Lúc 7 sáng thứ Tư 6 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.
Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những ai đang tham gia trong lĩnh vực truyền thông, là những người trong những ngày này có thể phải vất vả và gặp nhiều nguy hiểm nghề nghiệp hơn. Xin cho họ biết tôn trọng sự thật và phục vụ sự thật.
Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:
Chúng ta cầu nguyện ngày hôm nay cho những người nam nữ đang làm việc trong các phương tiện truyền thông. Trong thời đại dịch này, họ mạo hiểm rất nhiều và công việc lại rất nhiều. Xin Chúa giúp họ trong công việc, luôn luôn truyền tải sự thật, và dấn thân phục vụ sự thật.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày (Ga 12: 44-50), trong đó Chúa Giêsu nói: “Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Ðấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Ðấng đã sai Ta.”
Phúc Âm: Ga 12, 44-50
“Ta là sự sáng đã đến thế gian”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Ðấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Ðấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Ðấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy”.
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Đoạn Tin Mừng này trích từ Phúc Âm theo Thánh Gioan cho chúng ta thấy sự thân mật giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha. Chúa Giêsu đã làm những gì Chúa Cha bảo Người làm. Và Ngài xác định sứ mệnh của mình là: “Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm”
Sứ mệnh của Chúa Giêsu là thắp sáng thế gian và chính Ngài cho biết: “Ta là sự sáng đã đến thế gian”. Tiên tri Isaia đã nói tiên tri về ánh sáng này: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” Và sứ mệnh của các môn đệ Chúa cũng là mang lại ánh sáng như Thánh Phaolô nói. Thánh nhân được chọn để chiếu sáng, để chiếu dõi ánh sáng này, không phải của ngài, mà là của người khác. Chiếu sáng là sứ mệnh của Chúa Giêsu và các tông đồ, vì thế giới chìm trong bóng tối.
Thảm kịch ở đây là ánh sáng ấy đã bị từ chối, như lời Thánh Gioan nói khi bắt đầu Phúc Âm của ngài: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. Họ yêu bóng tối hơn ánh sáng. Họ làm quen với bóng tối, và sống trong bóng tối. Họ không thể chấp nhận được ánh sáng, họ không thể vì họ là nô lệ của bóng tối. Và đây sẽ là cuộc đấu tranh của Chúa Giêsu, Ngài tiếp tục chiếu sáng, mang ánh sáng cho thấy mọi thứ như chúng là; để với ánh sáng của Chúa Giêsu chúng ta được tự do, để chúng ta thấy rõ sự thật.
Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm về quá trình chuyển từ bóng tối sang ánh sáng, khi Chúa gặp ông trên đường đến Damascus. Thánh nhân bị mù. Nhờ phép Rửa Tội thánh nhân lấy lại được ánh sáng. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm vượt qua từ bóng tối đến với ánh sáng. Đó cũng là con đường của chúng ta, mà chúng ta nhận được trong bí tích rửa tội: vì lý do này trong nhiều thế kỷ đầu tiên, phép Rửa Tội được gọi là ‘la illuminazione’ /la i-lu-mi-na-zi-ố-nề/ – sự khai sáng, bởi vì phép Rửa Tội mang lại cho anh chị em ánh sáng, và cũng chính vì lý do đó, trong lễ rửa tội một ngọn nến được thắp sáng và được trao cho cha mẹ của cậu bé và cô bé vừa được chiếu sáng. Chúa Giêsu mang lại ánh sáng cho chúng ta.
Nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Họ đã quá quen với bóng tối đến nỗi ánh sáng làm họ choáng váng và đây là bi kịch xuất phát từ tội lỗi của chúng ta: tội lỗi làm chúng ta mù lòa và chúng ta không thể chịu đựng được ánh sáng. Chúng ta có đôi mắt ốm yếu. Chúa Giêsu nói rõ điều này trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu: “Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!” Hoán cải là để vượt qua khỏi bóng tối mà ra ánh sáng. Nhưng đâu là những điều làm chúng ta đau mắt, con mắt đức tin của chúng ta, và làm chúng ta mù quáng? Thưa: Đó là những tật xấu, tinh thần thế gian, và thói kiêu ngạo.
Ba điều này đẩy anh chị em đến chỗ dính bén đến những thứ khác để vẫn an toàn trong bóng tối. Chúng ta thường nói về mafia: đây chính là nó đó. Có những thứ mafia tâm linh, cũng như có những thứ mafia trong xã hội. Mafia là tìm kiếm người khác để che đậy bản thân mình, ngõ hầu mình có thể ở trong bóng tối. Không dễ sống trong ánh sáng. Ánh sáng làm cho chúng ta thấy rất nhiều điều xấu trong chúng ta mà chúng ta không muốn thấy: những tật xấu, tội lỗi vân vân và vân vân. Chúng ta hãy nghĩ về những tật xấu của chúng ta, chúng ta hãy nghĩ về thói kiêu ngạo của chúng ta, chúng ta hãy nghĩ về tinh thần thế gian của chúng ta: những điều này làm mù quáng chúng ta, chúng tách chúng ta khỏi ánh sáng của Chúa Giêsu.
Nhưng nếu chúng ta dám thẳng thắn suy nghĩ sâu xa về những điều này chúng ta sẽ không tìm thấy một bức tường. Không. Trái lại chúng ta sẽ thấy một lối ra, bởi vì Chúa Giêsu đã nói rằng Ngài là ánh sáng: “Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian.” Chính Chúa Giêsu là ánh sáng nói: “Hãy có lòng dũng cảm: hãy để cho mình được chiếu sáng, để bản thân nhìn thấy được những gì bên trong con, bởi vì chính Ta, là người sẽ mang con về phía trước, sẽ cứu con. Ta sẽ không kết án con. Ta sẽ cứu con”. Chúa giải thoát chúng ta khỏi bóng tối mà chúng ta có bên trong tâm hồn, từ bóng tối của cuộc sống hàng ngày, của đời sống xã hội, của đời sống chính trị, quốc gia… rất nhiều bóng tối. Chúa cứu chúng ta. Nhưng Ngài yêu cầu chúng ta hãy nhìn cho rõ những thứ ấy trước, hãy can đảm nhìn thấy bóng tối của chúng ta để ánh sáng của Chúa có thể đến và cứu chúng ta.
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói chúng ta không nên sợ hãi Chúa. Ngài là Đấng rất nhân làng, nhẹ nhàng, gần gũi chúng ta. Ngài đã đến để cứu chúng ta. Chúng ta đừng sợ ánh sáng của Chúa Kitô.