Tiếp kiến chung 22/01 – Hãy phó thác cho Thiên Chúa và đừng sợ hãi

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 22/1/2025, suy tư về lời sứ thần Gáprien chào Đức Maria, Đức Thánh Cha nói rằng Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta “đừng sợ hãi” bởi vì Người đồng hành cùng chúng ta. Ngài mời gọi học theo gương Đức Maria, đón nhận Lời Chúa để Lời Chúa biến đổi tâm hồn và tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa để không sợ hãi.
 

Vatican News

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 22/1/2025 Đức Thánh Cha trở lại với loạt bài giáo lý trong Năm Thánh, suy tư về “Chúa Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta”. Cụ thể, ngài suy tư về lời thiên thần Gáprien loan báo với Đức Maria. Lời chào của sứ thần bắt đầu bằng lời mời gọi vui lên, gợi lại sứ điệp của các ngôn sứ gửi đến dân Chúa trước khi Đấng Mêsia đến. Sau đó, thiên thần gọi Đức Maria là đấng “đầy ơn phúc”, ám chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ngự trong Mẹ, và bảo Mẹ đừng sợ, vì không có gì là không thể đối với Thiên Chúa. Cuối cùng, sứ thần công bố sứ mạng của Mẹ: là mẹ của Đấng Mêsia, Người sẽ được gọi là Giêsu, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng lời loan báo về thiên chức làm mẹ đã khiến Đức Maria nhận ra những gì đang xảy ra với mình. Trong trái tim rộng mở và nhạy cảm của mình, Mẹ cảm thấy được kêu gọi tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa, ngay cả khi có những điều Mẹ không hiểu. Sự cộng tác của Mẹ với kế hoạch của Chúa Cha trong từng khoảnh khắc của cuộc đời khiến Mẹ trở thành tấm gương vô giá về việc lắng nghe và sẵn sàng đón nhận Lời Chúa.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy học nơi Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế và Mẹ của chúng ta, để biết đón nhận và gìn giữ Lời Chúa, để Lời Chúa biến đổi tâm hồn chúng ta thành nơi Người hiện diện và thành ngôi nhà hiếu khách mang lại hy vọng.

Đoạn Phúc Âm được đọc vào đầu buổi tiếp kiến trích từ Phúc Âm Thánh Luca (1, 26-28):

Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”.

Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta tiếp tục các bài giáo lý trong loạt bài Năm Thánh về Chúa Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta.

Mở đầu Sách Phúc Âm của mình, Thánh Luca cho thấy những tác động của quyền năng biến đổi của Lời Chúa; quyền năng này không chỉ xuất hiện ở các tiền đường của Đền thờ, mà còn vươn đến nơi cư ngụ đơn nghèo của một phụ nữ trẻ, là Đức Maria, người đã hứa hôn với ông Giuse, và vẫn đang sống với gia đình của mình.

Sau Giêrusalem, sứ thần Gáprien, đấng có tên gọi ca ngợi sức mạnh của Thiên Chúa, đấng là sứ giả của những lời loan báo vĩ đại của Thiên Chúa, được sai đến một ngôi làng không bao giờ được nhắc đến trong Kinh Thánh Do Thái, đó là Nadarét. Vào thời điểm đó, đây là một ngôi làng nhỏ ở Galilê, vùng ngoại ô Israel, một khu vực biên giới với những người ngoại đạo và sự ô uế của họ.

Lời chào của sứ thần Gáprien: Hãy vui mừng!

Ngay tại đó, thiên thần mang đến một thông điệp có hình thức và nội dung hoàn toàn chưa từng có trước đây, đến nỗi lòng của Đức Maria bị xao động và bối rối. Thay vì lời chào cổ điển “bình an cho cô”, thiên thần Gáprien nói với Đức Trinh Nữ bằng lời mời gọi “hãy vui mừng!”, “hãy hân hoan!”, một lời kêu gọi gắn liền với lịch sử thánh thiêng, bởi vì các ngôn sứ sử dụng lời kêu gọi này khi họ loan báo về sự xuất hiện của Đấng Mêsia (x. Sp 3,14; Ge 2,21-23; Dc 9,9). Đó là lời mời gọi vui mừng mà Thiên Chúa gửi đến dân Người khi thời kỳ lưu đày kết thúc và Thiên Chúa cho họ cảm nhận được sự hiện diện sống động và tích cực của Người.

Đấng “đầy ân phúc”

Hơn nữa, Thiên Chúa gọi Đức Maria bằng một cái tên chan chứa yêu thương, chưa từng được biết đến trong lịch sử Kinh Thánh; đó là kecharitoméne, có nghĩa là “đầy ân sủng của Thiên Chúa”. Đức Maria đầy ân sủng của Thiên Chúa. Tên này nói lên rằng tình yêu của Thiên Chúa đã ngự trị từ lâu và vẫn tiếp tục ngự trị trong lòng Đức Maria. Tên này diễn tả Mẹ “đầy ân sủng” biết bao và trên hết là ân sủng của Thiên Chúa đã tạo nên một nét chạm trổ trong lòng Mẹ, biến Mẹ thành kiệt tác của Người: đầy ân sủng.

“Đừng sợ!”

Biệt danh yêu thương mà Thiên Chúa chỉ ban cho Đức Maria ngay lập tức đi kèm với một lời trấn an: “Đừng sợ!”. Sự hiện diện của Chúa luôn ban cho chúng ta ơn không sợ hãi. “Đừng sợ” là lời Thiên Chúa phán với ông Abraham, ông Isaac, ông Môsê và ông Giosua (xem St 15,1; 26,24; Đnl 31,8; Gs 8,1) trong lịch sử. Và Người cũng nói với chúng ta: “Đừng sợ! Hãy tiến bước!”

Đức Thánh Cha chia sẻ rằng có người tâm sự với ngài họ sợ hãi và họ đi gặp thầy bói và thầy bói đọc chỉ tay của họ, và họ lo sợ. Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Đừng sợ hãi!”. Bởi vì như lời Thiên Chúa nói với Đức Maria: “Ta là bạn đồng hành với con”.

Tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa

Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý: Sau đó, thiên thần Gáprien thông báo với Đức Trinh Nữ sứ mạng của Mẹ, làm vang vọng trong lòng Mẹ nhiều đoạn Kinh Thánh ám chỉ đến vương quyền và sứ vụ cứu thế của con trẻ sẽ được Mẹ sinh ra, được trình bày như sự ứng nghiệm của những lời ngôn sứ cổ xưa. Ngôi Lời đến từ Trời Cao kêu gọi Đức Maria trở thành mẹ của Đấng Mêsia thuộc dòng dõi Đavít được mong đợi từ lâu. Người sẽ làm vua không phải theo cách của con người và theo xác thịt mà theo cách của Thiên Chúa, cách thiêng liêng. Tên của Người sẽ là “Giêsu”, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ” (x. Lc 1,31; Mt 1,21), nhắc nhở mọi người mãi mãi rằng không phải con người cứu độ, mà chỉ có Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu, Người là Đấng thực hiện lời của ngôn sứ Isaia: “Không phải sứ giả hay thiên thần, nhưng chính Người đã cứu họ; bằng tình yêu thương và lòng thương xót” (Is 63,9).

Chức làm mẹ này thực sự làm Đức Maria rung động tận đáy lòng. Và là người phụ nữ thông minh, có khả năng đọc hiểu các sự kiện (x. Lc 2,19.51), Mẹ cố gắng hiểu, cố gắng phân định điều gì đang xảy ra với mình. Đức Maria không tìm kiếm bên ngoài mà tìm kiếm trong lòng. Và ở đó, trong sâu thẳm trái tim rộng mở và nhạy cảm của mình, Mẹ cảm thấy lời mời gọi tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa.

Học theo gương Đức Maria

Và Đức Maria được chiếu sáng với lòng tin tưởng: Mẹ là “ngọn đèn có nhiều ánh sáng”. Đức Maria chào đón Ngôi Lời vào trong chính thân xác của mình và như thế dấn thân vào sứ mạng cao cả nhất từng được giao phó cho một phụ nữ, cho một con người. Mẹ đặt mình vào việc phục vụ.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy học nơi Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế và Mẹ của chúng ta, để chúng ta được Lời Chúa mở tai, để đón nhận và gìn giữ Lời Chúa, để Lời Chúa biến đổi tâm hồn chúng ta thành nhà tạm nơi Người hiện diện, thành ngôi nhà hiếu khách làm gia tăng niềm hy vọng. Cảm ơn anh chị em!

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.