Toà Thánh: Du lịch phải gắn liền với công lý và tôn trọng thụ tạo

Nhân Ngày Du lịch Thế giới lần thứ 46, với chủ đề “Du lịch và chuyển đổi bền vững”, được tổ chức vào 27/9/2025, Bộ Loan báo Tin Mừng đã gửi một sứ điệp trong đó nhấn mạnh rằng ngành du lịch phải thể hiện sự công bằng và tôn trọng thụ tạo, và trong Năm Thánh này, Toà Thánh mời gọi ngành du lịch bày tỏ niềm hy vọng Kitô giáo.
 

Vatican News

Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Trưởng phân bộ thứ nhất của Bộ Loan báo Tin Mừng viết trong sứ điệp: “Trước tình trạng di chuyển toàn cầu, việc sử dụng các nguồn lực là cần thiết, nhưng điều này gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe con người và thiên nhiên. Điều này kêu gọi những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải tìm ra các giải pháp tôn trọng tính bền vững của môi trường”.

Theo ngài, chúng ta không thể bỏ qua tác động to lớn đến các mối quan hệ mà ngành du lịch mang lại, và điều này trở nên sâu sắc hơn khi điểm đến là một nơi thánh thiêng. Thực vậy, tại các đền thánh, chúng ta có thể được bồi dưỡng tinh thần, đồng thời cũng có thể chú ý đến thiên nhiên xung quanh. Như khi chiêm ngắm thác nước, chúng ta phải nhớ rằng nước không phải là tài sản riêng của mỗi người, nhưng là một món quà được ban tặng, và vì vậy cần được tôn trọng và bảo vệ. Theo nghĩa này, cần phải áp dụng lối sống khôn ngoan hơn trong việc sử dụng hằng ngày tài nguyên này. Cần có sự cam kết của tất cả mọi người, đặc biệt là các Kitô hữu, những người nhận ra nơi thiên nhiên biểu hiện của một kế hoạch đầy yêu thương và chân lý.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng trải nghiệm du lịch cũng làm nổi bật vấn đề công lý. Việc gia tăng số du khách tất yếu phải đi đôi với việc mở rộng các dịch vụ dành cho họ. Tuy nhiên, cần cảnh giác với những hành vi đầu cơ, chỉ nhắm đến lợi nhuận, và cả với thái độ của một số người – khi đối diện với sự gia tăng dịch vụ – lại phản ứng bằng cách đóng cửa, từ chối tiếp nhận du khách. Tình trạng quá tải ở một số địa điểm du lịch đặt ra những vấn đề nghiêm trọng, nhưng có thể phòng ngừa được nhờ các biện pháp thích hợp và tận dụng những công cụ mà công nghệ mang lại. Đây chính là những biện pháp bảo vệ mà ngay cả du khách cũng mong muốn.

Đối với nhân viên phục vụ trong ngành du lịch, cần đảm bảo cho họ mức lương công bằng. Một nền công lý đích thực sẽ là nền tảng giúp chống đói nghèo và hỗ trợ con người phát huy khả năng lao động của mình.

Trong sứ điệp, Bộ Loan báo Tin Mừng nhắc nhở rằng cộng đoàn Kitô hữu cũng tham gia vào lĩnh vực du lịch thông qua việc đón tiếp khách hành hương và du khách. Vì thế, Toà Thánh mời gọi mọi người giữ cho các đền thánh vẫn luôn là “những không gian thánh thiêng đích thực, nơi tâm hồn được an ủi và con người được khơi gợi suy tư về những câu hỏi nền tảng của đời người, qua sự thinh lặng, cầu nguyện và đối thoại với những người của Thiên Chúa, để từ đó xây dựng một tương lai khác biệt.

Cuối cùng, sứ điệp bày tỏ hy vọng Năm Thánh sẽ mang lại những dấu chỉ hy vọng bằng cách đầu tư vào việc sử dụng tài nguyên một cách bền vững, và thông báo về Đại hội Mục vụ Du lịch Thế giới lần thứ IX, sẽ được tổ chức tại Roma từ ngày 16 đến 19/10, một “dịp quan trọng để cùng nhau suy tư về những chủ đề này và về sứ vụ mà Giáo hội muốn thực hiện, để du lịch cũng có thể phát triển như một công cụ loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người.