Cha Canetta nói với hãng tin Fides: “Có một tiền lệ lịch sử quan trọng đáng ghi nhớ, khi Thánh Gioan Phaolô II, không quan tâm đến những ý kiến trái chiều của nhiều người, quyết định đến Kazakhstan, 11 ngày sau vụ tấn công Tháp Đôi ở New York. Tôi cũng nhớ với sự xúc động khi thấy sự đón tiếp Đức Giáo Hoàng của một dân tộc, trong đó người Công giáo là một nhóm thiểu số, một dân tộc vô cùng ngạc nhiên khi trở thành chứng tá đặc biệt của một sự kiện hoà bình mà ít ai ngờ tới”.
Cha nói tiếp: “Hôm nay, một lần nữa, một vị Giáo hoàng đến thảo nguyên, nhân một đại hội liên tôn lớn để cho thấy rằng hòa bình là có thể. Ở vùng đất này có rất nhiều vấn đề và cả những vấn đề chính trị, xã hội, như những sự kiện cách đây vài tháng đã cho thấy, nhưng có khả năng hòa bình”.
Nhà truyền giáo nhắc lại, ở Kazakhstan, một dân tộc gồm hơn 100 sắc tộc khác nhau đang sinh sống: “Một vùng đất từng là nơi diễn ra những cuộc trục xuất lớn của chủ nghĩa Stalin, đang đấu tranh để tìm ra con đường riêng cho dân chủ và bất chấp mọi thứ, sống trong hòa bình. Và nếu có những căng thẳng giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo, giữa người Kazakhstan và người Nga, thì cũng có những người thích con đường chung sống hòa bình”.
Cha Canetta nhận xét: “Trong ngôn ngữ Kazakhstan không có một thuật ngữ duy nhất cho cụm từ ‘hy vọng’: có ba từ và tất cả đều liên quan đến chủ đề của con đường. ‘Damiè’ có nghĩa là hy vọng theo nghĩa của một cái gì đó đẹp, tốt. Đó là hương vị báo trước của một điều tốt đẹp mà người ta mong đợi khi kết thúc một hành trình mệt mỏi. ‘Medeu’ có nghĩa là hy vọng trong ý nghĩa về một người mà bạn có thể tin tưởng trên đường đi. Sau cùng, ‘senim’ chỉ hy vọng là sự tin tưởng, do đó cũng là niềm tin: hy vọng chắc chắn rằng con đường sẽ dẫn đến một điểm đến, không chỉ đẹp và tốt nhưng theo một cách nào đó, còn chắc chắn. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm chứng cho niềm hy vọng trong chuyến tông du của ngài. Không chỉ Ucraina cần niềm hy vọng ba lần này, mà cả thế giới đều cần”