Tình thân hữu nơi tuyến đầu

 
Tình thân hữu nơi tuyến đầu

TGPSG — Đời người cần giữa trần gian / Một ‘tình thân hữu’ đầy tràn yêu thương…

Nếu không có đại dịch này, thì chắc chắn tôi sẽ không có những trải nghiệm thực tế khiến tôi chạm tới được nơi sâu thẳm tâm hồn của những con người đang rơi vào vực tối khủng khiếp nhất của kiếp người. Có những niềm vui, nỗi buồn mà người ta đã cất giấu trong tâm hồn từ rất lâu. Và tôi chỉ thấu cảm được những nỗi niềm ấy của họ khi tôi ra khỏi chốn an toàn của bản thân, của cộng đoàn. Nếu không, tôi cũng chỉ mơ hồ qua nội dung của những bài báo xa vời.

Nhìn lại thời gian đi làm thiện nguyện và phục vụ bệnh nhân covid nơi tuyến đầu, tôi đã cảm nghiệm được rất nhiều tình thương qua từng người tôi có dịp tiếp xúc. Dù chỉ phục vụ ở đây vỏn vẹn trong 2 tháng 5 ngày, nhưng tôi đã được chia sẻ công việc của 3 khoa khác nhau. Mỗi lần chia tay mọi người trong khoa này để đến làm việc trong một khoa khác, tôi có đôi chút lưu luyến, thế nhưng đó lại là một dịp mới để tôi có thể tiếp xúc thêm nhiều người hơn trong khoa mới, từ đội ngũ y bác sĩ khác, cho đến các tình nguyện viên và các bệnh nhân khác. Tôi càng cảm nghiệm thêm rằng: không ai sống sót một mình, và luôn cần có thêm nhiều người trong cuộc đời…

Thật vậy, tôi đã thấy rõ hơn tình thương mà các bác sĩ dành cho bệnh nhân trong một buổi tối nọ – khi một bệnh nhân có triệu chứng trở nặng. Tất cả các bác sĩ trong khoa chạy vội vào, mỗi người mỗi việc, chỉ mong muốn giúp cho bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Lúc chỉ số oxy đã giảm đáng kể, một bầu khí vô cùng ảm đạm bao trùm trên nét mặt căng thẳng của những con người đang cảm thấy bất lực với ca bệnh này. Cùng lúc ấy, một bác sĩ vội vã gọi điện thoại cho một bác sĩ khác để xin được tư vấn. Đầu dây bên kia là một vị bác sĩ đang dùng bữa qua loa ở căn tin trong bệnh viện. Khi nghe tin, vị bác sĩ ấy đã bỏ dở bữa cơm, nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, chạy vội tới tiếp tay cho đồng đội của mình. Sau khoảng 25 phút, khi bệnh nhân đã tạm qua khỏi lưỡi hái tử thần thì cũng là lúc các y bác sĩ thở phào. Thế đấy, đúng là tình yêu bắc những nhịp cầu và chúng ta được sinh ra cho tình yêu [1]. Chỉ có tình yêu thương mới thôi thúc các y bác sĩ làm được những điều ấy.

Tôi có dịp được làm việc chung với rất nhiều tình nguyện viên, trong đó có linh mục, tu sĩ, phật tử… Tất cả đều cho tôi có cơ hội để ‘hiểu được điều tôi chưa hiểu’ và ‘biết được điều tôi chưa biết’. Nhưng có lẽ người để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất vẫn là một thầy đan sĩ sống đời chiêm niệm.

Vị đan sĩ có vóc dáng gầy gò trong bộ đồ bảo hộ kín mít; trước áo có hàng chữ: một bên ghi Giêsu, một bên viết Maria; đằng sau áo ghi Micae và một thánh giá. Thầy tận dụng dây thở đã hết sử dụng được để làm dây đeo, gắn vào một cái túi tự chế – trong túi đó là cả một kho tàng: những tràng chuỗi, máy nghe các bài giảng, thuốc chống hăm, nước thánh, dầu thánh Giuse…

Trên tay thầy còn có máy massage và chiếc tông đơ cắt tóc. Khi đã hoàn tất những việc trong khoa, thầy thường đi vào các phòng bệnh để hỏi xem ai có nhu cầu cắt tóc, cạo râu, hoặc đấm bóp, và không quên có những lời dí dỏm khiến cho bệnh nhân vơi bớt đi mệt nhọc, khó chịu…

Với kinh nghiệm của người đã từng đi giúp các bệnh nhân, thầy đã chỉ cho tôi cách rửa vết thương của những người nằm lâu ngày bị lở loét. Thầy nhẫn nại ghé tai mình sát mặt bệnh nhân để nghe xem bệnh nhân muốn nói gì. Có người thường sáng lên niềm vui trong ánh mắt khi thấy thầy đến. Nhìn thầy kiên nhẫn tập cho người này co duỗi chân tay, và cùng đọc với họ những câu kinh quen thuộc “Kính mừng Maria… Thánh Maria”, tôi thầm cảm phục. Theo cảm nghĩ của tôi thì đó chính là ‘tình thân hữu’ giữa người với người, và chỉ có người mang trái tim nhân hậu mới làm được những điều bình thường nhưng cao quý như vậy.

“Trong một xã hội băng hoại đang quay lưng lại với đau khổ và hoàn toàn mù tịt với việc chăm lo cho người đau yếu và dễ bị tổn thương [2], tất cả chúng ta được mời gọi như người Samari nhân hậu, trở thành người thân cận với tha nhân [3], bằng việc vượt qua những rào cản lịch sử và văn hóa.”

Vâng, dường như các tôn giáo cũng xích lại gần nhau hơn, khi mà các sư cô chia sẻ từng hộp sữa, từng bịch bánh cho các sơ cùng phòng nghỉ với tôi, rồi cùng ngồi uống trà.

Trong lần chia tay giữa các tình nguyện viên tu sĩ Công Giáo và Phật Giáo, hai bên đã chia sẻ về đời sống tôn giáo của mình và cùng chung chia bữa ăn thắm đượm tình yêu, cùng ngồi với nhau để hát lên những bài hát riêng của mỗi tôn giáo. Không có sự phân biệt tuổi tác, chức sắc hoặc tôn giáo… Tất cả cùng nhìn về một hướng: đó là phục vụ trong yêu thương.

Thời gian phục vụ trong bệnh viện đã dần khép lại. Rồi đây tôi sẽ trở về với cuộc sống của mình. Cám ơn tất cả mọi người: các y bác sĩ, các tình nguyện viên tu sĩ và các bệnh nhân đã hiện diện, cùng đồng hành với tôi trong bước đường đã qua. Cảm ơn mọi người đã cho tôi cảm được và thấy được ‘tình thân hữu’ giữa người với người, đã cho tôi thấy cuộc sống này thật mong manh…

Tôi đã trải nghiệm được những vui buồn, sướng khổ trong cuộc sống, tựa như bản nhạc có nốt lặng, nốt trắng, xen kẽ với những nốt móc kép, để tạo nên những cung bậc và trường độ khác nhau cho cuộc đời. 

Thời gian không thể quay trở lại, nhưng kỉ niệm này tôi sẽ mãi khắc ghi, và sẽ là hành trang để tôi tiến bước trên con đường dâng hiến.

Cảm ơn mọi người đã cho tôi những trải nghiệm mới trong cuộc sống, trải nghiệm của ‘tình thân hữu nhân loại’, khi chúng ta đã sống với nhau như anh chị em ruột thịt trong một hoàn cảnh và một thời điểm vô cùng khắc nghiệt của đại dịch:

Tạ ơn Thiên Chúa thương ban
Tình yêu thân hữu chứa chan giữa đời…

Bích Huyền – MTG Đà Lạt (TGPSG)