi thể loại âm nhạc, nhất là đem những đặc tính nhạc cổ truyền và dân tộc vào trong các sáng tác mới, hầu hình thành dần nền Thánh Nhạc đậm nét dân tộc Việt Nam.
80. Hội Thánh ước mong nền thánh ca ngày càng được phong phú hơn để phục vụ cộng đoàn được quy tụ. “Đức tin của vô số các tín hữu đã được những giai điệu nuôi dưỡng, những giai điệu tuôn tràn từ trái tim của các tín hữu khác, và cũng được đưa vào Phụng Vụ hoặc được sử dụng như là một trợ giúp cho việc thờ phượng trang nghiêm. Trong ca hát, đức tin được cảm nghiệm như một niềm vui sống động, một tình yêu thương, và lòng mong đợi phó thác vào sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa.” [38]
Qua các hướng dẫn trên đây, ta thấy:
Lời có một vị trí vô cùng quan trọng trong Phụng vụ. Bởi vì Chúa Kitô là Ngôi Lời, là Lời của Thiên Chúa, là Lời nhập thể. Cho nên Người hiện diện thiết thực trong lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội, khi Giáo Hội cầu khẩn và hát Thánh vịnh[39]. Giáo Hội có sứ mạng đưa sứ điệp Phúc Âm đến cho thế giới; qua các thế hệ, sứ điệp này chủ yếu là bằng lời nói, là thánh truyền, và như vậy lời nói bao giờ cũng giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Trong cử hành Phụng vụ Kitô giáo, lời nói là chủ yếu[40]. Nhưng nhờ ca hát, lời nói đó được mặc thêm một chiều kích mới, vì Lời đã được thêm sức rung cảm và khả năng hiệp thông của cộng đoàn. Vì thế, ca hát trong Phụng vụ giữ một vai trò quan trọng về mục vụ cho tín hữu. Nhiều khi người ta quá chú trọng đến nghệ thuật mà làm mất ý nghĩa Phụng vụ cử hành. Người ta dừng lại ở cảm xúc nghệ thuật, mà ít quan tâm đến bản văn, đến lời có giá trị sư phạm giúp họ hiểu ý nghĩa Phụng vụ và ý nghĩa cầu nguyện.
Do đó, muốn đạt kết quả giáo dục đức tin qua ca hát, người sáng tác cần lưu ý; trong Phụng vụ, lời ca rất quan trọng, nhất là lời ca là chính lời Thiên Chúa (Kinh Thánh) lời của Giáo Hội (lời của Phụng vụ). Thế nên phải đặt ưu tiên cho lời ấy từ nguồn suối Kinh Thánh và Phụng vụ, hay từ những suy tư thần học, nếu đặt lời mới thì lời đó ngoài điều kiện “phải thích hợp với giáo thuyết công giáo”[41], nó còn phải tôn trọng mẹo luật và đặc tính của từng ngôn ngữ, tôn trọng bản tính và đặc điểm của từng dân tộc[42], đồng thời phải cố gắng sử dụng những kỹ thuật thi ca để làm nổi bật tính văn chương của lời ca. Vì vậy, những bài thiếu tính chất văn chương, nhất là sai ngữ pháp, dùng từ không chỉnh, ngắt câu không đúng, dấu giọng không hợp với dòng ca, không vần không điệu… thì đừng đưa vào Phụng vụ. Thánh nhạc gồm hai yếu tố chính là nhạc và lời. Nhạc phải phục vụ lời, chứ không ngược lại. Nếu trong khi sáng tác, có khi phải chọn một trong hai thì người sáng tác phải hy sinh nhạc để tôn trọng lời ca. Đương nhiên, nếu nhạc hay mà vẫn giữ được lời ca Phụng vụ, thì đó là lý tưởng. Muốn cho lời đúng và hay chúng ta cần biết một số điều căn bản trong việc đặt lời ca cho bài thánh ca, trong đó kho tàng Kinh Thánh và Phụng vụ cần phải được trân trọng và sử dụng làm nguồn ý chính cho lời ca.
– Về việc đặt lời cho bài thánh ca
Một bài thánh ca gồm nhạc và lời đi với nhau. Sáng tác một bài hát là thực hiện một công trình nghệ thuật. Nghệ thuật không phải ở nguyên phần nhạc, nhưng cả ở phần lời. Nhạc phục vụ trước hết ở phần lời, nghĩa là phần lời phải có giá trị tôn giáo và có giá trị văn chương.
Giáo Hội, Mẹ và Thầy, đã ân cần vạch ra những nguyên tắc cho người sáng tác phải tuân theo khi làm công việc đặt lời cho bài thánh ca.
* “Còn lời thánh ca phải thích hợp với giáo thuyết công giáo và tốt hơn cả là rút ra từ Thánh Kinh và các nguồn mạch Phụng vụ”[43]
* “Khi thực hiện những bản dịch Phụng vụ để sau này dệt nhạc, nhất là bản dịch bộ Thánh vịnh, các nhà chuyên môn phải cố gắng dung hòa vấn đề dịch sát nghĩa với bản La ngữ, và vấn đề tạo nên một bản dịch để dệt nhạc. Trong bản văn phải tôn trọng mẹo luật và đặc tính của từng ngôn ngữ, tôn trọng bản tính và đặc điểm của từng dân tộc. Còn khi thực hiện việc dệt nhạc vào các bản văn, các nhạc sĩ cùng một lúc phải chú trọng đến những yếu tố kể trên và đến những quy luật của Thánh nhạc”[44].
* “Phải loại trừ khỏi thánh đường cũng như những nơi thánh khác những tác phẩm làm tổn thương ý nghĩa tôn giáo đích thực, hoặc vì hình thức tồi bại, hoặc vì thiếu nghệ thuật, tầm thường hay giả tạo”[45].
* “Bài ca không được có nghĩa gì là trần tục, lả lướt”[46]. (Do đó tránh dùng những từ ngữ, kiểu nói biểu lộ tình yêu trần tục, hay đã có một công dụng nhất định ở sinh hoạt đời: dạ hội phục sinh, dạ lý hương…)
* “… Phải sử dụng một ngôn ngữ trong sáng …, tránh những lời ca dài dòng, cầu kỳ vô nghĩa…”[47]
Đức Phaolô VI nhắn nhủ phải chú ý loại bỏ những bài ca mà “những từ ngữ, những câu văn không mang lại danh dự cho thánh ca, cho văn thể ngôn ngữ, và trong một vài trường hợp, chúng còn trở nên thô thiển, quê mùa hoặc tương tự như những quảng cáo tuyên truyền hơn là những lời cầu nguyện”[48].
Những nguyên tắc trên đây giúp chúng ta đạt được mục đích của thánh nhạc là “tôn vinh Chúa và thánh hóa tín hữu”. Khi đặt bút viết lời cho bài thánh ca, chúng ta cần phải quan tâm đến những vấn đề sau đây.
– Đề tài và nội dung tổng quát
Trong nghệ thuật, tùy theo mỗi thời đại, mỗi tổ chức xã hội và mỗi khuynh hướng mà có những hệ thống đề tài riêng mang những nội dung thích hợp. Thánh ca cũng có hệ thống đề tài của riêng mình. Vì thánh ca phục vụ Phụng vụ “góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong Phụng vụ trọng thể”[49], cho nên có bao nhiêu cử hành phụng vụ là có bấy nhiêu đề tài cho việc sáng tác. Mỗi đề tài lại có một nội dung riêng biệt để khai thác và sử dụng.
* Nếu xét theo nghĩa hẹp, phụng vụ thường gồm 4 tâm tình cơ bản sau đây: Ca tụng, Tạ ơn, Đền tội, Cầu xin.
* Nếu xét các cử hành phụng vụ, ta có thể chia ra 2 cử hành chính là Thánh lễ và các cử hành Phụng vụ khác.
Thánh lễ, đặc biệt là Thánh lễ ngày Chúa nhật gồm nhiều bài ca, trong đó ca nhập lễ, ca tiến lễ và ca hiệp lễ là mảng đề tài thật phong phú về nội dung.
Các đề tài thánh ca còn tùy thuộc vào các mùa phụng vụ: mùa Vọng, mùa Giáng Sinh, mùa Chay, mùa Phục Sinh, mùa Thường Niên, trong đó nổi bật nhất và đỉnh cao của mùa phụng vụ là Tuần Thánh với Tam Nhật Vượt Qua.
Theo đề mục của sách lễ Rôma[50], người sáng tác còn có rất nhiều đề tài để viết, hầu đáp ứng các nhu cầu ca hát của cộng đoàn trong các thánh lễ có nghi thức riêng (nhất là thánh lễ có cử hành bí tích hôn phối, ta quen gọi là lễ Cưới), các thánh lễ cho các nhu cầu khác nhau, trong một số trường hợp đặc biệt như theo truyền thống dân tộc (lễ Tết, lễ Xuân), nhất là thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (lễ Cầu hồn). Phụng vụ còn cung cấp cho ta những đề tài và nội dung thích hợp để sáng tác những bài ca dành cho cử hành bí tích ngoài thánh lễ, như Bí tích Sám hối và nghi thức sám hối; chầu Thánh Thể; các giờ kinh Phụng vụ; hay những bài ca suy niệm; hoặc trong những trường hợp: suy tôn Lời Chúa, cầu cho cha mẹ, rước lễ lần đầu, dâng hoa…
Nói cụ thể thì thánh ca có nhiều loại bài dùng cho các trường hợp phụng vụ, chủ yếu là phụng vụ Thánh lễ. Tùy theo mỗi tác giả diễn tả, nhưng thường mỗi loại bài có nội dung nhất định của loại ấy. Các tuyển tập thánh ca của UBTN và của nhiều nhạc sĩ giúp ta có cái nhìn cụ thể hơn về các đề tài để viết bài ca phụng vụ.[51]
Điều cần phải lưu ý khi chọn đề tài để viết là phải phân biệt mỗi cử hành phụng vụ đều có một tính cách riêng, vì thế đòi hỏi nét nhạc riêng và nội dung riêng phù hợp với ý nghĩa của cử hành phụng vụ. Không nên gượng nhét vào một bài có nét nhạc chung với nhiều lời ca mà mỗi lời ca mang một nội dung tách biệt không ăn nhập gì đến nhau. Bởi lẽ, “cho dầu phụng Thánh đặc biệt là việc phụng thờ Thiên Chúa uy quyền, nhưng còn bao hàm việc giáo dục lớn lao cho đoàn dân tín hữu. Thực vậy, trong Phụng vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài, đồng thời Chúa Kitô rao giảng Phúc Âm, còn dân chúng đáp lại Thiên Chúa qua tiếng hát lời kinh”[52]. Do đó, bài hát phải có nội dung mang tính giáo dục và tính mục vụ, để đạt được mục đích mà cử hành phụng vụ nhắm tới. Thí dụ Ca nhập lễ khác với Ca tạ lễ.
II. CA TRƯỞNG THẬN TRỌNG KHI CHỌN BÀI HÁT PHỔ BIẾN TRÊN MẠNG
1. Khi chọn bài hát, ca trưởng phải xét xem bài hát này đã được phép sử dụng (Imprimatur) hay chưa.
2. Khi chắc chắn bài hát đã được phép, ca trưởng dựa theo những tiêu chuẩn thẩm định mà văn kiện HDMVTN đã đề ra từ số 116 đến 125, như sau:
Những tiêu chuẩn thẩm định bài hát
– Ba thẩm định nhưng chỉ một lượng giá
116. Khi thẩm định sự thích hợp của âm nhạc trong phụng vụ, ta sẽ phải xét đến các đặc tính: phụng vụ, mục vụ và âm nhạc. Nhưng cơ bản, ba thẩm định này chỉ là ba khía cạnh của một lượng giá để có thể trả lời câu hỏi: “Tác phẩm âm nhạc này có thích hợp với cuộc cử hành phụng vụ cụ thể này không?” Cả ba thẩm định này phải được xét cùng lúc với nhau, không được áp dụng theo một thẩm định này mà loại bỏ hai thẩm định kia. Việc lượng giá này đòi hỏi sự hợp tác, tham vấn và làm việc chung với nhau và tôn trọng nhau giữa những người thành thạo về một trong ba thẩm định, như các vị quản thủ thánh đường, các nhạc sĩ, các nhà phụng vụ hay những người hoạch định lễ nghi.
– Thẩm định về phương diện phụng vụ
117. Người thẩm định có thể đặt ra câu hỏi để xác định như sau: “Trong nghi thức cụ thể này, bài hát này có đáp ứng được những đòi hỏi về bản văn và cấu trúc mà sách phụng vụ đã xác lập không?”
118. Những cân nhắc về mặt cấu trúc dựa trên những yêu cầu của chính nghi lễ sẽ hướng dẫn phải chọn để hát những phần nào theo nguyên tắc về bậc lễ. Phải cố làm sao có được sự cân bằng nhất định giữa những yếu tố khác nhau của phụng vụ, để những yếu tố ít quan trọng không lấn át những yếu tố quan trọng hơn. Các yếu tố về bản văn, gồm cả việc dệt nhạc để nâng đỡ bản văn phụng vụ và chuyển tải ý nghĩa, phải thật trung thành với giáo huấn của Hội Thánh.
119. Các khía cạnh của âm nhạc và những nghi thức phụng vụ khác nhau sẽ được bàn đến cách ngắn gọn trong các số từ 128 sau đây. Các nhạc sĩ sáng tác thánh ca nên tìm hiểu những quy định của mỗi nghi thức qua việc nghiên cứu chính các sách phụng vụ.
– Thẩm định về phương diện mục vụ
120. Thẩm định về phương diện mục vụ là xét đến cộng đoàn nhất định quy tụ lại để cử hành phụng vụ ở một nơi nhất định và vào một thời điểm nhất định. Bài hát này có góp phần tăng thêm sự thánh hóa các thành phần trong cộng đoàn phụng vụ bằng cách lôi kéo họ đến gần hơn với mầu nhiệm thánh đang được cử hành không? Tác phẩm này có tăng cường việc giáo dục đức tin cho họ bằng cách mở lòng họ trước mầu nhiệm được cử hành trong dịp lễ này hoặc trong mùa phụng vụ này không? Bản thánh ca này có khả năng diễn tả đức tin mà Thiên Chúa đã gieo vào lòng họ và kêu gọi họ đến cử hành không?
121. Những yếu tố khác – như tuổi tác, văn hóa, ngôn ngữ và trình độ của một cộng đoàn phụng vụ nhất định – cũng phải được xét đến. Khi chọn thể loại âm nhạc này, hay chọn bài hát nọ để cộng đoàn có thể tham dự, thảy đều phải xét xem đâu là con đường mà cộng đoàn cụ thể này thấy là dễ dàng nhất để nối kết tâm trí họ với hành vi phụng vụ. Tương tự, cảm nghiệm âm nhạc của một cộng đoàn phụng vụ nhất định phải được xét đến một cách cẩn thận, ít nhất là những hình thức diễn tả âm nhạc xa lạ với cách phượng tự của họ phải được giới thiệu một cách tiệm tiến. Mặt khác, cần tin tưởng rằng người thuộc mọi lứa tuổi, văn hóa, ngôn ngữ, và mọi trình độ giáo dục, đều có thể tiếp thu cái mới nếu được giới thiệu cho họ một cách thích hợp và thấu đáo.
122. Cuối cùng, về phương diện mục vụ, vẫn là câu hỏi xưa nay: Bài hát này có lôi kéo được những con người này đến gần với mầu nhiệm Đức Kitô là trọng tâm của cuộc cử hành phụng vụ này không?
– Thẩm định về phương diện Âm nhạc
123. Thẩm định về khía cạnh âm nhạc là đặt câu hỏi: bài hát (hoặc đoạn nhạc) này có những đặc tính thẩm mỹ cần thiết hay không hầu có thể chuyển tải được ý nghĩa phong phú của những mầu nhiệm được cử hành trong phụng vụ. Một câu hỏi khác nữa là: bài hát này có giá trị về mặt kỹ thuật, mỹ thuật và biểu cảm không?
124. Thẩm định này đòi hỏi khả năng về âm nhạc. Chỉ có loại âm nhạc vang lên một cách nghệ thuật mới đem lại hiệu quả và tồn tại qua thời gian. Đưa vào phụng vụ loại nhạc tầm thường, rẻ tiền và khuôn sáo thường thấy trong các bài ca trần tục tức là hạ giá phụng vụ, làm cho phụng vụ dễ bị chế giễu và chuốc lấy thất bại.
125. Tuy nhiên, để việc diễn tả nghệ thuật được đầy đủ thì không nên sử dụng chỉ một kiểu âm nhạc, vì “Giáo Hội không chọn riêng cho mình một quy cách nghệ thuật nào, nhưng chấp nhận các kiểu âm nhạc của bất cứ thời đại nào, tùy theo đặc tính và hoàn cảnh của các dân tộc, cũng như tùy theo nhu cầu của các nghi chế khác nhau.”[53] Vì vậy, Giáo Hội trước sau vẫn công nhận và vui mừng tiếp nhận việc sử dụng các kiểu âm nhạc khác nhau làm trợ tá trong phụng vụ.
III. TRÁCH NHIỆM CỦA NHỮNG NGƯỜI PHỤ TRÁCH CÁC TRANG MẠNG (INTERNET)
Khi đưa bài thánh ca lên các trang mạng cá nhân hay tập thể, các vị hữu trách nên lưu ý:
Trước khi đưa một bài hát thánh ca lên mạng truyền thông, người phụ trách cần xem xét lượng giá bài hát đó theo tiêu chuẩn thẩm định mà Văn kiện Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc đã đề ra từ số 116 đến 125 và cho biết các chi tiết sau:
1. Bài hát được trích đăng phát xuất từ nguồn nào?
2. Tác giả bài hát là ai? Nếu chắc chắn bài hát đã được Imprimatur, xin tác giả cho biết Đức cha nào cho phép, và ngày tháng năm ngài chuẩn nhận.
3. Nếu không rõ và không liên lạc được, xin trao đổi với các linh mục trưởng ban Thánh nhạc Giáo phận, linh mục Thư ký Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam hay Văn phòng Ủy ban Thánh nhạc để được trợ giúp.
4. Nếu hồ nghi về nguồn gốc và xuất xứ bài thánh ca, không nên vội vàng đăng lên mạng (vì bài thánh ca không phải là thứ mì-ăn-liền).
5. Trước khi sử dụng một bài thánh ca của nhạc sĩ nào, nên tôn trọng xin phép và hỏi ý kiến tác giả; và khi ca đoàn hay ca sĩ thực hiện xong một bài thánh ca thì khi phổ biến trên trang mạng (Youtube …) cần nói rõ chỉ được giữ bản quyền tiếng hát và hòa âm phối khí của mình thôi.
IV. KẾT LUẬN
Việc chuẩn nhận các bài thánh ca (Imprimatur) được Giáo luật 1983 Quy định (số 823) và Văn kiện HDMVTN nhắc lại:
114. Để được chuẩn nhận dùng trong phụng vụ, một bài ca phải có những đặc tính căn bản mà Đức Piô X đã đề ra trong tự sắc Tra le Sollecitudini số 2 và được khai triển trong Hiến chế về phụng vụ thánh, số 112: Bài ca phải thánh và phải là nghệ thuật đích thực. Bài ca phải thánh nghĩa là càng liên kết chặt chẽ với các động tác phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh bấy nhiêu. Bài ca phải có nghệ thuật đích thực nghĩa là có giá trị cả về nhạc lẫn lời ca [54].
115. Thẩm quyền chuẩn nhận:
– Cung dành cho chủ tế và thừa tác viên gồm: Lời chào của chủ tế và lời thưa của dân chúng; các lời nguyện (nhập lễ, dâng lễ, hiệp lễ); cung hát các bài đọc và Tin Mừng; các lời đối đáp và kinh Tiền Tụng; lời tung hô tưởng niệm, kết kinh Tạ Ơn, kinh Lạy Cha cùng với lời mở đầu và lời tiếp diễn; lời chúc bình an; công thức giải tán, phải được thẩm quyền địa phương chuẩn nhận. Thẩm quyền địa phương ở đây là Hội đồng Giám mục. [55]
– Các bài ca khác phải được giám mục chuẩn nhận.
Ước mong các nhạc sĩ viết thánh ca, các ca trưởng và các vị phụ trách trang mạng tập thể hay cá nhân biết tôn trọng và làm theo những hướng dẫn cụ thể của Giáo Hội để “tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người.”
(Trích Nội san Hương Trầm, số 31, từ trang 21 đến 47)
[1] x. Thông cáo số 2/94, ngày 30.8.1994, về việc chuẩn nhận những bài thánh ca của UBTN.
[2] x. HTÂN, số 57, tham chiếu Huấn thị Inter Oecumenici số 42, nguyệt san phụng vụ Notitiae số 339 ra tháng 02 năm 1966 – Các bài hát khác như ca Nhập lễ, ca Dâng lễ, ca Hiệp lễ, Thánh vịnh Đáp ca kể cả Bộ Lễ chỉ cần được giám mục giáo phận chuẩn nhận. x.Thông cáo số 3/94, ngày 30.8.1994 của UBTN.
[3] Trần Văn Khê, Tiểu phẩm, NXB Trẻ 1997, tr 297.
[4] Trong các nhóm nhỏ hay tổ chức hát luân phiên về một đề tài: hoa, nắng, chim chóc, mưa, mẹ cha, được đề cập đến trong bài hát, với những bài hát khác nhau, nhòm nào hát được nhiều bài nhất thì thắng cuộc.
[5] HCPV số 10.
[6] Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn hóa, Huấn Thị Mục Vụ Văn Hóa 1999, số 36.
[7] HCPV số 112.
[8] QLTN số 24.
[9] HTTN số 97.
[10] HCPV số 121.
[11] DD số 50.
[12] Lc 22,36.
[13] Lc 2,19.
[14] St 32,23-33.
[15] Ngạn ngữ cổ “Nemo dat quod non habet”.
[16] Kim Long, Mấy kinh nghiệm để viết Thánh ca, tr 2-3.
[17] HTTN, số 98-a
[18] TNTPV số 24.
[19] HTTN số 98.
[20] Bàn giải trong phần ba, chương 3, số 4 tập tài liệu này.
[21] Kim Long, Thánh ca trong Phụng vụ, Tinh thần cầu nguyện, trang 97.
[22] 1 Cr 14.
[23] HCPV số 112.
[24] HCPV số 114.
[25] HCPV số 121.
[26] Xem thêm phần mở đầu của tập tài liệu này.
[27] Kim Long, Thánh ca trong Phụng vụ, trang 18-44.
[28] Sđd, trang 45-62.
[29] HCPV số 112.
[30] xem thêm Phần II, chương 2, số 6.5: các bài hát trong thánh lễ Chúa nhật
[31] xem thêm Kim Long, Thánh ca trong Phụng vụ, tr 79-84.
[32] TS số 3.
[33] TNTPV số 56.
[34] Tiến Dũng, vấn đề sáng tác những bài ca phụng vụ tiếng Việt. Theo huấn thị De Musica in sacra Liturgia, 1967 – Ronéo tr 27.
[35] Nguyễn Khắc Xuyên, Tiến trình Thánh nhạc Việt Nam, UBĐKCG Tp.HCM 1992, Hát la tinh, tr 8-22.
[36] TS, số 2.
[37] HCPV số 121.
[38] Gioan Phaolô II, Thư gửi các Nghệ sĩ, 1999, số 12
[39] HCPV số 7.
[40] J.Gélineau, Họp nhau cử hành Phụng vụ, tập 1, tr 331-353.
[41] HCPV số 121.
[42] TNTPV số 54.
[43] HCPV số 121c.
[44] TNTPV số 54.
[45] HCPV số 124b.
[46] Thông điệp “Annus Qui Hunc” của Đức Bênêđictô XIV, ngày 19.02.1749.
[47] QLTN số 60.
[48] Báo Phụng vụ số 16, tr 97-98.
[49] HCPV số 112.
[50] Sách lễ Rôma, tr 1068-1071.
[51] Xem thêm Kim Long, tuyển tập Ca lên đi 1,2,3,4, phần ca mục. UBTN, tuyển tập thánh ca 1 và 2, phần mục lục.
[52] HCPV số 33.
[53] HCPV, 124
[54] x. Thông cáo số 2/94, ngày 30.8.1994, về việc chuẩn nhận những bài thánh ca của UBTN.
[55] x. HTÂN, số 57, tham chiếu Huấn thị Inter Oecumenici số 42, nguyệt san phụng vụ Notitiae số 339 ra tháng 02 năm 1966 – Các bài hát khác như ca Nhập lễ, ca Dâng lễ, ca Hiệp lễ, Thánh vịnh Đáp ca kể cả Bộ Lễ chỉ cần được giám mục giáo phận chuẩn nhận. x.Thông cáo số 3/94, ngày 30.8.1994 của UBTN.