Vatican News
Mở đầu bài phát biểu Đức Tổng Giám Mục nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô khi mời gọi thế giới học hỏi từ những người bị ảnh hưởng bởi các vụ thử hạt nhân. Họ là “những tiếng nói ngôn sứ”, kêu gọi “gia đình nhân loại đánh giá cao hơn vẻ đẹp, tình yêu, sự hợp tác và tình huynh đệ, đồng thời nhắc nhở thế giới về những nguy cơ của vũ khí hạt nhân có khả năng hủy diệt chúng ta và nền văn minh”.
Tiếp đến, Đại diện Toà Thánh đề cập đến vụ thử nổ hạt nhân đầu tiên cách đây 78 năm ở New Mexico. Sự kiện này đã khởi đầu một cuộc chạy đua vũ trang với việc thử nghiệm các thiết bị hạt nhân trong suốt thế kỷ 20. Những cuộc thử nghiệm này đã gây ra những tác hại nghiêm trọng, bao gồm việc di dời, các vấn đề sức khỏe của nhiều thế hệ, thức ăn và nước uống bị nhiễm độc cũng như sự phá vỡ mối tương quan tinh thần của con người với trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Những tác động này đã ảnh hưởng không tương xứng đến người dân bản địa, phụ nữ và trẻ em, những người nhận được rất ít sự trợ giúp. Thật không may, việc nối lại thử hạt nhân vẫn có thật. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc chạy đua vũ trang và làm suy giảm an ninh quốc tế.
Để đối phó với nguy cơ đó, Toà Thánh ủng hộ các nỗ lực thực hiện Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, đó là đỉnh cao của nhiều thập kỷ nỗ lực cấm thử hạt nhân, bắt đầu từ năm 1963, với Hiệp ước cấm thử hạt nhân có giới hạn.
Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia kết thúc bài phát biểu nhắc lại rằng Tòa Thánh luôn ủng hộ việc gia tăng cấm thử nghiệm chất nổ hạt nhân được quy định trong Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân thông qua các nghĩa vụ tích cực của nó, liên kết lệnh cấm với mục tiêu cơ bản hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, vũ khí hạt nhân “không thể là nền tảng cho đạo đức của tình huynh đệ”. (CSR_3296_2023)