Trí tuệ nhân tạo cũng tác động trực tiếp lên tác vụ linh mục, vì thế một trong những đề tài được bàn thảo sôi nổi hiện nay là Trí tuệ nhân tạo và giảng thuyết. Xem ra anh em Tin Lành bàn luận về đề tài này nhiều hơn, có lẽ vì Hội Thánh Tin Lành tập trung vào Kinh Thánh (Sola Scriptura)…
Từ một năm nay, trí tuệ nhân tạo là đề tài nóng không chỉ ngoài đời mà cả trong đạo. Sứ điệp của Đức giáo hoàng Phanxicô cho Ngày Hòa bình thế giới lần thứ 57 là Trí tuệ nhân tạo và Hòa bình; Sứ điệp của ngài cho Ngày thế giới truyền thông lần thứ 58 là Trí tuệ nhân tạo và sự khôn ngoan của trái tim: hướng đến nền truyền thông mang trọn tính nhân văn. Chưa hết, trong bài phát biểu tại Hội nghị G7 ngày 14/6/2024 ở Borgo Egnazia, Đức giáo hoàng nói về những hệ quả của trí tuệ nhân tạo trên tương lai của nhân loại; rồi trong Sứ điệp mới đây gửi cho Hội nghị tại Hiroshima từ 9-10/7/2024, ngài nói về Đạo đức trí tuệ nhân tạo vì Hòa bình.
Trí tuệ nhân tạo cũng tác động trực tiếp lên tác vụ linh mục, vì thế một trong những đề tài được bàn thảo sôi nổi hiện nay là Trí tuệ nhân tạo và giảng thuyết. Xem ra anh em Tin Lành bàn luận về đề tài này nhiều hơn, có lẽ vì Hội Thánh Tin Lành tập trung vào Kinh Thánh (Sola Scriptura). Phía bên Công giáo, tuy ít hơn nhưng không phải là không quan tâm, chẳng hạn trong tạp chí Homiletic and Pastoral Review (hprweb.com) mới đây có bài viết của Pedro Vega, Are AI-Generated Homilies Suitable for the Edification and Flourishing of the Catholic Faithful. Câu hỏi đặt ra là có nên nhờ trí tuệ nhân tạo soạn giảng không?
Đức Cha Phêrô giảng lễ
Đối diện với câu hỏi này, có hai lập trường khác nhau.
Một số người ủng hộ mạnh mẽ vì lập luận rằng dùng trí tuệ nhân tạo cũng giống như sử dụng những phương tiện truyền thống như đọc sách bài giảng, chú giải, hoặc các phương tiện thời công nghệ như email, smartphone, google…Sử dụng trí tuệ nhân tạo lại có lợi thế lớn là có kết quả rất nhanh, nhiều khi còn hay hơn, văn vẻ hơn, nhiều ý tưởng hơn. Cách đây ít tháng, Đức cha Viên giới thiệu cho tôi cách dùng trí tuệ nhân tạo. Ngài đánh một yêu cầu (dĩ nhiên bằng tiếng Anh) là soạn giảng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chỉ trong ít giây, đã xuất hiện 5 bài giảng!!! Đối với tôi là kẻ dốt nát về công nghệ kỹ thuật số, quả là ngỡ ngàng.
Nghe hấp dẫn thật nhưng không phải ai cũng ủng hộ vì nhiều lý do. Trí tuệ nhân tạo có thể tạo các văn bản – trong đó có bài làm của các sinh viên, bài giảng của linh mục, bài báo của phóng viên… dựa vào các thuật toán. Trí tuệ nhân tạo được thiết kế để thu thập các dữ liệu từ mạng internet và các nguồn kỹ thuật số khác. Dựa trên thiết kế đó, nó có thể sản xuất các văn bản theo yêu cầu của người sử dụng. Vấn đề là ở chỗ bản văn đó không phải do một người nào đó soạn, nhưng là máy soạn bằng cách thu thập và nối kết các dữ liệu.
Các thuật toán trên không tự mình mà có nhưng cũng là do con người nghiên cứu và viết ra, và trong tư cách một con người, họ viết dựa trên một hệ giá trị nào đó (của cá nhân hay theo yêu cầu của công ty) về nhân học và đạo đức, không hẳn phù hợp với tầm nhìn của Tin Mừng. Vì thế một tác giả viết: “Một bài giảng do trí tuệ nhân tạo soạn ra là sự công bố Tin Mừng được Thung lũng điện tử (Silicon Valley) chế biến và chấp thuận. Hiển nhiên là chúng ta không nên dính dáng gì vào chuyện đó”.
Tôi không rành về kỹ thuật, chỉ chia sẻ một cách nhìn vấn đề từ hai góc độ. Thứ nhất, từ góc độ người giảng Lời Chúa. Giảng không chỉ là cung cấp kiến thức như sinh viên viết bài nghiên cứu, nhưng là phục vụ cuộc đối thoại sống động giữa Thiên Chúa và con người (x. Gaudium Evangelii). Để làm được điều này, trước hết chính người giảng phải tiếp cận, lắng nghe Lời Chúa: “Vị giảng thuyết phải là người đầu tiên được thúc bách bởi Lời Thiên Chúa mà ngài loan báo, vì như thánh Augustino nói: Người giảng dạy Lời Thiên Chúa bên ngoài mà không nghe Lời ấy ở bên trong thì không thể mang lại hoa trái” (Verbum Domini, 59). Chính vì thế, việc học hỏi Lời Chúa là một phần trong công việc Chúa kêu gọi chúng ta làm; đó không chỉ đơn thuần là phương tiện được dùng để đạt đến mục đích. Nói cho cùng, một trong những mục đích của giảng thuyết là việc chính chúng ta gặp gỡ Lời Chúa và được biến đổi. Cho nên thi hành tác vụ giảng Lời Chúa không chỉ là lúc chúng ta đứng ở tòa giảng, nhưng còn là toàn bộ quá trình cầu nguyện, lắng nghe, suy nghĩ, viết bài giảng.
Thứ hai, nếu dùng trí tuệ nhân tạo cách thụ động, e rằng linh mục có nguy cơ tự làm nghèo bản thân: nghèo tri thức vì không học hỏi thêm, nghèo thiêng liêng vì không trực tiếp gặp gỡ Lời Chúa, nghèo mục vụ vì không liên kết Lời Chúa với cộng đoàn mình đang phục vụ. Hơn nữa, nếu bài giảng đó do máy soạn, làm sao chúng ta có thể nói từ trái tim mình, nói với niềm xác tín? Một tác giả chia sẻ: “Khi tôi giảng, chính tôi chứ không phải người nào khác đang nói. Tôi giảng từ trái tim và từ cuộc đời mình. Trong ân sủng của Ngài, Thiên Chúa nói qua tôi, nhưng tôi vẫn là trung gian, là bình sành dễ vỡ và mong manh nhưng chứa đựng quyền năng Thiên Chúa”.
Thứ ba, từ góc độ người nghe. Giảng luôn luôn là giảng cho một cử tọa nào đó. Vì thế một đàng người giảng phải lắng nghe Lời Chúa, đàng khác phải lắng nghe cộng đoàn mà ta nói với họ: “Vị giảng thuyết phải chú tâm lắng nghe dân chúng để khám phá điều gì họ cần được nghe. Vị giảng thuyết vừa là nhà chiêm niệm Lời Chúa, vừa chăm chú vào giáo dân” (Evangelii gaudium, 154). Cũng một bản văn Kinh Thánh đó thôi nhưng cử tọa rất khác nhau, không thể có bài giảng dọn sẵn cho mọi người, mọi nơi, mọi thời…
Để kết luận, xin mượn suy tư của Pedro Vega: “Các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ người giảng trong việc nghiên cứu, sắp xếp và soạn bài giảng. Tuy nhiên người giảng vẫn phải là tác giả chính của bài giảng, hình thức cũng như nội dung bài giảng phải phát xuất từ việc cầu nguyện và chiêm niệm của người giảng. Mấu chốt ở đây là tránh sự dối trá (dùng bài giảng do máy soạn mà lại tạo cảm giác là của mình), làm sai lạc ý nghĩa của công việc thánh thiêng nhằm phục vụ Dân Chúa” (Are AI-Generated Homilies Suitable for the Edification and Flourishing of the Catholic Faithful).
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net