Thánh lễ Năm thánh các Phó tế 23/02/2025

Sự kiện lớn thứ tư của Năm Thánh Hy Vọng là Năm Thánh các Phó tế: từ ngày 21 đến ngày 23/2/2025. Năm Thánh các Phó tế kết thúc với Thánh lễ do Tổng giám mục Rino Fisichella, Trưởng Phân bộ thứ nhất của Bộ Loan báo Tin Mừng, chủ sự vào Chúa Nhật ngày 23/2 tại đền thờ Thánh Phêrô. Hiện diện trong đền thờ có khoảng 5000 tín hữu, trong đó có 2500 phó tế.
 

Bắt đầu bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella nói: Anh chị em thân mến, đặc biệt là các phó tế rất thân yêu, cũng như những người trong ít phút nữa, qua nghi thức đặt tay, sẽ được lãnh nhận thánh chức phó tế, tôi rất hân hạnh được chia sẻ bài giảng mà lẽ ra chính Đức Thánh Cha Phanxicô trực tiếp nói với tất cả anh chị em trong Chúa Nhật đặc biệt này.

Trong khi cử hành bí tích Thánh Thể, nơi sự hiệp thông đạt đến mức trọn vẹn và ý nghĩa nhất, chúng ta cảm nhận Đức Thánh Cha Phanxicô, dù đang nằm trên giường bệnh, vẫn ở gần và vẫn hiện diện giữa chúng ta. Điều này càng thôi thúc chúng ta gia tăng lời cầu nguyện cách mạnh mẽ và tha thiết hơn, để xin Chúa nâng đỡ ngài trong thời khắc thử thách và đau bệnh.

Thông điệp từ các bài đọc chúng ta vừa nghe có thể được tóm gọn bằng một từ: sự vô vị lợi. Một từ chắc chắn rất thân thuộc với các thầy phó tế, những người đang quy tụ tại đây để cử hành Năm Thánh. Chúng ta hãy cùng suy ngẫm về chiều kích nền tảng này trong đời sống Kitô hữu và trong thừa tác vụ của các thầy, đặc biệt qua ba khía cạnh: tha thứphục vụ vô vị lợi và hiệp thông.

Thứ nhất: tha thứ.
Loan báo sự tha thứ là một nhiệm vụ thiết yếu của phó tế. Đây là yếu tố không thể thiếu trong mọi hành trình của Giáo hội và là điều kiện cho mọi sự chung sống giữa con người. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của điều này khi Người nói: “Hãy yêu kẻ thù” (Lc 6,27). Quả thật, để cùng nhau lớn lên, chia sẻ những ánh sáng và bóng tối, thành công và thất bại của nhau, chúng ta cần biết tha thứ và xin tha thứ, nối lại các mối quan hệ và không loại trừ khỏi tình yêu của chúng ta ngay cả những người làm tổn thương và phản bội chúng ta. Một thế giới mà kẻ thù chỉ nhận được sự hận thù là một thế giới không có hy vọng, không có tương lai, và sẽ bị xé nát bởi chiến tranh, chia rẽ và những cuộc trả thù bất tận, như thật đáng buồn chúng ta thấy ngày nay ở nhiều nơi và với nhiều cấp độ. Do đó, tha thứ có nghĩa là chuẩn bị một ngôi nhà đón nhận, an toàn cho tương lai, trong chính chúng ta và trong cộng đoàn của chúng ta. Và phó tế, mang nơi chính mình một thừa tác vụ dẫn đến những vùng ngoại biên của thế giới, dấn thân nhìn thấy – và dạy người khác nhìn thấy – nơi mọi người, kể cả những người lầm lỗi và gây đau khổ, một người chị em và người anh em bị thương trong tâm hồn, và vì thế cần được hòa giải, hướng dẫn và giúp đỡ hơn ai hết.

Sự mở lòng này được nói đến trong bài đọc thứ nhất, khi trình bày tình yêu trung thành và quảng đại của Đavít đối với Saun, vua của ông, nhưng cũng là kẻ bách hại ông (x. 1Sm 26,2.7-9.12-13.22-23). Điều này cũng được nhắc đến trong một bối cảnh khác, qua cái chết gương mẫu của thánh phó tế Stêphanô, người đã ngã xuống dưới trận gạch đá, trong khi tha thứ cho những kẻ ném đá mình (x. Cv 7,60). Nhưng trên hết, chúng ta thấy điều này nơi Chúa Giêsu, mẫu gương của mọi thừa tác vụ phó tế, Đấng trên thập giá, “đã hủy mình ra không” đến nỗi hiến mạng sống vì chúng ta (x. Pl 2,7), cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh Người và mở cửa Thiên đàng cho người trộm lành (x. Lc 23,34.43).

Thứ hai: phục vụ vô vị lợi

Trong Tin Mừng, Chúa mô tả điều này bằng một câu đơn giản nhưng rõ ràng: “Hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hy vọng được đền trả” (Lc 6,35). Một vài lời mang hương thơm của tình bạn. Trước hết là tình bạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, và sau đó là tình bạn của chúng ta dành cho nhau. Đối với phó tế, thái độ này không phải là một khía cạnh phụ trong hành động của mình, mà là một chiều kích cốt yếu nơi hiện hữu của mình. Trong thừa tác vụ, phó tế được thánh hiến để trở thành “nhà điêu khắc” và “họa sĩ” của khuôn mặt nhân từ của Chúa Cha, chứng nhân của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong nhiều đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về chính mình trong ánh sáng này. Người nói với Philipphê trong nhà Tiệc Ly, ngay sau khi rửa chân cho Nhóm Mười Hai: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Cũng như khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Người tuyên bố: “Thầy sống giữa anh em như người phục vụ” (Lc 22,27). Nhưng ngay cả trước đó, trên đường lên Giêrusalem, khi các môn đệ tranh luận xem ai là người lớn nhất, Người đã giải thích cho họ rằng “Con Người […] không đến để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x. Mc 10,45).

Anh em phó tế thân mến, công việc vô vị lợi mà anh em thực hiện, như một biểu hiện của sự thánh hiến mình cho đức ái của Chúa Kitô, là lời loan báo đầu tiên của Lời Chúa, nguồn tin tưởng và niềm vui cho những ai gặp gỡ anh em. Đi kèm với điều đó bằng một nụ cười hết sức có thể, không than phiền và không tìm kiếm sự công nhận, hãy hỗ trợ lẫn nhau, ngay cả trong mối tương quan với các Giám mục và linh mục, “như một biểu hiện của một Giáo hội dấn thân lớn lên trong sự phục vụ Nước Trời bằng cách phát huy mọi cấp bậc của thừa tác vụ có chức thánh” (HĐGM Ý, Các phó tế vĩnh viễn trong Giáo hội tại Ý. Định hướng và quy tắc, 1993, 55). Hành động đồng lòng và quảng đại của anh em sẽ trở thành một cây cầu nối kết Bàn Thờ với đường phố, Thánh Thể với đời sống thường ngày của con người; đức ái sẽ là thánh lễ đẹp nhất của anh em và thánh lễ sẽ là sự phục vụ khiêm nhường nhất của anh em.

Thứ ba: sự vô vị lợi như nguồn mạch của hiệp thông

Cho đi mà không đòi hỏi gì đáp lại sẽ kết nối, tạo nên những mối dây liên kết, bởi vì nó diễn tả và nuôi dưỡng một sự hiệp nhất không có mục đích nào khác ngoài việc hiến dâng chính mình và làm điều tốt cho người khác. Thánh Lôrenxô, bổn mạng của anh em, khi bị những kẻ buộc tội yêu cầu giao nộp kho báu của Giáo hội, đã chỉ cho họ thấy những người nghèo và nói: “Đây là kho báu của chúng tôi!”. Đó là cách xây dựng sự hiệp thông: nói với anh chị em, bằng lời nói nhưng trên hết bằng hành động, cá nhân và như một cộng đoàn: “Đối với chúng tôi, bạn rất quan trọng”, “Chúng tôi yêu thương bạn”, “Chúng tôi mong muốn bạn tham gia cùng chúng tôi trên hành trình và trong cuộc sống của chúng tôi”. Đây là điều anh em làm: những người chồng, người cha và người ông sẵn sàng, trong sự phục vụ, mở rộng gia đình mình cho những người đang cần giúp đỡ, ngay tại nơi anh em sống.

Như vậy, sứ mạng của anh em, tách anh em ra khỏi xã hội để rồi đưa anh em trở lại đó và biến nó thành một nơi chào đón và mở rộng cho tất cả mọi người, là một trong những biểu hiện đẹp nhất của một Giáo hội hiệp hành và “đi ra”.

Sắp tới, một số anh em, khi lãnh nhận Bí tích Truyền chức, sẽ “bước xuống” các bậc thang của thừa tác vụ. Tôi cố ý nói và nhấn mạnh rằng “bước xuống”, chứ không phải “bước lên”, bởi vì với việc Truyền chức, người ta không đi lên, mà đi xuống, trở nên nhỏ bé, hạ mình và từ bỏ chính mình. Dùng lời của Thánh Phaolô, trong sự phục vụ người ta từ bỏ “con người cũ” và trong đức ái mặc lấy “con người mới” (x. 1Cr 15,45-49).

Chúng ta hãy cùng suy ngẫm về những gì chúng ta sắp thực hiện, trong khi phó thác mình cho Đức Trinh Nữ Maria, người nữ tỳ của Chúa, và Thánh Lôrenxô, bổn mạng của anh em. Xin các ngài giúp chúng ta sống mọi thừa tác vụ của mình với một trái tim khiêm nhường và tràn đầy yêu thương, và trong sự nhưng không, trở thành những tông đồ của sự tha thứnhững người phục vụ vô vị lợi của anh chị em mình và những người xây dựng sự hiệp thông.