Phát biểu tại cuộc họp, Đức ông John Putzer nói đây là buổi gặp gỡ của những người có truyền thống đức tin đa dạng, những người có chung mối quan tâm và niềm tin rằng qua đối thoại chân thành, sự phong phú của niềm tin có thể tác động tích cực đến thế giới.
Đi từ tình hình thực tế của thế giới với nhiều cuộc khủng hoảng, vị đại diện Toà Thánh nhận định rằng các cuộc khủng hoảng toàn cầu cho thấy giới hạn của hệ thống đa phương và đã chứng minh rõ ràng rằng chúng ta không thể được cứu một mình, và những thách đố lớn của thời đại đều mang tính toàn cầu. Thật không may, trong khi cần phải hợp tác để giải quyết những thách đố này, thì các cuộc thảo luận ở các tổ chức quốc tế thường xuyên bị “chiếm đoạt” bởi lợi ích quốc gia và chính trị. Do đó, thay vì tìm kiếm sự đồng thuận qua đối thoại, hoạt động của các tổ chức này lại bị chặn bởi sự phân cực ngày càng tăng.
Đây là lý do tại sao trong bài phát biểu đầu năm trước ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi đổi mới hệ thống đa phương: “Cuộc xung đột hiện nay ở Ucraina đã làm cho cuộc khủng hoảng từ lâu đã ảnh hưởng đến hệ thống đa phương trở nên rõ ràng hơn, hệ thống này cần phải suy nghĩ lại nếu muốn đáp ứng một cách thỏa đáng những thách đố của thời đại chúng ta. Điều này đòi hỏi một cuộc cải tổ các cơ quan để có thể hoạt động hiệu quả, có thể thực sự là đại diện cho các nhu cầu và sự nhạy cảm của mọi người, và tránh các thủ tục gây thêm gánh nặng và phương hại cho một số. Vấn đề không phải là tạo ra các liên minh, nhưng là tạo cơ hội cho mọi người trở thành đối tác trong cuộc đối thoại”.
Theo Đức ông John Putzer, các tôn giáo có một vai trò quan trọng trong việc giải quyết thoả đáng cuộc khủng hoảng đa phương. Bởi vì các giá trị tôn giáo là các giá trị của con người, và nơi mà các truyền thống đức tin làm chứng một cách xác thực cho các niềm tin và nguyên tắc của họ, thì họ có thể đóng một vai trò quan trọng và bổ sung cho nhau trong việc giải quyết các khiếm khuyết của hệ thống đa phương.
Như Đức Thánh Cha đã lưu ý tại Đại hội lần thứ VII các lãnh đạo tôn giáo và truyền thống: “Tôn giáo không phải là vấn đề, nhưng là một phần của giải pháp để chung sống hài hòa hơn. Thực tế, việc tìm kiếm siêu việt và giá trị thánh thiêng của tình huynh đệ có thể truyền cảm hứng và soi sáng những lựa chọn cần thực hiện trong bối cảnh khủng hoảng địa chính trị, xã hội, kinh tế, sinh thái. Vì vậy, chúng ta cần tôn giáo để đáp ứng cơn khát hòa bình của thế giới và khát khao cái vô hạn đang cư ngụ trong tâm hồn mỗi người”. (CSR_680_2023)