WHĐ (03.09.2023) – Hôm 31. 08. 2023, Đức Tổng Giám Mục Gabriele Giordano Caccia, Sứ thần và Quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại Liên Hiệp Quốc, đã có bài phát biểu tại Diễn đàn cấp cao của Liên Hiệp Quốc về Văn hóa Hòa bình với chủ đề “Thúc đẩy văn hóa hòa bình trong kỷ nguyên kỹ thuật số”, được nhóm họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ.
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Gabriele Giordano Caccia:
TUYÊN BỐ CỦA TÒA THÁNH
tại Diễn đàn cấp cao của Liên Hiệp Quốc về Văn hóa Hòa bình
với chủ đề: “Thúc đẩy Văn hóa Hòa bình trong Kỷ nguyên Kỹ thuật số”
New York, ngày 31.08.2023
Kính thưa ngài Chủ tịch,
Phái đoàn của tôi hoan nghênh việc tổ chức Diễn đàn cấp cao năm nay với chủ đề: “Thúc đẩy Văn hóa Hòa bình trong Kỷ nguyên Kỹ thuật số”.
Trong những năm gần đây, tiến bộ kỹ thuật số đã mang lại những cơ hội và thách đố đáng kể cho nỗ lực cơ bản nhằm thúc đẩy văn hóa hòa bình. Chính vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và Hòa bình” cho Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 57, mời gọi mọi người khám phá công nghệ có thể thúc đẩy hòa bình ra sao, cũng như cách để ngăn chặn việc lạm dụng công nghệ, vốn có thể gây ra bất công, xung đột, và đối kháng.
Trình bày tại Diễn đàn cấp cao này, phái đoàn của tôi muốn tập trung vào hai lãnh vực cụ thể.
Trước hết, công nghệ kỹ thuật số có tác động sâu rộng đến giáo dục. Kỹ thuật số có thể là công cụ thúc đẩy các giá trị và mục tiêu của một nền văn hóa hòa bình, nhưng việc quá phụ thuộc vào chúng có nguy cơ biến giáo dục thành hàng hóa, hạ thấp giáo dục thành một công cụ để truyền tải kiến thức kỹ thuật, và tước đi yếu tố thiết yếu của con người. Tuyên ngôn về Văn hóa Hòa bình nêu rõ “vai trò then chốt trong việc thúc đẩy văn hóa hòa bình thuộc về cha mẹ, giáo viên, chính trị gia, nhà báo, tổ chức tôn giáo, và các nhóm […]”. Thật vậy, chính trong những cộng đồng này mà trí tuệ và tinh thần, đặc biệt là của giới trẻ, được hình thành. Nơi những cộng đồng này, con người nhận được sự đào tạo toàn diện “trong đối thoại, gặp gỡ, xã hội, phạm vi pháp lý, liên đới và hòa bình, qua việc vun trồng các đức tính căn bản về công bằng và bác ái”.
Thứ đến, công nghệ kỹ thuật số có vai trò quan trọng trong việc truyền bá nền “văn hóa gặp gỡ, đối thoại, và lắng nghe người khác cũng như lý lẽ của họ”. Những sáng kiến mới này cho phép các cá nhân thực hiện quyền tự do trong việc đánh giá và bày tỏ quan điểm của mình. Tuy nhiên, quyền này phải được sử dụng một cách có trách nhiệm, vì nhân quyền cũng bao hàm những nghĩa vụ tương ứng. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định gần đây “Niềm hy vọng là thế này: hiện nay, vào thời điểm mà mọi người dường như bình luận về mọi thứ, thậm chí bất chấp sự thật và rất thường ngay cả trước khi am hiểu vấn đề, chúng ta tái khám phá và quay trở lại trau dồi thêm nguyên tắc của tính chính xác [ …]: tính chính xác của sự việc, tính năng động của sự việc vốn không bao giờ ở thể tĩnh mà luôn tiến triển, hướng tới sự thiện hoặc sự ác, để không gặp nguy cơ của việc xã hội thông tin biến thành xã hội thông tin sai lệch”
Tóm lại, việc thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình và một “thế giới tốt đẹp hơn có thể thực hiện được nhờ vào tiến bộ công nghệ, nếu điều này được đi kèm với một nền đạo đức lấy cảm hứng từ tầm nhìn về công ích, một nền đạo đức về tự do, trách nhiệm và tình huynh đệ, có khả năng nuôi dưỡng sự phát triển con người toàn diện trong mối tương quan với người khác và với toàn thể thụ tạo”.