Toàn văn Sứ điệp của ĐTC nói với thính giả đài BBC nhân Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26

 Ngày 29/10/2021, qua chuyên mục Thought of Day của BBC, Đức Thánh Cha gởi một sứ điệp video nhân Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 tại Glasgow. Trong sứ điệp ngài mời gọi các thính giả kết hợp các nỗ lực để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta với ý thức chia sẻ trách nhiệm và liên đới dựa trên công bằng.
 

“Quý thính giả đài BBC thân mến, chào quý vị!

Biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 đã phơi bày sự dễ bị tổn thương của chúng ta và tạo nên vô số nghi ngờ và lo lắng về các hệ thống kinh tế và cách thế chúng ta tổ chức xã hội của chúng ta.

Chúng ta đã mất cảm giác an toàn và đang cảm thấy bất lực và không thể kiểm soát cuộc sống của mình.

Chúng ta thấy mình ngày càng yếu hơn và thậm chí là sợ hãi, bị mắc kẹt trong một chuỗi những khủng hoảng trong lĩnh vực sức khoẻ, môi trường, cung ứng thực phẩm và kinh tế; đó là chưa kể đến các khủng hoảng xã hội, nhân đạo và đạo đức. Tất cả những khủng hoảng này liên kết với nhau cách chặt chẽ. Chúng cũng dự báo một “cơn bão hoàn hảo” có thể phá vỡ các mối liên kết đang kết nối xã hội của chúng ta lại với nhau trong món quà quý giá của công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Mọi cuộc khủng hoảng đều đòi hỏi tầm nhìn, khả năng hình thành kế hoạch và nhanh chóng áp dụng chúng, suy nghĩ lại về tương lai của thế giới, ngôi nhà chung của chúng ta và đánh giá lại mục đích chung của chúng ta.

Những cuộc khủng hoảng này cho chúng ta thấy cần phải đưa ra quyết định, những quyết định triệt để mà không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đồng thời những lúc khó khăn như thế này cũng mang lại những cơ hội, mà chúng ta không được lãng phí.

Chúng ta có thể đương đầu với những cuộc khủng hoảng này bằng cách rút lui vào trong chủ nghĩa cô lập, bảo hộ và bóc lột; hoặc chúng ta có thể thấy nơi chúng một cơ hội thực sự để thay đổi, một thời khắc thật sự để hoán cải, và không chỉ theo nghĩa thiêng liêng.

Chỉ riêng cách tiếp cận cuối cùng này có thể dẫn chúng ta đến một chân trời tươi sáng hơn. Tuy nhiên nó chỉ có thể được theo đuổi thông qua một ý thức đổi mới về trách nhiệm chung đối với thế giới của chúng ta, và một sự liên đới hiệu quả dựa trên công bằng, một ý thức về vận mệnh chung và nhìn nhận sự thống nhất của gia đình nhân loại trong kế hoạch Thiên Chúa dành cho thế giới.

Tất cả điều này thể hiện một thách đố lớn về văn hoá. Nó có nghĩa là ưu tiên cho lợi ích chung, và nó đòi hỏi sự thay đổi về quan điểm, một cách nhìn mới, trong đó phẩm giá của mọi người, bây giờ và trong tương lai, sẽ hướng dẫn cách suy nghĩ và hành động của chúng ta.

Bài học quan trọng nhất mà chúng ta có thể rút ra từ những cuộc khủng hoảng này là chúng ta cần phải cùng nhau xây dựng, để không còn bất kỳ biên giới, rào cản hay bức tường chính trị nào để chúng ta ẩn náu đằng sau. Như chúng ta biết, chúng ta không bao giờ vượt qua khủng hoảng một mình mà không có người khác.

Cách đây vài ngày, ngày 4 tháng 10, tôi đã gặp các lãnh đạo tôn giáo và các nhà khoa học để ký một Lời Kêu gọi Chung, trong đó chúng tôi đã kêu gọi chính chúng tôi và các nhà lãnh đạo chính trị hành động cách có trách nhiệm và nhất quán hơn. Tôi được đánh động bởi điều mà một nhà khoa học đã trình bày trong cuộc gặp gỡ đó. Ông nói với tôi: “Đứa cháu gái của tôi mới sinh, trong 50 năm nữa sẽ phải sống trong một thế giới không thể sống được, nếu mọi sự cứ tiếp tục như thế này”.

Chúng ta không được để cho điều này xảy ra!

Điều thiết yếu là mỗi chúng ta phải cam kết thực hiện sự thay đổi khẩn cấp đường hướng này, được hỗ trợ bởi đức tin và tâm linh của chúng ta. Trong Lời kêu gọi chung, chúng tôi đã đề cập đến sự cần thiết phải làm việc có trách nhiệm hướng tới một “văn hóa chăm sóc” cho ngôi nhà chung của chúng ta, nhưng cũng cho chính chúng ta, và sự cần thiết phải làm việc không mệt mỏi để loại bỏ “mầm mống của những mâu thuẫn: tham lam, thờ ơ, thiếu hiểu biết, sợ hãi, bất công, bất an và bạo lực”.

 Trước đây, nhân loại chưa bao giờ có nhiều phương tiện để đạt được mục tiêu này thế này. Các nhà hoạch định chính trị, sẽ gặp nhau tại COP26 ở Glasgow, được triệu tập khẩn cấp để đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay và bằng cách này, mang lại hy vọng cụ thể cho các thế hệ tương lai. Và cũng cần nhắc lại rằng mỗi chúng ta – bất cứ ai trong chúng ta và ở bất cứ nơi đâu – đều có thể đóng góp vai trò của mình trong việc thay đổi phản ứng của tập thể trước mối đe dọa chưa từng có của biến đổi khí hậu và sự xuống cấp của ngôi nhà chung của chúng ta.